Nông sản vùng cao được ưa chuộng
Cứ vài ngày, những chuyến hàng nông sản từ vùng cao đều đặn về phố không chỉ giúp người tiêu dùng thêm sự lựa chọn sản phẩm ngon, sạch, mà còn giúp người dân vùng cao có thêm thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi.
Khách hàng ưa chuộng
Chiều cuối tuần, anh Tạ Công Ân, thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ (HTX NN&DV) Sơn Liên (Sơn Tây), vận chuyển khoảng 300kg ổi, 400kg bưởi và gần 10 buồng chuối mốc từ xã Sơn Liên giao cho các đại lý tại TP. Quảng Ngãi và một số khách hàng đã đặt từ trước. “Thời gian qua, nhiều khách hàng đã tin tưởng, chọn mua các sản phẩm vùng cao, với các ưu điểm sản phẩm thu hoạch đạt chất lượng, sạch, ngon”, anh Ân cho biết.
Chuối mốc của người dân xã Sơn Liên (Sơn Tây) được nhiều khách hàng tại TP.Quảng Ngãi chọn mua.
Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Liên, phần lớn người dân đều trồng chuối mốc, trong đó có nhiều hộ trồng chuối lâu năm. Bên cạnh đó, người dân còn phát triển 5ha ổi, 20ha bưởi. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ, người dân thu hoạch ổi, bưởi luân phiên nhau. Còn với chuối, người dân thường thu hoạch để phục vụ nhu cầu khách hàng vào những ngày rằm và mùng Một âm lịch. Giám đốc HTX NN&DV Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho hay, HTX hỗ trợ người dân kỹ thuật, phân bón hữu cơ, vi sinh cho cây ổi, bưởi. Sản phẩm sau khi thu hoạch được HTX thu mua và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Khi đưa các hình ảnh, video về các loại cây ăn trái của người dân vùng cao, nhiều người rất thích nên đặt mua. Để phục vụ khách hàng tại TP.Quảng Ngãi, HTX có các điểm bán sỉ vận chuyển, giao trái cây đến cho khách hàng.
Để hỗ trợ cho người trồng, vào những dịp cuối tuần, một số thành viên HTX ở TP.Quảng Ngãi nhưng công tác tại các huyện miền núi, khi về thăm nhà đã vận chuyển nông sản miễn phí. Còn những ngày trong tuần, các loại nông sản được gửi về theo xe hàng. Bên cạnh các loại trái cây, nông sản vùng cao còn có các loại măng rừng, mật ong, cá niên, heo ky… đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Video đang HOT
Mở rộng thị trường
Anh Đinh Văn Đê, một hộ dân ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên cho biết, gia đình tôi trồng 900 cây ổi, 300 cây bưởi xen kẽ trên diện tích 1ha. Để trồng cây ăn trái, gia đình tôi chỉ lo làm đất, công chăm sóc, còn HTX hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón… “Từ khi cây ổi cho trái, mỗi tháng, gia đình thu hoạch 4 lượt. Thời tiết thuận lợi thì cây ổi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”, anh Đê nói.
Thời gian qua, nhiều nông sản vùng cao đã dần quen thuộc với các khách hàng tại TP.Quảng Ngãi. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, ở tổ 4, phường Lê Hồng Phong cho hay, tôi bán đặc sản vùng cao đã nhiều năm và nhận thấy, khách hàng tìm đến các sản phẩm ngày càng nhiều. Những năm trước, tôi có bán các sản phẩm của huyện Sơn Hà như ớt xiêm tươi, ớt xiêm xanh ngâm giấm, dưa lưới, cá niên, mắm cá niên. Hai năm trở lại đây, tôi bán thêm các loại trái cây, sản phẩm của người dân huyện Sơn Tây như bưởi da xanh, ổi, chuối mốc. Trái cây vùng cao thu hút khách hàng bởi hương vị thơm ngon hơn so với các nơi khác. Giá cả các sản phẩm trái cây lại phù hợp với túi tiền của khách hàng.
Để bán được sản phẩm, bà Thủy lên tận nơi trồng để tìm hiểu, chụp hình, quay video hình ảnh trồng trọt, thu hoạch. Không chỉ bán cho khách hàng trong tỉnh, bà Thủy còn góp phần đưa các loại nông sản trong tỉnh đến với khách hàng trên khắp cả nước thông qua nhóm “Chợ của người VNPT” trên mạng xã hội, với 10 nghìn thành viên tham gia, có lượng mua, tiêu thụ ổn định.
Hiện nay, để tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại nông sản vùng cao, các thành viên HTX NN&DV Sơn Liên đang ấp ủ dự định thành lập cửa hàng bán các loại nông sản sạch tại TP.Quảng Ngãi. Qua đó, không chỉ đưa sản phẩm vùng cao đến gần hơn với người tiêu dùng, mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu về những nông sản đặc trưng của người dân miền núi.
Quản chặt việc cấp chứng nhận vùng rau VietGAP
Những năm qua, việc quản lý, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các vùng trồng trọt (chủ yếu là rau, củ, quả) được ngành nông nghiệp Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Đến nay, chưa ghi nhận cơ sở nào vi phạm, bị thu hồi giấy chứng nhận này.
Canh tác rau VietGAP tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Không dễ để được cấp giấy chứng nhận
Xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) được xem là vựa rau lớn nhất nhì của Hà Nội. Riêng vùng rau do Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức quản lý sản xuất đã có diện tích gần 240ha. Mặc dù vậy, diện tích được cơ quan chuyên môn Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP chỉ khoảng 37ha (chiếm gần 15,5% tổng diện tích canh tác của hợp tác xã).
Tương tự tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức), dù tổng diện tích canh tác rau các loại nơi đây lên tới hơn 200ha nhưng phần diện tích được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP mới đạt hơn 30ha. Khoảng 500 nông hộ của vựa rau đang cung ứng cho thị trường gần 3.000 tấn sản phẩm, chủ yếu là rau cải, rau dền, rau muống, rau mồng tơi...
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 13.000ha sản xuất rau, củ, quả các loại. Mặc dù vậy, hiện mới chỉ có gần 200ha (chiếm hơn 1,5% tổng diện tích canh tác rau, củ, quả toàn TP) được cấp giấy chứng nhận VietGAP; tập trung tại các vựa rau lớn của Hà Nội thuộc các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức... Điều này phần nào cho thấy mức độ khắt khe trong việc cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, để được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đơn vị phải bảo đảm các quy định sản xuất hết sức nghiêm ngặt theo TCVN 11892-1:2017: Tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt do Bộ KH&CN công bố. Cán bộ thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng thường niên kiểm tra việc chấp hành, chỉ cần chưa thực hiện đúng một công đoạn là ngay lập tức bị "tuýt còi".
Nâng cao năng lực sản xuất
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các chủ thể tham gia mô hình VietGAP đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất bảo đảm các quy định của TCVN 11892:1-2017. Đặc biệt là trong các công đoạn bón phân, tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch sản phẩm trồng trọt và ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày.
Bên cạnh việc tổ chức đánh giá nghiêm ngặt trước khi cấp giấy chứng nhận VietGAP trồng trọt, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương cho biết, giấy chứng nhận VietGAP trồng trọt có hiệu lực 3 năm.
Tuy nhiên hàng năm, đơn vị đều cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở để giám sát. Từ đó chỉ ra các điểm không phù hợp, yêu cầu cơ sở khắc phục. Nếu không đáp ứng được thì sẽ bị tạm ngừng hoặc đình chỉ, hủy bỏ giấy chứng nhận VietGAP.
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, song hành với nâng cao nhận thức của chủ thể sản xuất - kinh doanh. Từ đầu năm 2022 đến nay, riêng Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức 55 lớp kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến và 25 lớp tập huấn VietGAP trồng trọt. Nhờ đó những năm qua, trên địa bàn TP chưa ghi nhận trường hợp cơ sở rau VietGAP nào bị thu hồi giấy chứng nhận do không bảo đảm các quy định của TCVN 11892-1:2017.
Chất lượng sản phẩm tại những vùng rau trên địa bàn TP cũng đang từng bước được cải thiện. Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được người nông dân áp dụng như che phủ nilon, ứng dụng nhà màng - nhà lưới; đặc biệt là sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học - thảo mộc... Chính vì vậy, chất lượng rau nói chung luôn bảo đảm.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, quản lý chất lượng vùng rau. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm, vừa kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, DN, chủ thể trong quản lý, phát triển chuỗi giá trị rau an toàn, VietGAP gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giải cơn khát vốn cho hợp tác xã Được ví như huyết mạch để lưu thông nhưng việc tiếp cận nguồn vốn lại gặp khó khăn và trở thành điểm nghẽn tại nhiều hợp tác xã. Nông dân thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước thu hoạch táo trồng trong mô hình nhà lưới. Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng số lượng hợp...