Nộp phạt qua lương: Cán bộ, công chức hết đường chạy
Dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính được Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay. Theo đó, người bị cưỡng chế có thể bị khấu trừ một phần lương, thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, các tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá…
Cán bộ, công chức… khó thoát
Dự thảo trên được đưa ra trong bối cảnh vi phạm hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông xảy ra với tần suất dày đặc.
Khi đối tượng vi phạm luật, lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành lập biên bản, tạm giữ giấy phép lái xe hoặc chứng minh nhân dân, hẹn thời gian đến nhận quyết định xử phạt (trong vòng 10 ngày). Sau đó, người vi phạm cầm quyết định tới kho bạc chờ nộp tiền phạt; lấy biên lai đóng tiền về giao nộp cho cơ quan CSGT để được trả lại giấy tờ hoặc phương tiện. Tuy nhiên, nhiều người phải vã mồ hôi với quy trình này. Đó chính là lý do khiến rất nhiều trường hợp đã không nộp phạt mà chấp nhận vứt bỏ chứng minh thư và giấy phép lái xe tại cơ quan công an. Bởi đơn giản, việc làm lại giấy tờ sẽ đỡ tốn kém hơn nộp phạt rất nhiều lần.
Trao đổi với PV, chị Mai Thanh Tuyền, đang công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Nhiều khi chi phí đi lại để chấp hành việc nộp phạt còn cao hơn cả số tiền phạt của nhiều người. Chi phí làm lại chứng minh thư chỉ mất khoảng vài chục nghìn, trong khi đến nộp phạt số tiền có thể gấp 10 lần. Làm lại giấy phép lái xe chỉ mất khoảng 200 nghìn đồng trọn gói trong khi số tiền nộp phạt có thể lên đến hàng triệu đồng”.
Cũng theo chia sẻ của chị Tuyền, nhiều người ngại đi nộp phạt vi phạm giao thông vì gặp quá nhiều rắc rối. Có những điểm thu chỉ có hai nhân viên mà một ngày phải giải quyết hàng nghìn lượt người đến nộp phạt. Việc chờ đợi mất thời gian, việc phải chạy đi nộp tiền ở kho bạc, sau đó quay về làm thủ tục tại các đội CSGT cũng là lý do khiến người vi phạm không chịu đến nộp phạt. Tại các điểm xử phạt vi phạm giao thông, không khó nhận thấy hiện đang chất đống những giấy tờ như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe mà không thấy chủ nhân đến nhận.
Người vi phạm giao thông bị lập biên bản (ảnh internet)
Video đang HOT
Băn khoăn về tính khả thi
Một lãnh đạo ngành CSGT thừa nhận, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện còn rườm rà khiến người vi phạm phải mất rất nhiều công sức đi lại, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Theo vị này, tuy có nhiều văn bản đã cho phép trừ tiền phạt vi phạm giao thông vào tài khoản cá nhân nhưng vì chưa liên thông với ngân hàng, kho bạc nên các cơ quan CSGT khó biết người vi phạm đã nộp phạt hay chưa để có những biện pháp xử lý tiếp theo. Hiện tượng người vi phạm chây ì không chịu nộp phạt vẫn diễn ra khá phổ biến.
Trao đổi với PV, trung tá Hoàng Văn Đạo, đội trưởng Đội CSGT số 3 (CA TP. Hà Nội) đánh giá cao ý tưởng khấu trừ vào lương với những đối tượng cố tình không nộp phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả vào thực tế sẽ gặp phải không ít bất cập. Trung tá Đạo cho biết, bản thân ông từng xử lý rất nhiều trường hợp chây ì không chịu nộp phạt. Theo quy trình, sau 10 ngày người vi phạm sẽ phải đến nhận quyết định xử phạt để đến kho bạc nộp phạt nhưng nhiều đối tượng đã gửi giấy mời đến lần thứ 3 vẫn bặt vô âm tín. “Chúng tôi đã ra quyết định cưỡng chế, tuy nhiên, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Có những người vi phạm ở xa, lực lượng không thể đủ để đến tận nơi thực hiện. Do đó, nhiều khi đành chấp nhận bỏ qua”, ông Đạo nói.
Trước ý tưởng của Bộ Công an, theo trung tá Hoàng Văn Đạo, hiệu quả thực hiện sẽ không cao. Việc xử phạt chỉ thành công khi áp dụng cho những đối tượng cán bộ, công chức đang hưởng lương. Tuy vậy, quy trình xử lý sẽ khá loằng ngoằng khi phải thông qua cả đơn vị đang sử dụng lao động đó. Đối với những người dân không có lương, tài khoản ngân hàng, việc xử lý theo hướng này sẽ gần như rơi vào ngõ cụt. “Nhiều năm gắn bó với ngành CSGT, tôi nhận thấy, những đối tượng vi phạm là cán bộ, công chức không nhiều mà chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động chân tay. Với những đối tượng này, nếu áp dụng cưỡng chế qua lương sẽ không khả thi”, ông Đạo băn khoăn.
Đồng quan điểm, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cải tiến để rút ngắn thời gian thu tiền phạt. Tuy nhiên, nỗ lực đó vẫn chưa giải quyết được tình trạng người vi phạm phải đi lòng vòng nộp phạt như hiện nay. Rất nhiều trường hợp người dân luôn muốn “lót tay” cho CSGT, vì tính ra được lợi rất nhiều so với đi nộp phạt.
Theo luật sư An, để có thể cưỡng chế xử phạt vi phạm giao thông qua lương, cơ quan chức năng phải trải qua nhiều bước. Trước tiên, họ phải chứng minh được người này là cán bộ, công chức có bảng lương tại một cơ quan. Sau đó, thiết lập mối liên hệ với cơ quan đó để tiến hành cưỡng chế. Với hình thức này sẽ khó tránh khỏi chuyện bao che, lấp liếm của những người trong công ty với nhau, thậm chí giữa sếp với nhân viên. Điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. “Cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể từ cấp trên thì lực lượng CSGT mới thực hiện được. Hơn nữa, việc triển khai cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để đảm bảo tính khả thi”, ông An nhấn mạnh.
Theo vietbao
Sẽ khấu trừ lương người quên nộp phạt vi phạm giao thông
Nếu không nộp phạt hành chính đúng hạn, cán bộ, công chức, người được một tổ chức trả lương hoặc đang hưởng bảo hiểm xã hội sẽ bị cưỡng chế khấu trừ khi đến kỳ lĩnh lương.
Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính và đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn mà không tự nguyện nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng nhiều biện pháp.
Trừ tối đa 50% tổng thu nhập
Cụ thể, người bị cưỡng chế có thể bị khấu trừ một phần lương, thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá... và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ lương là cán bộ, công chức, cá nhân đang làm việc và được hưởng lương tại một tổ chức hoặc cá nhân đang được hưởng bảo hiểm xã hội.
Người bị xử phạm vi phạm hành chính nhưng không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng cách trừ lương, thu nhập...
Theo quy định tại dự thảo Nghị định, tỷ lệ khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cá nhân không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.
Đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.
Trừ qua tài khoản ngân hàng
Nếu không áp dụng được biện pháp cưỡng chế bằng cách trừ lương, bảo hiểm, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Biện pháp này đượcáp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả hoặc không thanh toán chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, đồng thời có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó khi được cung cấp.
Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.
Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin bằng văn bản về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tài khoản tại tổ chức tín dụng của mình khi có yêu cầu. Đồng thời ngân hàng phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.
Trường hợp cá nhân là người lao động tự do; cá nhân, tổ chức không có tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản không đủ hoặc cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương đương số tiền bị phạt.
Theo vietbao
Trinh sát "hóa du côn" bắt vợ chồng "trùm sò" đánh bạc qua máy Suốt một thời gian dài, cặp vợ chồng Phạm Trung và Nguyên Thị Bé (cùng SN 1973, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tô chức cho các con bạc sát phạt quy mô lớn bằng máy điên tử, thu lợi bất chính hàng trăm triệu mỗi ngày. Sau nhiều ngày bí mật ghi hình, thu thập chứng cứ, cảnh sát...