Nông dân trắng tay, mất Tết sau cơn lũ muộn
Lũ về, người nông dân đáng ra phải vui mừng vì có phù sa bồi đắp đồng ruộng, nhưng năm nay, dưới lớp phù sa là những món tài sản hàng chục đến hàng trăm triệu đồng đã bị vùi lấp. Bao hy vọng đến mùa thu hoạch giờ đã tan tành theo dòng lũ muộn.
Tan hoang, xơ xác là những gì người ta có thể hình dung về làng rau Quảng Nam sau lũ chồng lũ. Rau quả phục vụ Tết mất trắng, người dân điêu đứng, bàng hoàng sau những gì trận lũ “đặc biệt lớn” mang tới.
Ông Lê Văn Hóa đứng nhìn cánh đồng toàn phù sa của mình bên kia sông mà lòng đau xót
Những cánh đồng đu đủ đổ ngã, trái rụng đầy; rau cải, ớt, xà lách… bị thối rữa; đậu cô ve, khổ qua, dưa leo… héo úa, giàn cây ngã rạp, xung quanh là bùn đất nhầy nhụa, trơn trượt. Hầu hết rau phục vụ Tết đều mất trắng theo cơn lũ dữ.
Người dân thôn Bàu Tròn thiệt hại nặng sau lũ
Vẫn chưa hết sốc sau những thiệt hại của gia đình, bà Lê Thị Chín (thôn Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc) cho biết: “Gia đình tôi mất trắng rồi, xuống giống đợt 1 bị lũ cuốn trôi rồi đến xuống giống đợt 2 cũng tiêu tùng theo cơn lũ dữ. Thiệt hại cũng hơn 20 triệu đồng chứ ít ỏi gì đâu. Rau màu trồng phục vụ Tết với mong muốn kiếm thêm thu nhập trả nợ tiền phân bón, giống… vay người ta lúc trước nhưng giờ tan hoang cả rồi”
Ở cánh đồng Bàu Tròn, gần 100% hộ canh tác rau màu mất trắng. Ngoài ra, hàng chục ha ngô, lạc, thuốc lá của người dân trồng ở ven sông bị vùi lấp, xói lở.
Người dân xót xa sau thiệt hại quá lớn của lũ dữ
Đang mót lại những trái khổ qua bị ngập úng sau lũ, ông Phan Văn Đàng (thôn Bàu Tròn, xã Đại An) xót xa: “Chưa có năm nào lũ muộn xuất hiện như năm nay mà lại là lũ chồng lũ. Kinh nghiệm từ trước chúng tôi luôn xuống giống sau 23/10 âm lịch, nhưng đúng là người tính không bằng trời tính. Vậy mà qui luật vốn có đã không đúng nữa, lũ tự nhiên chúng tôi còn biết đường mà đoán được. Còn với lũ thủy điện thì chúng tôi đành bó tay, nghe thủy điện xả lũ mà tôi bủn rủn tay chân, như đồ đạc còn kê cao chạy lũ chứ rau màu xuống giống rồi thì sao mà nhổ chạy được”.
Người dân bàng hoàng vì cơn lũ muộn
Sau đợt lũ chồng lũ, xã Đại An thiệt hại 195 ha rau màu, riêng vùng rau Bàu Tròn thiệt hại 47 ha. Phần lớn người dân đều xuống giống đợt này là lần thứ 2, có người xuống đến lần thứ 3 và đều bị lũ cuốn trôi “sạch sành sanh”.
Video đang HOT
Những cánh đồng đậu cô ve, khổ qua… ngã giàn, héo úa
Đứng bên này sông Vu Gia, nhìn qua cánh đồng Phú Lộc rộng 80 bên kia sông, ông Lê Văn Hóa (trú xã Đại An, Đại Lộc) xót xa: “Mất hết rồi, Tết này dân chúng tôi không có muối mà ăn chứ nói gì đến gạo”. Ông Hóa có hơn 10 sào ruộng ở cánh đồng Phú Lộc này, vừa qua ông đã “đổ” xuống hàng chục triệu đồng mua phân bón, giống nhưng nay cả cánh đồng là một lớp phù sa dày đặt.
Người dân đang mót lại những trái khổ qua chưa héo úa
“Lũ muộn và ngâm lâu quá, cây nào chịu nổi”, ông Hóa vừa nói vừa chỉ những cây đậu phụng đã lên cao hơn nửa gang tay trên cánh đồng của mình.
Còn ông Lê Văn Mai (thôn Phú Lộc, xã Đại An) cũng giống như ông Hóa, cũng mất trắng nhưng ông Mai diện tích nhiều hơn, do đó số tiền đầu tư cho phân, giống cũng nhiều hơn. Ông nói: “Đối với gia đình khác thì dễ, chứ tôi có 2 đứa con đang ăn học, 1 đứa đại học, một đứa phổ thông, giờ không biết tiền đâu mà gởi cho con ăn học đây nữa”.
Cánh đồng cải, xà lách… bị bùn non vùi lấp, thối rữa
Ông Đỗ Văn Hòa (Chủ tịch UBND xã Đại An, Đại Lộc) cho biết: “Sau đợt lũ chồng lũ, rau màu trên địa bàn bị thiệt hại khá nặng nề, ảnh hưởng lớn đến kinh tế người dân; vì đây là vụ rau phục vụ Tết, mồ hôi công sức người dân đều đổ vào đây để mong một cái Tết đủ đầy. Một vấn đề khó hiện nay là vấn đề giống, cây trồng đang khan hiếm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục sản xuất của người dân”.
Chủ tịch xã Đại An cũng cho hay, hầu hết rau màu phục vụ Tết của người dân trong xã đã mất trắng, nếu gieo trồng thì cũng phải sau Tết mới thu hoạch được, bây giờ xuống giống cũng không kịp nữa. Điều này rất có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp rau, thực phẩm ngày Tết.
Cánh đồng đu đủ bị hư hại hoàn toàn
Tại cánh đồng rau thuộc thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) cũng bị thiệt hại nặng nề do lũ muộn. Với 63 hộ trồng rau (khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước) trên diện tích 8,5 ha nhưng nay đã mất trắng toàn bộ. Đặc biệt, sau đợt lũ chồng lũ còn gây sạt lở hai bên bờ sông. Theo người dân, một phần cũng do nạn khai thác cát quá mức gây nên sạt lở mạnh hai bên bờ, ước chừng vài năm nữa sẽ chẳng còn đất để gieo trồng.
Đa số người dân Bình An đều sống nhờ vào canh tác hoa màu ở bãi bồi dưới chân cầu Câu Lâu nhưng tất cả đã mất trắng, thiệt hại gần 100%.
Đây từng là cánh đồng ớt xanh tươi giờ đây đã bị bùn vùi lấp
Ông Phạm Xê (khối trưởng khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) cho biết: “Thiệt hại từ đợt lũ sau quá nặng nề, người dân gần như mất trắng 100% hoa màu. Toàn bộ bãi bồi đều tan hoang, đất cát phủ lấp tất cả không nhận ra đây từng là vùng bãi bồi trù phú, nơi canh tác rau màu. Vấn đề bức thiết hiện nay là làm cách nào để loại bỏ đi lớp đất bên trên hoa màu tạo chỗ cho người dân canh tác trở lại, bên cạnh đó là giống, cây trồng”.
Bãi bồi trồng rau, màu của người dân Nam Phước, Duy Xuyên bị vùi lấp hoàn toàn
Cũng tại huyện Duy Xuyên, xã Duy Phước chuyên canh trồng rau vụ đông có hơn 60ha rau quả bị mất trắng do lũ. Đặc biệt, tại vùng rau Lang Châu Bắc hầu hết rau màu canh tác phục vụ Tết của người dân đều hư hại.
Sáng 20/12, khảo sát tại các chợ Hội An, Đại Lộc (Quảng Nam) giá rau quả tăng gấp 2-3 lần so với trước lũ, khiến đời sống người dân càng khó khăn.
C.Bính – N.Linh
Theo Dantri
Khẩn trương khôi phục sản xuất ở các tỉnh vừa chịu mưa lũ
Bộ NN&PTNT đánh giá, đợt mưa lũ vừa qua xảy ra tại các tỉnh vực miền Trung là đợt lũ lịch sử, đã gây ra hậu quả nặng nề đối với trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cần có biện pháp khôi phục sản xuất cấp bách để kịp khung thời vụ vụ Xuân.
Quang cảnh cuộc họp bàn giải pháp khôi phục sản xuất vụ Xuân ở các tỉnh Nam Trung bộ và tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên diễn ra tại Bộ NN&PTNT, sáng ngày 19/12.
Sáng nay 19/12, tại Bộ NN&PTNT đã diễn ra cuộc họp khẩn để bàn giải pháp khôi phục sản xuất vụ Xuân ở các tỉnh Nam Trung bộ và tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên.
Thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, mưa lũ ở khu vực miền Trung đã bắt đầu rút; toàn bộ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận nước sẽ rút hết trong khoảng khoảng 5 ngày, khu vực ngập sâu khoảng 1/4 diện tích (theo số liệu tính sơ bộ từ các phương) sẽ rút chậm hơn; riêng tỉnh Bình Định, Khánh Hòa đang có mưa nhỏ khoảng 30mm, khiến nước rút rất chậm.
"Tổng hợp từ các địa phương về diện tích lúa hư hỏng, đề nghị hỗ trợ giống lúa là 31.539ha, ngô 2.227ha; rau các loại là 8.876ha" - ông Hoài thông tin.
Liên quan đến diện tích bị thiệt hại, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: "Diện tích bị lúa bị thiệt hại khoảng 24.036ha, bởi tổng diện tích gieo trồng của các tỉnh miền Trung cho đến thời điểm này là 33.000 ha cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Diện tích rau màu (cả ngô) bị thiệt hại là 18.869 ha, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại là 1.100ha, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn bị thiệt hại là 6.458 ha".
Nói về nhu cầu và đề nghị hỗ trợ bước đầu của các tỉnh, ông Sơn cho biết: hiện Nghệ An xin hỗ trợ bằng tiền; Hà Tĩnh không xin thêm, Quảng Bình xin thêm lượng giống 500 tấn lúa, 20 tấn ngô và 30 tấn rau màu. Quảng Trị 50 tấn ngô, 30 tấn đậu xanh, Thừa Thiên Huế xin hỗ trợ 250 tấn lúa bằng tiền, và ngô 10 tấn, rau 5 tấn; TP. Đà Nẵng 120 tấn lúa, 2 tấn rau; Quảng Nam 5 tấn ngô, 100 tấn lạc, 2 tấn rau; Quảng Ngãi 150 tấn lúa, 5 tấn ngô, 40 tấn lạc, 20 tấn rau; Bình Định xin hỗ trợ nhưng toàn bộ bằng tiền, vì hôm 17/12 vào kiểm tra, Bình Định đã có kế hoạch hỗ trợ nhân dân bằng ngân sách của tỉnh ứng trước là 2ha 1 triệu động để bù lại thiệt hại; Phú Yên là 63 tấn lúa, 16 tấn rau, Khánh Hòa 800 tấn lúa, ngô 26 tấn, rau 2 tấn; Ninh Thuận 200 tấn lúa, 10 tấn ngô: Bình Thuận 700 tấn lúa, 10 tấn ngô; Lâm Đồng 500 tấn lúa, 100 tấn ngô...
Trước đề nghị hỗ trợ của các tỉnh về lượng giống cho vụ Xuân, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, dự trữ quốc gia đến ngày hôm nay trong kho còn xuất luôn được, lúa còn 1.500 tấn, chủng loại phù hợp cho Nam Trung Bộ, ngô còn 232 tấn, rau các loại còn 28 tấn. Như vậy, giống ngô đảm bảo, rau một phần, còn lúa hiện nay mất cân đối 1.700 tấn so với yêu cầu.
"Qua tập hợp khả năng các công ty có thể cung cấp được 4.230 tấn lúa giống, 1.520 tấn ngô, 400 tấn rau các loại, nên việc cung ứng giống cho sản xuất không có vấn đề gì lớn. Vấn đề chúng ta bàn xem cái gì thì hỗ trợ bằng tiền, cái gì thì hỗ trợ bằng giống để khớp nối với doanh nghiệp cung ứng cho kịp thời vụ. Thời vụ lúc này đến 10/1 là thời vụ tốt nhất, như vậy còn 20 ngày" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Vụ Xuân vừa muộn vừa "đau đầu" với nguồn giống
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, vụ Xuân ở khu vực Nam Trung Bộ và Gia Lai ở Tây Nguyên khá đặc biệt, vì vừa muộn, vừa lo đối phó với nguồn giống.
Nhận định về đợt mưa lũ tại 8 tỉnh Nam Trung bộ và tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, các địa phương đã bị thiệt hại rất nặng nề cả về người, tài sản, các thiết chế về hạ tầng và đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp. "Toàn khu vực này, vụ Xuân sẽ có khoảng 225.000 ha, vừa qua chúng ta gieo được khoảng 24.000 ha, bằng khoảng 10% diện tích vụ Xuân cần triển khai. Đợt lũ vừa qua, cơ bản diện tích 24.000 ha này đã bị ngập và coi như hỏng hoàn toàn; khoảng 3.000 ha ngô, hơn 2.000 ha rau màu khác bị mất trắng; một số diện tích thủy sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm cũng bị thiệt hại" - Bộ trưởng nêu cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, còn một lượng giống rất lớn trong dân, nhất là ở những vùng ngập sâu như Bình Định do việc nước lũ lên nhanh và cao, người dân không kịp di dời các giống của mình nên đã bị thiệt hại đáng kể. Điều này cần được tính vào để chuẩn bị cho cân đối cung ứng giống.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã quyết định thành lập 4 đoàn công tác bao gồm các lãnh đạo của các đơn vị: Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Thú y, Khuyến nông, Thủy lợi vào để cùng các địa phương rà soát lại đánh giá thật kỹ, khá sát với tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra giải pháp tổ chức sản xuất vụ Xuân. Các đoàn công tác này do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp chỉ đạo nhằm đánh giá sát, cụ thể và sâu sắc hơn tình hình thiệt hại để đưa ra giải pháp thiết thực tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ Xuân.
"Trong thời gian 3 ngày, các đoàn công tác phải tổng hợp xong tình hình và khi nắm được tình hình phải cân đối được lượng giống đối với các nhu cầu cụ thể từng loại đối tượng cây trồng chính, thí dụ như lúa, ngô, rau màu các loại... Trên cơ sở này, chúng ta chuẩn bị một hội nghị triển khai sản xuất vụ Xuân. Có thể nói, năm nay là đặc biệt - vừa muộn, vừa đối phó với cân đối lại giống, thực hiện những quy trình mới, vì toàn bộ mặt bằng, điều kiện sản xuất khác nên có thể nói là vụ Xuân đặc biệt đối với 8 tỉnh Nam Trung bộ của chúng ta" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Sau khi có kết quả về tình hình thực tế và cân đối lại nguồn cung ứng giống cho các địa phương, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ tổ chức hội nghị vào tuần tới để cùng các địa phương bàn cách triển khai vụ Xuân đảm bảo khung thời vụ, nhất là việc cân đối đủ nguồn giống cho gieo trồng của nông dân các địa phương.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Chỉ 2 đợt mưa lũ, 65 mạng người, trên 7000 tỷ đồng trôi theo dòng nước Ngày 2/12, chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề chỉ sau 2 đợt mưa lũ là do tình trạng chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó...