Nộp phạt trực tiếp cho CSGT: Dân lo bị “làm luật’
Nếu thông qua quy định CSGT được trực tiếp thu tiền từ người vi phạm với mức tiền được thu cao hơn trước, nhiều người dân lo ngại sẽ tạo kẽ hở nảy sinh tiêu cực.
Người dân lo lắng nộp phạt trực tiếp cho CSGT sẽ nảy sinh lạm quyền và làm luật
Bộ Công an đang Dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, theo đó sẽ tăng mức tiền xử phạt tại chỗ cho Cảnh sát giao thông (CSGT) và người có thẩm quyền lên trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức.
Anh Phạm Mạnh Quyết, một lái xe khách Hà Nội – Thái Bình cho biết: “Về việc đưa ra Dự thảo nộp tiền trực tiếp cho lực lượng CSGT qua biên lai, tôi lo lắng càng tăng thêm tình trạng ăn mãi lộ, làm luật của lực lượng làm nhiệm vụ.”
Theo anh Quyết, khi người dân vi phạm luật giao thông thay vì nộp phạt kho bạc, thì nay CSGT đứng ra thu tiền phạt qua biên lai. Trong số những người vi phạm thì bao nhiêu người được phạt qua biên lai hay lại có tình trạng CSGT thu khoản mập mờ ngoài biên lai? Hơn nữa, tình trạng lạm quyền có thể xảy ra khi CSGT tuýt còi các phương tiện đang lưu thông.
Luật sư Lê Ngọc Quang – Văn phòng luật sư Hiền Đoàn cho biết: “Việc cho phép CSGT trực tiếp thu tiền phạt có tác dụng là giảm thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nộp phạt. Tuy nhiên, theo tôi cách làm như thế cũng có nhược điểm…”
Theo Luật sư Quang, theo Điều lệ của ngành công an, CSGT có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phân luồng giao thông, phát hiện vi phạm giao thông… chứ không có công việc là thu tiền của người vi phạm. Như vậy, việc làm này sẽ gây khó khăn trong việc giám sát sự minh bạch.
Video đang HOT
Nếu như cách làm trước đây, người vi phạm cầm biên bản xử phạt, quyết định xử phạt đến kho bạc để nộp tiền thì cán bộ kho bạc sẽ là người làm chứng. Như thế sẽ chuẩn về nguyên tắc thu, chi tài chính.
Còn nếu thực hiện theo Dự thảo mới, rất có thể có những hành vi vi phạm luật giao thông mà người dân sẽ “dấm dúi” đưa tiền cho CSGT để hành vi đó được lờ đi, bỏ ra ngoài biên lai thu tiền phạt. Trước đây đã xảy ra tình trạng này, nay lại tăng mức giới hạn tiền được xử phạt tại chỗ lên thì tình trạng “ngoài luồng” sẽ càng thêm trầm trọng.
Chị Ngọc Anh, ở Hai Bà Trưng cho rằng, việc đưa ra Dự thảo mới sẽ tạo thuận lợi cho người dân đỡ phải đi lại kho bạc Nhà nước nộp phạt. Tuy nhiên, việc này sẽ nảy sinh tình trạng CGST tăng cường lạm quyền hỏi giấy tờ, bắt dừng xe của người dân rồi kiểu gì cũng tìm ra lỗi để phạt. Dù lỗi nhỏ hay lỗi lớn đều sợ bị phạt nhiều tiền, nên người dân sẽ “dấm dúi” đưa cho CSGT để được cho qua… không phải ghi vào biên lai xử phạt.
Nên chăng, Dự thảo chỉ giới hạn ở nơi vùng sâu vùng xa, hoặc đi lại khó khăn, hay vi phạm xảy ra ngoài giờ hành chính, người dân muốn lựa chọn cách nộp phạt trực tiếp cho CSGT thì mới áp dụng phạt trực tiếp. Ngoài các trường hợp trên, người dân vẫn có thể đến kho bạc nộp phạt như trước đây.
Theo Xahoi
Nộp phạt cho CSGT: Vì sao thực hiện lại?
Theo Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT đường bộ, đường sắt, có thể hiểu việc áp dụng biện pháp nộp phạt trực tiếp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân.
Ngày 11/2, phóng viên NTNN trao đổi với thiếu tá Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an), về đề xuất cho người vi phạm giao thông nộp phạt tại chỗ mà báo chí đã thông tin.
Thưa ông, việc người vi phạm giao thông nộp phạt trực tiếp cho CSGT ở những lỗi vi phạm nhỏ trước đây đã được thực hiện nhưng rồi lại bãi bỏ. Tại sao bây giờ Bộ Công an lại đề xuất thực hiện lại?
Thiếu tá Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an)
Ngày trước chúng ta làm ở tất cả mọi miền đất nước, ở một số lỗi vi phạm với mức phạt thấp có thể xé biên lai với các mệnh giá mà kho bạc đã in sẵn như 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng để phạt. Sau khi xé biên lai, CSGT sẽ lưu lại một phần để đưa sang kho bạc đối chiếu nộp lại số tiền đã thu của người vi phạm.
Còn trong dự thảo thông tư lần này quy định việc nộp phạt tại chỗ sẽ áp dụng cho người vi phạm ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn. Có thể hiểu đây là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân. Các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường trong thẩm quyền xử phạt của mình có quyền xé biên lai để ghi phạt, tạo điều kiện cho người dân khi vi phạm đỡ phải đến kho bạc nộp phạt.
Việc xử lý của CSGT cũng sẽ được kiểm tra, chấn chỉnh để ngăn ngừa tiêu cực (ảnh minh họa).
Còn lý do vì sao đã từng áp dụng biện pháp này nhưng rồi lại bỏ, thì thực ra quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Ở cấp tỉnh, thành phố, cơ quan công an phải cử người sang kho bạc đối chiếu so sánh. Quá trình đó có vướng một số vấn đề, ví dụ như ở kho bạc có lúc cán bộ chiến sĩ của chúng tôi phạt 100.000 đồng, kho bạc in biên lai 10.000 đồng thì phải xé tới 10 lần. Sau đó người ta thấy xé nhiều thế viết biên lai mất công, nên lại áp dụng biện pháp cho người vi phạm ra thẳng kho bạc nộp...
Việc đề xuất nộp phạt tại chỗ được áp dụng cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Vậy còn với người dân thành thị, thông tư này có điều chỉnh gì không, thưa ông?
"Dự thảo thông tư lần này quy định việc nộp phạt tại chỗ sẽ áp dụng cho người vi phạm ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đi lại khó khăn". Thiếu tá Phạm Quang Huy
Để thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiện nay C67 đã ký với Tổng cục Bưu điện thỏa thuận nhằm tiến tới đơn giản hóa cho người vi phạm. Ví dụ người ở phía Nam vi phạm giao thông ở phía Bắc, để giải quyết họ phải ra Bắc nộp phạt mất nhiều thời gian, mất cả chuyến đi dài nên chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ vi phạm vào nơi người vi phạm cư trú, họ chỉ việc đến đó giải quyết. Việc này được triển khai sẽ rất thuận lợi và tiết kiệm cho người dân.
Tại thành thị cũng có những bước tiến chứ không chỉ có vùng sâu, vùng xa, còn thực ra dự thảo vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến đóng góp của người dân và các đơn vị liên quan. Sau khi có ý kiến đóng góp, có sự nhất trí, triển khai thí điểm, nếu thấy thuận lợi sẽ triển khai đồng bộ. Còn nếu gặp vướng mắc sẽ điều chỉnh để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Để giám sát việc xử phạt và nộp phạt tại chỗ, C67 có cơ chế giám sát thế nào để tránh nảy sinh tiêu cực?
Thực ra triển khai một vấn đề gì mới cũng có 2 mặt, nhưng tiêu cực từ việc thu tiền theo tôi khó xảy ra vì quyển biên lai xé bao nhiêu tờ kho bạc sẽ đếm đủ bấy nhiêu tờ, thiếu 1 tờ thì CSGT phải tự bỏ tiền túi ra đền. Bên cạnh đó C67 cũng lên kế hoạch, phương án nhằm kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)
Có thể phạt vi phạm giao thông qua thẻ? Theo Tiến sỹ Lương Thanh Cường, phạt vi phạm giao thông qua tài khoản cũng giống như thanh toán điện nước qua thẻ mà một số địa phương đang triển khai. Dự thảo Thông tư cho phép người vi phạm giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho CSGT vẫn đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, trả lời...