Nông nghiệp công nghệ cao: Không chỉ có màu hồng!
Gần đây, Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã trở thành một chủ đề được rất nhiều người quan tâm, hy vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ tương lai của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, NNCNC có đơn giản chỉ là một bức tranh màu hồng?
Phóng viên có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn PAN về chủ đề này.
Thời gian gần đây, NNCNC trở thành chủ đề được rất nhiều người quan tâm tại Việt Nam. Ông có thể giải thích lý do vì sao?
NNCNC gần đây được nhiều người nhắc đến, quan tâm đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Việc tham gia TPP được đánh giá là mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, nhất là với ngành Nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn sử dụng phương pháp sản xuất truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên với năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định.
NNCNC sau khi được áp dụng thử nghiệm ở một số địa phương như Đà Lạt đã chứng minh sự vượt trội, mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều cho người nông dân, tạo động lực cho xu hướng nghiên cứu và áp dụng ở quy mô lớn hơn trên phạm vi toàn quốc. Gần đây, lãnh đạo nhiều tỉnh cũng trực tiếp kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực NNCNC với những cam kết cụ thể, rõ ràng, tạo hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước đi trước có rất nhiều điểm cần chú ý trước khi áp dụng NNCNC trên quy mô lớn. Làm NNCNC trên thực tế không dễ.
Tại sao làm NNCNC không dễ? Theo Ông, NNCNC sẽ thay đổi ngành Nông nghiệp Việt Nam như thế nào trong vòng 10-20 năm tới?
NNCNC có rất nhiều ưu việt, nhưng tất cả đều có những điểm cần lưu ý. NNCNC không nên làm theo phong trào mà nên có chiến lược dài hạn.
Trước hết là yêu cầu lớn về vốn đầu tư so với phương pháp truyền thống. Một số dự án đầu tư NNCNC có thể yêu cầu vốn đầu tư cao gấp hàng trăm lần. Tỷ suất đầu tư cao có nghĩa là áp lực lớn đối với hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tại Nhật Bản, mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống cách đây 30 năm nếu được quản lý tốt vẫn là phương pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với một số dòng sản phẩm và với nhiều doanh nghiệp so với các phương pháp hiện đại tiên tiến nhất.
Thứ hai là yêu cầu hiểu biết rất cao về kỹ thuật canh tác. NNCNC không chỉ bao gồm một hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm hiện đại mà phía sau đó quan trọng nhất vẫn là các bí quyết công nghệ. Minh chứng là nhiều giống cây nhập về từ Nhật Bản, Israel trồng trong điều kiện tốt nhất tại Việt Nam với khí hậu tốt hơn nhưng năng suất cũng chỉ đạt 30% – 40%, chất lượng chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Các bí quyết sản xuất này không đơn giản có thể học hay chuyển giao trong ngày một ngày hai mà là một sự tích lũy kinh nghiệm thậm chí qua 2-3 thế hệ trong gia đình.
Thứ ba là thách thức về mặt thị trường tiêu thụ. NNCNC nếu thành công sẽ mang lại những bước nhảy vọt về năng suất, có thể gấp 20-30 lần so với các phương pháp truyền thống. Như vậy, nếu giữ cùng 1 quy mô thì đơn vị sản xuất phải tính toán thị trường đầu ra phù hợp. Thông thường, khi áp dụng NNCNC thì giá thành sản xuất sẽ cao hơn (tất nhiên là chất lượng sản phẩm cũng cao hơn) nên nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến khả năng chấp nhận của người tiêu dùng – vốn thường mất khá nhiều thời gian để thích ứng. Một trong những lý do NNCNC rất phổ biến tại các nước phát triển không chỉ nằm ở khả năng về công nghệ mà còn do mặt bằng thu nhập của người tiêu dùng cao hơn, có thể chấp nhận mức giá cao hơn để có những sản phẩm chất lượng, an toàn.
Thứ tư là khả năng kiểm soát chất lượng sản xuất và tính kỷ luật của người lao động. NNCNC sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nhân hóa tầng lớp nông dân. NNCNC yêu cầu ít công nhân hơn nhưng đòi hỏi trình độ tay nghề cũng cao hơn rất nhiều. Đây là thách thức đối với các nước như Việt Nam khi công nhân vẫn quen với các phương pháp truyền thống, không sử dụng công nghệ thành thạo, và hạn chế về tính kỷ luật trong việc tổ chức sản xuất, sử dụng hóa chất, quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn. Đây sẽ là rào cản kỹ thuật lớn nhất khi triển khai các ứng dụng tiên tiến. Các nhà sản xuất có thể nhận chuyển nhượng được phần cứng dễ dàng nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề với việc vận hành các công nghệ kỹ thuật đó.
Video đang HOT
Đồng thời, NNCNC đi kèm với rủi ro rất nhiều nông dân mất việc, đặc biệt là các hộ nông dân không có vốn đầu tư NNCNC. Ví dụ Nhật Bản với chưa tới 5% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và thậm chí còn đang xuất khẩu. Như vậy, cơ cấu nền kinh tế cần phải tính toán đến vấn đề này.
NNCNC có xử lý được triệt để các vấn đề của ngành Nông nghiệp Việt Nam?
Hiện nay, 2 vấn đề rất lớn của ngành Nông nghiệp Việt Nam là (i) niềm tin của người tiêu dùng vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng truy xuất nguồn gốc, sử dụng thuốc bảo quản thực vật, chất cấm, và (ii) thị trường tiêu thụ. Một số doanh nghiệp đang sử dụng phương pháp truyền thống vẫn sản xuất được các sản phẩm có chất lượng, an toàn, thậm chí xuất khẩu. NNCNC sẽ hỗ trợ nhiều vấn đề năng suất, chất lượng và sự ổn định của sản phẩm nhưng không giải quyết được triệt để vấn đề các vấn đề mà xã hội đang đặc biệt quan tâm.
Vậy theo ông nên hiểu NNCNC như thế nào cho đúng và Việt Nam nên chuẩn bị để đón nhận xu hướng NNCNC như thế nào là phù hợp nhất?
Nên hiểu NNCNC là một lựa chọn, không phải là một chìa khóa vạn năng có thể thay thế hoàn hảo các phương pháp truyền thống, do đó, theo tôi trước khi tổ chức ở quy mô lớn cần có sự thử nghiệm, lựa chọn đúng đắn, kết hợp những tinh túy, kinh nghiệm của các phương pháp truyền thống bên cạnh ứng dụng về mặt công nghệ cao để có các sản phẩm phù hợp với văn hóa tiêu dùng và nhu cầu của thị trường địa phương.
Việc lựa chọn cấp độ ứng dụng NNCNC không nên đơn thuần chỉ là bê nguyên một mô hình ở đâu đó về Việt Nam mà cần xem xét tính toán, gắn liền với văn hóa, tập quán sản xuất của địa phương đã duy trì từ trước đến nay. Mô hình được lựa chọn cần có sự phù hợp về mặt sản phẩm (màu sắc, kích cỡ, mùi vị) và khả năng quản trị của doanh nghiệp/gia đình/cá nhân.
NNCNC thông thường là một phần gắn liền của một chuỗi giá trị khép kín. Khi đầu tư NNCNC vào một khâu thì cần có sự tính toán, quy hoạch đầy đủ các yếu tố khác. Ví dụ, với các sản phẩm rau củ quả, khi áp dụng NNCNC vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng thì cần tính toán cả phần hạt giống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, vận chuyển và các kênh bán hàng. Các mắt xích này cũng cần các công nghệ mới phù hợp. Nếu không có sự tính toán tỉ mỉ thì sẽ rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”. Một số mắt xích thậm chí cần sự quy hoạch của Nhà nước ví dụ cơ sở hạ tầng hỗ trợ đi kèm với các vùng sản xuất lớn.
Một yếu tố nữa cần chú ý đó là để có thể áp dụng thành công và triệt để NNCNC – vốn yêu cầu vốn đầu tư ban đầu lớn, nguồn lực chuyên gia hỗ trợ – cần có các chính sách quyết liệt, nhất quán từ Chính phủ để có thể tạo động lực cho các doanh nghiệp dám đầu tư bài bản vào NNCNC, góp phần thay đổi từ gốc cho nền sản xuất Nông nghiệp trong nước thay vì đầu tư chắp vá, mang tính thăm dò.
Sự hỗ trợ này đến từ việc miễn giảm các loại thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, các chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, quy hoạch các khu NNCNC, miễn tiền thuê đất, … để giảm bớt áp lực về chi phí đầu tư ban đầu, góp phần giảm bớt chi phí sản xuất, nhanh chóng “phổ thông hóa” các sản phẩm này ngay tại thị trường trong nước, giúp người dân tiếp cận được các sản phẩm sạch, chất lượng cao, xử lý tận gốc vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay.
Theo_NDH
TPP - Đòn bẩy trong tái cơ cấu nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá hiệp định TPP là đòn bẩy để tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT) chiều 6/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, sau khi gia nhập TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn với thị trường 600 triệu dân, đóng góp 40% GDP thế giới và chiếm 20% giao dịch thương mại toàn cầu.
Hưởng lợi từ miễn giảm thuế
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, 12 quốc gia tham gia TPP có trình độ phát triển khác nhau. Có thể nói, Việt Nam có trình độ đi sau so với 11 quốc gia còn lại, nhưng lại có lợi thế khi nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi họp báo.
Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc đang nhập khẩu chiếm tới 35% tổng giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu, cao su chiếm 48%, các mặt hàng rau quả chiếm tới 64% hay gỗ chiếm hơn 13,2%... Đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chiếm tới trên 62% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, đây là bạn hàng lớn nhưng chính sách của thị trường này đòi hỏi Việt Nam luôn phải linh hoạt. Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế dần về 0%, và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ các mặt hàng sẽ còn 0%. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu nông sản khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, đặc biệt là các mặt hàng như thủy sản và đồ gỗ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý.
Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản cũng chiếm 19%... Về thủy sản, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản 16%... Như vậy lợi thế Việt Nam là rất lớn so với các nước có cùng điều kiện sản xuất.
Thủy sản là mặt hàng được cho là có lợi thế khi Việt Nam tham gia TPP. (Ảnh minh họa: Internet).
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, khi thông thương sẽ thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm tái cấu trúc là đưa công nghệ mới, quản lý mới vào phát triển nông nghiệp.
Yếu thế quy mô nhỏ
Tuy vậy, theo Thứ trưởng, nông nghiệp Việt Nam cũng có những thách thức khi mà nền sản xuất chủ yếu còn mang hơi hướng của nền sản xuất nhỏ, quy mô chủ yếu là hộ gia đình. Trong nông nghiệp có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước, và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ còn kém khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ một số mặt hàng nếu vẫn duy trì cách quản lý, chất lượng sản phẩm như hiện nay, chẳng hạn như chăn nuôi theo hộ gia đình. "Cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng lớn. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không linh hoạt sẽ phá sản," Thứ trưởng lo ngại.
Coi TPP là &'liều thuốc thử'
"Nếu coi TPP là &'liều thuốc thử' cho tái cơ cấu nông nghiệp mà cả guồng máy quản lý, nông dân và doanh nghiệp không cải cách trong bộ máy, hệ thống quản lý thì sẽ dễ thua trên sân nhà", Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá.
Chia sẻ quan điểm này, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều yếu thế khi tham gia TPP bởi trình độ của các thành viên TPP khác như Canada, Australia, Mỹ phát triển hơn Việt Nam rất nhiều.
Việt Nam cần học hỏi công nghệ chăn nuôi từ các nước thành viên TPP khác để nâng cao khả năng cạnh tranh. (Ảnh minh họa: Internet).
Theo ông Dương, Cục Chăn nuôi cũng đã nhận biết được tình hình và đang đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, sau doanh nghiệp là các hợp tác xã, hộ chăn nuôi. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo làm sao sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trước hết phải sạch, an toàn, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người Việt Nam.
Việt Nam cũng có niềm tin vào thị hiếu, thói quen sử dụng sản phẩm trong nước, không sử dụng các sản phẩm đông lạnh của người dân trong nước. Nếu tổ chức sản xuất tốt ngành chăn nuôi có thể vượt qua được thách thức trên. Bên cạnh đó, ông Dương gợi ý, Việt Nam có thể phát huy những lợi thế như gà vườn, chăn nuôi vịt... Lợn Việt Nam đang chiếm thứ 4 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; vịt đứng thứ 2 thế giới về đầu con và sản lượng.
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, cần phải hạn chế nhập khẩu đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi bằng cách chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lương thực giá trị thấp sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tập trung cao độ sản xuất các loại thức ăn bổ sung để giảm giá thành sản xuất chăn nuôi.
Ông Dương phân tích: Tại Mỹ, giá thành sản xuất thịt lợn khoảng 28.000 -32.000 đồng/kg, còn ở Việt Nam, giá đang trên 40.000 đồng/kg, vì thế cần phấn đấu giảm giá thành sản xuất chăn nuôi đứng ở mức trung bình của 12 nước tham gia TPP.
Bên cạnh những thách thức, ông Dương cho biết, các nước trong khối TPP có công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giống tốt, do đó Việt Nam sẽ có cơ hội đưa những công nghệ này vào sản xuất trong nước và nhập giống mới để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững./.
Trần Ngọc
Theo_VOV
Prudential VN ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với VIB Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong thời hạn 15 năm. Theo đó, VIB sẽ độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prudential qua các...