NÓNG: Hàng chục bánh heroin có chữ Trung Quốc trôi vào biển Quảng Nam
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã thu giữ 23 bánh heroin và tối nay 30-11 vẫn đi dọc bờ biển tiếp tục tìm kiếm.
Tối 30-11, thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam, xác nhận lực lượng chức năng đã thu giữ được hàng chục bánh heroin trôi dạt vào bờ biển tỉnh này.
Clip: Cán bộ chiến sĩ BĐBP Quảng Nam soi đèn pin đi tìm ma túy ở bãi biển Tam Thanh
Cụ thể, khoảng 16 giờ chiều 30-11, người dân đi dọc bờ biển Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) thì phát hiện một can nhựa chứa nhiều bánh màu trắng, nghi là heroin. Sau đó, người dân mang về báo với Đồn Biên phòng Tam Thanh.
Người dân tập trung trên bờ biển Tam Thanh theo dõi sự việc
Sau khi nhận được báo cáo, các đơn vị chức năng của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh thì xác định chính xác là heroin.
“Bước đầu, lực lượng biên phòng thu được 13 bánh. Sau đó, BĐBP, Đồn Biên phòng Tam Thanh cử lực lượng tới gặp người dân, tuyên truyền vận động vì tin rằng họ còn nhặt được nhiều nữa. Trong quá trình tuyên truyền vận động, lực lượng chức năng thu được thêm 10 bánh nữa, tổng cộng là 23 bánh” – ông Mẫn cho hay.
1 trong số 23 bánh heroin mà người dân giao nộp cho lực lượng chức năng
Theo thượng tá Mẫn, hiện các cơ quan chức năng của BĐBP đang phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng của địa phương tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc số heroin trên. Đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân nếu còn số lượng ma túy mà họ nhặt được thì nhanh chóng giao nộp cho lực lượng chức năng.
Tối 30-11, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, rất đông cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Nam sử dụng đèn pin đi dọc bãi biển Tam Thanh để tìm kiếm heroin. Người dân địa phương cũng tập trung rất đông trên bờ để theo dõi sự việc.
Theo một số ngư dân địa phương, khoảng 7 giờ sáng 30-11, nhiều người đã thấy chiếc can nhựa trôi dạt vào bờ biển Tam Thanh nhưng mọi người không quan tâm. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, một người dân xuống biển nhặt chiếc can nhựa với ý định đem lên bán ve chai. Thấy bên trong có các vật thể, người này mở ra thì thấy chúng có hình chữ nhật khá lạ mắt. Sau đó, nhiều người nói đó có thể là ma túy nên đã trình báo lực lượng chức năng.
Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang đi dọc bờ biển Tam Thanh tìm ma túy trong tối 30-11
Một nam thanh niên ở địa phương này kể vào chiều 30-11, anh đi thả lưới ở biển Tam Thanh thì nhặt được 2 bánh heroin. Sau đó, anh đưa về gặp ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh và ông Bình đã đưa đến cho Đồn Biên phòng Tam Thanh.
Theo hình ảnh người dân chụp lại, mỗi bánh heroin được bao bọc rất kỹ lưỡng bằng bao nilon. Bên trong các lớp nilon dường như có một lớp giấy màu vàng nhạt. Trên bề mặt bánh heroin có một vòng tròn đỏ, có nhiều chữ Trung Quốc.
Tin-ảnh: Tr.Thường
Theo nld.com.vn
Cậu bé làm con nuôi của đồn biên phòng Lạc Quới
Sinh ra đã chẳng biết mặt cha, mẹ lại mất sớm, cậu bé sống cùng bà ngoại đã lớn tuổi trong căn chòi nhỏ không đèn điện nằm ven sông. Cậu bé suýt nghỉ học nếu không gặp các chiến sĩ biên phòng.
Bé Nguyễn Văn Duy Chương (sáu tuổi), may mắn trở thành con nuôi của các chiến sĩ Đồn biên phòng Lạc Quới (An Giang). Bé Chương gọi các chiến sĩ là anh, gọi chú đồn trưởng và hai lãnh đạo nữa trong đồn là ba.
Chăm lo cho cả hai bà cháu
Trước ngày về làm con nuôi của Đồn biên phòng Lạc Quới, bé Chương gần như không biết ăn bất cứ món canh nào ngoài canh chua cá. Bà Trần Thị Nhứt năm nay gần 80 tuổi, kể cũng bởi ngày thường chắt chiu lắm bà mới mua được con cá nhỏ về kho mặn để dành cho cháu ăn cơm vài bữa, còn bà thì chỉ chan nước lã húp là xong.
Nỗi day dứt lớn nhất trong cuộc đời bà Nhứt là thằng cháu ngoại, khúc ruột duy nhất mà đứa con gái bạc mệnh của bà còn để lại trên cuộc đời.
"Mẹ nó mất hồi nó mới tám tháng. Mấy người bảo nuôi gì nổi. Nó lớn lên bằng nước cháo, nước bột không à. Các cô chú tới thuyết phục, tôi nghĩ cho nó đi theo các chú được ăn no mặc ấm, không phải chạy vạy từng bữa, lại được học chữ mà làm người. Tui già rồi, không biết ngày nào mất để nó bơ vơ, nên thôi, tôi chịu" - bà Nhứt rưng rưng cho hay.
Bà cho hay từ hồi theo các chú biên phòng, cháu bà ngoan lắm, ngoan hơn ở nhà, lại còn có da có thịt hơn. Cứ cuối tuần thằng bé lại về với bà, Chủ nhật các chú lại lên đón.
Trung úy Sa Minh Quân (27 tuổi), Đội trưởng vận động quần chúng - Đồn biên phòng Lạc Quới, cho biết trong đồn 50% anh em chưa lập gia đình, chủ yếu là cán bộ trẻ mới ra trường.
"Ngày trước bé Chương chưa quen, mỗi buổi sáng lại có một chú biên phòng gần nhà rước con qua đơn vị, chiều thì đón về với bà. Sau này con quen nên ở luôn trong đồn với các chú" - Trung úy Quân kể.
Nuôi con là một chuyện, mỗi tháng cán bộ, chiến sĩ của đồn còn gửi thêm bà ngoại của Chương 10 kg gạo, một ít cá thịt, cũng là để con ở trong đồn yên tâm học hành.
Chiến sĩ biên phòng đưa bé Duy Chương tới lớp.
Và hướng dẫn cậu con nuôi học bài. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
"Mình thương thằng bé như con mình ở nhà"
Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Lạc Quới, cho hay: Khó khăn ban đầu là vận động gia đình cho bé vào đồn ở, rồi liên hệ địa phương làm thủ tục nhận con nuôi. Trong đơn vị, anh em không có kiến thức sư phạm nên việc dạy dỗ, kèm cặp con trẻ cũng đã gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng qua mỗi ngày, mỗi người góp một chút, ai giỏi món nào dạy con món đó cho đến nay thì "ngon lành".
Sáng, kẻng 5 giờ 15 báo thức, thằng nhóc dậy cùng các cán bộ, chiến sĩ, 6 giờ ăn cơm, 7 giờ kém đi học. Chiều đi học về, con thấy các chú tập thể dục cũng ra xem, các chú chạy thể dục con lấy xe đạp chạy theo các chú.
Hình ảnh cậu bé nhỏ xíu lon ton chạy theo các chú biên phòng trên khoảng sân đầy nắng, tiếng cười giòn tan trong veo của cậu nhóc như phần nào xua đi cái lạnh vùng biên. "Mình cũng có con mới một tuổi, nhìn thằng bé mình thấy thương như thương con mình ở nhà. Mà anh em trong đồn cũng coi bé Chương như con cháu trong nhà, thấy con sai thì chỉ bảo, còn làm tốt thì khen, thưởng" - một cán bộ kể thêm.
Còn Đại úy Trần Thanh Tâm vẫn nhớ hình ảnh ngày "chú bộ đội con nhập ngũ": "Ngày mới vào đây, thằng bé chỉ được 17 kg, ăn cơm chỉ đòi chan nước lã. Sau khoảng hai tháng con tăng gần 6 ký rồi đó, ngoan hơn, biết ăn nhiều món hơn". "Mấy hôm học xong, con qua cười khì khì: "Ba cho con mượn điện thoại cầm chơi xíu nha ba". Ba con nói chuyện lát thì thằng nhóc lăn ra ôm ba ngủ luôn. Bữa rồi anh em kể chuyện, con được cô giáo khen sáng dạ, anh em mừng lắm" - Đại úy Tâm cười tự hào.
Mô hình "Con nuôi biên phòng"
"Con nuôi biên phòng" là mô hình thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, nhằm giúp đỡ các cháu học sinh hiếu học, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới. Trước mắt, bốn đồn biên phòng nhận nuôi dưỡng năm em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn nơi các đơn vị đóng quân.
NGUYỄN TRÀ
Theo PLO
Hành trình tìm lại hy vọng Sẽ luôn có một cơ hội nếu chúng ta không từ bỏ niềm tin, "Hành trình tìm lại hy vọng" là một chương ngắn đến từ cuốn nhật ký Kết nối yêu thương của Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Tập vật lý trị liệu cho người bệnh Khát khao có thể đi làm phụ giúp gia đình...