Nồng nàn hương vị Hà thành trong “Duyên phở”
Phở Hà Nội – hương vị giữ hồn đất Thăng Long
Phở từ lâu đã trở thành món ăn thân thuộc với mỗi người dân Thủ đô. Trên những con phố cổ nhỏ hẹp của Hà Nội, không khó để bắt gặp những gánh phở rong từ tờ mờ sáng tới tận khuya.
Hương vị món phở đậm nét Hà thành, tình yêu của người con gái Hà Nội dành cho món ăn xứ kinh kỳ một lần nữa được tác giả – người đã gắn bó với nghề phở gánh gia truyền – Phan Thị Biển tái hiện trong “Duyên phở”.
Tôi sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Từ bé lớn lên đã quen thuộc với từng góc nhỏ của 36 phố phường, gắn bó với từng gốc bàng, hàng hoa sữa, hoa sưa nơi mỗi con phố thân quen. Ký ức tuổi thơ là những lúc chơi chuyền chơi chắt khi rảnh việc nhà; được lũ con trai cho những quả bàng, quả sấu; những kỷ niệm với những thay da đổi thịt từng ngày của Thủ đô yêu dấu.
Trong ký ức ấy, cũng mãi đồng hành cho tới bây giờ là những kỷ niệm gắn bó với phở. Những ngày thơ bé, mỗi khi được thưởng, chúng tôi lại xin cậu, mợ cho thưởng thức một tô phở gánh. Món ăn tưởng chừng dung dị ấy mà thần thánh đến không ngờ, là động lực để chúng tôi chăm chỉ lao động, học tập, ngoan ngoãn vâng lời để đến dịp lại được thưởng phở.
Ngày đông lạnh giá cũng như trưa hè nóng nực, mỗi khi được thưởng thức món phở, chúng tôi đều chẳng chối từ. Cái vị thơm ngầy ngậy của thịt bò, mùi thơm dìu dịu của hành mùi đã cho một cảm giác thèm thuồng háo hức với những đứa trẻ đang tròn mắt nhìn ông bán phở thoắt thoắt chuẩn bị những tinh hoa ẩm thực.
Video đang HOT
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm ai đó đi qua hàng phở gánh xưa cũng muốn sà vào để thưởng thức một món khoái khẩu của người Hà Nội. Những ngày ấy, dù có mì chính, nó cũng không phải là thứ gia vị được dùng để cho vào nồi nước dùng.
Có lẽ bởi vậy mà vị ngọt thơm ngầy ngậy với những gia vị bí truyền của gánh phở ngày nào vẫn lan tỏa trong những đứa trẻ ngày ấy cho tới tận bây giờ. Mỗi khi nhớ về món ăn ấy, chúng tôi không quên hình ảnh của những cọng hành mùi xanh xanh và bát phở nước màu nâu vàng và tràn lên trên những thớ phở trăng trắng, chút thịt bò màu nâu đỏ, nhìn trông thật bắt mắt. Tuy nhiên, sự khoái khẩu đâu chỉ đến từ ánh mắt nhìn, khoảnh khắc khi đưa thìa lên hít hà vị thơm và nhấp một hớp nhỏ nước dùng trước khi ăn phở, để cho cảm giác từ đầu lưỡi, từ khứu giác lan tỏa một sự khoan khoái ra khắp cơ thể. Rồi sau đó, từng miếng, từng miếng một thưởng thức hết tô phở mà không để sót lại một sợi phở hay để thừa nước dùng.
Phở với tôi như một cơ duyên gắn bó, đứa con gái Hà thành ấy khi trở thành thiếu nữ, đã nên duyên với con ông bán phở mà có cậu con trai đi phụ cho bố gánh hàng phở mỗi buổi chiều. Tình yêu chúng tôi đến với nhau bình dị như hàng phở gánh xưa nhưng cũng chứa đựng sự cao sang của món ăn đài các.
Món ăn mà những người nghèo ngày đó khó lòng có bữa thường xuyên, và đến bây giờ trở thành quốc hồn, quốc túy, đi khắp năm châu. Những ngày sau giải phóng Thủ đô, nghề gánh phở đi bán của cụ thân sinh ra chồng tôi đã dần mai một nhưng thật may mắn vì sự yêu thích năm xưa với phở mà tôi đã được cụ truyền lại những bí quyết để đời.
Những ngày bao cấp khó khăn sau đó, muốn thèm ăn một bát phở cũng phải chờ sự cóp nhặt để dành tem phiếu để đổi lại bát phở mậu dịch, mà tuy nước dùng và bánh phở mỗi thứ một góc trời nhưng cũng đủ làm những người yêu phở chấp nhận. Những năm đó, sự thèm muốn đối với phở dường như phải biết tự tiết chế lại cho nó hợp thời. Thế rồi cuộc sống đã dần thay đổi, những ngày chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã cho toàn xã hội có sự thay da đổi thịt.
Phở cũng nhờ đó mà được hồi sinh. Lương của hai vợ chồng kỹ sư chúng tôi không đủ đắp đổi nuôi những cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi học. Vậy là, tôi đã nghỉ hưu một cục để mở hàng phở với những bí quyết đã được cụ ông truyền lại.
Món phở gánh ngày xưa, cơ duyên với nó tôi tưởng chừng như chỉ là người thưởng thức thì thời thế, thế thời tôi lại trở thành người duy trì hồn cốt của nghề đã xa của Hà Nội. Lại được hít hà vị thơm, thưởng thức vị ngọt của nước dùng, sự mềm dẻo mà không nát của bánh phở, vị ngầy ngậy dai giòn mà thơm của thịt bò, tất cả với những thứ đó với hương vị của hành mùi để cống hiến cho người thưởng thức. Dù tiếp xúc với phở, nếm hương vị của phở mỗi ngày cũng vẫn không làm cho tôi cảm thấy nhàm chán với món ăn tinh tế ấy.
Tôi có cảm giác như mình nợ phở rất nhiều. Từ món ăn ngày thơ bé của phở gánh xưa, đến quán phở gánh nơi đầu ngã tư đã nuôi sống cả gia đình tôi và đảm bảo nguồn kinh tế để các con tôi ăn học trưởng thành.
Bởi vậy, khi ấy tôn chỉ cụ ông truyền lại cho tôi đã được hiện thực thành món phở tươi ngon và sạch sẽ, không có mì chính, không có phụ gia nhưng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon của phở. Giờ đây khi đã đến tuổi thất tuần, các con đều đã thành đạt, tôi cũng đã không còn bán phở. Có lẽ với tôi và những người con Hà Nội, hương vị và những kỷ niệm về phở gánh xưa sẽ còn mãi với Hà thành.
Theo tuoitrethudo
Đặc sản Tây Bắc: Hương vị không thể trộn lẫn của các món thơm ngon từ dúi rừng
Thời gian qua, trên mạng xã hội rầm rộ về một món ăn được gọi là đặc sản của núi rừng Tây Bắc, đó là con dúi.
Nhiều nhà hàng, quán xá giới thiệu bày bán loại gặm nhấm này với giá cao ngất ngưỡng và ví các món ăn từ dúi là hàng hiếm có. Xét về giá cả, dúi có giá khá đắt (tầm 400 nghìn/kg), nghĩa là cao nhất trong các loại thịt động vật. Nhiều người còn cho rằng, thịt dúi không chỉ làm cho người dùng có cảm giác ngon miệng mà còn có tác dụng cho sức khỏe.
Dúi rừng là loài gặm nhấm chuyên ăn măng tre, rễ tre và các loại rau của quả. Răng dúi rất sắc, chúng thường đào hang trong lòng đất để sinh sống. Thịt dúi sạch, bổ dưỡng, an toàn hơn các loại vật nuôi nên hấp dẫn được thực khách. Mấy năm gần đây, người ta thấy giá trị kinh tế của dúi ngày một tăng cao nên mua giống về tự nuôi dúi để cung cấp ra thị trường. Dúi là loại động vật dễ nuôi nên mang lại lợi nhuận khả quan. Lợi dụng điều kiện đất đai rộng, cây hoang hóa nhiều, người dân ở miền Tây Nam Bộ cũng bắt đầu nuôi loại dúi rừng này.
Ở Tây Bắc, dúi được xem là loại đặc sản và thường có mặt trong những ngày Tết hay những buổi tiệc liên hoan, đình đám. Dúi được chế biến thành nhiều món như hấp, nấu giả cầy, treo gác bếp, hầm măng... Đối với những người lần đầu thưởng thức món thịt rừng này, nướng chính là cách chế biến nhanh nhất và dễ ăn nhất. Trước khi làm thịt dúi, người ta cắt tiết dúi để pha rượu đế uống. Sau đó, tiến hành làm lông, thui giống như làm thịt chuột đồng.
Để nguyên con dúi nêm sa tế, ớt và nhiều gia vị khác rồi bắt đầu nướng than. Trong quá trình nướng, quét gia vị lên thịt dúi để cho gia vị ngấm vào đến khi dúi chín. Khi phảng phất mùi thơm, da dúi vàng đều thì mang dúi ra chặt khúc vừa ăn. Dúi nướng chấm với nước tương ăn kèm với dưa leo, rau sống. Thịt dúi thơm ngon, nhiều nạc không thua kém bất kỳ loại động vật nào.
Theo Tiến sĩ- Bác sĩ Hoàng Thị Kim Thanh, nguyên chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xét về phương diện dinh dưỡng, thịt dúi nạc, ít chất béo, tương đối cân bằng về các chất vitamin và khoáng chất. Mặc khác, sắt và phốt pho cũng hơn hẳn các loại thịt khác. Vì vậy, sức hấp dẫn của dúi là cực lớn đối với người dùng. Lợi dụng điều đó, nhiều nhà hàng, quán xá trưng bày thịt dúi với nhiều lời mời chào và bán thịt dúi với giá khá đắt.
Ngoài ra, người ta còn nói rằng, thịt dúi có tác dụng tăng cường sinh lực, cải thiện tuần hoàn máu, tráng dương. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, do có hàm lượng đạm lớn nên cholesterol ở mức cao, những người bị tiểu đường, tim mạch sẽ không tốt cho sức khỏe khi ăn thịt dúi. Theo y học cổ truyền, dúi rừng ăn nhiều rễ cây dược liệu quý nên thịt chúng có thể hỗ trợ trị được nhiều bệnh. Tiết dúi mát, bổ, tăng cường tuần hoàn máu, thịt vị ngọt, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương cốt.
Theo Inside
Hẹn hò cuối tuần tại 5 nhà hàng steak ngon, giá hợp lý ở TP.HCM Bít tết (beefsteak) ngày nay đã trở nên phổ biến trong đời sống ẩm thực người Việt. Dưới đây là 5 địa điểm thưởng thức bít tết ngon, giá hợp lý, thu hút giới trẻ Sài thành. Bò sinh đôi: Quán có không gian rộng, sạch sẽ. Lượng khách đông vào buổi tối là lý do khiến phục vụ ở đây khá chậm....