Nông sản miền Tây trong ‘vòng xoáy’ dịch bệnh
Anh Học đứng giữa cánh đồng, trước mặt là dịch bệnh bủa vây, 700 tấn khoai chưa bán được, sau lưng, mực nước sông đầu mùa lũ bắt đầu dâng cao.
Cánh đồng khoai lang 15 ha tại xã Hưng Hà ( huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) những ngày đầu tháng 9 rộn ràng cảnh nhân công thu hoạch. Mỗi bận chiếc máy cày chạy ngang qua, xới tung từng liếp đất, nhân công dùng bao thu hoạch những củ khoai đầu mùa to tròn chắc nịch.
Nhân công sơ chế khoai lang thu hoạch từ cánh đồng 15 ha của anh Học cùng 3 xã viên khác chiều 2/9. Ảnh: Hoàng Nam
“Đây là vụ đầu tiên tôi cùng 3 thành viên khác của hợp tác xã hùn vốn trồng khoai lang, ước lượng một ha sản lượng trên 40 tấn, trúng mùa nhưng vui gì nổi”, anh Nguyễn Văn Học, 42 tuổi, thành viên hợp tác xã nông nghiệp tại Hưng Hà nói như mếu.
Năm ngoái, sau vụ dưa hấu có lãi, anh Học tham quan mô hình trồng khoai lang tại các tỉnh bạn, thấy khả thi, 4 thành viên hợp tác xã mạnh dạn hùn vốn chuyển sang trồng khoai.
Một hecta khoai lang có chi phí đầu vào khá lớn, khoảng 130 triệu đồng, tổng cộng họ đã tốn gần 2 tỷ đồng cho vụ này. Hiện khoai lang đã được 4 tháng tuổi, dự kiến còn một tháng nữa là thu hoạch dứt điểm với tổng sản lượng khoảng 700 tấn. Tuy nhiên, do đang giãn cách xã hội, gần 20 tấn khoai đến lứa đã thu hoạch, đưa về kho nhưng nhiều ngày không tìm được đầu ra.
Tuần trước, sau khi gọi điện khắp nơi cầu cứu, anh Học kết nối được một hợp tác xã nông nghiệp tại xã Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An). Đơn vị này chốt đơn hàng thu mua hơn 10 tấn khoai với giá 7.000 đồng một ký.
Khoai thu hoạch xong được đưa về kho sơ chế, lựa ra củ bị hư, sùng, sau đó dùng xuồng chở khoảng 4 km đến lộ lớn, nhân công bốc xếp lên xe tải. Khoai lang của hợp tác xã Hưng Hà tiếp tục hành trình trên 100 km, qua hơn 10 chốt kiểm soát mới đến được Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh. Tính luôn cả chi phí vận chuyển đến nơi tiêu thụ, bình quân mỗi ký khoai nhóm anh Học chỉ còn lãi khoảng 1.000 đồng.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh tranh thủ một tay ghi sổ sách, tay kia nghe điện thoại giải quyết rắc rối từ đơn hàng tại kho nông sản của đơn vị, sáng 27/8. Ảnh: Hoàng Nam
Trong khi quan sát nhân viên đang bốc dỡ hơn 10 tấn khoai từ xe hợp tác xã Hưng Hà tập kết vào kho, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh đầu tóc rối bù, điện thoại cứ 5 đến 10 phút lại reo một lần. 15 nhân viên, 3 xe tải, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 tấn nông sản, đây là hợp tác xã thu gom hàng lớn nhất tại Long An hiện nay, khi mà phần lớn các đơn vị khác đều đã đóng cửa hoặc mua cầm chừng, nhỏ giọt do dịch bệnh.
Trong buổi sáng, hợp tác xã xử lý một đơn hàng đặc biệt với 6.000 combo rau củ, mỗi combo 5 kg, gồm 6 loại rau, tổng cộng khoảng 30 tấn. Do lượng hàng quá lớn, ông Cường phải điều động hơn 20 nhân công địa phương đến đóng gói. Tuy nhiên, đơn vị đặt hàng sau đó liên tục yêu cầu thay đổi combo, hàng đã đóng rồi vì vậy lại phải tháo ra đóng lại.
“Bầu bí của nông dân ở gần còn xoay xở được, nhưng các loại khoai, sắn phải đặt hàng nông dân đào, chở từ nơi khác đến, đơn hàng trục trặc là coi như cầm chắc lỗ”, ông Cường lý giải.
Hàng chậm giao, một số loại rau quả để lâu bị chín, hư, 20 nhân công được ông Cường cho về để hai bên đàm phán. Cuối cùng, bên đặt hàng chấp nhận hỗ trợ cho hợp tác xã số lượng rau củ đã đặt trước đó.
Trong khi giám đốc hợp tác xã đang bận nghe máy, giải quyết các rắc rối từ đơn hàng, vợ ông tay rê chuột, mắt quan sát màn hình máy tính theo dõi đơn hàng mới trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Bình quân, một ngày hợp tác xã này tiếp nhận trên 100 đơn hàng từ sàn giao dịch này.
Video đang HOT
Phía trước hợp tác xã, cứ 15 – 20 phút lại có một xe máy, xe tải chở khóm, mướp, khổ qua của nhà nông đến nhờ hợp tác xã “giải cứu”. Bên trong kho, hai nhóm nhân viên chia ra, một nhóm đàn ông khuân vác hàng lên, xuống xe, nhóm phụ nữ có nhiệm vụ sơ chế rau củ, lựa ra những trái hư, dập trước khi đóng gói giao khách. Đang mùa dịch, các nhân viên tại hợp tác xã đều phải tuân thủ quy định “5K”, định kỳ 3 ngày test nhanh một lần.
Giữa trưa, toàn bộ nhân viên tạm ngưng công việc, đến trung tâm huyện Thủ Thừa xếp hàng test nhanh, sau đó tiêm vaccine mũi 1. Ngồi nghỉ 30 phút sau khi tiêm vaccine, anh Nguyễn Đình Hóa, 44 tuổi, lên chiếc xe tải 500 kg chạy quanh các địa bàn huyện Thủ Thừa, Tân Trụ thu gom nông sản của nông dân.
Tài xế Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh xếp dưa leo của nông dân lên xe đưa về kho (trái). Tài xế Nguyễn Đình Hóa tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 sáng 27/8. Ảnh: Hoàng Nam
Anh Hóa là tài xế xe dịch vụ du lịch, 2 tháng nay, do dịch bệnh thất nghiệp nên đến xin chạy cho hợp tác xã với mức lương 9 triệu đồng một tháng, kiêm cả việc bốc dỡ hàng. Hàng sau khi được tập kết về kho hợp tác xã tiếp tục được anh chở đến nơi tiêu thụ, bình quân mỗi ngày anh chạy tổng cộng gần 300 km. Một hành trình từ điểm lấy hàng đến kho, điểm giao hàng phải vượt qua ít nhất 14 chốt kiểm soát. Giả sử một xe tải chở hàng bắt buộc phải vượt qua hết tất cả chốt cố định trên địa bàn tỉnh Long An, con số này phải trên 650.
Ngoài anh Hóa, hai tài xế khác của hợp tác xã sẽ phụ trách giao hàng đường xa, gồm TP HCM và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Trong đó, đầu mối tại TP HCM tiêu thụ khoảng 2 đến 3 tấn một ngày, giảm phân nửa so với thời điểm trước giãn cách xã hội.
Thoáng thấy bóng chiếc xe tải dừng ở bờ ruộng từ xa, ông Hai Thanh (56 tuổi, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đang lội dưới mương nước hái dưa leo bỏ ngang công việc, leo lên bờ ruộng, vung hai chân cố rũ bùn dính bệt vào đôi ủng sũng nước. Sau khi móc những túi nylon đựng dưa vừa hái lên giá chở hàng, ông Hai chạy xe máy khoảng 100 m, ra bãi tập kết ngoài lộ lớn. Các túi dưa sau đó được tài xế Hóa chất lên xe, chở về kho cách đó 10 km.
Ông Hai Thanh hái dưa leo bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh sáng 28/8. Ảnh: Hoàng Nam
Bán dưa xong với giá 4.500 đồng mỗi ký, gương mặt đen sạm, chiếc áo đẫm mồ hôi, ông Hai Thanh ngồi ở đầu bờ ruộng, khẽ kéo chiếc khẩu trang thở dốc, sau đó lại đeo vào ngay, tiếp tục lội xuống mương nước hái dưa đến khi mặt trời gần đứng bóng.
Ông Hai có 2.000 m2 rẫy trồng dưa leo đã hơn 10 năm, bình quân từ lúc gieo hạt sau hơn một tháng sẽ thu hoạch. Khu vực nhà ông có gần chục ha dưa leo, đậu bắp, khổ qua, những năm trước, cứ đến mùa thu hoạch, tầm 5-6h sáng đã thấy nhân công ra đồng, nói cười í ới. Xe máy của thương lái chạy như con thoi dọc bờ ruộng chở hàng. Gần ba tháng trước, tình hình dịch bệnh còn chưa phức tạp, người dân và thương lái địa phương vẫn còn vận chuyển hàng bằng xe máy, nông sản vì thế có giá. Dưa leo bán 12.000 đồng một ký tại ruộng, trừ chi phí già Hai lãi hơn 30 triệu đồng từ vụ dưa.
Những ngày này, toàn bộ thương lái nhỏ lẻ ở địa phương đã tạm nghỉ, những nông dân như ông Hai chỉ còn biết trông cậy vào những chuyến xe tải của hợp tác xã Mỹ Thạnh. Đầu ra bị thu hẹp, giá dưa thấp, vụ này ông bà Hai chỉ lãi bằng một phần ba vụ trước. Những trái dưa đèo bị chê, ông Hai thu nhặt đem về cho hàng xóm làm dưa hoặc cho cá ăn.
Lội dưới mương hái dưa cùng chồng, bà Hai bảo giờ con cái lớn, đã dựng vợ gả chồng, ông bà lớn tuổi nên cũng không ăn uống không bao nhiêu, quanh vườn nuôi gà vịt, dưới mương có cá, ốc cua nên cũng không lo đói. “Tôi xem tin tức thấy mình còn may mắn hơn bà con nhiều nơi khác khi vụ mùa thua lỗ, rau củ phải đổ bỏ vì dịch bệnh”, bà Hai lạc quan.
Cách ruộng ông Hai Thanh hơn 10 km, buổi trưa vợ chồng anh Lê Văn Trung, 45 tuổi, phường 6, TP Tân An, đang đội nắng xếp thanh long vào sọt chờ thương lái đến mua. Vợ chồng anh có 2.000 m2 đất trồng thanh long ruột đỏ đã được 4 năm. Những đợt thu hoạch năm trước, dù giá cả tùy thời điểm khác nhau, một năm vợ chồng anh vẫn có lãi ít nhất vài chục triệu đồng. Năm nay, phần lớn các đợt cắt họ đều hòa vốn đến thua lỗ do ảnh hưởng dịch bệnh, thậm chí có lúc thanh long chỉ còn 1.500 đồng mỗi ký.
Vợ anh Lê Văn Trung xếp thanh long vào sọt chờ thương lái đến thu mua trưa 30/8, với giá 4.000 đồng một ký, đợt này anh Trung thua lỗ tiền thuê nhân công. Ảnh: Hoàng Nam
Đợt này trước khi cắt, giá thanh long còn 6.000 – 7.000 đồng một ký. Nào ngờ đến cận ngày thu hoạch, mối quen gọi báo chỉ mua giá 4.000 đồng một ký, hơn 1,5 tấn trái họ bán chỉ được 6 triệu đồng. Anh Trung thuê hai công cắt hết một triệu đồng, cộng thêm tiền công, phân thuốc, vuốt ngoe xem như thua lỗ.
Như anh Học, ông bà Hai, anh Trung, hơn 10 triệu nông dân các tỉnh phía Nam cũng đang gặp khó, khi vào đợt thu hoạch nông sản với khoảng một triệu hecta lúa hè thu, sản lượng 5,5 triệu tấn; cùng một triệu tấn trái cây, rau quả bình quân mỗi tháng.
Riêng tỉnh Long An đang vào cuối vụ thu hoạch nông sản, sản lượng mỗi tuần bình quân khoảng 120.000 tấn, trong đó khoảng 80 tấn rau củ quả, 600 tấn thủy sản, thịt bị tồn đọng do ảnh hưởng dịch bệnh.
Những ngày này, đường dây nóng của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương Long An liên tục reo. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho hay, trong những ngày đầu giãn cách xã hội, mỗi ngày bà nhận gần 300 cuộc gọi từ nông dân, thương lái, nghe điện thoại nhiều đến mức bị ù cả một bên tai. Sau đó, đường dây nóng được mở rộng về phòng nông nghiệp các địa phương để “chia lửa” bớt cho tỉnh.
Theo bà Khanh, khi triển khai giãn cách xã hội, một số địa phương có sự cứng nhắc trong áp dụng, nhất là một số cán bộ trực chốt tại xã.
“Có nơi không cho người dân ra đồng, ruộng ở xã thuộc huyện này nhưng máy gặt từ xã khác thuộc huyện khác giáp ranh qua bị chốt chặn lại với lý do… ai ở đâu ở yên đó”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chia sẻ. Sau khi được bộ phận đường dây nóng can thiệp, các sự cố phát sinh sau đó đều được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, đang vào mùa khó khăn, khi giải quyết xong vấn đề này lại phát sinh thêm nhiều vấn đề khác. Không có thương lái đến ruộng thu mua lẫn nhân công thu hoạch, nhiều vườn chanh, sen, rau hàng chục tấn không thể thu hoạch đúng thời vụ. Nhiều huyện đang thu hoạch lúa thiếu máy gặt, thương lái phải test nhanh Covid-19 làm tăng chi phí dẫn đến việc thu mua ít hoặc ép giá, thu mua với giá thấp… Ngành nông nghiệp Long An đang cùng các ngành khác tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng để “giải cứu” nông sản cho nông dân; “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với tỉnh hồi giữa tháng 7.
Tham gia sàn giao dịch điện tử được khoảng một tháng nay với doanh thu hơn 300 triệu đồng, gồm 4 gói combo rau củ quả giá 50.000-150.000 đồng, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh nói vừa bị một đơn vị “bùng hàng” hai hôm trước.
Theo ông Cường, đơn vị này ở TP HCM, đặt hàng 200 combo rau củ quả, mỗi combo giá 50.000 đồng, tổng cộng 10 triệu đồng. “Hàng đóng gói xong, gọi cho họ thì được yêu cầu dời lại sang ngày khác giao, trong khi rau củ không thể để lâu”, Giám đốc hợp tác xã nói. Các gói combo bị “bùng”, ông Cường cho nhân viên tháo ra, phần củ còn tươi giữ lại, rau củ bị hư hại nhẹ thì thông báo cho các đơn vị có nhu cầu đến chở về làm công tác xã hội.
Sau sự cố này, mấy ngày nay, dù có nhiều đơn đặt hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hợp tác xã không nhận nữa để giảm thiểu rủi ro.
Cách hợp tác xã Mỹ Thạnh hơn 100 km, mấy hôm nay anh Học lâm vào cảnh thua buồn khi nghĩ về vụ khoai trước mắt. Cũng như nhiều nhà nông khác, anh hiểu rằng đã làm kinh tế phải chấp nhận rủi ro. Kinh nghiệm gần chục năm trồng hoa màu, đã tính toán hết các kịch bản cho đầu ra, nhưng anh và các xã viên không lường trước được ảnh hưởng của dịch bệnh lại dai dẳng đến vậy. Hiện toàn bộ vốn liếng để dành sau nhiều năm anh đã đầu tư hết vào vụ khoai. Đầu ra bế tắc, với lượng khoai lớn không có kho bãi chứa, khoai đổ đống để lâu cũng sẽ bị hư.
“Mấy đêm mưa gió tôi đều mất ngủ vì lo cho ruộng khoai”, anh Học nói khi đứng giữa cánh đồng. Phía trước mặt anh, ruộng khoai đang bị dịch bệnh bủa vây khi khó tiêu thụ, còn sau lưng, mực nước sông sau nhiều cơn mưa dầm đã bắt đầu dâng cao. Đồng Tháp Mười đang vào mùa nước nổi, nước sông chỉ còn cách mặt ruộng khoảng 3 tấc, đe dọa ruộng khoai đang vào thời kỳ thu hoạch.
Cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, người dân không nên tích trữ
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trả lời PV báo Tin tức về hệ thống phân phối, nguồn hàng dự trữ cho người dân vùng có dịch.
Hệ thống siêu thị đều đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết.
Thưa ông, hiện TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Công Thương đã vào cuộc như thế nào để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân?
Trước tình hình dịch COVID-19 trong nước đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bộ Công Thương đã đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải là Trưởng ban chỉ đạo.
Đồng thời, Bộ đã có công văn gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng có công văn đề nghị các Bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ tăng giá bất hợp lý.
Đặc biệt, Bộ cũng đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử; Bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tăng thêm các điểm bán hàng thiết yếu cho người dân, Bộ Công Thương đã liên hệ với Tổng công ty bưu điện Việt Nam (VNPOST) và Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post), là những đơn vị vận tải chuyên nghiệp và có cơ chế đặc thù trong lưu thông hàng hóa để kết nối với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ triển khai công tác vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Đến nay, Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) đã được tham gia Chương trình bán hàng "Thực phẩm bình ổn lưu động" của TP Hồ Chí Minh nhằm để cung ứng hàng hóa thiết yếu với 34 điểm bán hàng cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Việc phân phối hàng hóa thiết yếu tại các vùng dịch cần thực hiện như thế nào, để tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng như vừa qua, thưa ông?
Bộ Công Thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản cho địa phương. Tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch COVID-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150 - 500% so với tháng thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đặc biệt là các địa phương đang có dịch bệnh COVID -19, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.
Để hỗ trợ các địa phương trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
Tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp... trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch.
Bộ cũng thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình cung cầu - lưu thông hàng hóa, tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương trong bối cảnh dịch COVID -19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Đồng thời, Bộ đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bộ và các Sở Công Thương các địa phương cũng như các doanh nghiệp phân phối luôn có phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo nhu cầu người dân trong dịch COVID-19. Vì thế, khi ở bất cứ địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, người dân không nên hoang mang, đổ xô đi mua hàng tích trữ để ảnh hưởng đến tình hình chống dịch.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Hành động lạ" của CSGT với cụ bà 85 tuổi bán măng giữa mùa dịch Thấy cụ bà lưng còng xách 2 mụt măng tre ra chợ bán trong thời điểm giãn cách xã hội, 2 cán bộ CSGT ở Cần Thơ đã mua giúp rồi chở cụ về tận nhà. Hai ngày nay, mạng xã hội xôn xao hình ảnh 2 cán bộ CSGT giúp một cụ bà lưng còng mang 2 mụt măng tre ra chợ...