Nóng về việc hạ tuổi kết hôn, hôn nhân đồng giới, sinh con “ngoài luồng”
Ủy ban cho biết đang cân nhắc về kiến nghị hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ giới trong trường hợp ngoại lệ xuống 16 tuổi.
Một buổi tư vấn hôn nhân và sức khoẻ cộng đồng.
Cân nhắc quy định trường hợp nữ có thể kết hôn từ 16
Tuổi tối thiểu kết hôn là vấn đề được đề xuất điều chỉnh trong dự luật sửa đổi lần này. Theo luật hiện hành, tuổi kết hôn của nam giới tối thiểu là 20, nữ giới tối thiểu 18. Việc hạ độ tuổi kết hôn được đưa vào dự luật theo hướng hạ độ tuổi kết hôn nam giới, đảm bảo nam nữ đều 18. Theo Ủy ban, khi thảo luận tại Quốc hội, UBTV Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quy định tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “Đủ mười tám tuổi trở lên” và đề nghị cung cấp thêm số liệu, căn cứ khoa học giải trình cho việc sửa đổi này. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên và nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
Thường trực Ủy ban thống nhất với quy định về độ tuổi kết hôn như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trên thực tế, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng, việc quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ là đủ 18 tuổi chỉ là độ tuổi tối thiểu, thể hiện sự bình đẳng về quyền của cả hai giới. Ngoài ra, Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này. Nếu bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ về tuổi kết hôn của nữ thì điều kiện phải chặt chẽ như giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung…. Trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định ngoại lệ về vấn đề kết hôn sớm.
Tuy nhiên, việc bổ sung quy định ngoại lệ sẽ xung đột với pháp luật về quyền trẻ em và có ý kiến cho rằng, cần phải giữ quy định về độ tuổi kết hôn nhằm bảo đảm sự phát triển giống nòi, nam, nữ kết hôn phải có đủ điều kiện về sức khỏe và khả năng xây dựng, chăm lo cuộc sống gia đình. Do nội dung này chưa có trong Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ sáu, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề này. Việc quy định nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi là được kết hôn đã áp dụng mấy chục năm qua và xu hướng xã hội hiện đại cho thấy, độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ đang ngày càng cao.
Theo Báo cáo tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, nam kết hôn lần đầu ở độ tuổi 26,2 trong khi nữ kết hôn ở tuổi 22,8, thấp hơn nam giới 3,4 tuổi. So với kết quả tổng điều tra năm 1999 thì tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam tăng một tuổi trong khi tuổi này của nữ không thay đổi. Tuy nhiên, việc hạ độ tuổi kết hôn của nam xuống 18 không có nghĩa sẽ khuyến khích nam giới kết hôn sớm mà chủ yếu nhằm đảm bảo sự tương đồng về pháp lý giữa các quốc gia. Soi chiếu với các quốc gia trên thế giới cho thấy, quy định tuổi kết hôn nam, nữ từ 18 trở lên là phổ biến, trong khi nhiều nước cho phép nữ kết hôn từ đủ 15, 16 tuổi.
Video đang HOT
Quyền lợi phụ nữ, trẻ em với hôn nhân không đăng ký
Về quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (các điều 13, 14 và 15), một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và chỉ áp dụng đối với nam, nữ còn độc thân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định này để không làm gia tăng tỷ lệ chung sống không đăng ký kết hôn và sửa đổi khái niệm “chung sống như vợ chồng”. Dự thảo Luật đã chỉnh lý khái niệm “chung sống như vợ chồng” tại khoản 5 Điều 7 như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 1, Điều 13 cụm từ “có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này” để phân biệt với trường hợp người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4.
Về quy định giải quyết hậu quả, dù pháp luật không quy định thì việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn (hay còn gọi là hôn nhân thực tế) vẫn diễn ra, việc bổ sung các quy định giải quyết hậu quả tại các điều 13, 14 và 15 là cần thiết để có cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh việc khẳng định rõ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quan hệ hôn nhân, Nhà nước vẫn tạo điều kiện để người dân tuân thủ pháp luật, đó là, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và bên thứ ba trong quan hệ dân sự.
Giải quyết thế nào với hôn nhân đồng giới?
Trong khi đó, vấn đề hôn nhân đồng giới cũng gây tranh luận đa chiều. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng trong luật việc cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới hoặc giữ nguyên quy định cấm của Luật hiện hành. Nhưng luồng khác lại đề nghị không dẫn chiếu việc giải quyết hậu quả như đối với trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Điều 15) và phân biệt rõ hai trường hợp này. Về vấn đề này, theo lý giải Ủy ban, quan điểm và nhận thức của xã hội về vấn đềđồng tính đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị.
Tuy nhiên, Luật quy định rõ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cần có cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của tình trạng chung sống giữa những người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế. Dự luật mới nhất, điểm a, khoản 2 Điều 16 đã bỏ quy định dẫn chiếu sang Điều 15 và được sửa đổi để làm rõ sự khác nhau giữa việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn với việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Đồng thời, quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” được chuyển sang khoản 2, Điều 8 về điều kiện kết hôn.
Điều 9, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn:
Nam, nữ kết hôn phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Đủ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
3. Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
4. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 4 của Luật này.
Ban soạn thảo đang cân nhắc ý kiến hạ tuổi kết hôn nam và nữ thêm 2 tuổi trong trường hợp đặc biệt.
Theo Xahoi
Quan hệ đồng tính: Ai là vợ, ai là chồng?
Một điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang được Quốc hội thảo luận là việc công nhận kết hợp dân sự đối với các cặp chung sống đồng tính.
Một điểm mới trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang được Quốc hội thảo luận là việc công nhận kết hợp dân sự đối với các cặp chung sống đồng tính.
Đây cũng là một trong những cơ sở để dự đoán luật sửa đổi sẽ bãi bỏ việc cấm kết hôn đồng tính vì đã bước đầu công nhận một số quan hệ về tài sản giữa các cặp chung sống đồng tính.
Điều 17d dự thảo luật về "giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính" quy định quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 17a, Điều 17b và Điều 17c của luật này.
Đối chiếu với các điều luật nêu trên, việc chung sống đồng tính sẽ không làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về tài sản thì quan hệ sở hữu về tài sản giữa họ được xác định theo thỏa thuận đó.
(Cặp đồng tính nữ Linh - Hằng. Nguồn: Vietnamnet)
Nói nôm na cho dễ hiểu, nếu hai người đồng tính chung sống và có văn bản thỏa thuận về tài sản thì khi muốn chia tài sản, việc chia sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Khuyến cáo với độc giả là dù luật dân sự quy định có thể thỏa thuận miệng, nhưng nguy cơ "bẻ kèo" là rất cao, lúc đó người bị thiệt thòi sẽ không có chứng cứ để mà trình trước tòa nếu phát sinh tranh chấp, kiện tụng.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về tài sản hoặc thỏa thuận bị tòa án tuyên bố vô hiệu thì quan hệ sở hữu về tài sản giữa họ được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự về sở hữu riêng và sở hữu chung theo phần. Phần sở hữu riêng, tức tài sản riêng (chẳng hạn tài sản có trước khi chung sống, tài sản được người thân tặng cho riêng, thừa kế riêng...) của người nào thì sẽ thuộc về người đó. Phần sở hữu chung thì sẽ chia theo quy định của luật dân sự, căn cứ theo mức đóng góp vào khối tài sản chung của từng người.
"Người thực hiện các công việc nội trợ trong quan hệ sống chung và chăm sóc con chung được tính công sức như người trực tiếp tạo lập tài sản trong thời gian sống chung". Đây là thiết chế để bảo vệ người yếu thế trong các vụ chung sống như vợ chồng, dành cho các cặp dị tính lẫn đồng tính. Khi đó, nếu một người đồng tính ở nhà lo việc nội trợ, người kia đi làm kiếm tiền nuôi cả hai người và dành dụm, thì khối tài sản dành dụm được nếu có tranh chấp sẽ bị chia cho cả người làm nội trợ ở nhà.
Nếu dự luật được Quốc hội thông qua và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn thi hành các quy định này.
Một điểm đáng quan tâm là các nhà soạn luật chưa tiên liệu đến những tình huống có thể xảy ra khi giải quyết về tài sản của các cặp chung sống đồng tính theo các Điều 17a, 17b, 17c, 17d nêu trên. Chẳng hạn như quy định "ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ" (Điều 17b), tức ưu tiên cho "vợ". Nếu đó là một cặp đồng tính nam hoặc một cặp đồng tính nữ, thì ai sẽ là người được ưu tiên? Ai sẽ được xác định là vợ, ai sẽ được xác định là chồng?
Nếu không trả lời được câu hỏi này thì quy định "ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ" sẽ gần như vô dụng đối với các cặp đồng tính. Trong khi đó sẽ vẫn có nhiều người đồng tính bị thiệt thòi khi chia tay mà không được chia tài sản nếu vô ý quên lập văn bản thỏa thuận về tài sản chung, trong khi toàn bộ tài sản lại đứng tên người kia, một việc mà ngay cả các cặp dị tính cũng thường hay mắc phải và vô cùng hối hận lúc "đáo tụng đình" (tức ra tòa).
Theo Một thế giới
Những rắc rối phát sinh khi luật cho phép mang thai hộ Đẻ thuê đội lốt mang thai hộ; đẻ xong không giao con cho người nhờ mang thai; đẻ sinh 2, sinh 3 nhưng người nhờ chỉ nhận... 1 trẻ; đứa con do mang thai hộ bị tật nguyền và người nhờ mang thai từ chối nhận... là một số những rắc rối có thể phát sinh khi luật cho phép mang thai hộ......