Nông sản Trung Quốc áp thuế NK 0%: Nhà nông có nguy cơ “ngạt thở”
Chính phủ vừa ban hành nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 – 2018, theo đó sẽ có hàng trăm mặt hàng nông sản từ Trung Quốc (TQ) vào Việt Nam hưởng thuế suất nhập khẩu 0% từ năm 2018. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng áp lực cạnh tranh với nông sản Việt Nam.
Cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt
Từ nhiều tháng qua, ông Nguyễn Thế Bảo – Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng như nhiều xã viên khác trong vùng không ngớt lo lắng về việc phải cạnh tranh với các sản phẩm xoài nhập khẩu từ TQ. Trước đó, nhiều loại xoài có nguồn gốc từ TQ như xoài mút đã được nhập khẩu và bày bán tràn lan ở nhiều nơi, từ các chợ truyền thống đến các cửa hàng trái cây, xe đẩy hàng rong trên đường phố… Với giá “siêu” rẻ, chỉ từ 3.600 – 4.000 đồng/kg, xoài TQ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần tại thị trường Việt Nam.
Các loại rau củ Trung Quốc được nhập về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: V.T
TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, từ nhiều năm qua, các sản phẩm nông sản của TQ đã ồ ạt tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước đã không còn xa lạ với các thông tin như khoai tây, cà rốt TQ đội lốt hàng Đà Lạt; táo TQ để cả tháng không hỏng; hành, tỏi, gừng… xuất xứ TQ trà trộn hàng Việt. Do đó, việc đánh thuế 0% với hàng TQ càng khiến người sản xuất và người tiêu dùng trong nước lo ngại.
Tuy nhiên, cũng theo bà Mai, xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế là xu thế chung của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan là điều chắc chắn phải thực hiện khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. “Hàng hóa TQ thường có mẫu mã rất đẹp mắt, giá cả phải chăng và bắt đúng “sóng” nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, do đó, việc cạnh tranh trực tiếp sẽ càng gay gắt hơn trong những năm tới” – bà Mai nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, nhập siêu từ nước này lên tới hơn 21 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập hơn 45 triệu USD hàng thủy sản từ TQ, rau củ quả là 147 triệu USD, thức ăn gia súc và nguyên liệu là 211 triệu USD…
Tăng biện pháp tự vệ
Trước việc giảm thuế về 0% cho nhiều mặt hàng nhập từ TQ, tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chắc chắn hàng nông sản và các hàng hóa khác của TQ sẽ có sức ép cực lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Giá rẻ thì thu hút nhiều người mua hơn, nhưng giá rẻ thì thường không đi kèm với chất lượng, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
“Lâu nay chúng ta vẫn nghi ngại hàng TQ “bẩn”, không đảm bảo an toàn, chất lượng. Khi thuế về 0%, giá rẻ hơn, người ta sẽ càng nhập nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần sớm có biện pháp tự về bằng các hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định, quy chuẩn…” – bà Lan nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng hiện nay các biện pháp tự vệ thông qua hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn quá cũ kỹ, lạc hậu. TS Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết, các nước trên thế giới đều sẵn sàng ký kết các hiệp định đối tác, sẵn sàng miễn thuế cho hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, để bảo vệ sản xuất trong nước, họ có hàng rào kỹ thuật rất khắt khe. Trong khi đó, các yêu cầu về kỹ thuật của Việt Nam không cao, hệ thống máy móc kiểm tra các mẫu trái cây, rau củ đều đã lạc hậu, mua từ những năm 1990. Chi phí cho việc lấy mẫu kiểm tra hàng hóa rất cao, từ 2 triệu đồng/mẫu nhưng cũng mới kiểm tra được các chỉ tiêu cơ bản.
“Nếu yêu cầu hàng hóa đảm bảo chất lượng cao hơn thì phải có máy móc hiện đại hơn, kiểm tra phát hiện được nhiều chỉ tiêu hóa chất, dư lượng thuốc trừ sâu; việc lấy mẫu cũng phải tăng cường cả về số lượng lẫn chủng loại cần lấy mẫu” – ông Lập nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng theo ông Lập, điểm sáng trong hoạt động kiểm soát hàng hóa từ TQ sang Việt Nam là Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đã và đang bắt tay vào việc xây dựng lại các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các loại trái cây. Hiện tại, đã có bộ tiêu chuẩn đối với một số sản phẩm chủ lực như xoài, nhãn…
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ NNPTNT mới đây, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện nay quy trình kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ TQ khá rõ ràng, gồm kiểm tra sơ bộ bên ngoài rồi lấy mẫu phân tích, giám định. Nếu rau củ, trái cây đáp ứng yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch để nhập khẩu về Việt Nam.
“Ngoài ra, do xác định TQ là một trong những nhóm thị trường có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm nên khi nhập khẩu mặt hàng rau quả nói chung từ TQ, cơ quan chức năng đều lấy mẫu với tần suất cao hơn để kiểm tra. Trong 10 tháng đầu năm nay, qua việc lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng không phát hiện sản phẩm trái cây nhập khẩu từ TQ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vượt ngưỡng cho phép” – ông Trung thông tin.
Thực tế cho thấy, trước đây, dù chưa được giảm thuế nhập khẩu về 0% thì nông sản nước ta đã nhiều phen lao đao vì hàng TQ giá rẻ tràn về, đó là chưa kể nông sản Việt Nam còn đang gặp sức ép cạnh tranh rất lớn từ Thái Lan, Campuchia… “Mặc dù vậy, khi đã thành cam kết chung rồi thì chúng ta phải thực hiện. Nhưng tôi chỉ mong đừng thực hiện theo kiểu một chiều, tức là mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào mà không có sự kiểm soát chặt chẽ đối với trong nước” – bà Chi Lan nói.
Theo Danviet
Cấm cửa nông sản Trung Quốc núp bóng hàng Việt
Hàng Trung Quốc đội lốt làm hại hàng Việt nhan nhản trên thị trường.
"Xử lý triệt để tình trạng dùng khoai tây Trung Quốc (TQ) giả khoai tây Đà Lạt; cương quyết không cho nhập khoai tây TQ vào chợ đầu mối nông sản TP để giả mạo khoai tây Đà Lạt phân phối đi nơi khác".
Đây là một trong những nội dung tại văn bản số 5827 do Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp vừa ký ban hành.
Gây thiệt hại nặng nề hàng trong nước
Những năm gần đây rất nhiều chủ vựa đầu mối nông sản đã nhập khoai tây TQ về chợ nông sản Đà Lạt, bán lại cho tiểu thương khác đang kinh doanh ở đây.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay giá nhập khẩu khoai tây TQ chỉ 1.800 - 2.000 đồng/kg. sau khi "đội lốt" khoai tây Đà Lạt đưa đi khắp nơi tiêu thụ, giá bán mặt hàng này được lên cao gấp 5 - 7 lần.
Thủ thuật để biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt là bôi đất đỏ, tẩy rửa... làm cho khoai tây có màu đỏ nhạt. Hành vi gian dối, gian lận thương mại này đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được dẹp bỏ.
Theo cơ quan chức năng, chợ nông sản Đà Lạt có tổng cộng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó tới 24 hộ kinh doanh khoai tây. Vào thời điểm khoai tây Đà Lạt khan hiếm hoặc giá cao như hiện nay, gần như 100% các hộ này đều kinh doanh khoai tây TQ.
Không chỉ khoai tây mà rất nhiều mặt hàng khác như cà chua, hồng, bơ sáp, dâu tây... của Trung Quốc cũng ngang nhiên gắn "mác" hàng Đà Lạt lừa đảo người tiêu dùng (NTD).
Chính vì lý do trên, UBND TP Đà Lạt đã ban hành quyết định 5827. Ông Nguyễn Văn Tín, Phó phòng Kinh tế TP Đà Lạt, giải thích đây là chủ trương nhằm ngăn chặn tình trạng đội lốt nông sản Đà Lạt.
"Việc biến khoai tây TQ rồi đưa đi tiêu thụ ở các địa phương khác ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu khoai tây Đà Lạt nói riêng và nông sản Đà Lạt nói chung. Hành vi gian lận trên không chỉ khiến NTD bị nhầm lẫn, thiệt thòi mà còn gây thiệt hại cho cả nông dân ở địa phương" - ông Tín nhấn mạnh.
Còn ông Hoàng Lợi, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Lạt, nói: "Chợ nông sản Đà Lạt chủ yếu phục vụ việc tập kết, tiêu thụ, phân phối nông sản, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Do vậy không thể để khoai tây TQ tràn ngập và cạnh tranh không lành mạnh".
Khoai tây Trung Quốc đổ về chợ Đà Lạt. Ảnh: CD
Không dễ xử lý triệt để
Chủ trương của TP Đà Lạt được nhiều người ủng hộ nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Việt và những người làm ăn chân chính. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp mang tính đối phó chứ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận thương mại.
Lý do là còn một lượng rất lớn khoai tây TQ được nhập về Lâm Đồng nhưng không đưa vào chợ nông sản Đà Lạt mà tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, vùng ven Đà Lạt... Mặt khác, chiêu trò tẩm đất đỏ để biến khoai tây TQ thành khoai tây Đà Lạt xuất hiện ở nhiều nơi chứ không riêng gì tại TP này.
Thêm nữa, trước đó rất nhiều lần cơ quan chức năng tuyên bố "sẽ tăng cường các biện pháp..." nhằm quản lý chặt mặt hàng này. Song với sự tiếp tay từ chính những tiểu thương, thương lái Việt cho thương lái TQ nên đã vượt qua hàng rào kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Điều này lý giải vì sao trên thị trường vẫn nhan nhản hàng TQ đội lốt làm hại hàng Việt.
Vẫn tràn lan hàng Trung Quốc đội lốt
Khảo sát của chúng tôi tại nhiều chợ lẻ, xe đẩy trên địa bàn TP.HCM cho thấy ngày càng xuất hiện rất nhiều nông sản TQ như nho, quýt, cam, táo, khoai tây,... gắn mác "made in Viet Nam".
Chẳng hạn, hiện nhiều tiểu thương nói họ đang bán nho đen, đỏ Ninh Thuận 35.000 đồng/kg, nho xanh trái nhỏ lẫn trái lớn bằng hột mít giá 40.000 đồng/kg... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh trái cây cho biết nho xanh đang bày bán ở thị trường chủ yếu là nho TQ, nho Ninh Thuận cũng có nhưng không có nhiều để bán tràn lan như vậy.
Theo TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả miền Nam, người bán biết rõ người tiêu dùng Việt sợ hàng TQ nên muốn tiêu thụ được cứ nói là hàng Việt Nam.
Điều đáng lo ngại là NTD không thể phân biệt được đâu là hàng TQ, đâu là hàng Việt dẫn tới không dám mua. Hệ quả là hàng Việt "chết" oan. Trong khi cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
"Thực trạng này khiến nhiều mặt hàng đặc sản Việt "mất giá" trầm trọng trong mắt NTD và lâu dài mất thương hiệu là điều khó tránh khỏi" - một chuyên gia cảnh báo.
Ba tháng, nhập hơn 1.000 tấn khoai tây TQ
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, chỉ tính từ ngày 13/7 đến 14/10, hơn 40 lô khoai tây TQ với 1.063 tấn đã được nhập về chợ nông sản Đà Lạt.
Ông Nguyễn Thế Hiền, Tổ phó tổ quản lý chợ Đà Lạt, cho biết thực hiện lệnh cấm của UBND TP, ngày 20/10 đơn vị này đã dừng hai xe container chở 30 tấn khoai tây TQ vào chợ nông sản Đà Lạt...
Đến sáng 21/10, nhiều tiểu thương ở chợ nông sản này tập trung tại trụ sở UBND TP để yêu cầu chính quyền giải thích về lệnh cấm. Tiểu thương cho rằng quyết định trên quá bất ngờ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Do vậy kiến nghị ngành chức năng xem xét gia hạn lệnh cấm để bà con giải phóng lượng hàng mới nhập về.
Sau khi tiếp nhận ý kiến của các tiểu thương, UBND TP Đà Lạt chấp thuận gia hạn cho khoai tây TQ vào chợ nông sản Đà Lạt đến ngày 1/11 nhằm tạo thời gian để tiểu thương giải quyết số lượng khoai tây TQ đã được nhập về. Sau thời điểm trên, để chống gian lận thương mại đồng thời bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, việc nhập khẩu mặt hàng này vào chợ trên sẽ bị cấm tuyệt đối.
Để không mua nhầm hàng Trung Quốc
Để giúp NTD tránh nhầm lẫn, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng hai loại khoai tây Đà Lạt và TQ.
Cụ thể, củ khoai tây TQ to, thon dài, cỡ củ khá đồng đều, vỏ dày (nên ít bị sứt sẹo), bóng đẹp, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to. Trong khi khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, thường có hình bầu dục hoặc tròn, cỡ củ khá chênh lệch, vỏ mỏng (nên dễ bị trầy xước, bong tróc), mắt củ ít và nhỏ.
Dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai sẽ thấy khoai Đà Lạt khô còn khoai tây TQ nhiều nước. Khi chiên, khoai TQ dễ bị nát, ăn dẻo, không bùi. Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột nên khi chế biến khó bị nát, ăn rất bùi, bở.
Nhiều tiểu thương cũng cho hay một số loại rau củ như súp lơ Đà Lạt có màu trắng ngả vàng chứ không trắng phau như Trung Quốc. Cà rốt Đà Lạt đầu nhọn, lõi to, cuống dài, trong khi cà rốt Trung Quốc thường cuống cắt sát trái. Bắp cải Đà Lạt to, bắp cải Trung Quốc nhỏ bằng nắm tay...
Theo Cao Diên - Tú Uyên
Pháp luật TPHCM