Nóng mặt với Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ ra tay?
Các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ hôm qua (19/3) đã bày tỏ sự quan ngại trước quy mô và tốc độ tiến hành các hoạt động cải tạo, xây dựng và bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì thế, họ đã kêu gọi Mỹ xây dựng một chiến lược chính thức để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.
Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông
Trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, hai Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hoà John McCain và Bob Corker cùng với hai Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez đã nói rằng, nếu không có một chiến lược toàn diện để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông thì “những lợi ích lâu dài của Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác sẽ bị đe doạ nghiêm trọng”.
Theo các thượng nghị sĩ Mỹ, hoạt động xây dựng và bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông đã giúp quốc gia đông dân nhất thế giới mở rộng tầm với về quân sự và “gây ra một mối đe doạ trực tiếp, không chỉ đối với lợi ích của Mỹ và khu vực mà đối với toàn thể cộng đồng quốc tế”.
Bức thư của các Thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ cho hay, bãi Đá Gaven đã tăng lên khoảng 114.000 mét vuông trong năm vừa qua và Đá Gạc Ma từng bị chìm dưới nước hiện giờ đã trở thành hòn đảo rộng 100.000 mét vuông. Trong khi bãi Chữ Thập đã tăng về quy mô lên hơn 11 lần kể từ hồi tháng 8.
“Trong khi các nước khác đã xây dựng trên những bãi đá đó, thì Trung Quốc đang thay đổi quy mô, cấu trúc và tính chất của những vùng đất này. Đây là một sự thay đổi về chất dường như là nhằm để thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông”, bức thư của các Thượng nghị sĩ Mỹ cho hay.
4 Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm quân sự hoá các đảo nhân tạo đều có thể “gây ra những hậu quả nghiêm trọng” và có thể khuyến khích Trung Quốc thêm bạo gan để tuyên bố một vùng phòng không mới ở Biển Đông giống như nước này đã làm hồi năm 2013 ở khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
Các Thượng nghị sĩ đứng đầu Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tin rằng cần phải có một chiến lược trong đó vạch ra “những hành động cụ thể mà Mỹ có thể làm để làm giảm tốc độ hoặc ngăn chặn những hoạt động bồi đắp của Trung Quốc…”.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới khoảng 90% Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn liếm sâu vào bên trong trung tâm biển của Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền phi lý, phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Video đang HOT
Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm DOC đã được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó
Nhiều học giả có uy tín của quốc tế tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông ở thành phố Đà Nẵng hồi cuối năm ngoái cũng đã lên tiếng cảnh báo, việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.
Philippines cũng đã lên án gay gắt Trung Quốc về việc mở rộng hoạt động bồi đắp đảo trên Biển Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino mô tả hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc là “rất nghiêm trọng”, vi phạm thỏa thuận của các nước trong khu vực về việc không xây dựng cấu trúc mới trên Biển Đông.
Cùng với đó, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng liên tiếp lên tiếng. Hôm 4/3, Đô đốc Harry Harris Jr – người chịu trách nhiệm về hoạt động của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đã bày tỏ: “Tôi rất quan ngại khi thấy quá trình bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi cho rằng, đó là hành động khiêu khích và nó khiến căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Tôi rất lo ngại về điều đó. Đối với tất cả chúng tôi, chúng tôi lo ngại về sự tự do hàng hải. Nó khiến chúng tôi phải chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và hoạt động bồi đắp, xây dựng, cải tạo dồn dập của nước này. Những hành động đó trên thực tế đang làm thay đổi thế nguyên trạng và những dữ liệu thực tế ở đây”.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ – ông James Clapper hôm 26/2 đã thẳng thừng tố cáo rằng Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông, trong đó có cả căn cứ cho tàu và những sân bay tiềm năng như một phần của nỗ lực “hung hăng” nhằm tranh giành chủ quyền.
Theo Vnmedia
Báo nước ngoài vạch trần mưu đồ Trung Quốc ở biển Đông
Mục đích của Trung Quốc là nhằm xác định sự chiếm đóng trên khu vực chiến lược đang có nhiều tranh chấp - Biển Đông.
Tờ Nhật báo Le Figaro đăng bài của tác giả Jean Licourt đưa ra quan điểm như vậy. Theo tác giả này mô tả, một hòn đảo nhân tạo có dạng sân bay và Trung Quốc đang trong quá trình bồi đắp hàng ngàn tấn đất trên một rạn san hô để xây dựng thành đường băng.
Cho tới nay, đa phần đảo Fiery Cross (Trung Quốc gọi là Yong Shu), vẫn còn nằm dưới mặt nước, trừ một vài bãi đá và một phần diện tích bêtông nhân tạo, đang được canh giữ bởi một nhóm lính nhỏ.
Các hình ảnh từ vệ tinh HIS đã cho thấy rằng từ vài tháng nay, các tàu biển Trung Quốc vẫn lượn lờ quanh khu vực. Các hình ảnh này cũng cho thấy từ các lớp trầm tích san hô nay đã xuất hiện từ dưới nước các đường băng dài 3000m, chỗ rộng nhất lên đến 300m.
Một cảng phía đông hòn đảo, cũng đang được xây dựng bởi các tàu nạo vét của Trung Quốc. Nơi này đủ lớn để "đỗ các tàu chở dầu hoặc tàu chiến cỡ lớn," theo các chuyên gia HIS đánh giá.
Trước đó, đài RFI cho biết, ngay sau khi chuyên san quốc phòng Jane's Defense công bố loạt ảnh mới về các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa hôm 15/2, giới chuyên gia quốc tế mới đây đã đồng loạt nêu bật các ý đồ bành trướng của Bắc Kinh: Thiết lập chuỗi đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa làm căn cứ đồn trú quân để kiểm soát toàn khu vực. Theo giới phân tích, Trung Quốc đã tăng số đảo nhân tạo nước này bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà Bắc Kinh đã chiếm của Việt Nam và Philippines.
Đá Gaven chụp vào thời điểm tháng 3/2014, tháng 8/2014 và 0/1/2015. Ảnh: IHS Jane's
Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trên Biển Đông vào các mục đích, đầu tiên được cho là liên quan đến lĩnh vực quân sự.
Một chuyên gia phân tích đã không ngần ngại gọi mỗi đảo nhân tạo đó là một "tàu sân bay không thể đánh chìm". Ví dụ, bãi đá Đá Tư Nghĩa, được thiết kế như một pháo đài, vừa có bãi đáp trực thăng, vừa có cầu tàu cho chiến hạm cập bến. Kiến trúc tương tự cũng được ghi nhận trên các đảo khác. Chuyên gia phân tích của Jane's Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển.
Một chuyên gia phân tích tại Hong Kong cho rằng các đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng sử dụng đội trực thăng của mình, vốn rất hữu dụng trong việc săn tìm tầu ngầm.
Thứ hai, ngay cả khi không sử dụng những đảo nhân tạo này vào mục tiêu quân sự chính thống, Bắc Kinh cũng có thể dùng chúng làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Theo chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm Trung Quốc, mà còn là nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Cũng theo các chuyên gia, ý đồ thứ 3 là khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là đường băng và radar trên các đảo nhân tạo này được hoàn tất và đi vào hoạt động.
Một trong những yếu tố khiến Trung Quốc cho đến nay vẫn còn ngần ngại trong việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông là do Bắc Kinh chưa đủ thực lực để buộc các nước khác tôn trọng vùng này khi cần thiết.
Mỹ tố Trung Quốc hung hăng, Trung Quốc biện bạch
Trong một diễn biến khác, nhận định về những hành động cải tạo đảo ngoài Biển Đông của Trung Quốc, ông James Clapper, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phải dùng những từ ngữ khá nặng nề rằng đây là một phần trong nỗ lực "hung hăng" của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền vô lý của mình.
The Guardian dẫn lời phát biểu của ông Clapper ngày 26/2 rằng: "Mặc dù Trung Quốc đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định với Mỹ, nhưng họ cũng sẵn lòng chấp nhận các căng thẳng song phương và mang tính khu vực để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là vấn đề chủ quyền lãnh hải" - nhà lãnh đạo tình báo Mỹ nhận định.
Ông cũng nhận định về yêu sách đường chín đoạn phi lý nuốt trọn hơn 80% biển ông của Trung Quốc là "đòi hỏi quá đáng". Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở biển ông, nhưng Washington nói có các lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới này.
Ông nhấn mạnh những hành động như trên của Trung Quốc trong năm qua, cộng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam là một "xu hướng đáng lo ngại".
Trong năm qua, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc mở rộng bãi đá Ga Ven ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông McCain nói việc Trung Quốc mở rộng tiền đồn có thể giúp Bắc Kinh triển khai vũ khí, bao gồm cả các loại vũ khí đối không và những khả năng khác.
Phản ứng lại các bình luận của ông Clapper, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 27/2 chỉ trích quan điểm của phía Mỹ.
Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngang nhiên cho rằng hoạt động trên các bãi cạn và vùng biển xung quanh ở Trường Sa là "hợp lý, chính đáng và hợp pháp", và thái độ của Bắc Kinh là "kiềm chế và có trách nhiệm".
Trung Quốc cũng đồng thời đưa ra lời bác bỏ đề nghị dừng ngay việc mở rộng, xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Daniel Russel.
Theo Báo Đất Việt
Thượng nghị sĩ Mỹ giúp vợ tù nhân Cuba được làm mẹ Nhờ những nỗ lực của Thượng nghị sĩ Leahy, người vợ ngoài 40 tuổi của một tù nhân Cuba bị giam ở Mỹ đã lần đầu tiên được biết đến cảm giác làm mẹ. Sau 16 năm bị Mỹ kết tội gián điệp và giam giữ, công dân Cuba Gerardo Hernandez không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên gặp lại người vợ...