Nóng trong ngày: Bài luận “xem phim sex” của nam sinh 18 tuổi gây sốt
“Em gần như đã mất niềm tin vào nhà trường và thầy cô, bạn bè. 4 năm học cấp 2 của em là những mảnh ghép vụn vỡ về những đêm dài khóc một mình đến cạn cả nước mắt, về những danh từ và tính từ tệ hại mà những kẻ bắt nạt gán cho em, về sự lạnh lùng của không ít thầy cô…”. Đó là những dòng chia sẻ của nam sinh 18 tuổi viết bài luận “xem phim sex” gây sốt cộng đồng.
Không học trường chuyên, lớp chọn; không giải quốc gia, quốc tế, từng bị giễu cợt là “đồ bê đê”, Ngô Xuân Khôi thuyết phục ban tuyển sinh bằng điều gì để đạt được suất học bổng trị giá hàng tỷ đồng?
Ngô Xuân Khôi sinh năm 1999, sẽ nhập học Trường Thế giới Liên kết UWC vào tháng 8 năm nay. Ảnh: NVCC
18 tuổi, là một trong số nam sinh sẽ nhập học Trường Thế giới Liên kết UWC danh giá vào năm học tới đây, Ngô Xuân Khôi mang đến cho hội đồng tuyển sinh một câu chuyện thật khác biệt.
Trường Thế giới Liên kết UWC là một ngôi trường đào tạo tú tài quốc tế với 14 cơ sở nằm ở 13 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới. Trước năm 2016, trường không tuyển chọn ứng viên là học sinh lớp 12. Nhưng đến kỳ nhập học 2017, Ủy ban Quốc gia UWC lại quyết định nhận đơn của học sinh lớp 12. Khôi đứng trước 2 lựa chọn: nộp đơn xin học bổng UWC và sẵn sàng học đại học trễ 2 năm hoặc tiếp tục thi đại học ở Việt Nam và tìm cơ hội khác.
“Em đã chọn hướng đi thứ nhất, bởi em liều, và em muốn cuộc đời mình “nhiều hơn thế nữa”. Em muốn được va chạm với nhiều nền văn hóa khác nhau, với những quan điểm chính trị và góc nhìn xã hội khác nhau. Em muốn được lắng nghe vẻ đẹp của nhiều loại ngữ điệu tiếng Anh khác nhau, thử thách chính mình với nhiều môn học mới, và đi đến một đất nước mới lạ” – Khôi chia sẻ.
Hành trang xin học bổng của Ngô Xuân Khôi không có nhiều lợi thế như các ứng viên khác. Em là học sinh của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) – một ngôi trường bình thường, không phải trường chuyên lớp chọn, cũng không có bất cứ giải thưởng quốc gia, quốc tế nào. Thậm chí, thời gian bắt đầu chuẩn bị “apply”, em còn không biết viết một bài luận &’tròn trịa’ ra sao, không biết cách ngỏ lời để xin thư giới thiệu… “May mắn là em nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các anh chị em quen biết” – Khôi nói.
Tài sản duy nhất em mang tới gặp ban tuyển sinh là khả năng viết lách và mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề xã hội còn nhiều thành kiến ở Việt Nam – những vấn đề mà bản thân em cũng là người trong cuộc.
Video đang HOT
Khôi tại một sự kiện của Sex Speak Organization – một tổ chức nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục giới tính do em sáng lập. Ảnh: NVCC
Tháng 5/2016, Khôi thành lập tổ chức Sex Speak Organization (SSO). SSO được quản lý bởi học sinh, sinh viên, hoạt động nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về giáo dục giới tính (GDGT) cho các bạn trẻ cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của GDGT.
Ngoài chương trình gây quỹ hơn 13 triệu đồng cho các trẻ em bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục đang được cưu mang ở Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ, SSO còn tổ chức một số sự kiện chia sẻ kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, xâm hại tình dục tới người trẻ.
Sự trăn trở về vấn đề GDGT ở Việt Nam là động lực khiến chàng trai sinh năm 1999 sáng lập tổ chức này. “Em trăn trở khi thấy giáo dục Việt Nam còn quá thiếu sót về mảng GDGT. Nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên,… vẫn còn định kiến với GDGT dù chúng thật sự rất cần thiết. Một bạn trẻ học giỏi xuất sắc có thể vẫn không biết cách mang bao cao su đúng. Kinh nguyệt vẫn bị xem là thứ dơ bẩn trong mắt đa số. Tình dục bị né tránh trong giờ học với lý do “tế nhị” nhưng lại được bàn tán râm ran, sai lệch trong giờ nghỉ. Điều ấy thúc giục em – là một người trẻ – cần phải làm gì đó để chung tay tạo sự thay đổi”.
Ngoài GDGT, Khôi còn dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề nữ quyền và quyền LGBTIQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính, và các nhóm đa dạng khác).
Năm 16 tuổi, Khôi từng là thực tập sinh tại Trung tâm ICS – một trong các tổ chức phi chính phủ lớn mạnh nhất tại Việt Nam làm việc về quyền LGBTIQ – một trải nghiệm mà em cho rằng đầy thử thách và bổ ích.
Em cũng là thành viên nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu Rà soát 10 năm Thực hiện Luật Bình đẳng Giới tại Việt Nam và từng là diễn giả tại Hội thảo “Bình đẳng Giới – Định nghĩa và sự tác động vào Tiến trình Vận động Quyền LGBTQ tại Việt Nam” tổ chức bởi NYNA (Nữ Yêu Nữ Association) trong khuôn khổ VietPride 2016.
Tổ chức SSO của Khôi thực hiện chiến dịch gây quỹ “Hạc giấy ước mơ”, vận động được hơn 13 triệu đồng cho trẻ em được cưu mang ở mái ấm Hoa Hồng Nhỏ. Ảnh: NVCC
Những ngày tháng đầy nước mắt vì bị bắt nạt và kỳ thị
Trong phần giới thiệu bản thân với UWC, Khôi từng viết: “Mình là sự kết hợp của nước mắt và bắt nạt, kỳ thị, hắt hủi; của ngòi bút không bao giờ ngừng viết; và của những giấc mộng đổi đời rực rỡ”.
Khôi kể: “Suốt 4 năm học cấp 2, em bị bắt nạt và kỳ thị. Họ nhìn thấy em đọc nhiều sách thay vì đá banh, da trắng và mịn chứ không sạm nắng, viết văn hay nhưng không học toán giỏi, và họ cho mình cái quyền khiến cuộc sống của em tệ hại hơn bao giờ hết. Họ gọi em là “đồ đồng bóng”, “bê đê”, “xăng pha nhớt”. Chẳng ai hiểu về em cả, và họ cho mình cái quyền vứt cặp sách của em vào thùng rác, bẻ gãy mắt kính em, nhốt em vào buồng vệ sinh và dội nước lau nhà từ trên xuống,…”
“Em gần như đã mất niềm tin vào nhà trường và thầy cô, bạn bè. 4 năm học cấp 2 của em là những mảnh ghép vụn vỡ về những đêm dài khóc một mình đến cạn cả nước mắt, về những danh từ và tính từ tệ hại mà những kẻ bắt nạt gán cho em, về sự lạnh lùng của không ít thầy cô…”
Khôi đã kể lại những câu chuyện buồn ấy khi làm Sách sống – một dạng chia sẻ câu chuyện của bản thân – trong sự kiện của Human Library Vietnam vào tháng 01/2017. Em đã nói về Sự Nam tính Độc hại (Toxic Masculinity), về những kỳ vọng hão huyền và định kiến bất công mà xã hội dành cho người nam, và khẳng định rằng người nam cũng chính là nạn nhân tiềm năng của bất bình đẳng giới.
“Em chỉ mong sẽ không phải nhìn thấy hình ảnh của Ngô Xuân Khôi năm xưa xảy ra với bất kì ai nữa”.
Ngoài tham gia các hoạt động xã hội, Khôi còn có sở thích viết blog. Ảnh: NVCC
Đề tài của 2 bài luận mà Khôi viết cũng là những câu chuyện về GDGT và bình đẳng giới. “Một bài em viết về quan sát của bản thân về những người phụ nữ trong phòng bếp, bài còn lại em viết về việc xem phim “sex”. Cả 2 bài luận em đều viết xoay quanh chủ đề giới, và điều thú vị là em giữ vẹn nguyên ý tưởng bài luận, kiên quyết không sửa. Em nghĩ ý tưởng bài luận nên là một phần không thể thiếu để nói thay con người mình, và chúng không nên bị gọt giũa quá chu toàn chỉ để phục vụ mục đích nộp đơn”.
Là một chàng trai thích viết, một học sinh giỏi văn, Khôi chưa bao giờ cảm thấy đủ với 90 phút cho bài kiểm tra nghị luận xã hội trên lớp. Đó là lý do Khôi lập ra một blog cho riêng mình , có tên “Uống trà cùng Xuân Khôi”. Đây là nơi em viết về những cảm nhận, những góc nhìn riêng về cuộc sống và các vấn đề xã hội.
Khi được hỏi ai là người mà em ngưỡng mộ, Khôi nói: “Em ngưỡng mộ rất nhiều người! Ngưỡng mộ nhất là mẹ và bà nội em – những người phụ nữ can trường, dám đứng lên sau khi gục ngã, dám một tay đập tan định kiến xã hội về người phụ nữ: trở thành trụ cột tài chính cho gia đình trong một quãng thời gian rất dài. Em học được rất nhiều điều từ gia đình em, đặc biệt là từ mẹ và bà nội. Gia đình cũng là những người truyền lửa và hy vọng cho em”.
Tháng 8 tới đây, Khôi sẽ bắt đầu 2 năm học tập tại UWC Costa Rica – nơi mà em sẽ được tiếp xúc và học tập cùng hàng trăm bạn bè tới từ khắp 5 châu, nơi mà em cho rằng em sẽ là một đại diện, một hình ảnh rất khác của Việt Nam so với những gì thế giới thường được nhìn trên phim ảnh hay báo chí.
Ước mơ của Khôi là muốn trở thành một phần của những thay đổi lớn của Việt Nam trong tương lai. Em cũng mơ ước một ngày nào đó sẽ có cơ hội đứng trên sân khấu TEDxTalk để nói về những vấn đề mà mình quan tâm, và một lần được lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Vietnam.
Theo Nguyễn Thảo (Vietnamnet)
Nóng 24h qua: Nhan sắc Nam vương người Việt thế giới 2017 gây tranh cãi
Hữu Tiến được nhiều người khen có vẻ đẹp cá tính, tuy nhiên số khác lại cho rằng mặt anh ở mức bình thường
Ngày 1.7 tại nhà hát La Mirada (California, Mỹ), Phạm Minh Hữu Tiến đã vượt qua hàng trăm thí sinh để giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Nam vương người Việt thế giới 2017. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhan sắc của tân Nam vương này đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
"Tôi không hiểu tiêu chí lựa chọn Nam vương của cuộc thi là thế nào, nhưng với một số đường nét trên khuôn mặt của Hữu Tiến như miệng móm, mặt hơi ngắn... thì anh chưa xứng đáng để giành ngôi vị cao nhất", Facebooker Trà An bình luận. Trái ngược với ý kiến này, Facebooker Tuấn Anh lại khen: "Hữu Tiến sở hữu vẻ đẹp lạ, cá tính".
Phạm Minh Hữu Tiến nhận giải Nam vương.
Hữu Tiến sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành Dược sĩ tại Việt Nam rồi đi tu nghiệp nước ngoài. Anh thông thạo tiếng Anh, từng được mời nói chuyện ở một số hội nghị quốc tế về thẩm mỹ. Mới đây, quyển sách Khoa học về làn da của anh đã được xuất bản.
Theo P.V (VNE)
Nóng trong ngày: Bé trai mất tích ở Quảng Bình tử vong, lỗi do cộng đồng mạng? Nhiều ý kiến cho rằng bé trai 6 tuổi ở Quảng Bình mất tích, sau đó tử vong do lỗi của cộng đồng mạng. Do cộng đồng mạng share, truy tìm ráo riết khiến thủ phạm sợ hãi, bị dồn vào đường cùng nên mới ra tay sát hại. Câu chuyện đang khiến cộng đồng tranh cãi kịch liệt. Bên cạnh đó Top...