Nông thôn Sơn La khoác áo mới…
Năm 2017, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số 15 xã đạt 19/19 tiêu chí; có 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10-14 tiêu chí… Đến năm 2020 có ít nhất 38/188 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Nông thôn nhiều khởi sắc
Là tỉnh có hơn 80% số xã vùng nông thôn với nhiều dân tộc anh em chung sống, Sơn La có không ít khó khăn trong xây dựng NTM. Tuy vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đã xác định: Xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà. Từ sự xác định đúng đắn đó dẫn tới phương châm, hành động, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đều xác thực và đạt hiệu quả cao.
Ông Hà Quyết Nghị – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết: “Khi đã xác định là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm thì phải dồn lực vào tổ chức thực hiện. Mà muốn vậy thì phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Bởi thế, không thể không bám sát cơ sở, hiểu rõ cơ sở. Với một địa bàn nhiều khó khăn như Sơn La thì có biết bao nhiêu việc phải làm. Nhưng phải biết việc gì cần ưu tiên làm trước, việc gì có thể làm sau, việc nào cần làm cấp tốc… Một kế hoạch thực hiện sát thực sẽ cho kết quả rất tốt và thực tiễn phấn đấu NTM ở Sơn La đã nói lên điều ấy”.
Năm 2016, từ chương trình xây dựng NTM, tỉnh Sơn La đã xây dựng được 1.337 km đường giao thông nông thôn. ảnh: K.T
Video đang HOT
So với năm 2015, Sơn La mới có 3 xã đạt chuẩn NTM và còn có huyện đạt bình quân dưới 5 tiêu chí thì năm 2016, Sơn La đã có thêm 9 xã đạt chuẩn và không còn huyện đạt bình quân dưới 5 tiêu chí.
Những kết quả nói trên cho thấy sự bứt phá không ngừng trong chương trình NTM nói riêng và sự phát triển đi lên của toàn tỉnh nói chung. Sự khởi sắc ấy có thể dễ dàng thấy được qua nét mặt vui tươi của người dân, những mùa màng bội thu trên các cánh đồng, những bản làng ngày càng khang trang với cuộc sống người dân ngày càng no ấm hơn, đầy đủ hơn. Lão nông Hoàng Văn Tom, bản Pát, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn – 1 trong 3 xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh Sơn La, tâm sự: “Từ ngày làm NTM, không chỉ có bộ mặt xã, bản khá hơn hẳn lên mà nông dân chúng tôi cũng thấy mình khác đi nhiều. Cái ăn, cái mặc no hơn, đẹp hơn. Cái đầu mình cũng đã biết nghĩ tới nhiều cái hay, cái mới hơn. Người ta sống cũng đỡ ích kỷ với nhau hơn, ai cũng có ý chí vươn lên tự xóa nghèo và làm giàu cho mình. Khi người nông dân hiểu rõ hơn về NTM là của dân, do dân, vì dân thì đồng thuận sẽ cao, nỗ lực sẽ lớn. Ngay như ở cái bản này, cái bờ rào mỗi nhà cũng đã gọn hơn, thẳng hơn, đẹp hơn. Khi làm đường chung, vướng nhà ai là họ sẵn sàng hiến đất, hiến công, hiến vật liệu để cùng làm cho tốt”.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Bước sang năm 2017, tất cả các huyện, thành phố của Sơn La không còn huyện nào đạt bình quân dưới 5 tiêu chí NTM; trong đó thành phố Sơn La đạt 15 tiêu chí, Quỳnh Nhai đạt 11,8 tiêu chí… 4 đơn vị có mức tăng khá so với năm 2015 là: Bắc Yên tăng 4 tiêu chí; Sốp Cộp tăng 3,2 tiêu chí; Mường La tăng 3,1 tiêu chí; thành phố Sơn La tăng 2,4 tiêu chí…
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phong trào xây dựng NTM ở Sơn La đã trở thành chủ đề bao trùm các hoạt động trong tỉnh và có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ông Quàng Văn Phóng – Trưởng bản Hụm xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn la – xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh Sơn la vào tháng 8.2015, cho biết: “Khi làm NTM, tôi được bầu làm trưởng ban phát triển bản. Ban có tất cả các cán bộ bản và những người có uy tín trong bản. Thường ngày, ngoài những văn bản chỉ đạo của các cấp; chúng tôi còn được các cán bộ của Thành ủy, UBND thành phố và các đoàn thể quần chúng như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… luôn bám sát, vừa định hướng, chỉ đạo; vừa giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn khi thực hiện. Nhờ thế, sau mấy năm bắt tay xây dựng NTM, chúng tôi đã hoàn thành các chỉ tiêu. Khi thực hiện cũng có những khó khăn, có những hy sinh đóng góp nho nhỏ, nhưng khi đã hoàn thành thì ai cũng thấy vui, ai cũng được hưởng lợi và đều cảm ơn NTM đấy”.
Còn tại xã vùng cao nhiều khó khăn như Ngọc Chiến của huyện Mường La, ông Quàng Văn Pành ở bản Mường Chiến bảo: Có cái NTM vào, Ngọc Chiến được đón cán bộ đến thăm nhiều hơn. Cán bộ ra về là xã, bản lại có thêm những cái mới: Đường giao thông được cứng hóa, nhà lớp học và trạm y tế được kiên cố hóa, điện lưới và nước sinh hoạt được đầu tư. Từ trước đến nay có ai nghĩ rằng ở Ngọc Chiến lại có thể có những cánh đồng cho thu nhập tới tiền tỷ/ha/năm như bây giờ đâu. Nông dân ở Ngọc Chiến bây giờ nhiều người đã thành công nhân có lương hàng tháng ngay trên chính cánh đồng Mường Chiến này đấy. /.
Theo Danviet
Địa bàn khó khăn vẫn tăng trưởng ấn tượng
Năm 2016, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Sơn La tăng trưởng hơn 4,79 tỷ đồng, 9/12 huyện, thành phố được ngân sách cấp 1,85 tỷ đồng... Đây là kết quả phấn khởi trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn...
Cách làm hay đem lại hiệu quả
Không chỉ từ nguồn ngân sách cấp bổ sung, nguồn vận động, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và cán bộ, hội viên nông dân đóng góp tăng trưởng Quỹ HTND tỉnh Sơn La cũng lên tới 1,44 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ Quỹ HTND toàn tỉnh đạt hơn 32,26 tỷ đồng. Hiện, cấp tỉnh quản lý hơn 20,3 tỷ đồng. Ông Hoàng Sương - Chủ tịch Hội ND Sơn La cho biết, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố xây dựng được Quỹ HTND, trong đó có 6/12 huyện, thành phố đạt mức 900 triệu đồng trở lên.
Từ 50 con bò sinh sản mua ban đầu bằng vốn Quỹ HTND năm 2015, đến nay số lượng đàn bò dự án tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) đã tăng thêm gần 40 con. Ảnh: Kiều Thiện
Theo Hội ND tỉnh Sơn La, đơn vị này vừa hướng dẫn, thẩm định giải ngân 13 dự án với tổng số tiền 4 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng quay vòng vốn chu kỳ thứ 2; 1,5 tỷ đồng từ nguồn bổ sung ngân sách tỉnh cấp năm 2016. Hội ND tỉnh đã đầu tư xây dựng 13 dự án tại 9/12 huyện, thành phố; trong đó có 5 dự án đầu tư mới từ nguồn ngân sách tỉnh cấp năm 2016 với số vốn 1,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng mô hình trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm nuôi nhốt bò sinh sản tại 5 xã của 5 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Mai Sơn và TP.Sơn La. Các dự án đã giúp 141 hộ được vay vốn phát triển sản xuất có hiệu quả.
Phát huy hiệu quả đồng vốn
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, 3 năm gần đây, Hội ND tỉnh đã xây dựng 126 dự án, hỗ trợ vốn cho 1.277 hộ mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Phương thức cho vay thực hiện theo mô hình nhóm hộ, vừa đảm bảo an toàn nguồn vốn, vừa tạo được những mô hình kinh tế tập thể để bà con dễ học tập và làm theo. Trong năm 2016 đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình hiệu quả từ nguồn vốn vay Quỹ HTND như chăn nuôi bò sinh sản. Dự án đầu tư sau 12 tháng tại xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu từ 31 con bò nay đã tăng thêm 5 con và hiện có 18 con khác đang có chửa. Tại xã Tông Lệnh (Thuận Châu) ban đầu có 40 con bò, sau 14 tháng đã tăng thêm 21 con...
Nói về hiệu quả của Quỹ HTND, bà Hà Thị Hồng - cán bộ quản lý Quỹ HTND tỉnh Sơn La cho biết: "Sau khi thực hiện giải ngân nguồn vốn, chúng tôi duy trì chặt chẽ hoạt động giám sát gắn với đôn đốc, định hướng, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Đây là 1 trong những hoạt động thiết thực để nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả...".
Trao đổi với NTNN, lãnh đạo Hội ND tỉnh Sơn La nhận định kết quả vận động tăng trưởng nguồn vốn còn "khiêm tốn". Nhưng nếu nhìn Sơn La còn là một tỉnh miền núi nghèo thì kết quả tăng trưởng Quỹ HTND ở đây đã được cấp ủy quan tâm, chỉ đạo, chính quyền tạo điều kiện và các cấp Hội tích cực, chủ động tham mưu trúng vấn đề...
Theo Danviet