Nông thôn mới ở Yên Bái: Nhiều hộ dân tự nguyện tháo nhà để làm đường
Sự đồng thuận, tự nguyện hiến đất của người dân đã và đang góp phần hoàn thành sớm tiêu chí về đường giao thông nông thôn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều kết quả trong việc huy động sức dân làm đường giao thông.
Tại thôn Cây Đa, khi mở tuyến đường vành đai liên thôn bản từ thôn Cây Đa đến thôn Lạc Hồng gần 2km tưởng chừng khó thực hiện, bởi nguồn kinh phí lớn, lại ảnh hưởng đến đất đai của nhiều hộ gia đình. Trước tình hình này, xã đã tổ chức họp dân tại các bản có đường đi qua ảnh hưởng đến đất đai của người dân, phổ biến kỹ chủ trương xây dựng nông thôn mới…
Cột nhà chị Vương Thị Rớt đã được tháo đi cho mở đường
Khi tư tưởng đã thông, bà con thấy rõ được lợi ích của giao thông nông thôn, nhiều hộ gia đình tự nguyện chặt cây, nhổ rào nhường đất cho mở rộng mặt đường. Điển hình như gia đình anh chị Nguyễn Văn Thuỷ và Vương Thị Rớt, khi mở tuyến đường liên thôn Cây Đa – Lạc Hồng, gia đình không chỉ hiến 260m2 đất cho làm đường mà còn tự nguyện tháo 1 gian nhà để cho đường được thẳng mà không đòi đền bù.
Chị Vương Thị Rớt cho biết: “Gia đình tôi suy nghĩ là con đường này thuận tiện cho cả gia đình tôi, cho cả tập thể. Để cho bà con thôn xóm có đường đi lối lại dễ hơn, gia đình tôi đã tự dỡ đi thôi”.
Cũng giống như ở thôn Cây Đa, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại thôn Khe Cỏ, nhiều tuyến đường liên thôn bản, nội đồng được mở rộng, nâng cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc ảnh hướng đến đất đai của nhiều hộ gia đình.
Đường liên thôn bản được mở rộng thêm
Tuy nhiên, không vì thế mà khó thực hiện, ngay khi còn chờ đợi kinh phí từ cấp trên người dân trong thôn đã chủ động phá vườn, bỏ ruộng, đóng góp ngày công chuẩn bị mặt bằng cho cứng hoá mặt đường. Như gia đình ông Nguyễn Ngọc Đạt đã hiến 360m2 đất vườn, đất ruộng cho mở rộng đường liên xã mà không đắn đo gì.
Ông Nguyễn Ngọc Đạt, thôn Khe Cỏ chia sẻ: “Tôi nghĩ nếu đường nông thôn không mở rộng thì chính những người già chúng tôi khổ trước”.
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã nâng cấp, cứng hoá được hơn 10km trong tổng số hơn 22km đường liên xã, liên thôn bản; mở mới và mở rộng được 10km đường nội đồng.
Có 3 tuyến đường bê tông rộng 3m, dài gần 1km là 100% sức dân đóng góp, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Đến nay xã đã hoàn thành 8 tiêu chí và phấn đấu hết 2015 xã hoàn thành 10 tiêu chí.
Đường nội đồng xã An Thịnh nhìn từ trên cao
Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Trước tiên, chúng tôi vẫn tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đa dạng hoá các hình thức đóng góp để phục vụ mở đường. Chưa có nguồn vốn thì cứng hoá mặt đường bằng việc giải cấp phối. Chúng tôi đã liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để xin đá tận dụng giải cấp phối phục vụ cho bà con đi lại “.
Với sự chủ động của chính quyền địa phương, sự đồng thuận chung tay góp sức của nhân dân, xã An Thịnh, huyện Văn Yên đang phấn đấu hoàn thành sớm tiêu chí về đường giao thông nông thôn trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.
Video đang HOT
Thừa Xuân
Theo_VOV
Xây dựng NTM: Nổi bật nhất là thay đổi về nhận thức
"Cái nổi bật nhất là thay đổi về nhận thức. Ở một phần lớn số xã nông dân đã phấn khởi, tin tưởng chương trình NTM là một cái bước quan trọng để thay đổi cuộc sống của họ, gắn cuộc sống của họ với sự phát triển chung của đất nước" TS Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn trao đổi với TS về 'Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới'.
Bước đột phá về chiến lược, chính sách
Thưa TS, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng phê duyệt đã đi được 1/3 chặng đường (10 năm). Là người hiểu rõ nhất về các chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, xin ông cho biết ý nghĩa thực tiễn của chương trình này?
Đây là chương trình rất đặc biệt, bao gồm các hoạt động của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác cùng diễn ra trên địa bàn nông thôn.
Mặc dù cơ quan thường trực đặt tại Bộ NN&PTNT nhưng mang tính chất toàn quốc, liên ngành với sự chỉ đạo tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị cho đến các đoàn thể quần chúng, các địa phương, các thành phần kinh tế...
Nông thôn mới góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Sau khi triển khai, ông nhận thấy nông nghiệp, nông thôn nước ta có chuyển biến như thế nào theo từng chặng? Theo ông, đâu là điểm nổi bật mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua?
Sau ba năm thực hiện, chương trình Nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thay đổi được diện mạo của nông thôn.
Ở các trụ sở xã tham gia chương trình này đều hình thành các công trình phúc lợi chính được quy hoạch khá hoàn chỉnh, như trụ sở, bệnh viện, trường học, chợ, hệ thống điện, giao thông... khá khang trang. Đây là bước thay đổi khá rõ rệt.
Ngoài đồng ruộng, việc dồn điền đổi thửa tạo ra những vùng sản xuất đồng bộ hơn, quy mô lớn hơn; đi kèm theo là hệ thống kênh mương, cơ giới, đường xã tương đối tốt; nhiều nơi đã tranh thủ sự đồng bộ đó để nâng mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp lên gấp 30 - 50% so với trước trong chỉ sau ba năm, nhờ đó tăng được năng suất lao động, giảm được lãng phí sử dụng nước, tạo nên được cơ sở để triển khai áp dụng thâm canh cánh đồng mẫu lớn...
Nhiều địa phương doanh nghiệp đã vào đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, đưa sản xuất hàng hóa tập trung; thống nhất với nhau ở các vùng sản xuất cùng một cây con giống, cùng một loại nông sản... Rất nhiều nơi mức sống nông dân tăng lên, điều kiện sống về văn hóa được cải thiện.
Cái nổi bật nhất là thay đổi về nhận thức. Ở một phần lớn số xã nông dân đã phấn khởi, tin tưởng chương trình NTM là một cái bước quan trọng để thay đổi cuộc sống của họ, gắn cuộc sống của họ với sự phát triển chung của đất nước.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn
Rất nhiều chính quyền, đảng bộ địa phương đã thấy được lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực quan trọng cần phải đầu tư tập trung song song với việc đầu tư phát triển đô thị.
Tuy nhiên, cũng còn một số điểm hạn chế. Ở nhiều nơi vẫn nảy sinh tâm lý ỷ lại vào nhà nước, coi chương trình NTM vẫn là chương trình đầu tư của nhà nước, vẫn còn nhiều nơi quá coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển xây dựng, tập trung chủ yếu hoàn chỉnh các dự án xây dựng cơ bản; trong khi đó mảng sinh kế, phát triển sản xuất chưa được chú trọng đúng mức. Vì thế, mức sống của nông dân tuy được cải thiện nhưng vẫn chậm.
Một mảng vẫn còn yếu trong chương trình NTM là phát triển về nếp sống, thay đổi về đời sống văn hóa, các hủ tục, nếp sống cũ vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng xấu ở nhiều địa phương; tình trạng rượu chè, nghiện hút, bạo lực gia đình, trẻ em thất học vẫn diễn ra; mức sống văn minh và vệ sinh chưa phải là tốt...
Hai điểm cần cố gắng trong thời gian tới đây, theo tôi, đó là người nông dân phải nhận thức mình phải là chủ thể, phải là người làm chủ vận mệnh của mình; thứ hai, phát triển nông thôn phải gắn với phát triển kinh tế đô thị và công nghiệp. Đây là hai mảng còn yếu trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu QG NTM hiện nay.
Phát huy thế mạnh vùng miền
Trong thời gian vừa qua, có một số địa phương đã nhanh chóng đạt được các tiêu chí đề ra trong khi có một số địa phương khác khó khăn trong thực hiện. Lý do tại sao?
Trước hết, để triển khai chương trình mục tiêu QG xây dựng NTM, chúng ta đã đặt ra 19 tiêu chí xây dựng. 19 tiêu chí này nhằm mục đích xác định khoảng cách từ điểm khởi đầu mà các địa phương bắt đầu cho đến khi đạt được yêu cầu của chương trình thì phải đi như thế nào; những lĩnh vực nào thuận lợi, những lĩnh vực nào khó khăn phải phấn đấu...
Thứ hai, trong quá trình triển khai, dùng những tiêu chí này để do lường tiến độ thực hiện mức độ phấn đấu, và cũng dùng tiêu chí này để so sánh, đánh giá giữa các địa phương với nhau.
Tuy nhiên, phải khẳng định, bộ tiêu chí này không phải là mục tiêu của chương trình. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không phải đặt ra để cho tất cả các địa phương đảm bảo tiêu chí này là xong.
Bởi vì, quá trình phát triển nông thôn là một quá trình liên tục. Mục tiêu hôm nay đạt được và thỏa mãn thì ngày mai, trong xã hội hiện đại hơn, trong một mức sống cao hơn, nó lại trở thành lạc hậu.
Hạ tầng nông thôn ngày càng được xây dựng mới đảm bảo đời sống người dân.
Có thể lý giải được, tại sao có địa phương rất nhanh chóng đạt được mục tiêu, có địa phương lại không.
Có hai lý do. Thứ nhất, là do quyết tâm chính trị của toàn thể hệ thống đảng, nhà nước, các tác nhân trong xã hội ở địa bàn đó thống nhất với nhau lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm mũi nhọn đột phá; mọi người cùng quyết tâm sát cánh với nhau để giải quyết dứt điểm mấu chốt này.
Thứ hai, nguyên nhân khách quan, đó là ở những địa phương đó có lợi thế, thuận lợi, như cơ sở hạ tầng ở đấy đã tốt rồi; việc phát triển hàng hóa, sản xuất hàng hóa đã chuyên môn hóa, tỷ lệ công nghiệp cao cho nên nguồn thu ngân sách của địa phương đó mạnh, họ có thể bù đắp cho các vùng nông thôn một cách dễ dàng.
Vì thế, nếu ở địa phương nào đạt được cả hai điều kiện như thế, lãnh đạo địa phương quyết tâm và điều kiện KTXH, xuất phát điểm tương đối cao.. thì họ dễ dàng đạt được mục tiêu sớm hơn các địa phương khác.
Có nhiều địa phương khác họ đạt được tiêu chuẩn thứ nhất, nhưng xuất phát điểm của họ thấp hơn (như khu vực miền núi, tỉnh thuần nông...) khả năng ngân sách của địa phương hạn chế, ở những địa phương đó họ đạt được các tiêu chí đã đăng ký cho các xã xây dựng nông thôn mới không phải dễ dàng gì.
Nhưng không phải họ không thành công, vì khoảng cách đi từ xuất phát điểm ban đầu, đó là thế mạnh, thế yếu mà chúng ta cần biết khi đặt ra để đánh giá, động viên, khen ngợi các địa phương khác nhau.
Trong việc phân bổ nguồn ngân sách thực hiện chương trình..., mình có ưu ái tập trung cho những địa phương nào trước hay cùng triển khai chung trên diện rộng toàn quốc?
Chương trình mục tiêu quốc gia NTM không đặt ra chuyện ưu tiên đầu tư theo vùng hay theo địa bàn. Mỗi tỉnh chọn ra 20% số xã để đưa vào chương trình trong đợt đầu.
Kinh phí sẽ là ngân sách trung ương hỗ trợ, ngoài ra vẫn khuyến khích sử dụng ngân sách địa phương hoặc các biện pháp khác để mở rộng số xã xây dựng chương trình NTM ngoài số lượng xã đăng ký với TƯ.
Những cánh đồng quy mô lớn cho phép sản xuất hàng hóa.
Việc lựa chọn tỷ lệ 20% các xã là việc làm cần thiết trong điều kiện ngân sách hiện nay, không thể nào dàn đều, làm tất cả, chưa kể trong quá trình triển khai thực hiện, hàng loạt vấn đề như vấn đề tiêu chí, vấn đề tổ chức thực hiện, vấn đề cơ chế chính sách phải tiếp tục điều chỉnh, cho nên việc chọn một số xã đi trước, làm trước là cần thiết.
Như kinh nghiệm của một số nước thành công trong xây dựng nông thôn mới, ví dụ Hàn Quốc, họ không chọn những vùng nghèo, vùng khó khăn, bởi mục tiêu của chương trình như của chúng ta là để thí điểm tạo ra các mô hình ban đầu, xác định những khó khăn phải vượt qua, đề ra những giải pháp thực tiễn hiệu quả để mở rộng chương trình, nên chọn các địa phương điển hình.
Nếu chúng ta lựa chọn nhắm địa bàn đầu tư vào các huyện nghèo, xã khó khăn... sẽ tạo ra tình trạng ỷ lại, nhà nào cũng muốn nhận là hộ nghèo, địa phương nào cũng nhận là địa phương khó khăn để nhận trợ cấp như trong thời gian qua.
Một trong nhiều giải pháp khi triển khai mục tiêu chương trình này có việc quy hoạch lại ruộng đất, dồn điền đổi thửa để xóa bỏ thực trạng nhỏ lẻ, manh mún. Ông đánh giá về giải pháp này như thế nào?
Giải pháp này nhằm hai mục tiêu: người dân sẽ tập trung ruộng đất vào một mối, máy móc sẽ được đưa vào sản xuất, tiết kiệm được hao phí về vật tư, nước nôi, thủy lợi... trở nên đồng bộ hơn nhờ giải pháp này. Nó là giải pháp rất cần thiết. Rất nhiều địa phương thời gian qua tập trung vào khâu này.
Khâu này làm tốt chủ yếu ở vùng ĐBBB, Bắc Trung Bộ do đặc thù địa hình và lịch sử. Giải pháp này không phải thực hiện theo cơ chế của nhà nước, không phải bằng mệnh lệnh, không phải bằng giải pháp hành chính, cũng không dựa trên cơ chế thị trường, không phải mua đi bán lại để có được sự tập trung, mà chủ yếu dựa trên cơ chế thảo luận, bàn bạc trong cộng đồng, tập thể.
Bởi thế nó đòi hỏi phải có sự minh bạch, bàn bạc kỹ càng, phải có sự gương mẫu của lãnh đạo địa phương, sự gắn bó chặt chẽ của cộng đồng nhân dân. Đây là cách làm rất đặc biệt, cách thức giải quyết rất mất công nhưng cần có quyết tâm rất cao, nếu làm rất tốt và không phải mất chi phí
Quy hoạch lại đồng ruộng kèm theo hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, cơ giới hóa... Bước này nhà nước và doanh nghiệp phải vào cuộc thì mới mua được máy móc, mới đảm bảo được thủy lợi...
Sau khi làm được những bước đó sẽ mở ra cơ hội để làm được các mô sản xuất theo kiểu cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp nông nghiệp..., có thể sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Có rất nhiều nơi làm được việc này nhưng không thực hiện đúng được yêu cầu mà tôi vừa nói trên, vẫn dồn điền đổi thửa được nhưng tác động xấu đi, giống như Hà Nội.
Hà Nội tiến hành dồn điền đổi thửa có sự hỗ trợ rất mạnh nhờ có nhiều điều kiện, tiềm lực ngân sách mạnh, nhưng nhiều nơi, nhiều vùng thiếu sự bàn bạc của nhân dân, dẫn đến việc nhiều bà con bức xúc do dồn điển đổi thửa dẫn đến sự thay đổi về đất đai của bà con, thay đổi hiện trạng không được đảm bảo; nhiều nơi sau khi hoàn thành xong không đưa vào sản xuất được.
Dồn điền đổi thửa bản thân nó không phải là giải pháp về mặt kỹ thuật thuần túy. Nếu coi đó là mục đích thì sẽ là thất bại!
Xin cảm ơn Tiến sỹ Đặng Kim Sơn.
Kiên Trung(thực hiện)
Theo_VietNamNet
Lai Châu: Huy động gần 4.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Từ năm 2012 đến nay, Lai Châu đã huy động gần 4.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn để đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 3 năm triển khai, tỉnh Lai Châu đã đạt trung bình 9,92 tiêu chí/xã, tăng trên 7 tiêu chí so với năm đầu triển khai và đã có...