Nóng trong tuần: Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah; Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân
Xung đột Israel – Hezbollah tiếp tục leo thang nguy hiểm, Nga công bố đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản có tân chủ tịch và giá vàng thế giới lập đỉnh cao nhất trong 14 năm là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 28/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah
Ngày 28/9, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Liban, ông Hassan Nasrallah đã thiệt mạng trong vụ không kích của IDF vào cơ sở dưới lòng đất của một tòa nhà dân cư ở Dahieh, tại Beirut tối hôm trước đó. Thông tin ông Nasrallah bị thiệt mạng đã được Hezbollah xác nhận. Ngoài ông Nasrallah còn có Ali Karki, Tư lệnh Mặt trận phía Nam của Hezbollah và một số chỉ huy khác của Hezbollah, cũng thiệt mạng.
Một nguồn tin thân cận với Hezbollah cho biết các cuộc không kích của Israel đã san phẳng 6 tòa nhà. Đây là cuộc tấn công nặng nề nhất nhắm vào Beirut trong gần một năm xung đột giữa Hezbollah và Israel. Các đài truyền hình Israel đưa tin cuộc tấn công có liên quan đến bom với tổng cộng hàng chục tấn thuốc nổ.
Giới chuyên gia lo ngại loạt động thái leo thang trên có thể làm bùng nổ cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah, với nỗi lo xung đột lan rộng ra toàn khu vực. Nhiều nước đã chỉ trích các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Liban, kêu gọi giảm căng thẳng nguy hiểm trong khu vực bằng cách chấm dứt xung đột tại Gaza. Cộng đồng quốc tế cũng đang tích cực tìm kiếm giải pháp hòa bình để chấm dứt tình trạng thù địch Israel-Hezbollah ở Liban.
Trên thực tế, căng thẳng dọc biên giới Israel – Liban đã leo thang kể từ ngày 8/10/2023, sau khi phong trào Hezbollah ở Liban phóng rocket vào Israel để ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Palestine ở Dải Gaza. Israel đã đáp trả bằng pháo hạng nặng nhắm vào Đông Nam Liban. Xung đột Itiếp tục trở nên căng thẳng sau một loạt vụ nổ thiết bị liên lạc trên khắp Liban ngày 17 và 18/9 khiến 45 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Hezbollah cáo buộc Mossad đã thực hiện các vụ ám sát lãnh đạo của Hezbollah và kích nổ các máy nhắn tin, bộ đàm.
Kể từ ngày 23/9, Israel bắt đầu chiến dịch không kích diện rộng nhằm vào Liban sau khi tuyên bố bước vào “giai đoạn mới” trong nỗ lực chống lại lực lượng Hezbollah để đưa hàng chục nghìn người dân miền Bắc Israel trở về nhà.
Theo Liên hợp quốc, các cuộc ném bom của Israel vào Liban đã buộc 90.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở miền Nam đến những nơi an toàn hơn. Còn Theo Bộ Y tế Liban, từ ngày 8/10/2023 – 26/9/2024, tổng cộng 1.540 người thiệt mạng và 5.410 người bị thương do giao tranh giữa Israel – Hezbollah.
Nga công bố đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân
Thử nghiệm tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik, theo định danh của NATO là SSC-X-9 Skyfall. Ảnh: Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga
Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 25/9, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ những thay đổi này nhằm đáp ứng tình hình quân sự và chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Trong đó, một điểm cập nhật chính của học thuyết hạt nhân là việc mở rộng danh sách “những mối đe dọa quân sự” nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Các sửa đổi được đề xuất cũng nêu rõ các điều kiện mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, như khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một đợt triển khai quy mô lớn các vũ khí tấn công từ trên không hướng về lãnh thổ Nga.
Video đang HOT
Các đề xuất hiện ở dạng dự thảo và cần được Tổng thống Putin thông qua trước khi có hiệu lực.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 26/9 cho biết việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra những đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này là điều cần thiết, nhằm đáp ứng tình hình an ninh hiện nay.
Ông Peskov nêu rõ những đề xuất sửa đổi này liên quan đến tình hình an ninh dọc biên giới đất nước, vì vậy cần điều chỉnh những nền tảng chính sách nhà nước liên quan đến vấn đề răn đe hạt nhân.
Ông Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga, nhận định bản cập nhật chính sách hạt nhân của Nga nhằm mục đích giảm ngưỡng hạt nhân và thay đổi cán cân rủi ro đối với phương Tây.
Xét về bối cảnh, thời điểm Nga tuyên bố sửa đổi học thuyết hạt nhân cũng liên quan đến việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về khả năng phương Tây cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
“Quyết định này vẫn chưa được đưa ra. Vì vậy, lý do Tổng thống Putin đề cập đến những thay đổi này trước khi công bố học thuyết hạt nhân là nhằm thay đổi quá trình ra quyết định và thuyết phục Chính quyền ông Biden không thực hiện bước đi đó”, ông Suslov lập luận.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản có tân chủ tịch
Ông Shigeru Ishiba phát biểu trong cuộc họp báo sau khi được bầu làm Chủ tịch LDP tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/9. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 27/9/2024, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba đã chính thức trở thành tân Chủ tịch LDP.
Trong vòng bỏ phiếu quyết định với tổng số 415 phiếu, gồm 368 phiếu đảng viên nghị sỹ và 47 phiếu đại diện đảng bộ địa phương, ông Ishiba đã giành được 215 phiếu (gồm 189 phiếu đảng viên nghị sỹ và 26 phiếu đại diện địa phương), vượt qua đối thủ là Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi Sanae Takaichi với 194 phiếu (gồm 173 phiếu đảng viên nghị sỹ và 21 phiếu đại diện địa phương). Với kết quả này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba đã trở thành tân Chủ tịch LDP trong nhiệm kỳ 3 năm tới.
Trước đó, cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch LDP được tiến hành cùng ngày 27/9 giữa 9 ứng cử viên gồm Chánh văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa; Tổng thư ký LDP Motegi Toshimitsu; Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono; Cựu Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro; Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi; Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba; Cựu Bộ trưởng An ninh kinh tế Takayuki Kobayashi; Cựu Chánh Văn phòng nội các Kato Katsunobu; Ngoại trưởng Yoko Kamikawa.
Ông Ishiba, sinh năm 1957, được bầu vào Hạ viện 12 lần, từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng nông nghiệp, Bộ trưởng Tái thiết khu vực và Tổng Thư ký LDP.
Vào ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản sẽ tiến hành phiên họp bất thường để bầu thủ tướng mới thay thế ông Fumio Kishida. Các nhà quan sát nhận định với việc LDP đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội, ông Ishiba gần như chắc chắn sẽ là thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản.
Giá vàng thế giới lập đỉnh cao nhất trong 14 năm
Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở Yangon, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù khởi động tuần với mức giảm, giá vàng thế giới liên tục ghi nhận các mức cao kỷ lục trong các phiên giao dịch sau đó.
Hoạt động chốt lời khiến giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần, nhưng tâm lý thị trường mạnh mẽ và căng thẳng địa chính trị đã giữ giá trên mốc 2.600 USD/ounce trong ngày 27/9. Trong ba phiên giao dịch liền sau đó, giá vàng quay đầu đi lên và liên tục xác lập các mức “đỉnh” mới, khi căng thẳng ở Trung Đông làm gia tăng sức hút của kim loại này như một nơi trú ẩn an toàn.
Các nhà quan sát cho rằng vào thời điểm quý III/2024 sắp kết thúc, giá vàng đang hướng đến quý tăng mạnh nhất trong hơn 8 năm qua, giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã khởi động lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ – nhân tố làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, cũng đã đánh tiếng về khả năng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới. Đây là thông tin có lợi cho giá vàng.
Chiến lược gia về hàng hóa Soni Kumari của ngân hàng ANZ cho biết các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ khả năng cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai. Đây cũng là yếu tố chính sẽ tác động đến giá vàng.
Như vậy, vàng – vốn được coi là hàng rào chống lại sự bất ổn về kinh tế và địa chính trị – đã tăng giá khoảng 14% trong quý III/2024, mức tăng mạnh nhất kể từ quý I/2016 và tăng khoảng 28% kể từ đầu năm tới nay – mức tăng mạnh nhất trong 14 năm.
Trong bối cảnh lãi suất của Mỹ có thể sẽ được cắt giảm thêm sau khi Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tuần trước, một số ngân hàng dự báo giá vàng có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce.
Ông Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định về những yếu tố (nếu xảy ra) có thể hỗ trợ giá vàng, đó là: cuộc đàm phán hoà bình ở Trung Đông có thể đổ vỡ; thị trường lao động tiếp tục suy yếu; Fed có thể hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.
Trọng trách để 'Nhật Bản trở lại'
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào ngày 27/9, nhà lập pháp kỳ cựu Shigeru Ishiba sẽ kế nhiệm ông Fumio Kishida, trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Ông Shigeru Ishiba tại trụ sở đảng Dân chủ Tự do (LDP), ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/9/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Là một chính trị gia có bề dày hoạt động, ông Ishiba lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện năm 1986, tham gia chính trường sau khi làm việc tại Ngân hàng Mitsui (nay là Sumitomo Mitsui Banking Corp.) trong khoảng 4 năm. Cha của ông, Jiro Ishiba, cũng là một chính trị gia, từng là Bộ trưởng Nội vụ và Thống đốc tỉnh Tottori, miền Tây Nhật Bản. Ông Ishiba từng đảm nhận nhiều vị trí trong các nội các tiền nhiệm, là Bộ trưởng Quốc phòng (2007 - 2008); Bộ trưởng Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (2008 - 2009) và Bộ trưởng Phụ trách tái thiết địa phương (2014 - 2016). Về chức vụ trong đảng LDP, ông Ishiba từng đảm nhận các vị trí Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của LDP (2009 - 2011) và Tổng Thư ký (2012 - 2014). Ông Ishiba đã tranh cử Chủ tịch LDP 4 lần trong khoảng thời gian 2008 - 2020, nhưng chưa bao giờ giành chiến thắng. Trong lần tranh cử thứ năm này, ông gọi đây là "trận chiến cuối cùng" của mình.
Trong sự nghiệp chính trị kéo dài 38 năm của mình, chính trị gia 67 tuổi này chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực an ninh và phục hồi các cộng đồng nông thôn của Nhật Bản. Ông được biết đến là một người ủng hộ việc phục hồi địa phương và đây là một yếu tố giúp ông thường dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử về việc ứng cử viên nào có năng lực nhất để lãnh đạo đảng.
Giới chuyên gia nhận định kinh nghiệm và những chuyến đi đến vùng nông thôn Nhật Bản đã góp phần nâng cao uy tín và sự ủng hộ của cử tri đối với ông. Theo cuộc thăm dò của Nikkei được tiến hành trong các ngày 13 - 15/9 vừa qua, có 26% số người được hỏi tin rằng ông Ishiba phù hợp để lãnh đạo LDP, đứng đầu trong số 9 ứng cử viên của lần tranh cử này. Ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, đánh giá: "Ông ấy có uy tín nhất vì là người hiểu được nỗi đau của người dân". Hosoya Yuichi, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Keio ở Tokyo, cho rằng. "Ông Ishiba được coi là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy".
Trên cương vị Chủ tịch LDP cầm quyền, tân lãnh đạo phải ưu tiên các nhiệm vụ lớn. Trước tiên, đó là tạo sự chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Lên nắm quyền vào thời điểm chi phí sinh hoạt tăng cao, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đồng yen yếu, chính trị gia kỳ cựu này đã hứa sẽ "thoát khỏi hoàn toàn" tỷ lệ lạm phát cao của Nhật Bản, cam kết đạt được "tăng trưởng tiền lương thực tế". Bên cạnh đó, một trong những trọng tâm của ông Ishiba sẽ là khôi phục các thành phố nhỏ đang bị suy giảm dân số.
Masakazu Tokura, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, nhóm vận động hành lang doanh nghiệp lớn nhất của đất nước, mô tả ông Ishiba là "một nhà lãnh đạo sẵn sàng thúc đẩy các sáng kiến". Ông Ken Kobayashi, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, coi tân Chủ tịch LDP là "người am hiểu chính sách" và là "người nắm bắt cơ hội". Ông nhận định: "Nền kinh tế Nhật Bản đã có bước đi đầu tiên hướng tới tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ đẩy nhanh đà tăng trưởng này", ám chỉ đến mức tăng lương lớn nhất trong hơn 30 năm qua trong các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa Xuân năm 2024.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là cải thiện hình ảnh của LDP trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, đặc biệt trong bối cảnh LDP bị phanh phui vụ bê bối gây quỹ chính trị. Trong một nền văn hóa chính trị coi trọng sự tuân thủ, ông Ishiba từ lâu đã được đánh giá là một người thẳng thắn, sẵn sàng lên tiếng về những vấn đề trong nội bộ đảng.
Lãnh đạo sắp mãn nhiệm Fumio Kishida sẽ từ chức để mang đến cho LDP một diện mạo mới trước công chúng. LDP kỳ vọng ông Ishiba, với bề dày kinh nghiệm, sự ổn định và năng lực của mình sẽ giúp LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần tới, đặc biệt trong bối cảnh đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính đã chọn cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda, một chính trị gia nổi tiếng với những bài phát biểu truyền cảm hứng, làm lãnh đạo mới của mình.
Giáo sư chính trị của Đại học Tokyo Yu Uchiyama nhận định ông Ishiba có thể sẽ thể hiện tốt trong cuộc đối đầu sắp tới tại quốc hội với lãnh đạo phe đối lập.
Nhiệm vụ thứ ba của tân Chủ tịch LDP là thúc đẩy Nhật Bản đóng vai trò chủ động hơn về quốc phòng. Là một chuyên gia về lĩnh vực quốc phòng, ông Ishiba được nhận định có lập trường mạnh mẽ, ủng hộ Nhật Bản có chính sách an ninh chủ động hơn trong khi vẫn tuân thủ theo hiến pháp hòa bình của mình. Ông luôn ủng hộ quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản và các cải cách nhằm tăng cường năng lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Ông muốn sửa đổi Hiến pháp Hòa bình theo hướng đề cập cụ thể đến JSDF, điều phù hợp với mục tiêu lâu dài của LDP là chấm dứt cuộc tranh luận trong nước về tính hợp hiến của lực lượng này.
Cách tiếp cận thực dụng đối với quốc phòng đã đưa ông Ishiba trở thành nhân vật chủ chốt trong các cuộc tranh luận về lập trường quân sự của Nhật Bản và vai trò của nước này trong động lực an ninh khu vực. Giới phân tích nhận định việc ủng hộ một Nhật Bản quyết đoán hơn có thể làm phức tạp mối quan hệ với Mỹ. Ông K Yhome, Nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Asian Confluence, nhận định: "Ông Ishida là người có ý thức mạnh mẽ về việc tăng cường an ninh trong khu vực".
Về quan hệ với Mỹ, trong khi nhấn mạnh đến nhu cầu duy trì liên minh song phương, ông Ishiba cũng cho biết với tư cách là thủ tướng, ông sẽ tìm cách xem xét lại thỏa thuận xác định quy chế của lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Ông đề xuất một kế hoạch cùng quản lý các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa với JSDF. Động thái này nhằm để Nhật Bản nắm quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của chính mình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mặc dù muốn thể hiện vai trò chủ động hơn trong vấn đề an ninh, song không có khả năng ông Ishiba sẽ đi chệch khỏi đường lối chính thống trong khuôn khổ liên minh với Mỹ.
Đối với Hàn Quốc, ông là một trong số ít chính trị gia LDP thừa nhận những sai lầm của Nhật Bản trong quá trình thực dân hóa Triều Tiên giai đoạn 1910-1945, một động thái hứa hẹn sẽ duy trì được mối quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc.
Ngoài ra, mục tiêu của ông Ishiba trong lĩnh vực đối ngoại còn là mở rộng xu thế này ra khắp châu Á, một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Ông Ishiba Shigeru sẽ sớm đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng vào ngày 1/10 và gần như ngay lập tức sẽ tham gia vào hoạt động ngoại giao thượng đỉnh. Mùa Thu được gọi là "mùa ngoại giao" với một loạt các hội nghị quốc tế. Ông sẽ gặp mặt với các nhà lãnh đạo thế giới và giải quyết các vấn đề khó khăn như ứng phó với môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng ở Đông Á và cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc. Dự kiến ngày 9-11/10, ông sẽ dự hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào. Riêng đối với Trung Quốc, Nhật Bản dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh hai nước vào tháng 11.
Có rất nhiều thách thức về chính sách đối ngoại nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách việc cần làm của ông Ishiba. Tuy nhiên, sức mạnh toàn cầu thực sự bắt đầu từ trong nước. Bất chấp tất cả những lời bàn tán về "vòng tuần hoàn lành mạnh", nền kinh tế Nhật Bản vẫn dễ bị tổn thương đáng kể trước những cú sốc quốc tế - sự suy thoái của Trung Quốc, hậu quả từ bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu, các cuộc chiến thương mại sắp tới... Chuyên gia William Pesek của Nikkei nhận định Nhật Bản cần xây dựng sức mạnh kinh tế lớn hơn và sức bền tài chính trong nước. Nhiệm vụ khó khăn này giờ đây thuộc về ông Ishiba, người chắc chắn sẽ không lãng phí một phút nào để thực hiện mục tiêu "Nhật Bản đã trở lại".
Tướng Iran: Tehran có thể xem xét lại 'học thuyết hạt nhân' Chỉ huy cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Chuẩn tướng Ahmad Haghtalab nói rằng Iran có thể xem lại "học thuyết hạt nhân" của mình nếu có bất kỳ "mối đe dọa nào" hoặc hành động" chống lại các cơ sở hạt nhân của nước này. Toàn cảnh cơ sở hạt nhân Natanz của Iran ở ngoại ô phía...