Nông thôn mới Vĩnh Phúc: Nhiều xã khó về đích đúng hẹn
Mặc dù đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2018, song nhiều xã hiện vẫn còn “nợ” 4 – 5 tiêu chí, khả năng về đích của các xã này là rất khó khăn. Chính vì vậy, lãnh đạo, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực tìm cách “gỡ khó” .
Khó về đích đúng hẹn
Năm 2011, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) bắt tay vào xây dựng NTM khi chỉ có 2/19 tiêu chí đạt chuẩn. Mặc dù vậy, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Yên Lập mạnh dạn đăng ký về đích vào cuối năm 2018. Mặc dù nỗ lực là vậy, song đến nay khi chỉ còn một tháng nữa là hết năm, Yên Lập mới chỉ đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tứ – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa” xã khó thực hiện nhất, bởi toàn xã hiện có 7/8 thôn chưa xây dựng được nhà văn hóa và 1 thôn có nhà văn hóa nhưng đã xuống cấp, cần phải xây dựng lại…
Nhiều xã của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đăng ký về đích năm 2018, song đang gặp khó về tiêu chí giao thông. Ảnh: V.T
“Hiện 6 nhà văn hóa (trong đó có 2 nhà văn hóa liên thôn) được phê duyệt địa điểm, tuy nhiên vẫn chưa thu hồi đất được. Tiêu chí “Môi trường và an toàn thực phẩm”, xã còn 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành là: Xã có hơn 5.000m rãnh thoát nước thải cần được cứng hóa để đạt chuẩn và 1 nghĩa trang Đồng Quả chưa được xây dựng theo quy định; bãi rác tập trung của xã tại khu vực Đồng Quả, rộng 3.000m2 đã được phê, song xã chưa có kinh phí giải phóng mặt bằng nên xã vẫn chưa triển khai xây dựng được” – ông Tứ cho biết.
Theo ông Tứ, về tiêu chí “Giao thông”, các đường giao thông nông thôn xã đã cơ bản cứng hóa, nhưng các tuyến đường nội đồng hầu hết chưa được cứng hóa, do chưa có kinh phí và người dân ủng hộ, hiến đất chưa cao. Về tiêu chí “Trường học”, trường THCS đã cơ bản xây dựng xong, tuy nhiên, sân trường chưa được lát gạch.
“Đã gần hết năm 2018, nên Yên Lập không thể về đích đúng hẹn, chúng tôi dự kiến sẽ phấn đầu về đích vào quý II.2019. Do đó, một mặt xã sẽ nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi các mô hình hiệu quả, mặt khác xã rất mong huyện, tỉnh bố trí kinh phí kịp thời, đồng thời tạo điều kiện để xã hoàn thành các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất để xã lấy kinh phí hoàn thành các công trình, chỉ tiêu về đích NTM” – ông Tú bày tỏ.
Video đang HOT
Tỉnh cần sớm vào cuộc “gỡ khó”
Vĩnh Phúc đang phấn đấu năm 2020 về đích tỉnh NTM. Do đó, tỉnh đang chỉ đạo các sở ban ngành nỗ lực tìm giải pháp “gỡ khó” cho các xã, đặc biệt là các thủ tục về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất; mức hỗ trợ đặc thù đối với các xã khó khăn…
Hiện Vĩnh Phúc đã có 99/112 xã, 2 huyện (Bình Xuyên, Yên Lạc) được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên đang chờ Bộ NNPTNT tổ chức thẩm định và T.Ư phê duyệt công nhận.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NNPTNT, tiến độ triển khai và hoàn thành các tiêu chí tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2018 rất chậm; công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt.
Lý giải về tiến độ xây dựng NTM chậm, theo quy định tại Nghị quyết số 115/2013/NQ- HĐND của HĐND tỉnh, về hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng, với 10.000m2 trung tâm văn hóa xã, 500m2/nhà văn hóa thôn.
Tuy nhiên, trong Kế hoạch số 1348/KH-UBND ngày 25.3.2014 của UBND tỉnh lại quy định cụ thể số tiền hỗ trợ 2 tỷ đồng/trung tâm văn hóa, 100 triệu đồng/nhà văn hóa thôn. Thực tế, tại một số xã số tiền này không đủ tiền hỗ trợ cho người dân…
Ngoài ra, với cơ chế hỗ trợ của tỉnh về làm đường giao thông nông thôn chưa thật sự phù hợp với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2018, 2019. Bởi các xã này đều là xã khó khăn…
Mặt khác, để đạt được tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất) cùng với phải có ít nhất 1 HTX được tổ chức, hoạt động theo quy định của luật HTX năm 2012, quy mô phù hợp, kinh doanh có lãi thì địa phương phải có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ, nhưng hiện nay các xã hầu như chưa có mô hình liên kết gắn với sản xuất và tiêu thụ…
Theo Danviet
Tân An Hội sắm máy lấy dấu vân tay, bấm số thứ tự: Đột phá cải cách
Tân An Hội là xã đầu tiên của huyện Củ Chi trang bị camera giám sát, là xã duy nhất đầu tư máy lấy dấu vân tay, máy bấm số thứ tự, tạo nên những bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính nơi đây. Đây cũng là xã có nhiều cách làm sáng tạo, tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Cải cáchđể phục vụ tốt người dân
Khi thấy chúng tôi ngạc nhiên về việc trang bị nhiều máy móc hiện đại, ông Phạm Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tân An Hội chia sẻ, để tiện cho việc đảm bảo an ninh trật tự nơi công sở, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tính tự giác, ý thức kỷ luật của mỗi cán bộ, công chức; thuận lợi cho hoạt động điều hành của lãnh đạo, xã không chỉ lắp đặt camera giám sát mà còn trang bị cả máy lấy dấu vân tay.
Cải cách thủ tục hành chính phục vụ tốt nhất người dân. Ảnh: P.T
Một cán bộ làm ở bộ phận một cửa cho hay, máy lấy dấu vân tay giúp cán bộ công chức xã nâng cao tính kỷ luật. Trước kia, thi thoảng còn tình trạng cán bộ đi muộn về sớm. Từ ngày có camera giám sát, máy lấy dấu vân tay, tình trạng này đã được chấn chỉnh hoàn toàn. Nền nếp, kỷ cương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi được chấp hành nghiêm.
Hơn 11 giờ 30 mà phóng viên thấy cán bộ xã còn miệt mài làm việc. Chị Lương Thị Kén tới chứng thực hồ sơ nhà đất cho biết, chị rất hài lòng với việc bấm số thứ tự vì tạo sự công bằng cho mọi người dân. Còn ông Bình giải thích tại sao cán bộ làm việc mà không nghỉ trưa: Tân An Hội có diện tích rộng, điểm xa nhất cách trung tâm hành chính xã tới 6km; xã tập trung nhiều công ty, tới 20.000 công nhân, để tiện cho việc chứng thực giấy tờ, giải quyết các công việc cho người dân, xã phân công trực luân phiên, hầu như trưa không nghỉ, chiều làm việc tới 18, 19 giờ.
Hàng ngày, Tân An Hội tiếp nhận vài chục tới hàng trăm hồ sơ chứng thực các loại, nên để tạo sự công bằng, trật tự, xã trang bị máy bấm số thứ tự người vào làm thủ tục.
Tuần tra giữ an ninh trật tự 24/24 giờ
Đến nay, Tân An Hội là xã duy nhất của huyện Củ Chi trang bị máy lấy dấu vân tay và máy bấm số thứ tự. Đây là bước tiến mới, cách làm sáng tạo, năng động, góp phần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng hiệu quả công việc, tạo thuận lợi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp...
Trước kia Tân An Hội là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự, bởi xã giáp ranh tỉnh Long An, nằm kề thị trấn huyện Củ Chi, hai đường tỉnh lộ chạy qua, có bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, một phần bến xe của huyện... là những nơi tập trung đông người.
Hơn thế, xã nằm trong khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, có 42 công ty, doanh nghiệp, trong đó có 18 doanh nghiệp nước ngoài, tập trung 20.000 công nhân. Vì vậy, đảm bảo an ninh trật tự là một trong những vấn đề trọng tâm, hàng đầu của xã.
Lực lượng đảm bảo anh ninh trật tự của xã như công an, dân quân tự vệ được phân công luân phiên, làm nhiệm vụ 24/24 giờ. Ngoài giờ hành chính, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ từ 18 giờ 30 tới 0 giờ mỗi ngày; công an từ 0 giờ tới sáng. Nhiều năm, xã không xảy ra các vấn đề phạm pháp hình sự nghiêm trọng.
Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2018 tại xã xảy ra 12 vụ nhưng là người từ nơi khác phạm tội tới, không phải người địa phương hay cư trú trong xã.
Cổng bệnh viện, bến xe, khu công nghiệp không còn tình trạng bán hàng rong, lộn xộn lấn chiếm lòng lề đường... Một người dân sinh sống ngay cạnh bệnh viện đa khoa cho biết: "Trước kia đi qua đoạn đường này hết sức khó khăn vì hàng quán chiếm hết vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Nhưng nhờ sự tích cực, kiên trì, quyết tâm và cứng rắn của lực lượng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự của xã mà tình trạng lộn xộn đã được dẹp bỏ triệt để. Chúng tôi rất phấn khởi và ủng hộ cách làm của xã".
Như lời người dân Tân An Hội phản ánh, theo chân đồng chí Trần Quang Duy - Phó Trưởng công an xã tới các điểm nóng về an ninh trật tự của xã, tình hình trật tự, bình yên, mới thấy hết sự nỗ lực, cố gắng của Tân An Hội. Có được thành quả như ngày hôm nay đã khó, để duy trì và giữ vững tiêu chí số 19 trong xây dựng NTM càng đòi hỏi sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của Tân An Hội.
Theo Danviet
Xét theo chuẩn nghèo quốc gia: TP.HCM không còn hộ nghèo! Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP.HCM, tính đến nay số hộ nghèo tại khu vực nông thôn thành phố chỉ còn 2,5% trên tổng hộ dân tại 5 huyện. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Thu nhập người dân nông thôn đạt 54,7 triệu đồng Để đạt được...