Nông nghiệp xanh – Bài 3: Giải pháp canh tác hữu cơ
Khi hóa chất nông nghiệp đang gây quan ngại ngày càng lớn về tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đang thúc đẩy canh tác hữu cơ như một giải pháp xanh và bền vững.
Sản xuất rau thủy canh ăn lá tại hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phương thức canh tác này không phải ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người nông dân khi có những lo ngại về năng suất cây trồng, bên cạnh sự phản đối của các công ty sản xuất hóa chất nông nghiệp.
Những nỗ lực tiên phong
Chiến lược đa dạng sinh học “Farm to Fork” (từ nông trại đến bàn ăn) của Liên minh châu Âu (EU) cam kết giảm 20% việc sử dụng phân bón hóa học và đặt mục tiêu dành ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp cho canh tác hữu cơ.
Tại Thụy Sỹ, 15% số hộ nông dân đã sử dụng sản phẩm hữu cơ và không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang. Ngành nông nghiệp thụt lùi một bước để có thể thực hiện mục tiêu đầy tham vọng hơn.
Năm ngoái, sáng kiến liên quan đến việc dừng trợ cấp cho nông dân sử dụng thuốc trừ sâu và sáng kiến “chống thuốc trừ sâu” nhằm thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với thuốc trừ sâu tổng hợp đã được đưa ra bỏ phiếu trên toàn quốc. Dù chưa được thông qua, nhưng nếu thành công sẽ đưa Thụy Sỹ trở thành quốc gia tiên phong trong canh tác hữu cơ khi trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các sản phẩm như thuốc trừ cỏ và thuốc diệt nấm tổng hợp.
Tại một quốc gia khác là Sri Lanka, vào tháng 12/2019, Tổng thống mới đắc cử khi đó, Gotabaya Rajapaksa, đã cam kết “thúc đẩy và phổ biến nông nghiệp hữu cơ” trong thập kỷ tiếp theo và thực hiện “cuộc cách mạng trong việc sử dụng phân bón”. Sự thay đổi liên quan đến việc chuyển đổi các làng nông nghiệp truyền thống sang chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và cung cấp miễn phí cả phân bón hữu cơ và vô cơ cho nông dân.
Vào tháng 4/2021, ông Rajapaksa đã tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và hóa chất nông nghiệp, bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Lý do là để kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe do lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp.
Trước sự phản đối từ cộng đồng sản xuất nông nghiệp và do lo ngại giá lương thực sẽ tăng cao, vào tháng 11/2021, chỉ bảy tháng sau khi được áp dụng, lệnh cấm đã được đảo ngược. Dù vậy Chính phủ vẫn khẳng định rằng “chính sách nông nghiệp của đất nước chú trọng xây dựng một nền nông nghiệp xanh tập trung vào việc sử dụng duy nhất phân bón hữu cơ”.
Chính sách của ông Rajapaksa ban đầu đã nhận được sự ủng hộ của nông dân. Cuộc khảo sát của Verité Research cho thấy gần 2/3 số nông dân được hỏi cho biết họ ủng hộ tầm nhìn của chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, nhưng gần 80% những người ủng hộ cho biết một sự thay đổi như vậy sẽ cần hơn một năm.
Những thách thức phải vượt qua
Tuy nhiên, hiện chỉ có ít quốc gia có chính sách chính thức để chuyển đổi ngành nông nghiệp sang 100% hữu cơ, và trong số đó, chưa có quốc gia nào thực hiện chuyển đổi thành công. Năm 2008, vương quốc nhỏ bé Bhutan ở Nam Á cam kết chuyển sang sản xuất hữu cơ hoàn toàn vào năm 2020 nhưng chỉ 10% sản lượng cây trồng và 1% diện tích đất canh tác của họ được chứng nhận vào thời hạn chót.
Video đang HOT
Kết quả cho đến nay vẫn chưa được khích lệ. Một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Humboldt Berlin cho thấy năng suất nông nghiệp hữu cơ ở Bhutan thấp hơn trung bình 24% so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Số liệu từ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho thấy nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm phi hữu cơ, chiếm 16% giá trị nhập khẩu trong năm 2017.
Sự phản đối của nông dân và các công ty sản xuất hóa chất nông nghiệp không phải là rào cản duy nhất mà những người ủng hộ nông nghiệp hữu cơ đối mặt. Năng suất thấp cũng là một thách thức đáng kể.
Theo ông Adrian Mller tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ, năng suất trung bình từ canh tác hữu cơ thấp hơn khoảng 20% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Nhưng ông cũng như các chuyên gia khác cho rằng có nhiều cách giải để quyết vấn đề này thông qua nông học, phát triển các giống năng suất cao cho nông nghiệp hữu cơ, đào tạo và khuyến khích người nông dân.
Hiện nay, người nông dân canh tác hữu cơ phải canh tác các giống cây trồng được phát triển cho các phương thức canh tác thông thường. Điều này khiến họ gặp bất lợi ngay lập tức về năng suất. Theo ông Muller, các quốc gia cũng cần xây dựng một chương trình tiếp cận và đào tạo tốt cho nông dân, cấp các khoản hỗ trợ cần thiết, đầu tư vào việc lai tạo các giống cây trồng hữu cơ năng suất cao và cung cấp đủ phân bón hữu cơ. Ông cho rằng những lợi ích lâu dài xứng đáng với chi phí ban đầu.
Bên cạnh đó, xu hướng canh tác hữu cơ và bền vững hơn đã buộc các tập đoàn lớn về hóa chất nông nghiệp như Syngenta (Thụy Sỹ) phải phát triển các loại thuốc trừ sâu và phân bón ít độc hại hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Tập đoàn của Thụy Sỹ nằm trong số những công ty đang nghiên cứu các sản phẩm sinh học thay thế các hóa chất tổng hợp từ các hợp chất và sinh vật tự nhiên. Cải tiến mới nhất, hiện đang được thử nghiệm ở Trung Quốc, là một chế phẩm sinh học sẽ làm giảm sự rửa trôi và do đó sẽ giảm lượng phân bón cần thiết.
Những thành công của Ấn Độ
Tại Ấn Độ, phân bò được sử dụng để tạo ra khí đốt sinh học, cung cấp năng lượng sạch cho các hộ gia đình và sau đó được tận dụng để bón cho đất, cải thiện chất lượng đất trồng.
Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí hơn việc sử dụng phân bón hóa học lại vừa giảm tình trạng phá rừng bởi tự tạo được khí đốt sinh học. Phân bón hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước để chống chọi tốt hơn với các đợt hạn hán.
Ban đầu, người dân định kiến sản lượng mùa vụ sẽ giảm khi sản xuất với phương thức hữu cơ thay vì dùng các sản phẩm hóa học. Trong khi đó, chi phí lắp đạt hệ thống sản xuất khí đốt sinh học biogas trị giá khoảng 30.000 rupee (430 USD) cũng là trở ngại với một số hộ nông dân.
Tuy nhiên, dự án sau đó chỉ ra hiệu quả tiết kiệm chi phí và năng suất cao trên các cánh đồng sử dụng phương pháp canh tác này, trong khi người dân cũng nhận được sự hỗ trợ. Ngoài ra, nông dân cũng được hướng dẫn cách sử dụng giun đất để tạo ra phân bón và tạo ra các loại phân bón tự nhiên cũng như thuốc trừ sâu hữu cơ khác.
Nhờ ứng dụng các phương pháp hữu cơ trong trồng trọt, người nông dân thể bỏ ruộng 2 tuần không cần tưới nước ngay cả trong các đợt nóng vì giờ chất lượng đất đã được cải thiện và có thể giữ ẩm được lâu hơn. Thậm chí, trên các vùng đất ẩm, lượng mưa hiếm hoi sẽ được giữ lại nhiều hơn, ngấm dần vào trong các tầng ngậm nước, giúp mạch nước ngầm được tái tạo.
Giờ đây, nông dân ở nhiều vùng Ấn Độ có thể trồng được nhiều vụ mùa hơn, ổn định hơn mà không cần dùng tới phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay khai thác lượng lớn nước ngầm vốn hạn hẹp. Trung bình sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm kể từ khi họ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.
Bên cạnh việc có thể thu hoạch 2 vụ mùa mỗi năm, người nông dân Ấn Độ nay có thể trồng gối vụ rau, chăn nuôi gia cầm và trồng những loại cây nông nghiệp khác như yến mạch, lúa miến và ngô…
Sikkim, một bang ở Đông Bắc Ấn Độ, tuyên bố đã đạt được trạng thái canh tác hữu cơ hoàn toàn vào năm 2016. Tầm nhìn được Thủ hiến bang công bố lần đầu tiên vào năm 2003 và vào năm 2010, Nhiệm vụ canh tác hữu cơ đã được đưa ra để thực hiện trên thực tế.
Theo số liệu từ bộ phận nông nghiệp và thực phẩm của chính quyền bang, việc chuyển sang canh tác hữu cơ ở Sikkim, khu vực sản xuất thảo quả làm gia vị lớn thứ hai thế giới, đã không dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của các loại cây trồng chủ lực.
Nông nghiệp xanh - Bài 1: Nắm bắt dòng chảy mới của thị trường
Có tới gần 80% dân số tham gia sản xuất, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn.
Vùng chè tại Lâm Đồng. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. TTXVN thực hiện chùm bài viết về Nông nghiệp xanh nhằm nhìn nhận những nỗ lực của Việt Nam đưa nền nông nghiệp hướng tới dòng chảy mới của thị trường.
Bài 1: Nắm bắt dòng chảy mới của thị trường
Nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050... Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sử dụng hiệu quả tài nguyên
Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.... đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.
Vụ Đông Xuân 2021-2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo "4 đúng", giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.
Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê tan sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.
Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá... không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ có sản phẩm đặc sản, giá trị cao, người sản xuất còn bán được cả giá trị nhân văn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong canh tác lúa. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp... bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen... tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.
Điển hình như trong chăn nuôi bò của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, để tạo nguồn thức ăn, đơn vị thu mua toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp: thân cây ngô, rơm, đậu lạc.... sản xuất thành thức ăn chăn nuôi. Tận thu các phế phẩm của ngành sản xuất gỗ như: dăm, bào, mùn cưa... sản xuất thành đệm sinh học. Thức ăn của vi sinh vật trong đệm sinh học chính là chất thải của con bò. Việc chuyển hóa này sẽ giúp chuồng trại không có mùi hôi, luôn sạch sẽ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ tái chế các đệm sinh học này. Phân bón đã là nguồn thu có ý nghĩa nhất định trong thu nhập của doanh nghiệp.
Cách làm trên được ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ. Điều đặc biệt là cách làm này đang được ông và Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cùng nông dân, trang trại cho đến các doanh nghiệp lớn lan tỏa để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn.
Theo ông Hà Văn Thắng, với định hướng chung là tái chế, tái sử dụng, mỗi sản phẩm tạo ra đều mang một giá trị và trả nó về vị trí, góp phần tạo nên nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Khi sản xuất tuần hoàn sẽ đáp ứng được 3 mục tiêu: hiệu quả - kinh tế - môi trường. Sản xuất tuần hoàn cần sự chia sẻ của cộng đồng nên nó còn giải quyết được bài toán an sinh xã hội.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, nông nghiệp xanh là cách tối ưu hóa nguồn lực. Làm thế nào để sản xuất nhiều thực phẩm hơn, chất lượng hơn nhưng tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn, đóng góp ít hơn lượng phát thải khí nhà kính.
Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Tuy vậy, từ nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên khi chuyển sang nông nghiệp xanh sẽ có nhiều thách thức. Ông Đào Thế Anh cho rằng, đầu tiên là cần thay đổi tư duy và thói quen của nông dân. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ nên cần có sự hướng dẫn, đào tạo để thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính.
Khoa học công nghệ làm điểm tựa
Trong bối cảnh đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp, nhưng phải đảm bảo tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải nhà kính, nguyên Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phải là động lực chính. Một nền nông nghiệp dựa vào khoa học công nghệ để phát triển thì đòi hỏi phải có nhiều lao động có kỹ năng và được đào tạo.
Ông Cao Đức Phát cũng chỉ ra, một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến cần có cơ sở hạ tầng tương ứng. Chẳng hạn khi muốn khuyến khích nông dân trồng lúa áp dụng phương thức "nông - lộ - phơi" thì trước hết phải giúp họ có được hệ thống thủy lợi nội đồng cho phép họ làm điều đó. Hay nền nông nghiệp số đòi hỏi phải có điện, hạ tầng số, hệ thống logistics hiệu quả.
Đến với sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ông Hà Văn Thắng cho rằng cần phải có sự vận dụng sáng tạo và lấy nền tảng là khoa học công nghệ, công nghệ số... Sản xuất tuần hoàn không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào, mà tùy thuộc vào điều kiện, năng lực mỗi tổ chức, cá nhân. Muốn sản xuất tuần hoàn được điều quan trọng là tư duy thiết kế mô hình sản xuất theo điều kiện, nguồn lực của mình.
Để tiếp cận được khoa học công nghệ, ông Đào Thế Anh cho rằng nông dân cần có quy mô sản xuất đủ lớn mới có thể phát triển thành hàng hóa, đủ sản phẩm bán ra thị trường. Giai đoạn đầu chuyển đổi có thể năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người nông dân. Bên cạnh đó, còn tình trạng "được mùa mất giá" do điều kiện tiếp cận thị trường còn kém. Để tham gia vào thị trường, nông dân phải tham gia vào hợp tác xã để học làm theo các tiêu chuẩn; trong đó có các tiêu chuẩn môi trường. Vì thế, mỗi địa phương cần có chính sách riêng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh.
Cũng với xu hướng tận dụng và khai thác hết giá trị của một sản phẩm nông nghiệp thay cho chỉ khai thác một khía cạnh kinh tế của sản phẩm, cách sản xuất sản phẩm, kinh doanh quá trình hình thành sản phẩm thông qua gắn kết du lịch đang giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá.
Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch. Sự liên kết trong và ngoài vùng thông qua thị trường du khách để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu như: thảo dược, sữa, chè, rau quả sạch... Nhiều vùng, 50% thu nhập của nông dân đến từ dịch vụ như cho thuê homestay, tham quan, trải nghiệm công việc nhà nông...
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang tích hợp "đa giá trị"...
Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống rác thải nhựa Ngày 19/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa. 300 tác phẩm ảnh, cùng với các phim phóng sự, các mô hình tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa tỉnh...