Nóng trên mạng xã hội: Phẫn nộ với hành vi bẫy thú rừng
Bộ ảnh thú rừng chết vì bẫy được fanpage Save Vietnam’s Wildlife (SVW) – Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại VN đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ về hành vi đặt bẫy săn bắt thú rừng.
Hình ảnh thú rừng bị mắc bẫy và chết dần khiến nhiều người phẫn nộ – ẢNH: SVW CUNG CẤP
Những hình ảnh này được nhóm chuyên trách bảo vệ rừng của SVW chụp lại từ tháng 12.2019 và tháng 2 – 3.2020 mới đây, trong những lần đi tuần tra tại Vườn quốc gia Pù Mát ( Nghệ An).
“Trong rừng, nhiều con thú bị dính bẫy do người tạo ra. Rất nhiều con vật trong số đó bị mắc bẫy, bị thương, rồi chết dần chết mòn trong đau đớn, thối rữa trước khi được người đặt bẫy phát hiện. Một số con vẫn còn đang sống, chúng sẽ sớm làm mồi trên những bàn nhậu hoặc bị đem đi buôn bán trái phép”, trang này thông tin.
Nhóm bảo vệ rừng gồm 15 thành viên chia nhau thành nhiều nhóm đi tuần
Không kiềm được nước mắt
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lê Tất Thành (39 tuổi, đội trưởng đội bảo vệ rừng (Atipoaching) thuộc SVW, kể hằng ngày đi tuần tra, thỉnh thoảng nhóm anh gặp những con thú mắc bẫy, có lúc thì còn sống, bị thương, lúc thì đã chết. Nếu bắt gặp những con thú còn sống, anh Thành và đồng đội sẽ tháo gỡ bẫy và thả đi. Trường hợp bị thương nặng sẽ mang về khu cứu hộ động vật để cứu chữa. Nếu thú đã chết thì sẽ chôn hoặc tiêu hủy ở trong rừng.
Những con còn sống sẽ được trả về với thiên nhiên, nếu trường hợp bị thương nặng sẽ được nhóm anh Thành mang về khu cứu hộ động vật để chữa – ẢNH: NVCC
“Làm công việc bảo tồn động vật hoang dã, nhóm chúng tôi ai cũng rất yêu quý động vật. Chứng kiến cảnh động vật chết như vậy thì vô cùng đau lòng, nhiều người anh em buồn mà không kiềm được nước mắt. Có nhiều lần phát hiện thú dính bẫy nhưng người đặt bẫy không quay lại xem nên chúng chết khô ở đấy”, anh nói.
Những loại thú bị bẫy mà nhóm anh thường gặp là: chuột, sóc, khỉ, lợn rừng, cầy… với nhiều loại bẫy khác nhau như thòng lọng, bẫy kẹp, bẫy lao… Với 15 năm kinh nghiệm ở rừng và làm bảo tồn động vật 2 năm, mỗi loại bẫy anh Thành và nhóm sẽ có cách mở khác nhau để giải cứu thú rừng.
Video đang HOT
Có những con thú mắc bẫy khi đội bảo vệ rừng phát hiện đã bị chết khô, phân hủy – ẢNH: NVCC
Anh Thành cho biết sẽ tăng cường người đi tuần thường xuyên để mong cứu được những con vật bị bẫy – ẢNH: NVCC
“Sẽ cố gắng bảo vệ rừng”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, thừa nhận những hình ảnh thú rừng bị đánh bẫy được lực lượng bảo vệ rừng chụp tại đây. Ông Cường cũng cho biết tình trạng đánh bẫy thú rừng của người dân địa phương xảy ra từ lâu. Trước đây, những người đi săn thú thường làm bẫy luồng kéo dài hàng km trong rừng khiến thú rừng đi qua đều bị dính bẫy.
Từ năm 2018, SVW đã hỗ trợ cho vườn lực lượng cùng phối hợp với 77 kiểm lâm viên của vườn liên tục vào rừng kiểm tra nạn đánh bẫy, nên tình trạng đánh bẫy đã giảm. Tuy nhiên, hiện nay những kẻ đi săn thú dùng bẫy đơn lẻ, khiến lực lượng bảo vệ rừng khó phát hiện hơn.
Các loại bẫy, súng săn mà đội tuần tra thu được – ẢNH: NVCC
Còn theo anh Thành, tháng 4 – 5 là thời điểm bắt đầu mùa săn rùa và thu mật ong, sẽ là thách thức lớn cho lực lượng bảo vệ rừng để ngăn chặn kịp thời hoạt động trái phép của con người. Trước tình hình này, anh Thành cho biết sẽ tăng cường người đi tuần tra thường xuyên. Mỗi tháng, anh và đồng đội dành ít nhất 15 – 20 ngày ăn ngủ trong rừng: không điện thoại, không internet, “sống chung” với nhiều côn trùng độc.
Những hình ảnh do đội chuyên trách bảo vệ rừng cung cấp về những con thú bị mắc bẫy và chết trước khi con người phát hiện – ẢNH: NVCC
Nhóm chuyên trách bảo vệ rừng của anh Thành hiện có 15 người chia ra thành nhiều nhóm đi tuần từ sáng sớm.
“Vườn quốc gia Pù Mát có 11 trạm, chúng tôi đi từ 7 giờ 30 đến 17 giờ thì đóng lán trại nghỉ ở rừng, đi đến đâu thì nghỉ ở đấy”, anh kể và cho biết thêm: “Người trẻ nhất trong đội chúng tôi 26 tuổi, tôi già nhất và cũng có kinh nghiệm nhiều nhất đội. Rừng này là rừng đặc dụng nên chúng tôi bảo vệ tất cả những gì tác động vào rừng gỗ, thú rừng, cá… Chúng tôi muốn bảo tồn cho tốt để con cháu sau này biết được hình ảnh những con thú ở thiên nhiên là như thế nào”, anh bộc bạch.
Lê Hồng Hạnh
Bố dùng súng bắn chết con trai vì tưởng là lợn rừng
Trong lúc hai bố con đi săn, do trời chưa sáng hẳn, thấy bóng đen của con nhưng lại tưởng là lợn rừng, người bố đã dùng súng tự chế bắn khiến con trai mình tử vong.
Mới đây, TAND huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) đã mở phiên tòa xét xử với bị cáo Thào A Cháy (SN 1980, trú tại bản Phá Thoóng, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) về tội " Vô ý làm chết người". Bị hại trong vụ án là anh Thào A Chỉ (SN 2003 - con trai của bị cáo Cháy).
Hình minh họa
Sự bất cẩn của người cha
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 16h ngày 2/4/2019 Thào A Cháy (người dân tộc Mông) mang theo 1 khẩu súng kíp tự chế cùng 1 con chó đi đến khu vực của bản Chăm Hỳ, xã Mường Lèo giáp ranh với bản Ten Lán, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp để săn bắn thú rừng.
Đến khoảng 18h cùng ngày thì đến nơi. Tuy nhiên, do trời đã tối nên Cháy ngủ lại đó qua đêm, đến khoảng 3h sáng ngày hôm sau, Cháy tiếp tục đi săn bắn thú rừng và đi về hướng bãi chăn thả gia súc của bản Ten Lán. Tại đây, có Thào A Chỉ và Thào A Vự (cháu của Cháy) cũng đến săn bắn thú rừng tại khu vực này từ buổi chiều ngày 2/4/2019, cùng nhau ngủ qua đêm tại lán nương.
Đến rạng sáng hôm sau, trong lúc Chỉ và Vự dậy nấu cơm ăn và tiếp tục vào rừng để săn bắn. Tại đây, khi nghe tiếng gà rừng gáy, Chỉ bảo Vự ở lại trông và dọn đồ đem theo để về nhà, còn Chỉ cầm theo 1 khẩu súng tự chế và 1 chiếc điện thoại di động mở tiếng gà rừng gáy rồi đi theo hướng có tiềng gà gáy.
Lúc này, Thào A Cháy cũng di về hướng có tiếng gà rừng gáy, Cháy quan sát thấy một bóng đen di chuyển từ dưới lên nhìn giống con lợn rừng cách Cháy khoảng 9 mét. Lúc này, do trời còn chưa sáng hẳn, rất nhiều sương mù, cây cối rậm rạp Cháy cho một viên đạn cái vào trong nòng súng, dương súng lên nhằm vào bắn sau đó nghe như có tiếng lợn rừng kêu "ừ".
Sau tiếng súng của Cháy, con chó đi cùng sủa chạy đi hướng khác, Cháy nghĩ con thú bị thương bỏ chạy nên cũng đuổi theo hướng con chó sủa nhưng không phát hiện thấy gì, Cháy quay lại chỗ đã bắn để kiểm tra lại con lợn rừng đã chết chưa.
Khi đi đến gần cách khoảng 3m thì nhìn thấy có người đang nằm bất động dưới đất tư thế hai chân quỳ, mặt úp xuống đất, tay vẫn cầm súng. Lúc này, Cháy biết mình đã bắn nhầm người lo sợ bị phát hiện và nghĩ người đó đã chết nên đã chạy về nhà.
Sau khi nghe tiếng súng nổ mà không thấy Chỉ quay lại, Vự đi tìm thì phát hiện Chỉ đang nằm bất tỉnh, đầu chảy nhiều máu, Vự đã nhanh chóng chạy về nhà báo tin cho Thào A Cháy về việc Chỉ bị bắn chết, sau đó Cháy cùng mọi người đi đến nơi thì Cháy biết đã bắn nhầm con mình. Tuy nhiên, do sợ pháp luật trừng trị nên Cháy đã không dám khai báo.
Sau đó, biết không thể trốn tránh mãi được nên ngày cuối 7/2019 Cháy đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sốp Cộp đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Hậu quả
Tại phiên tòa xét xử vừa qua, bị cáo Cháy đã khai nhận hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình. Trong khi đó, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Cháy là người dân tộc thiểu số, không biết chữ, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, là trụ cột của gia đình có 4 người con.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét xử phạt bị cáo mức án thấp nhất bảo đảm tính khoan hồng của pháp luật và đề nghị xử phạt bị cáo này mức án từ 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng tội danh truy tố.
Về phía HĐXX thì cho rằng, hành vi thiếu cẩn trọng của bị cáo Cháy khi đi săn, dẫn đến bắn nhầm, gây ra hậu quả khiến con trai bị chết. Bị cáo đã vi phạm qui tắc xử sự thông thường. Nếu trước khi bắn, bị cáo có sự quan sát cẩn thận, quan sát kỹ mục tiêu thì hậu quả chết người đã không xảy ra.
Bị cáo hiểu rằng, rừng núi là nơi đi lại làm ăn của người dân, săn bắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người đi rừng. Nhưng bị cáo thiếu thận trọng, tin tưởng vào sự quan sát của bản thân, loại trừ tình huống xấu thiếu căn cứ nên đã bắn nhầm mục tiêu, gây ra cái chết cho con trai mình. Bởi vậy, lỗi của bị cáo là vô ý vì tự tin.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng con người của bị hại được pháp luật bảo vệ, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân nên cần thiết phải có hình thức xử lý nghiêm nhằm giáo dục bị cáo và cũng để răn đe, phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, bị cáo thể hiện thái độ ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, sau khi sảy ra vụ án bị cáo biết không thể trốn tránh pháp luật nên bị cáo đã đến cơ quan điều tra đầu thú khai báo toàn bộ sự việc giúp cơ quan điều tra nhanh chóng khép lại vụ án, bị cáo là người dân tộc thiểu số, hiểu biết còn hạn chế, bị cáo không có ý lấy đi mạng sống của bị hại,... nên cần thiết áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.
Với nhận định và phân tích nêu trên, HĐXX TAND huyện Sốp Cộp quyết định tuyên phạt bị cáo Thào A Cháy 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội "Vô ý làm chết người, theo Khoản 1 Điều 128, điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Khoản 1, 2 ,5 Điều 65 BLHS năm 2015. Thời gian thử thách là 36 tháng.
Mạnh Hùng
Cách tống khứ những con vật đáng ghét ra khỏi ngôi nhà của bạn Với những cách làm dưới đây, chúng tôi đảm bảo rằng bạn sẽ không phải nhìn thấy bất cứ một con chuột, gián, kiến... nào trong ngôi nhà của mình. Chuột là một trong những con vật vô cùng đáng ghét đối với mọi nhà. Nó sẽ tìm mọi ngóc ngách để chui vào nhà và cắn xé đồ của bạn. Trước tiên,...