Nông dân – siêu thị cần những cái “bắt tay” bền chặt
Hệ thống siêu thị trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều, mặt hàng nông sản cũng đa dạng để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên không vì thế mà các trang trại, hay nông dân “dễ thở” hơn, bởi vẫn thiếu những cái bắt tay bền chặt giữa nông dân và siêu thị.
Khe “cửa hẹp” vào siêu thị
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, hiện cả nước đang có 29.500 trang trại sản xuất thực phẩm, nông sản, trong đó có 20.974 trang trại chăn nuôi, 5.268 trang trại nuôi trồng thủy sản và gần 9.000 trang trại trồng trọt. Ngoài ra, còn có 741 công ty chế biến thực phẩm. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, có 1.585 cơ sở đạt tiêu chuẩn GAP. Phía Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận có 1.817 công ty đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Số liệu lạc quan là thế, nhưng có rất ít trang trại trực tiếp “gõ cửa” được siêu thị, đa phần là tự tìm kiếm thị trường hoặc phó thác cho nhà phân phối trung gian.
Trang trại Hoa Viên của chị Trương Kim Hoa thuộc thôn Dục, xã Yên Bình,
huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vũ
Tại HTX chăn nuôi Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín (Hà Nội), xã viên chăn nuôi bằng phương thức mới theo hướng an toàn sinh học. Việc phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung an toàn sinh học giúp nâng cao chất lượng thịt, trứng thương phẩm. Hiện, tổng đàn gia cầm toàn HTX gồm 20.000 con vịt đẻ, 10.000 vịt thịt, 20.000 gà đẻ và gà thịt các loại.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Tú – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Yên Phú cho hay: “Dù sản phẩm có tốt đến thế nào thì đầu ra vẫn chưa tới đúng chỗ là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. HTX cũng nhiều lần tiếp cận siêu thị nhưng không thành công vì chưa thỏa thuận được về mức giá, sản lượng thu mua cũng như thời gian thanh toán. Thường thì bà con nông dẫn muốn có “tiền tươi”, vừa chi tiêu cho gia đình, cho con cái ăn học và cần vốn để mua con giống lứa sau”.
Một nguyên nhân nữa là HTX cũng chưa xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc nên vẫn phải cạnh tranh giá bán với các sản phẩm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp so với quy mô chăn nuôi của HTX.
Nhiều chủ trang trại cũng chia sẻ rằng, vấn đề lớn nhất của các trang trại đang gặp phải hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Khi đầu vào của các siêu thị bị “bít kín”, nhiều trang trại đã phải tự mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm.
Trang trại Hoa Viên của chị Trương Kim Hoa thuộc thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) với diện tích chuồng trại là 3,5 ha, nuôi hơn 1 vạn con lợn rừng. Hơn 10 năm chăn nuôi, thức ăn cho lợn chủ yếu là cây thuốc nam từ trên núi đem về trồng tại trang trại gồm rau mơ, nhọ nồi, lục vàng, rau mỏ. Phân lợn chị tiếp tục dùng nuôi trùn quế để tạo nguồn thức ăn cho lợn. Bình quân một tháng trang trại xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và 500 – 1.000 con lợn giống, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Chị Hoa chia sẻ: “Thời gian đầu, trang trại cũng nhận đơn hàng từ siêu thị nhưng vào được siêu thị cũng không dễ vì thủ tục rườm rà, sản lượng tiêu thụ cũng không lớn nên tôi không chen chân vào nữa. Hiện sản phẩm thịt và rau hữu cơ của trang trại bán tại cửa hàng thực phẩm sạch Đại Ngàn do gia đình mở, lượng tiêu thụ đều đặn 30-40 kg/ngày và nhận cung cấp cho các nhà hàng lớn”.
Vai trò của đơn vị kết nối
Khác với nhiều đơn vị thường gặp khó khăn về tiêu thụ nông sản, tại HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) hiện đang có gần 50 trang trại lợn, 40 trang trại gà tham gia vào chuỗi liên kết với Công ty CP cộng đồng Green Food Hà Nội. Hiện mỗi xã viên có mức thu nhập từ 300-400 triệu/năm, tăng từ 20-30% so với hình thức chăn nuôi trước đây. Sản phẩm của HTX hiện đang có mặt tại gần 50 cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, bếp ăn, trường học trên địa bàn thủ đô.
Có được thành công đó, ông Trần Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX cho biết: “Tham gia liên kết chăn nuôi, xã viên tuân thủ các quy định của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi về việc vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng. Sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng nhưng để đảm bảo cung cấp số lượng lớn cho hệ thống siêu thị thì không đủ, nên việc kí kết hợp đồng với chuỗi cửa hàng sạch là hợp lý nhất”. Còn tại Công ty cổ phẩn Thực phẩm Revofood, nhờ xây dựng thành công chuỗi sản xuất an toàn khép kín từ chăn nuôi tới tiêu thụ, các sản phẩm thịt lợn sạch của đơn vị hiện đã có mặt trên hệ thống siêu thị BigC, hệ thống cửa hàng bán lẻ của các khu đô thị Timecity, Vinhomes, The Garden City.
Ông Hoàng Đình Hà – Giám đốc Công ty Revofood chia sẻ: “Chúng tôi có hệ thống trang trại liên kết, giết mổ, chế biến đảm bảo an toàn, đưa vào các hệ thống phân phối và tới các cửa hàng bán lẻ. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với trang trại trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức tập huấn về sản xuất theo quy trình hiện đại… Phía công ty kết nối giữa hai bên sản xuất và tiêu thụ theo cách làm “mắt nhìn tay sờ”. Theo đó, đại diện nhà phân phối, chủ cửa hàng, siêu thị được tổ chức tham quan hàng tháng tại trang trại, kiểm tra từng công đoạn sản xuất. Ngược lại, chủ trang trại cũng được tham quan các gian hàng, sản phẩm khi đã đóng gói bởi chính các chủ trang trại cũng là người tiêu dùng thực phẩm”.
Để sản phẩm của các trang trại vào được siêu thị thì không thể bỏ qua vai trò của các doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm. Bà Nguyễn Vân Hương – Trưởng phòng kinh doanh Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản của nông dân, các đơn vị cấp xã, huyện cần cung cấp cho doanh nghiệp nhiều địa chỉ sản xuất nông sản có chất lượng. Phía doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đảm bảo giá ổn định, không ép giá người dân”.
Theo Danviet
Nuôi bò sữa VietGAP mỗi tháng thu 200 triệu đồng
Từ khi liên kết với Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu chăn nuôi bò sữa theo quy trình VietGAP, anh Phan Doãn Huấn (34 tuổi) ở đơn vị 26/7 thị trấn Nông trường Mộc Châu đã trở thành tỷ phú, với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/tháng.
Tự tin với bò sữa VietGAP
Tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng anh Huấn không lựa chọn công việc ở thành phố mà về quê chăn nuôi bò sữa. Trang trại của gia đình anh rộng 4ha vừa trồng cỏ, vừa nuôi bò sữa và là một trong những trang trại có quy mô lớn tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Từ lưng vốn 30 con bò sữa ban đầu, đến nay trang trại của gia đình anh đã tăng lên 142 con bò sữa, mỗi năm thu được gần 500 tấn sữa tươi. Nhờ nuôi bò sữa mà trung bình mỗi tháng, anh thu nhập 200 triệu đồng và tạo dựng được cơ ngơi trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Liên kết cùng công ty, trang trại bò sữa của anh Huấn được đảm bảo rủi ro về vật nuôi và giá sữa. Ảnh: Hồng Vũ
Có được thành quả như hiện nay, anh Huấn cho hay chính là nhờ liên kết với Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Khi tham gia liên kết, những hộ nông dân như anh Huấn được hỗ trợ từ 700-1.000 đồng/kg thức ăn tinh bột và cỏ Alfalfa, hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi con bò giống. Mỗi năm 2 lần, Công ty cử đội ngũ cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cụ thể phòng bệnh cho bò, tổ chức tiêm phòng chống dịch lở mồm long móng, chống bệnh tụ huyết trùng cho bò. Công ty còn áp dụng chính sách khuyến khích thưởng vào giá sữa hàng tháng, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định. Giá thu mua sữa cũng được tính toán làm sao để người nuôi có lãi, hiện với giá thu mua 13.600 đồng/1kg sữa tươi, mỗi con bò sữa trung bình cho 7,5 tấn/1 chu kỳ, nhiều nông dân như anh Hiếu đã trở thành tỷ phú.
Anh Huấn chia sẻ: "Khi liên kết cùng công ty, tôi còn được tham gia khoá học chứng chỉ VietGAP, các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do công ty phối hợp Cục Chăn nuôi, Sở NNPTNT. Nhờ có kiến thức, tôi đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để thiết kế lại hệ thống xử lý nước thải, phân chuồng đảm bảo tiêu chuẩn".
Yên tâm hơn nhờ được bảo hiểm
Tại trang trại của anh Huấn, đàn bò sữa được quản lý bằng số, được cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, ủ chua. Mỗi chuồng còn được thiết kế hệ thống uống nước tự động, máy massage tự động khi bò có nhu cầu. Mọi không gian chuồng trại đảm bảo cho đàn bò thoải mái nhất trong quá trình vắt sữa hay sinh sản. Cùng với việc đầu tư trang trại hiện đại, anh Huấn còn rất yên tâm khi tham gia bảo hiểm.
Anh cho biết: "Có thời điểm, trang trại của tôi có con bò bị ốm chết đã được Quỹ bảo hiểm vật nuôi đền bù. Tôi đã nhận số tiền rất sớm và nhanh chóng mua được bò mới thay thế để đảm bảo sản lượng hàng ngày. Đây chính là sự chia sẻ từ phía công ty nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất". Được biết, phí bảo hiểm vật nuôi ở mức 600.000 đồng/một con bò sữa/năm, 400.000 đồng/một con bò hậu bị/năm. Khi bị thiệt hại, trang trại sẽ được quỹ đền bù từ 10-12 triệu đồng/con, bò hậu bì được đền bù từ 5-7 triệu đồng/con. Khi bán sữa cho công ty, người nuôi trích nộp vào quỹ 50 đồng/kg sữa. Nếu giá sữa tụt giảm 30%, quỹ bảo hiểm sẽ hỗ trợ 60% số tiền sữa bị sụt giảm.
Theo Danviet
Hiệu quả kinh tế từ trồng măng tây xanh ở Phú Xuyên, Hà Nội Những năm gần đây, xã Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội đã bắt đầu đưa vào trồng một thứ rau lạ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là cây măng tây xanh - thứ rau không dễ thực hiện và đặc biệt tiêu tốn nhiều công sức của người trồng trọt. Xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nằm ven...