Nông sản Việt “lo sốt vó” trước cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ
Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Trung – Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất, xuất khẩu của hai bên mà có thể sẽ còn ảnh hưởng đến nhiều nước lân cận khác, trong đó có Việt Nam.
Một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ – Trung Quốc (TQ) đã chính thức bắt đầu. Mỹ áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỉ USD từ TQ. Đáp lại, TQ tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm nông sản (thịt bò, heo, đậu…), ô tô và hải sản.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây không chỉ là cuộc chiến của 2 nước lớn mà còn có thể ảnh hưởng đến những quốc gia lân cận TQ và các nước xuất siêu sang Mỹ như Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam là nước xuất khẩu rất nhiều nông sản sang cả TQ và Mỹ. Những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu giữa hai nền kinh tế lớn nêu trên được cho là chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam.
Nhiều nông sản Việt Nam lo ngại sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng nhập khẩu từ Mỹ, TQ.
TQ là nước sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản lớn của thế giới. Trước những áp lực về việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nông sản TQ, các sản phẩm này sẽ phải tìm thị trường thay thế, trong đó, có việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam, là nước láng giềng.
TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng nhận định, khi hàng hóa xuất khẩu bị giảm đi do thuế cao, TQ có thể sẽ giảm nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng tới nông sản Việt Nam khi hiện nay, TQ là thị trường tiêu thụ lớn của hầu hết các sản phẩm như trái cây, lúa gạo, thủy sản…
Với nguồn cung lớn, giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, rau quả TQ sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam. Đó là chưa kể, trái cây từ Mỹ cũng sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn sau khi bị thị trường TQ đánh thuế cao.
Ngoài mặt hàng rau củ quả, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong nước đang “lo sốt vó” khi giá thịt heo nội địa đang ở mức rất cao, trong khi, lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đã tăng rất nhiều trong tháng vừa qua.
Video đang HOT
Đáng chú ý, TQ tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo của Mỹ, nâng tổng mức thuế mà thị trường này áp lên thịt heo của Mỹ đến 71%, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với mức thuế cao như vậy, thịt heo từ Mỹ khó có cửa vào TQ, buộc phải tìm các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong tháng 5, nhập khẩu thịt từ Mỹ chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các thị trường nhập khẩu thịt vào Việt Nam, với khoảng 37%, tương đương gần 11.000 tấn, trị giá hơn 13 triệu USD. Con số này tăng gần 50% về lượng và hơn 24% về giá trị so với tháng trước đó. Mỹ cũng đã trở thành nguồn cung thịt lớn nhất trên thị trường Việt Nam.
Việc nhập khẩu được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá rẻ từ Mỹ cũng không đơn giản, vì doanh nghiệp Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn cung cấp lớn trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết thịt Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2018, đây cũng là điều dễ hiểu.
Hiện nay, giá thịt heo đã qua giết mổ nhập khẩu vào nước ta chỉ hơn 1.500 USD/tấn, tương đương khoảng 1,5 USD/kg, tức gần 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo hơi trong nước vẫn đang ở mức 48.000 – 53.000 đồng/kg, một mức giá rất cao trong nhiều năm qua. Song song đó, đã có nhiều lô hàng heo sống từ TQ tràn sang Việt Nam theo đường biên giới và bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các mối lo do nông sản ngoại nhập có thể tràn vào Việt Nam nhiều hơn, doanh nghiệp Việt cũng có thể tận dụng cơ hội này để nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá tốt, ví dụ như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhập khẩu đậu nành với bắp từ Mỹ rất ít, do có giá cao hơn, thay vào đó thường có xuất xứ từ Brazil, Argentina…
Chưa kể, hiện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam khi nhập khẩu nguyên liệu phải phụ thuộc rất lớn vào các đối tác cung cấp – chủ yếu là những tập đoàn đang cung cấp đậu nành trên toàn thế giới.
Việc cung cấp đậu nành có xuất xứ ở đâu lại do các tập đoàn này quyết định, các doanh nghiệp muốn mua đậu nành từ Mỹ cũng không được. Do vậy, dù Mỹ không xuất khẩu đậu nành sang TQ và giá đậu nành tại thị trường này có giảm thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì.
“Thậm chí, có thể còn bị “vạ lây”, do TQ không mua đậu nành từ Mỹ sẽ chuyển sang mua của Brazil và Argentina. Khi đó, nhiều khả năng giá đậu nành, bắp tại đây sẽ tăng giá lên”, ông Bình phân tích.
Theo Danviet
Choáng: Mất 2 tỷ đồng/tháng để thu gom và đổ bỏ hoa quả dập, thối
Là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước nhưng TP.HCM hiện đang "đau đầu" vì nguồn rác thải sinh ra từ nông sản nhập về các chợ đầu mối. Dự tính, mỗi đêm, có khoảng 240 tấn rác thải tại 3 chợ đầu mối nông sản lớn ở TP.HCM, chủ yếu là từ các phần bỏ đi của rau, củ quả và thủy hải sản các loại.
Đến nay, dù sau nhiều lần bàn bạc các phương án xử lý, TP.HCM vẫn chưa có cách xử lý triệt để lượng rác thải nhập vào TP theo các lô hàng nông sản này.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, mỗi đêm, 3 chợ đầu mối ở TP HCM tiếp nhận khoảng hơn 9.200 tấn hàng hóa các loại; tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 khu chợ này ước đạt 240 tấn, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%.
Để xử lý nguồn rác thải này, Ban quản lý 3 chợ đầu mối gồm Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn phải tốn hơn 2 tỉ đồng/tháng để xử lý toàn bộ lượng rác thải này, tương đương gần 67 triệu đồng/ngày.
Rác thải từ nông sản chưa qua sơ chế đổ về TP.HCM mỗi đêm khoảng 240 tấn.
Với 1.300 điểm kinh doanh, số lượng hàng về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hàng đêm khoảng 3.500 - 5.000 tấn. Thời điểm gần Tết nguyên đán, lượng hàng này có thể tăng lên tới 6.000-7.000 tấn, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh, thành.
Phần lớn nông sản đổ về chợ từ các tỉnh đều chưa được sơ chế, do đó, mỗi đêm, chợ đầu mối Thủ Đức phải "gánh" thêm khoảng 60 tấn rác thải là phụ phẩm nông nghiệp. Để xử lý nguồn rác thải này, Chợ đầu mối Thủ Đức ký hợp đồng với một doanh nghiệp môi trường đô thị để thu gom, vận chuyển và thực hiện khử mùi. Chi phí cho hoạt động này mỗi tháng khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ra, tiền lương cho đội công vệ sinh chợ hằng đêm gồm 14 người cũng lên đến 130 triệu đồng mỗi tháng.
Còn tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, có khoảng 80 tấn rác/ngày, tốn 160 triệu đồng/tháng cho khâu thu gom và vận chuyển; chợ đầu mối Bình Điền trung bình có khoảng 100 tấn rác thải/ngày, trong đó có 70% từ nông sản.
Tình trạng tại Bình Điền còn tệ hại hơn khi đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp thủy, hải sản nên mùi hôi, tanh từ nước rửa sản phẩm tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chị Hải Thanh, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bình Điền chia sẻ, hằng đêm đều phải chịu cảnh "ngộp thở" vì mùi hôi của rác thải. Nước thải tràn xuống sàn chợ gây trơn trượt, nhếch nhác vô cùng.
Chưa kể, nhiều người đến chợ mua sắm còn lo ngại tình trạng môi trường xấu sẽ khiến sản phẩm nông sản, thực phẩm bày bán ở đây bị nhiễm bẩn theo. Tuy nhiên, không còn cách nào khác ngoài việc "sống chung với rác", chị Thanh cùng nhiều tiểu thương khác đành phải sử dụng găng tay, khẩu trang... để chống bớt mùi hôi.
Sở TNMT TP.HCM cũng xác nhận, hàng ngày công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh tại các chợ Thủ Đức là 80 tấn/ngày, chợ Hóc Môn là 50 tấn/ ngày, chợ Bình Điền là 40 tấn/ ngày, chủ yếu là thành phần rác hữu cơ. Trên thực tế, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại các khu chợ này đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.
TP.HCM từng bước yêu cầu các tỉnh lân cận phải sơ chế nông sản trước khi đưa về TP tiêu thụ.
Để giảm tải việc phải xử lý rác thải cho các chợ đầu mối tại TP.HCM, TP. đang tiến dần tới việc yêu cầu các địa phương cung cấp nông sản về TP.HCM phải sơ chế trước. Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh đã văn bản thông báo trong toàn tỉnh từ ngày 1.8 toàn bộ hàng hóa nông sản của tỉnh phải qua sơ chế trước khi xuất bán về TP.HCM.
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, quy trình sản xuất - tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện còn nhiều khâu yếu kém, nhất là công đoạn thu hoạch, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch. Việc sơ chế, bảo quản không đúng kỹ thuật như hiện nay khiến tỉ lệ hao hụt nông sản khi ra thị trường ở mức cao, thời gian bảo quản sản phẩm cũng không được lâu dài.
TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, nếu bảo quản, sơ chế tốt, nông sản Việt Nam sẽ được gia tăng đáng kể về mẫu mã chất lượng, từ đó gia tăng giá trị. Còn đối với các loại rác thải từ nông sản sau sơ chế, có thể sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, đất trồng rau... Từ đó, tăng thêm hiệu quả kinh tế cho trang trại sản xuất. Tuy nhiên, nguồn thu từ những phụ phẩm của nông nghiệp này hiện nay còn chưa được tận dụng tốt, khiến tính cạnh tranh của nông sản của Việt Nam giảm đi rất nhiều.
Theo Danviet
Được mùa lớn, sản lượng tăng 30%, nhãn lồng Hưng Yên sắp có hội Chỉ một vài tuần nữa là Hưng Yên bước vào thu hoạch nhãn lồng trà sớm. Theo nhận định của ngành NNPTNT tỉnh, năm nay, thời tiết thuận lợi nên nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng dự kiến tăng 30% so với năm 2017. Theo thống kê, tỉnh Hưng Yên có trên 3.000ha nhãn, trồng nhiều tại huyện Khoái...