Nồng nàn hương rượu mít
Rượu mít uống lâu say, lại khá bổ, thường được người dân quê tôi dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.
Như đến hẹn, đúng vào dịp mồng 5 làng tôi vườn nhà nào cũng lủng lẳng những quả mít chín. Trong tiết trời ngày hè oi bức, gió tháng 5 mang hương mít thơm ngào ngạt như đem lại chút dịu mát, trong lành về cho miền quê yên ả. Đây cũng là thời điểm các cậu, các dì nặng đôi quang gánh kĩu kịt những trái mít chín để kịp buổi chợ phố sớm mai.
Những múi mít vàng ươm, dậy mùi thơm khiến dù chưa được nếm cũng ít ai cầm lòng được. Ảnh: Phan Thị Thanh Ly.
Cây mít từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân vùng trung du xứ Quảng. Mít chủ yếu được trồng trong vườn nhà hay dọc các đồi gò dùng để lấy trái và gỗ. Không cần chăm bón, vậy mà những cây mít sống trên đồi cao chót vót, đất càng đỏ càng khô bao nhiêu mít càng tăng tuổi thọ bấy nhiêu.
Video đang HOT
Hằng năm cứ đến độ tháng 2, tháng 3, mít bắt đầu ra trái, trái lớn địu trái bé chi chít từ gốc đến tận trên các cành cao. Mít chín rộ nhất vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch. Người đã quen ăn thì biết chọn quả chín có gai nở tròn trịa bằng nhau, không có vết xước, thủng sâu, không bị nứt ra, vỗ thử tiếng kêu nghe bình bịch là được. Vậy là hái xuống, chỉ cần bổ nhẹ, từng múi, từng múi mít vàng óng, ngọt thơm lộ ra. Mới nhìn thôi là đã không kiêm lòng được.
Gặp người thân quen hay khách quý, chủ nhà không những mời thưởng thức từng múi mít chín vàng óng, mà còn đãi những cốc rượu mít – loại rượu đặc trưng riêng của vùng đất này.
Để pha chế được bình rượu mít ngon, trước tiên người ta phải chọn những múi mít mới chín, ngọt lịm từ những quả mít ngon, gỡ bỏ hạt, phần múi đem trộn với đường. Men rượu đem tán nhỏ, rây mịn. Cho mít vào bình thủy tinh, xêp một lượt mít rắc một lượt men cho đến hết. Số men còn lại rắc trên cùng, đậy kín nắp.
Khoảng dăm ba ngày sau, mít lên men rượu bốc mùi thơm. Lấy 2 lít nước lọc hòa với đường đổ vào, đậy kín nắp để lên men tiếp. Khoảng mươi ngày nữa, rượu mít chuyển sang màu vàng nhạt, dậy mùi thơm là được.
Rượu mít uống lâu say, lại khá bổ, thường được người dân quê tôi dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.
Mùa này, dọc con đường lên vùng trung du quê tôi, không ít du khách phải ngỡ ngàng trước những vườn mít trĩu quả. Từng cơn gió mang hương mít ngào ngạt hòa quyện hương rượu lúa mới quyến rũ đến lạ lùng. Chỉ cần một lần về vung trung du quê tôi, thưởng thức vài ngụm rượu mít, khách phương xa sẽ nhớ mãi cái tình khó quên.
Theo Monngonsaigon
Món "nhà nghèo"
Mỗi lần đi chợ thấy người bán ngọn rau lang, lòng tôi lại bồi hồi nghĩ về mẹ, một người mẹ trong khốn khó đã nuôi tôi khôn lớn thành người.
Ngày ấy gia đình tôi sống ở vùng nông thôn, cuộc sống của thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Mỗi lần ăn cơm với rau lang luộc, mẹ nói: "Rau lang ăn rất tốt, nhuận tràng và mát cho cơ thể".
Nhưng dù thức ăn có là gì đi nữa thì mẹ cũng chỉ ăn lưng chén cơm là buông đũa. Ba nói: "Bà nhường ba con tôi phải không? Nếu bà nằm xuống thì các con khổ lắm đấy".
Một hôm, em của ba từ trên huyện ghé chơi, mẹ nói với ba: "Ông ạ! Chú nó về chơi mà nhà mình cạn tiền rồi, hay có con gà mái đang đẻ bắt làm thịt đãi chú?". Ba cười: "Bà nghĩ chú nó là ai? Nó là em mình, ăn gì mà chả được, cả nhà còn mỗi con gà mái đẻ".
Bữa cơm hôm ấy dọn ra có một đĩa cá cơm khô rang, tẩm mắm, một bát canh rau tập tàng và một đĩa rau lang luộc cùng với chén mắm tỏi ớt. Bình thường tôi thấy không ngon nhưng hôm ấy sao ăn thấy ngon, bùi và thơm đến lạ lùng. Chú nói: "Cái món rau lang luộc chấm mắm tỏi ớt em ăn không biết chán". Mẹ nói chữa: "Món này là món của nhà nghèo đấy chú ạ".
Cái khốn khó của một thời rồi cũng qua đi, những năm sống ở thành phố tôi thường nhớ về món rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt ngày ấy.
Mỗi lần ngồi vào bàn ăn có món rau lang luộc, tôi nói với chồng và các con: "Đây là món ăn nhà nghèo đấy". Chồng tôi phá lên cười: "Em nhầm rồi! Đây là món ăn của nhà giàu, là món ăn đặc sản của các nhà hàng khách sạn đấy".
Mỗi lần ăn món rau lang đó, hình ảnh mẹ lại hiện về, mỗi lần đi làm đồng về trên tay mẹ thế nào cũng có một nắm rau lang. Sau khi rửa sạch sẽ, mẹ nói: "Rau này nhìn vậy nhưng kén lửa lắm, nếu lửa không to, không đều thì rau dễ bị đen, nếu luộc kỹ quá thì sẽ nát, ăn không ra gì, chỉ luộc vừa chín tới - ngọn rau vẫn xanh ăn vào giòn ngọt".
Những lời mẹ dặn cứ ăn sâu vào tâm trí tôi. Mẹ tôi nay không còn nữa nhưng hình ảnh mẹ và món "nhà nghèo" luôn sống mãi trong trái tim tôi.
Theo Eva
Rượu chua - Đặc sản Tỉnh Quảng Ninh Đây là một loại thức uống đặc sản của người Dao ở xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Nếu rượu thường uống vào say ba tiếng đồng hồ thì rượu chua uống say ba ngày. Rượu có mầu vàng trong vắt, vị ngọt đằm sâu, ngửi thấy mùi thơm ngọt của gạo nguyên, uống thật êm và uống xong vẫn còn...