Novaland: Bản án phúc thẩm vụ Vũ “nhôm” không liên quan đến công ty và người nội bộ
Nội dung bản án phúc thẩm vụ Vũ “nhôm” không có bất cứ quyết định nào liên quan đến Novaland và những người nội bộ của công ty.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – NVL) vừa có công văn số 163/2019-CV-NVLG ngày 14/6 về việc công bố bản án mà Novaland là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và những người nội bộ của Novaland là người làm chứng.
Novaland công bố bản án phúc thẩm vụ Vũ “nhôm” không có quyết định nào liên quan đến người nội bộ và công ty này.
Theo đó, trong quá trình xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra từ ngày 10-13/6 tại Hà Nội, người nội bộ của Novaland là ông Bùi Thành Nhơn, ông Bùi Xuân Huy và bà Lương Thị Thu Hương đã được mời tham gia phiên tòa với tư cách là đại diện của bên có quyền và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng để hỗ trợ Hội đồng xét xử làm rõ các tình tiết liên quan.
“Ngày 13/6, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP. Hà Nội đã tuyên bản án phúc thẩm, theo đó, nội dung bản án phúc thẩm không có bất cứ quyết định nào liên quan đến Novaland và những người nội bộ của công ty”, công văn của Novaland đề cập.
Trước đó, TAND Cấp cao ở Hà Nội tuyên án đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”, cựu phó Phòng Biệt phái – Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Bộ Công an) cùng các bị cáo khác trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản TP.HCM và Đà Nẵng.
Theo đó, tòa cấp phúc thẩm y án 15 năm tù đối với Vũ “nhôm”, cộng với bản án trước đó Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mới tuyên 25 năm tù, tổng hình phạt chung là 30 năm tù.
Tại toà phúc thẩm, Vũ “nhôm” một mực cho rằng vô tội vì không có quyền hạn, bản thân chỉ được bổ nhiệm phó phòng vào năm 2016 nhưng các hoạt động mua bán đất diễn ra trước đó. Vũ cũng phân tích thêm việc mua bán đất trong vụ án là giữa các pháp nhân với nhau nên nếu có sai, phải xử lý pháp nhân thay vì xử lý cá nhân Vũ. Nếu có thiệt hại trong việc mua bán, đó là trách nhiệm của bên bán còn công ty của Vũ chỉ biết đáp ứng đủ yêu cầu của bên bán.
Trong khi đó, VKSND Cấp cao vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX bác kháng cáo toàn bộ bản án của Vũ “nhôm”. VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ trong quá trình điều tra và xét xử tại phiên toà cấp sơ thẩm. Bị cáo được tuyển dụng làm tình báo, phó trưởng phòng nhưng lợi dụng công ty bình phong và các văn bản của Bộ Công an để trục lợi khi nhận quản lý, sử dụng 7 lô nhà đất, công sản không qua đấu giá, còn được giảm giá.
Video đang HOT
Theo VTC
Cựu tướng công an có 20% vốn công ty của Vũ 'Nhôm' dù không góp
Chủ tọa khẳng định việc cựu trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn đứng tên thành lập công ty bình phong cùng với Vũ "Nhôm" là trái Luật Doanh nghiệp.
Chiều 10/6, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", cựu Phó trưởng phòng thuộc Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) được đưa trở lại tòa sau khi bị cách ly trong thời gian HĐXX xét hỏi một số bị cáo từng là cấp trên phụ trách trực tiếp của Vũ.
Quá trình thẩm vấn, chủ tọa lần lượt phân tích sai phạm để cho thấy một số lập luận trong đơn kháng cáo của Vũ "Nhôm" là không chính xác.
Cựu trung tướng nói bị Vũ "Nhôm" lợi dụng
Cựu trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn bị tòa sơ thẩm cáo buộc cùng cấp dưới là Nguyễn Hữu Bách (cựu Cục trưởng B61 - Tổng cục Tình báo) giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công. Sau khi nhận 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Tuấn đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trả lời HĐXX, cựu trung tướng Phan Hữu Tuấn khẳng định lời khai của ông tại cơ quan điều tra và tòa sơ thẩm là đúng sự thật. Khi là Cục trưởng B61 vào năm 2009, ông chính là người tuyển Vũ làm tình báo viên.
Ông Tuấn khai đã cùng cấp dưới là Nguyễn Hữu Bách giao nhiệm vụ, chỉ đạo Vũ "Nhôm", tuy nhiên chủ tọa với tài liệu thu thập cho rằng một mình Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo phụ trách Phan Văn Anh Vũ. Từ tháng 9/2015, khi ông Tuấn chuyển công tác, bị cáo Bách mới nhận hồ sơ về tình báo viên Vũ "Nhôm".
Ông Phan Hữu Tuấn (sơmi xanh cộc tay) và các bị cáo trong vụ án. Ảnh: N.H.
Trong phần xét hỏi ông Tuấn, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang dành nhiều thời gian truy vấn về việc bị cáo này sử dụng bí danh là Hoàng Hữu Thân để đứng tên góp 20% vốn tại Công ty Bắc Nam 79 của Vũ "Nhôm", sau đó tiếp tục cùng Trưởng phòng Tình báo Công an Đà Nẵng có tên trong danh sách cổ đông Công ty Nova 79.
"Bị cáo căn cứ quy định nào để đứng tên thành lập doanh nghiệp bình phong" - chủ tọa hỏi.
Ông Phan Hữu Tuấn vừa trả lời "hoạt động tình báo rất phong phú, đa dạng" thì bị chủ tọa cắt lời. Người điều hành phiên phúc thẩm trích dẫn Pháp lệnh tình báo và quy định liên quan cho thấy hoạt động nghiệp vụ công an bắt buộc phải phù hợp pháp luật Việt Nam và nước sở tại. Luật Doanh nghiệp 2005 (sau này là 2014) đều quy định là sĩ quan công an nhân dân không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp.
Ông Tuấn thanh minh rằng việc ông đứng tên cổ đông của Bắc Nam 79 căn cứ quyết định của Cục B61. Tuy nhiên, chủ tọa không coi đây là giải thích hợp lý, đồng thời truy vấn: "Quyết định có đè được Luật Doanh nghiệp không?"
Lúc này, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo thừa nhận việc đứng tên thành lập 2 công ty của Vũ "Nhôm" là trái luật. Ngoài ra, việc bị cáo không góp vốn 20% như trên đăng ký kinh doanh nhưng không khai báo với cơ quan quản lý cũng là một sai phạm mà trách nhiệm chính thuộc về người đại diện pháp luật Phan Văn Anh Vũ.
Hơn 2 giờ xét hỏi, ông Tuấn tỏ ra quanh co về việc Vũ "Nhôm" lợi dụng danh nghĩa bình phong để thâu tóm đất công. Cựu trung tướng tình báo ban đầu khai không biết Vũ "Nhôm" chuyển nhượng đất công nhưng khi bị truy vấn ông lại thay đổi lời khai và xin giải thích sau.
Bị cáo này thừa nhận đã không nghiên cứu các quy định pháp luật khi đề xuất cho Vũ nhận chuyển nhượng, thuê 7 bất động sản ở Đà Nẵng và TP.HCM. "Đến khi bị khởi tố và làm việc với cơ quan điều tra, tôi mới biết tất cả điều đó. Còn tình báo đều tin cán bộ. Khi có kết luận điều tra mới sững sờ. Bản thân cũng có cảm giác bị Vũ lợi dụng", ông Tuấn nói trước tòa.
HĐXX chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vũ "Nhôm"
Quay lại từ phòng cách ly, Phan Văn Anh Vũ khẳng định vẫn giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án. Bị cáo sinh năm 1975 nói toàn bộ lời khai tại tòa sơ thẩm là đúng sự thật. Vũ không hài lòng với cáo trạng quy kết.
Vũ "Nhôm" khai ông Phan Hữu Tuấn khi còn là Cục trưởng B61 đã trực tiếp phụ trách, tuyển dụng bị cáo vào ngành. Cùng thời điểm này, cơ quan tình báo xây dựng tổ chức bình phong là Công ty Bắc Nam 79 và sau đó là Nova 79.
Ngoài tên Phan Văn Anh Vũ, bị cáo có 2 tên khác là Trần Đại Vũ và Lê Văn Sáu để hoạt động nghiệp vụ. Trong những lý do nêu ra khi kêu oan, Vũ "Nhôm" khẳng định công ty luôn hoạt động đúng Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm đã chỉ ra hàng loạt sai phạm mà chính bị cáo phải thừa nhận trước tòa.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa ngày 10/6. Ảnh: N.H.
Đầu tiên là việc hồ sơ đăng ký thành lập công ty chỉ có chữ ký của 2 thành viên. Tuy nhiên, sau này Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ lại gồm 3 cổ đông. Vũ thừa nhận việc này là sai và xin được giải thích tuy nhiên chủ tọa Nguyễn Vinh Quang cho biết đây là phần xét hỏi. Bị cáo sẽ có thời gian nói sâu hơn khi bước sang phần tranh luận.
Ngoài ra, Vũ cũng thừa nhận khi thành lập Công ty Bắc Nam là trái Luật Doanh nghiệp vì thời điểm đó bị cáo Phan Hữu Tuấn và lãnh đạo Phòng tình báo Công an Đà Nẵng đều nằm trong diện không được thành lập doanh nghiệp. Sau này khi thành lập Công ty Nova 79, bị cáo Tuấn và Phan Văn Anh Vũ cũng là sĩ quan công an.
Phân tích để Phan Văn Anh Vũ nhận thức được pháp luật, chủ tọa khẳng định bị cáo "có ít nhất 3 cái sai". Ngoài 2 vấn đề nêu trên, Vũ còn không kê khai trung thực với Sở Kế hoạch - Đầu tư khi ông Phan Hữu Tuấn và lãnh đạo Phòng tình báo Công an Đà Nẵng không góp vốn nhưng lại nắm giữ tỷ lệ % cổ phần nhất định.
Theo thẩm phán, chưa nói đến việc chuyển nhượng trái phép đất công sản, việc Phan Văn Anh Vũ dùng bí danh để tự chuyển nhượng cổ phần công ty cho chính mình (từ Phan Văn Anh Vũ sang Lê Văn Sáu) cũng là hành vi vi phạm pháp luật khiến giao dịch trở nên vô hiệu.
8h sáng mai, HĐXX sẽ xét hỏi đến 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Theo Zing
Cựu Thứ trưởng Công an nói gì về việc chia chác công sản 300 tỷ? Chiều qua (11/6), lên bục thẩm vấn, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành đã trình bày lý do kháng cáo và cũng giải thích rõ khoản bán công sản tại 129 Pasteur (TP.HCM) lấy gần 300 tỷ để làm gì. Bán công sản vì 2 mục đích Trình bày lý do kháng cáo tại Toà án nhân dân (TAND) Cấp...