Nóng: Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 9 tỉnh
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 5/3, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại hai tỉnh Điện Biên và Hòa Bình, nâng tổng số địa phương đang có dịch lên con số 9. Ổ dịch xuất hiện tại 331 hộ ở 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh; 6.471 con lợn đã bị tiêu hủy.
Chiều nay 6.3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Điện Biên cho biết, cả 4 mẫu xét nghiệm lấy tại một số hộ gia đình tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đều dương tính với dịch tả lợn Châu Phi (ASF).
Ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh, địa phương tiến hành khoanh vùng, lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch, đồng thời lên phương án tiêu hủy đối với toàn bộ số lợn nằm trong khu vực phát hiện mẫu dương tính theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đỗ Thái Mỹ, dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan sang các địa bàn khác thuộc 2 xã Ta Ma và Mường Mun, huyện Tuần Giáo. Trường hợp được phát hiện đầu tiên vào ngày 4.3 tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND huyện Tuần Giáo tiến hành kiểm tra nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Điện Biên là tỉnh thứ 9 xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện thị, tăng cường kiểm tra, phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Ngay sau khi cơ quan thú ý có kết quả xét nghiệm 4 mẫu trên đàn lợn tại xã Rạng Đông có dương tính với dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, khuyến cáo bà con chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình, nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán. Tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không nên mua bán, sử dụng thực phẩm từ thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn thừa cho đàn lợn. UBND huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh
Về phía Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cũng khuyến cáo người dân: Cần chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán.
Bên cạnh đó, phải tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, sử dụng thực phẩm từ thịt lợn ở những nơi không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh lợn.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hòa Bình. Ảnh: BHB.
Video đang HOT
Ngoài Điện Biên, dịch tả lợn châu Phi cũng đã được phát hiện tại tỉnh Hòa Bình. Theo đó, tối 5/3, UBND huyện Lương Sơn đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Hợp Thanh. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để chống dịch, báo cáo các cấp để có biện pháp chỉ đạo phối hợp chống dịch kịp thời và hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Trước đó, sáng 5/3, nhận được thông tin tại hộ gia đình ông Mai Xuân Trường, xóm Cát, xã Hợp Thanh xuất hiện lợn ốm, chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra.
Theo chủ hộ nuôi lợn, đàn lợn ăn ít, bỏ ăn từ ngày 3 – 5/3, đến 9h sáng ngày 5/3 đã có 3 con chết. Sau kiểm tra triệu chứng lâm sàng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hòa Bình đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm và 4 mẫu máu gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm mẫu máu và mẫu bệnh phẩm lấy trên đàn lợn ốm và số lợn chết của hộ gia đình ông Mai Xuân Trường. Cùng ngày, kết quả xét nghiệm đã phát hiện vi rút DTLCP dương tính với 2/6 mẫu kiểm tra (cụ thể: 2 mẫu bệnh phẩm dương tính, 4 mẫu máu âm tính).
Ngay sau khi tỉnh Hòa Bình phát hiện ổ dịch, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp kiểm tra và đề nghị: Hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc, các lực lượng cùng tham gia để kiểm soát chặt chẽ việc bán “chạy”, bán “chui” của một số cơ sở chăn nuôi nhằm tránh lây lan, thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng, tăng cường kiểm tra, giám sát vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn.
Địa phương tạo điều kiện về thủ tục hành chính để người chăn nuôi sớm nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng tỉnh và mong muốn tỉnhcó phương án hiệu quả nhất ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch.
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi: Hỗ trợ bằng 80% giá thị trường, dân bị thiệt?
Liên quan đến phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, bà con nông dân cho rằng, mức hỗ trợ lợn con, lợn thịt bằng 80% giá thị trường có thể khiến nông dân bị thiệt thòi so với mức quy định hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi hiện nay.
Ngay sau khi có chủ trương mới của Chính phủ được phát đi trong cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi do đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm qua (4/3) tại Hà Nội, PV Dân Việt đã có trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Thành Nhương - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình về vấn đề này.
Thái Bình tổ chức tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: I.T
Ông Nhương cho rằng, việc không đánh đồng các loại lợn vào cùng một mức giá hỗ trợ sẽ giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi vì giá trị của từng loại lợn khác nhau. Theo đó, quy định giá hỗ trợ lợn nái, lợn giống tăng gấp 1,5 - 1,8 lần sẽ giúp người chăn nuôi bớt khó khăn.
"Việc này sẽ giúp người chăn nuôi hạn chế phần nào thiệt hại vì giá trị của lợn nái, lợn giống rất cao, nhưng phía cán bộ cơ sở sẽ vất vả hơn trong công tác kiểm đếm, phân loại từng loại lợn sao cho chính xác, minh bạch, không ảnh hưởng đến tiền hỗ trợ của dân" - ông Nhương nói.
Tuy nhiên, ông Nhương cũng tỏ ra băn khoăn về quy định hỗ trợ tiêu hủy lợn con, lợn thịt bằng 80% giá thị trường, bởi nếu giá thị trường xuống quá thấp thì người dân sẽ không được lợi bằng quy định 38.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay.
Những con lợn bị nhiễm dịch tả heo châu Phi được đưa lên xe đưa đi tiêu huỷ. Ảnh: Trần Quang
Đây cũng là băn khoăn của nhiều nông dân. Phần lớn bà con đồng tình, phấn khởi với sự vào cuộc, chính sách hỗ trợ kịp thời của các ban ngành và Chính phủ, nhưng điều họ băn khoăn là nếu giá xuống quá thấp thì bà con sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn.
Ví dụ, với giá heo hơi hôm nay (5/3) tại các tỉnh phía Bắc chỉ dao động trong khoảng 39.000 - 42.000 đồng/kg thì rõ ràng, nếu áp dụng chính sách mới sẽ khiến người chăn nuôi bị thiệt vì khi đó, giá hỗ trợ sẽ giảm đáng kể so với mức 38.000 đồng/kg hiện nay.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Công Bắc - một trong những chủ trang trại lợn có quy mô lớn nhất ở TP.Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: "Từ sau khi Bộ NN&PTNT công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, giá lợn hơi liên tục giảm tại nhiều nơi. Cụ thể, từ đầu tháng 2/2018 đến nay, giá lợn hơi đang từ chỗ 49.000 - 50.000 đồng/kg giảm 6.000 - 7.000 đồng xuống còn 44.000 - 45.000 đồng/kg".
Anh Nguyễn Công Bắc bên trang trại của gia đình. Ảnh Ngọc Huyền
Về mức giá hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi, anh Bắc cho rằng: "Mức hỗ trợ đối với lợn nái, lợn đực bằng 1,5 -1,8 lần so với lợn thịt, tôi thấy điều này hợp lý. Tuy nhiên, nếu với mức hỗ trợ lợn thịt mà Thủ tướng Chính Phủ nói là bằng 80% giá thị trường, tính ra nông dân bị thiệt. Ví dụ, bây giờ giá lợn hơi bình quân 45.000 đồng/kg thì nông dân chỉ được hỗ trợ 36.000 đồng/kg, thấp hơn mức hỗ trợ cũ 2.000 đồng/kg.
Nông dân bị thiệt, thua lỗ nhiều sẽ tìm mọi cách bán lợn bệnh nhằm gỡ gạc, khiến bệnh dịch càng khó kiểm soát. Vì thế tôi đề nghị, Nhà nước nên xem xét mức giá hỗ trợ tiêu hủy phù hợp, cụ thể là bằng giá thị trường để giúp bà con nhanh chóng vượt qua khó khăn và khôi phục lại chăn nuôi".
Anh Bắc cũng bày tỏ, Chính phủ cần phải làm rõ đối tượng được hưởng mức giá hỗ trợ lợn bị dịch tả lợn châu Phi. "Hôm qua, Thủ tướng nói hỗ trợ cho nông dân tối thiểu bằng 80% giá thị trường, còn các doanh nghiệp, HTX có được hỗ trợ không và mức giá hỗ trợ như thế nào?
Thứ 2, thủ tục và thời gian giải ngân tiền hỗ trợ phải nhanh chóng, kịp thời, nói nôm na là "tiền tươi, thóc thật". Hầu hết các hộ chăn nuôi chúng tôi đều rất cần vốn, do đó, nếu thủ tục rườm rà, tiền hỗ trợ đến chậm cũng là nguyên nhân khiến các hộ e dè không khai báo dịch" - anh Nguyễn Công Bắc nêu ý kiến.
Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, căn cứ vào cơ sở thực tế và đề xuất của một số địa phương, tại buổi họp trực tuyến hôm qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với mức hỗ trợ tối thiểu bằng 80% giá thị trường với lợn thịt. Còn con số hỗ trợ cụ thể sẽ tùy vào địa phương.
"Ví dụ như Hải Phòng, họ đề nghị mức hỗ trợ tiêu hủy lợn nái, lợn đực giống bị nhiễm dịch bệnh tăng gấp 2 lần thì trong văn bản đề xuất, chúng tôi sẽ kiến nghị nâng mức hỗ trợ lên từ 1,5 - 2 lần. Bà con cần hiểu là Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, chứ không phải đền bù. Với mức hỗ trợ tối thiểu 80% đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Nhà nước. Lúc này chúng ta cần nhìn vào lợi ích cộng đồng, với 2,5 triệu hộ nông dân nếu để xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại kinh tế là vô cùng lớn" - Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngay sau khi Thủ tướng có ý kiến, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan sẽ xây dựng đề án, xin ý kiến Chính phủ ra nghị quyết. Thời gian triển khai mức hỗ trợ mới sẽ làm nhanh nhất có thể để bà con nông dân yên tâm chăn nuôi và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Còn về lâu dài, sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
Sau bao lâu bà con nhận được tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi?
Về vấn đề này, ông Phạm Thành Nhương - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, ví như ở Hải Phòng, Hà Nội, chủ yếu là những ổ dịch nhỏ, nông dân có thể nhận được tiền hỗ trợ ngay sau khi khoanh vùng dập dịch.
"Tại Thái Bình, theo quy định và đã áp dụng từ các đợt dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng trước là từ khi phát hiện ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch thì các bộ phận liên quan mới tập hợp danh sách các hộ đã có động vật bị tiêu hủy, trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, rà soát và cấp kinh phí, bà con sẽ nhận được tiền hỗ trợ khi kết thúc ổ dịch.
Hiện nay, Thái Bình vẫn còn ổ dịch tả lợn châu Phi nên trước mắt chúng tôi tập hợp danh sách người dân có lợn bị tiêu hủy một cách chính xác, sau đó sẽ hỗ trợ theo quy định" - ông Nhương nói.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ ngày 13/02 - 03/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 101 hộ, 33 thôn của 15 xã, 3 huyện của tỉnh Thái Bình, toàn bộ 1.118 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Theo Danviet
Giá heo (lợn) hơi hôm nay 2/3: Miền Nam giảm tới 5 giá, miền Bắc ổn định ở mức thấp Giá heo (lợn) hơi hôm nay 2/3 tại miền Bắc ổn định ở mức thấp, miền Nam có nơi giảm 5 giá do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Giá heo (lợn) hơi hôm nay 2/3 tại miền Bắc ổn định ở mức thấp, miền Nam có nơi giảm 5 giá Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc Theo ghi...