Nông dân Việt sẽ còn phải đổ sữa ra đường?
Khi TPP ký kết, thịt, sữa ngoại giá rẻ sẽ xâm nhập thị trường, người nông dân phải làm gì?
Nhận định về ngành chăn nuôi trước hội nhập, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét:
Với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng thẻo dẫn tới năng suất thấp, thức cạnh tranh yếu, bất lợi thế thương mại, ngành chăn nuôi được đánh giá là một trong những ngành chịu tác động mạnh khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do TPP, AEC .
Ảnh minh họa
Không những vậy, về cấu trúc thị trường kinh doanh, đầu vào không “tự chủ”, còn bị lấn át bởi các DN đến từ nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan…trong khi đó, đầu ra bị cạnh tranh khốc liệt. Cố gắng chỉ cầm cự được thị trường trong nước, thậm chí sắp tới thị trường trong nước còn bị lấn át rất nhiều.
Trong khi, những nước lớn như Mỹ, Úc, New Zealand…có nền nông nghiệp rất mạnh, có khả năng tác động làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn bộ khối TPP nói chung và ảnh hưởng đến cấu trúc ngành chăn nuôi của các nước khác và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng.
“Chúng tôi thấy rằng về cơ bản ngành chăn nuôi của Việt Nam đều đứng trước thách thức lớn và có khuynh hướng bị thu hẹp vì sự cạnh tranh và nguồn cung ứng lớn trong tương lai từ các nước như Mỹ, Úc, New Zealand…”, ông Thành nhận định.
Thế nhưng, điều đáng tiếc theo vị chuyên gia này là ngay cả DN lẫn người dân vẫn không có được thông tin đầy đủ cũng như đủ hiểu biết về những tác động của TPP tới tương lai kinh tế của Việt Nam.
“Vì thế mới xảy ra hiện tượng đáng tiếc như vấn đề đổ sữa ra đường của các hộ nông dân thời gian qua…”, ông Thành nói.
Video đang HOT
Ông Thành cho rằng, bên cạnh việc cải cách mạnh thể chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho ngành chăn nuôi, một trong những biện pháp khắc phục tình trạng trên là cần ưu tiên vào các phân ngành không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập do thói quen dùng như thịt tươi hơn đông lạnh hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách…
FDI độc quyền các khâu: Thay đổi có kịp không?
Dù dược đánh giá là “miền đất hứa” để phát triển, song các DN Việt kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi lại chưa phát huy được lợi thế này để lớn mạnh, dẫn đến đã và đang phải ngậm ngùi nhìn các DN nước ngoài thâu tóm thị phần và chi phối thị trường trong nước.
Đáng lo là, không chỉ chi phối lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, các DN FDI còn thống trị cả lĩnh vực con giống, thuốc thú y, giết mổ đến phân phối sản phẩm thịt.
Hiện nhiều DN FDI đang bước tiếp mô hình của Tập đoàn CP áp dụng tại Việt Nam: ban đầu là sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiếp theo là cung cấp con giống, phát triển các trang trại vệ tinh, cuối cùng là giết mổ và đưa sản phẩm thịt ra thị trường. Trong chuỗi khép kín đó, nông dân, kể cả DN Việt Nam, hoàn toàn là người làm thuê.
Công ty CP ngoài việc nắm giữ thị phần gần 20% của mảng TACN (chiếm 62% tổng doanh thu), công ty này cũng đang nắm giữ thị phần 40% đối với ngành hàng gà công nghiệp; thị phần 50% trứng gà công nghiệp; 5% tổng sản lượng chăn nuôi heo của cả nước.
Đây cũng là điểm yếu của các DN trong nước khi phần lớn chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này.
Theo thống kê sơ bộ thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 19,4%; kế tiếp là Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 8,11%; xếp sau lần lượt là các doanh nghiệp như Proconco (8%); Green Feed (5%); Anco (4%)…
Như vậy, chỉ riêng hai công ty đầu ngành CP và Cargill đã chiếm gần 30% thị trường của cả nước.
An An(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Thịt, sữa ngoại giá rẻ tràn ngập, nông dân hết đường sống?
Khi TPP được ký kết, các nước có nền nông nghiệp mạnh, nhất là trong chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Úc có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam. Chăn nuôi nhỏ lẻ rất dễ bị các doanh nghiệp sản xuất bỏ rơi để quay sang nhập nguồn ngoại giá rẻ.
Sữa, thịt bò, thịt lợn bị tác động mạnh
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động đáng kể tới ngành chăn nuôi Việt Nam, theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế Quốc Dân công bố.
Theo đó, sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt. Người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi phần lớn người sản xuất/xuất khẩu bị thiệt hại do không cạnh tranh được với mặt hàng "ngoại".
TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Kinh tế trưởng của VEPR, cho biết, nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh ở thịt gia cầm và lợn, sản phẩm sữa. Việt Nam tăng lượng thịt gia cầm và lợn nhập từ Mỹ, giảm thịt bò trâu, đại gia súc nhập từ Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ nhập khẩu một số thịt gia cầm từ Canada.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng, khi gia nhập TPP, các nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là về chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Úc có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn khối TPP, trong đó có Việt Nam.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang yếu thế khi gia nhập TPP
Cụ thể, các mặt hàng sữa, thịt bò, thịt lợn sẽ bị cạnh tranh nặng nề do nước ta không có lợi thế chăn nuôi gia súc lớn. Ngành gia cầm cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Theo ông Thành, doanh nghiệp trong những ngành sản xuất này sẽ chịu ảnh hưởng lớn và tương đối đột ngột. Tuy nhiên, các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ mới chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi TPP được ký kết, bởi họ vẫn còn rất mơ hồ và thiếu kiến thức về vấn đề này.
Đơn cử như chuyện doanh nghiệp sữa trong nước vừa sử dụng sữa nguyên liệu nhập ngoại, vừa sử dụng nguồn sữa tươi của nông dân. Gần đây, khi giá sữa tươi thế giới giảm mạnh thì doanh nghiệp sẽ bở rơi nông dân để quay sang nhập khẩu sữa bột với giá thấp hơn nhiều. Sữa vẫn làm ra nhưng giá - hoặc sẽ giảm mạnh, hoặc phải đổ đi vì không ký được hợp đồng với DN nữa, ông Thành nói.
Chính sách đang "nhấn chìm" ngành chăn nuôi
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam yếu kém chính là do cơ chế chính sách. Chỉ khi những vướng mắc, bất cập này được tháo gỡ thì chăn nuôi trong nước mới đủ sức đương đầu trước "sóng lớn".
TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đưa ra ví dụ, nếu nhập khẩu các bộ phận của con gà về thì chịu thuế 20%, nhưng gà để nguyên con lại là 40%. Các doanh nghiệp giờ đang lách bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh để được hưởng thuế suất 20%.
Bên cạnh đó, mỗi năm lại có thêm nhiều sản phẩm gà nhập lậu chưa kiểm soát hết được. Đó là mối nguy lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần đầu tư gỡ khó trong chính sách mới có thể gúp ngành chăn nuôi vững vàng hội nhập. Trong đó, quan trọng nhất chính là cơ chế tín dụng phải thay đổi, như lãi suất thấp hơn, phù hợp với chu trình và tính thời vụ để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, cũng chất vấn, Thái Lan xuất khẩu được 4 tỷ USD tiền gà công nghiệp, tại sao ta chưa làm được? Lãi suất thương mại không nước nào giống Việt Nam (11%/năm), còn lãi suất ưu đãi 7% thì phải doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được vay. Trong khi đó, ở Trung Quốc lãi suất là 5%, Thái Lan 3%, Mỹ 0,5%,... Thế nên, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi", ông Lịch dẫn chứng.
Theo Bảo Hân
Vietnamnet
Thương lái Trung Quốc "giết" nông sản Việt bằng cách nào? Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua những thứ dị biệt đã không còn là chuyện hiếm, đã nhiều lần người dân phải "ngậm đắng nuốt cay" bởi cách thu mua này. Thế nhưng, tình trạng thu mua kiểu lạ đời của thương lái Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Thương lái Trung Quốc "giết" nông sản Việt...