Nông sản “khóc” do virus Corona: Tức tốc tìm, mở rộng thị trường
Chiều 3/2, Bộ NNPTNT họp khẩn về tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Không tái cơ cấu theo liên kết chuỗi thì nếu không “khóc” vì virus Corona, chúng ta cũng sẽ “khóc” vì những tác động khác…
Giá nông sản giảm sâu
Với diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.
Đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau tết, qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8-28/2 sẽ thu hoạch khoảng 54.000 tấn thanh long. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn…
Xe chở thanh long xuất sang Trung Quốc đang bị tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: K.L
Đối với xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2019 vẫn có mức độ tăng trưởng khá (tăng 22% so với 2018), đặc biệt là tháng 12/2019 đã tăng 36,2% so với tháng 11/2019, trong đó một số sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh như: Tôm tăng 17%, cá tra tăng 61,5%; mực và bạch tuộc tăng 16,1%.
Nhìn lại quý I/2019, xuất khẩu tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm (tôm giảm 15%, cá tra giảm gần 2%) khiến tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5% so với 2018, chỉ đạt 239 triệu USD. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động giao thương trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Cùng với đó, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Trưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, từ mùng 1 tết, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng cửa kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó. Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long với trên 5.300 tấn.
Video đang HOT
“Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội hạn chế đưa xe hàng lên Lạng Sơn thời điểm này, tìm giải pháp tiêu thụ khác để trong nội địa, bởi có đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo, các bến bãi chỉ thu phí ban đầu, còn những ngày còn lại không được phép thu bởi bà con đang rất vất vả, giá thanh long trước tết 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, dưa hấu còn 1.000 đồng/kg” – ông Trưởng nói.
2 kịch bản ứng phó
Để hạn chế ảnh hưởng từ dịch viêm phổi do virus Corona chủng mới, Bộ NNPTNT chủ động có những giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn về tiêu thụ nông sản.
Phương án trước mắt, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến ngày 9/2, nếu dịch không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam, tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05 ngày 28/1/2020.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, xuyên suốt nhằm đạt hiệu quả cao nhất các chỉ đạo của lãnh đạo bộ về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020 để tạo đột phá trong đa dạng hóa thị trường.
Cụ thể, đoàn công tác do lãnh đạo Bộ NNPTNT dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; đoàn do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ từ 22/2; đoàn do Bộ trưởng dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Brazil trong tháng 3/2020; tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật Bản (tháng 3/2020)…
Bám sát Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh trao đổi, liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý I và quý II/2020 để tháo gỡ khó khăn.
Về phương án dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ NNPTNT phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Theo Danviet
Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Vững tin về mùa vụ ấm no, nông thôn tươi đẹp
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, với những kết quả ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2019, dù năm 2020 vẫn còn những khó khăn đang chờ đợi nhưng chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ có những mùa quả ngọt,nông dân ấm no, nông thôn tươi đẹp...
Còn nhiều tiềm năng, lợi thế
Năm 2019 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, với những giải pháp chủ động, tích cực, Bộ NNPTNT đã đạt được những kết quả vô cùng khả quan. Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn ấn tượng của ngành trong năm qua?
- Ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã nhận định 2019 sẽ là một năm hết sức khó khăn của ngành nông nghiệp. Một là, dự báo tình hình thương mại nông sản cực kỳ khó khăn do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên. Hai là, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Ba là, chúng tôi xác định quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi được những bước dài, tuy nhiên về tổng thể, tỷ lệ sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cơ bản, đe dọa đến sự an toàn, tính cạnh tranh.
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra hệ thống kiểm soát mặn ở Trà Vinh. Ảnh: Huỳnh Xây
Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, HTX đến bà con nông dân, năm 2019, chúng ta vẫn có được kết quả tổng quan, mặc dù không trọn vẹn nhưng rất tích cực.
Một là tăng trưởng GDP, trong hoàn cảnh tác động của dịch tả lợn châu Phi vẫn đạt trên mốc 2%. Hai là, xuất khẩu nông sản, trong bức tranh khó khăn chung chúng ta vẫn đạt được 41,3 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay. Ba là, chúng ta đã hoàn thành được 52% số xã nông thôn mới (khoảng 4.800 xã). Bốn là, hệ số che phủ rừng đã đạt được 41,85%.
Để đạt được những kết quả trên cần sự chèo lái của người thuyền trưởng. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 vừa qua, bộ trưởng được rất nhiều người đánh giá là một người tâm huyết, đi nhiều, biết nhiều, tham gia nhiều việc. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Trước tiên, cảm ơn sự đánh giá, quan tâm đó nhưng tôi phải khẳng định lại chưa bao giờ ngành nông nghiệp được sự quan tâm đầy đủ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến tất cả hệ thống chính trị, của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp doanh nhân cho đến người dân như bây giờ. Chưa bao giờ mà từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đi đâu, đi nước nào cũng nói về nông sản của Việt Nam, đó là sự quan tâm lớn.
Thứ hai, sự quan tâm của các thành phần kinh tế. Trong 3 năm mà tăng gấp hơn 3 lần số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp. Người nông dân Việt Nam, tất cả các vùng miền rất sáng tạo. Tất cả những sự cố gắng quan tâm biến thành hành động đó đã tạo nên sức mạnh tổng thể, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển ở quy mô mới và hướng hội nhập sâu rộng theo hướng tái cơ cấu ngày một hiệu quả rất rõ nét trên từng trục sản phẩm, kể cả nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, và nhóm sản phẩm OCOP.
Thưa Bộ trưởng, chưa bao giờ có phong trào doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lớn như bây giờ. Vậy theo ông đâu là sức hút của nông nghiệp trong năm 2019 vừa qua?
- Trước khi trả lời, phải bày tỏ biểu dương và cảm ơn các doanh nghiệp đã tập trung cùng với bà con nông dân để trở thành lực lượng hạt nhân trong chuỗi sản xuất cũng như làm nòng cốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp chúng ta. Có được điều này, theo chúng tôi nhận định mấy vấn đề.
Một là, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750.000 doanh nghiệp trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp của chúng ta, nhất là những doanh nghiệp lớn, đã đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính, và quan trọng hơn là hơn 30 năm đổi mới, các doanh nghiệp đã có đủ khát vọng để tổ chức, thực hiện tốt những vấn đề trong khu vực nông nghiệp.
Hai là, rõ ràng thông qua đây có thể thấy rằng khu vực nông nghiệp còn tiềm năng lợi thế, mặc dù chúng ta xuất khẩu nông sản tới 40 tỷ USD đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định dư địa còn rất lớn. Nếu như chúng ta làm tốt khâu chế biến, sản xuất theo chuỗi thì giá trị để ra ngay từ khu vực này còn rất lớn. Ví dụ ngành cà phê hiện nay mỗi năm chúng ta xuất khẩu 4,3 tỷ USD nhưng giá trị từ khâu chế biến chỉ chiếm 11%, 89% còn lại là dư địa chứ ở đâu.
Ba là, các chủ trương chính sách của chúng ta thì hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc, 63 tỉnh thành, tỉnh nào cũng vậy, thành phố nào cũng vậy, liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi theo dõi trong 3 năm qua, tất cả các xúc tiến đầu tư đều dành một phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Kể cả TP.Hồ Chí Minh, hiện nay GDP nông nghiệp chỉ còn 0,6% nhưng rất khát vọng và cầu thị mời gọi các doanh nghiệp vào, đây chính là sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này.
Vững tin và quyết tâm cao hơn
Vậy con số kỳ vọng của năm 2020 ngành nông nghiệp là bao nhiêu, đâu là cơ sở để đạt mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?
- Có lẽ, nói về khát vọng thì là phải cao hơn nhiều, bởi chúng ta đặt nền tảng trong bức tranh khó. Thứ hai, chúng ta tìm thấy dư địa tiếp, mặc dù chúng ta xác định trước năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất tiếp tục là thị trường, tuy nhiên ngành đã xác định là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 thì chính thức giao cho ngành phấn đấu đạt khoảng 41,5 - 42 tỷ USD. Ngành xác định là sẽ bàn và giao cho các đơn vị và phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế sẽ phải phấn đấu ít nhất từ 42 tỷ USD trở lên.
Đành rằng mục tiêu này sẽ đến khó đấy và trong một bức tranh chung toàn cầu hiện nay cạnh tranh quyết liệt về thị trường, về nông sản nhưng chúng tôi nghĩ rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, người dân thì chúng ta cố gắng để đảm bảo con số đạt cao trong điều kiện cho phép.
Bộ trưởng có nhận định như thế nào về năm 2020 và giai đoạn tới, và sau nữa là giai đoạn 5 năm (2021 - 2025)?
- Phải xác định năm 2020 tiếp tục là năm khó khăn cho ngành nông nghiệp. Bởi vì tác động biến đổi khí hậu, các bạn thấy ngay từ đầu năm đã có tác động cực đoan, chính vì thế không phải ngẫu nhiên mà ngành nông nghiệp được tổng kết sớm để tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân ở miền Bắc trong bối cảnh thiếu nước trầm trọng và tổ chức ứng phó mặn ở ĐBSCL vụ đông xuân. Toàn bộ miền Trung cũng thiếu nước, ĐBSCL thì dự báo trước là sẽ hạn, mặn gay gắt ngay từ tháng 9/2019. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo hội nghị, cảnh báo ngay từ tháng 9/2019.
Thứ hai, dịch tả lợn châu Phi tuy rằng xuống đáy nhưng chưa phải an toàn, rồi sâu keo mùa thu năm ngoái đã xuất hiện ở 14 tỉnh thì năm nay cũng sẽ tiếp tục đề phòng quay trở lại... Thứ nữa là dịch bệnh vẫn tiếp tục nguy cơ và cái thứ 3 là thị trường nông sản tiếp tục gay go, vì chiến tranh thương mại toàn cầu, trong đó biểu hiện lớn nhất là các quốc gia đều muốn phát triển nông sản tại chỗ. Đây là một áp lực cho những nước xuất khẩu, trong đó nước ta là nước xuất khẩu rất lớn về nông sản.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Danviet
Năm 2020, ngành nông nghiệp chủ động gỡ rào cản, lập kỷ lục mới Để triển khai tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ NNPTNT xác định sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản, khơi thông thị trường, chủ động các giải pháp ứng phó với biến...