Nóng trên mạng xã hội: Sông Tô Lịch bỗng xanh biếc thơ mộng, chưa nên vội mừng!
Hai ngày qua, cộng đồng mạng không ngừng mừng vui vì sông Tô Lịch ở Hà Nội như được hồi sinh, nước trong xanh, bớt hôi thối và nhìn rất thơ mộng.
Nước hồ Tây chảy qua cửa xả ở phố Trích Sài vào sông Tô Lịch . Ảnh: Lê Quân
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, để có được màu xanh như vậy, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội bất ngờ mở một cửa xả từ hồ Tây ở phố Trích Sài ra sông Tô Lịch để chống ngập. Theo công ty này, nước hồ Tây phải duy trì ở mực nước 5,7 m nên khi mực nước ở mức gần 6 m sẽ phải xả bớt để đề phòng ngập khi có mưa. Ước tính có khoảng hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây chảy ra sông Tô Lịch.
Nhận lượng nước lớn từ hồ Tây cuồn cuộn chảy qua cuốn trôi rác thải tồn tích, làm loãng nước thải nên sông Tô Lịch trở nên trong xanh thơ mộng khác hẳn thường ngày trong sự ngỡ ngàng của người dân hai bờ.
Ước gì sông mãi trong xanh
“Tôi sống gần sông Tô Lịch từ năm 1990. Trước đây, sông sạch lắm, chiều đến còn kéo nhau ra tắm giặt. Qua thời gian, sông Tô Lịch thành nơi chứa nước thải của TP.Hà Nội nên bốc mùi hôi thối. Sau một ngày có nước từ hồ Tây chảy qua, sông Tô Lịch đã trong xanh, bớt hẳn mùi hôi thối. Lâu lắm rồi tôi mới lại được thấy dòng sông thơ mộng như vậy”, bà Đàm Bích Ngọc (P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy) hào hứng.
Câu cá ở sông Tô Lịch là hình ảnh dễ bắt gặp những ngày này
Còn anh Phạm Thanh Tuấn (nhà đường Nguyễn Khang) vừa chạy thể dục chiều 11.7 vừa cho biết ngày thường phải đợi tắt nắng anh mới dám ra đây vì còn nắng là mùi hôi thối bốc lên kinh khủng. “Có hôm vừa chạy vừa bịt khẩu trang. Ba hôm nay, sông bớt thối nên khi chạy hít thở được sâu hơn. Ước gì, dòng sông mãi trong xanh thế này”, anh Tuấn bày tỏ.
Video đang HOT
Cần giải pháp căn cơ
Tuy nhiên, theo Sở TN-MT Hà Nội, toàn tuyến sông Tô Lịch có hơn 200 cống xả thải. Mỗi ngày dòng sông tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Nhiều chuyên gia về môi trường nước cho rằng niềm vui của người dân Hà Nội cũng như sự hân hoan của mạng xã hội về dòng sông thơ mộng sẽ không kéo dài.
TS Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), cho biết sông Tô Lịch chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân… từ nhiều năm qua bị ô nhiễm nghiêm trọng do bị biến thành “hồ” nước thải của thành phố. Hơn 1 triệu m3 là lượng nước rất lớn khi xả ra làm sạch sông Tô Lịch nhưng không phải lúc nào hồ Tây cũng có đầy nước mà xả. Với lượng nước như vậy đủ sức pha loãng, cuốn trôi những chất thải tồn tích lâu ngày ở dòng sông. Nhưng những chất thải đó sẽ trôi xuống phần hạ lưu ra các sông Sét, sông Lừ, sông Kim Ngưu… rồi thải ra sông Hồng trước khi ra biển. Như vậy, sông Tô Lịch nếu không nhận được nước từ hồ Tây, nếu không có thêm biện pháp hữu hiệu nào khác thì sẽ lại sớm ô nhiễm như thường.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết đã ghi nhận phản ứng tích cực của người dân về tình trạng sông Tô Lịch. Để duy trì, đơn vị này đang trình TP phương án bổ sung nước sông Hồng vào hồ Tây rồi làm sạch sông Tô Lịch. Cụ thể, công ty đề xuất xây dựng trạm bơm nước chìm ở cửa khẩu An Dương với công suất 156.000 m3 nước/ngày đêm bơm nước vào hồ Tây. Sau đó, nguồn nước này được mở cửa xả qua cống ở phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để làm sạch sông.
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Hồng Công, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho rằng việc lấy nước sông Hồng để thay rửa sông Tô Lịch chỉ là giải pháp tạm bợ bởi khi đó các chất thải, chất bẩn sẽ bị đẩy về phía hạ lưu của sông Tô Lịch, phát tán ra nhiều nơi khác.
“Tôi cho rằng muốn hồi sinh sông Tô Lịch trong xanh lâu dài thì việc đầu tiên là cần ngăn hết được nước thải chảy vào dòng sông. Chặn được rồi thì dùng công nghệ khoa học xử lý nước, cộng với khả năng tự phục hồi của tự nhiên sẽ dần dần làm sống lại dòng sông. Nhưng việc chặn nước thải đổ xuống sông Tô Lịch là rất khó thực hiện”, TS Đào Trọng Tứ nói.
Theo Thanhnien
Vì sao xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch khi "bảo bối" của Nhật sắp hết thử nghiệm?
Sắp hết hạn chạy thử nghiệm "bảo bối" của Nhật xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch thì 1 triệu m3 nước hồ Tây được xả ra làm dòng sông trong xanh khác lạ.
Sông Tô Lịch thay đổi bất ngờ nhờ được cung cấp 1 triệu m3 nước từ hồ Tây
Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã mở 2 cửa xả nhằm mục đích xả khoảng 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc mở cửa xả được đơn vị cho hay, do mực nước hồ Tây đang cao hơn quy định nên cần phải xả để chuẩn bị đón nước trước khi mùa mưa bão đến.
Với việc xả nước hồ Tây, sông Tô Lịch đã nhận được một nguồn cung dồi dào, đủ đẩy hết nước thải, ô nhiễm tồn đọng một thời gian dài. Hình ảnh con sông đen sì, hôi thối lâu nay bỗng trở nên trong xanh, hai hàng cây ven bờ soi bóng xuống dòng nước khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng.
Thế nhưng, việc xả nước hồ Tây lần này lại gần với thời điểm sắp hết hạn thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm được khởi động từ ngày 16/5 và dự kiến sau 2 tháng (16/7) sẽ kết thúc.
Nhiều người lo ngại rằng, việc xả tới 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy sục khí Nano, đồng thời làm sai lệch kết quả xử lý ô nhiễm nước của các "bảo bối" này.
Dòng nước trong xanh từ hồ Tây khiến sông Tô Lịch thay đổi diện mạo
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/7, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, việc xả nước hồ Tây là điều tiết nước bình thường theo quy định. Mực nước hồ Tây đang cao hơn qui định nên phải xả chứ không có vấn đề gì.
Khi được hỏi về việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch có ảnh hưởng gì đến kết quả thí điểm làm sạch, ông Sương nói: "Đó là việc của đơn vị thí điểm còn chế độ vận hành hệ thống thoát nước thành phố vẫn theo quy định bình thường. Nước hồ đầy thì phải xả lấy chỗ chứa chuẩn bị mùa mưa".
Đại diện Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị phối hợp lắp đặt và vận hành công nghệ Nano Bioreactor cho biết thêm, việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch không hề làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành máy cũng như kết quả xử lý của máy Nano.
Theo vị này, đến sáng 11/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đóng 1 cửa xả, cửa còn lại chỉ mở 1/3 nên lượng nước hồ Tây vào sông đã giảm đi rất nhiều.
"Chỉ cần đóng cửa xả vào thì nước sông Tô Lịch sẽ rút ngay. Nước thải lại tiếp tục đổ vào sông nên bản chất nước lúc này như nước mưa pha loãng. Từ hôm nay đến hôm dự tính lấy mẫu nước (16/7) còn gần 1 tuần nên việc xả nước không ảnh hưởng gì đến kết quả xử lý của máy Nano", đại diện JVE cho hay.
Dự kiến, đến ngày 16/7, sau đúng 2 tháng thí điểm, các cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành lấy mẫu lần cuối để phân tích kết quả xử lý ô nhiễm của máy sục khí Nano, từ đó có đánh giá khách quan nhất về hiệu quả của công nghệ Nhật Bản này.
Dự tính đến ngày 16/7 sẽ kết thúc thí điểm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản trên sông Tô Lịch.
Trước đó, từ ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch(300m đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt) bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Các chuyên gia Nhật Bản cho hay, khi đặt máy sục khí bio-nano xuống thì 3 ngày sau, mùi hôi của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau 2 tháng các chỉ số quan trắc nước sẽ đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Theo các kết quả JVE công bố, tính từ thời điểm đặt máy (16/5) đến ngày 8/7, độ dày của bùn sông giảm mạnh. Tại điểm B1 (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m), độ dày bùn giảm từ 91,3cm giảm xuống chỉ còn 13cm. Tại điểm C (vị trí cách cầu Hoàng Quốc Việt 110m), độ dày bùn giảm từ 96,7cm xuống chỉ còn 19cm.
Tại khu vực quây rào sắt ngày 17/6, tính đến ngày 4/7 (sau hơn 2 tuần), tại vị trí TL-VT4 (30m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lí bùn), độ dày bùn giảm từ 73cm xuống còn 35cm (giảm 38cm).
Tại vị trí TL-VT3 (tại điểm 25m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong khu xử lý bùn), độ dày bùn giảm từ 68cm xuống còn 20cm (giảm 48cm).
Đáng chú ý, hàm lượng oxy hòa tan (DO) bên trong khu vực xử lí tăng mạnh đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Hồi sinh sông Tô Lịch bằng nước hồ Tây: Biện pháp hữu hiệu Sau hơn một ngày Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành dẫn nước từ Hồ Tây vào bổ cập cho sông Tô Lịch, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông đã giảm đáng kể. Theo đánh giá của người dân cũng như các chuyên gia, đây là việc làm cần thiết, nên duy trì thường xuyên để "hồi sinh"...