Nông dân hăm hở mua máy bay không người lái làm lúa
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao An Long (Đức Hòa, Long An) đang xúc tiến việc chuẩn bị tài chánh, thủ tục mua máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tuần trước, HTX An Long đã thuê máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật 8ha lúa của thành viên HTX. Đây là lần thứ hai HTX thuê máy bay không người lái thử nghiệm phun thuốc trừ sâu trên lúa. Hôm nay ra kiểm tra ruộng lúa, nếu hiệu quả, HTX sẽ mua một chiếc máy bay không người lái vừa hỗ trợ sản xuất lúa cho HTX vừa làm dịch vụ cho nông dân các nơi.
Các thành viên HTX An Long và nhân viên kỹ thuật đang chuẩn bị cho máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên lúa của HTX.
Hăm hở…
Giữa trưa, ông Năm Chương (Nguyễn Văn Chương, ấp An Thủy) và Chủ tịch HĐQT HTX An Long Vương Trọng Nghĩa hăm hở xắn quần lội ra cánh đồng lúa đã phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Đợt phun lần này các thành viên được HTX hỗ trợ 100% chi phí thuê máy bay.
Ông Năm Chương nhìn cánh đồng lúa rộng 1ha của mình đang xanh rờn với những tép lúa mập mạp hể hả: “Lúa quá đẹp!”.
Ông Nghĩa vạch từng chiếc lá lúa xăm xoi: “Không còn con sâu nào luôn”.
Nhân viên ky thuật đang lập trình cho máy bay không người lái phuc thuốc BVTV trên đồng lúa.
Cũng trong tâm trạng phấn khởi, ông Phan Lê Phong Phú, một thành viên cũng đang thực hiện mô hình này với 1ha lúa bộc bạch, đợt này ruộng ông được thử nghiệm phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái. Ông thấy máy phun đều, thời gian phun nhanh. Phun thuốc bằng máy bay không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất.
Video đang HOT
Theo ông Nghĩa, việc dùng máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên đồng lúa là nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí, tránh hư lúa, tránh lây lan bệnh…, và có thể làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ nông dân các nơi sau này.
Ông Nghĩa tính, nếu như trước đây, mỗi ha lúa phải mất 250 lít thuốc BVTV và mất hàng giờ phun bằng tay, thì giờ đây nếu dùng máy bay phun thuốc chỉ mất 10 lít thuốc/ha và chỉ mất khoảng 30 phút/ha.
Ông Chương cho biết, hiện nhân công lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm. Tiền thuê nhân công phun thuốc BVTV từ 250.000 – 300.000 đồng/ha.
Ông Năm Chương (phải) và ông Nghĩa kiểm tra hiệu quả lúa sau khi cho phun thuốc BVTY bằng máy bay không người lái.
“Chi phí cho 1 lần phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái khoảng 300.000 đồng/ha. Số tiền này ngang bằng với giá thuê lao động thủ công, nhưng dùng máy bay sẽ giải quyết tình trạng khan hiếm lao động”, ông Chương chia sẻ.
Ngoài ra, trong khi phun thuốc, gió từ cánh quạt máy bay vạch từng nhánh lúa khiến thuốc BVTV đi vào tận gốc, trong khi nếu phun thuốc thủ công không thể làm được điều này. Nếu có mưa phùn, nhỏ, việc phun thuốc bằng máy bay vẫn đạt hiệu quả cao.
Tìm đâu giấy phép bay?
Hiện HTX An Long có 52 thành viên với hơn 70ha đất. Ngoài sản xuất lúa an toàn, HTX còn sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường.
Theo ông Châu Bá Thông, Phó Giám đốc HTX An Long, giá chiếc máy bay không người lái hiệu P40 trên thị trường hiện gần 500 triệu đồng.
“HTX An Long đã gởi hồ sơ đến Liên hiệp HTX của tỉnh Long An để xin hỗ trợ kinh phí mua máy bay không người lái nhằm hỗ trợ HTX sản xuất và làm dịch vụ nông nghiệp”, ông Thông thông tin.
Nông dân lấy đâu ra giấy phép bay?
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh, việc HTX An Long xúc tiến việc mua máy bay không người lái hỗ trợ sản xuất lúc này là… vội vàng. Bởi, “HTX An Long lấy đâu ra giấy phép bay để thực hiện sản xuất bằng máy bay không người lái?”, bà Khanh đặt vấn đề.
Theo bà Khanh, trước đây, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tính thực hiện mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp có sự hỗ trợ của máy bay không người lái. Tuy nhiên, dự tính này không thực hiện được vì… không tìm ra giấy phép bay.
Bà Khanh cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh nhiều nông dân đang làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đấy là một tín hiệu đáng mừng. “Tuy nhiên, với HTX An Long, trước mắt phải tính đến an toàn, an ninh bay, giấy phép lái trước khi HTX quyết định mua máy bay không người lái phục vụ sản xuất”, bà Khanh chia sẻ.
Theo Danviet
Tận thấy máy bay không người lái phun thuốc cho 2ha chỉ mất 10 phút
Khác với nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Muốn phát triển nông nghiệp thành công, nông dân phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thực tế đã có những nông dân thực hiện "nông nghiệp 4.0" và thu được kết quả rõ ràng.
Nhà kính,nhà lưới ngày càng phổ biến
Ông Vũ Văn Nga (phải) đánh giá cao hiệu quả của máy bay không người lái. Ảnh: P.V
Tại Bình Thuận, từ tháng 12.2017 - 7.2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các nhà chuyển giao kỹ thuật và bà con nông dân thực hiện mô hình "Sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tiết kiệm nước theo liên kết chuỗi".
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón và 50% hệ thống nhà lưới, tưới tiết kiệm nước cho các hộ tham gia. Sau khi thử nghiệm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh ước tính năng suất mỗi sào (Trung Bộ) đạt khoảng 1.350kg.
Anh Lê Xuân Lực (Tân Thuận, Bình Thuận) - nông dân tham gia mô hình trên cho biết: "Với 1.000m2 trồng măng tây, chúng tôi được hỗ trợ cây giống, nhà lưới, hệ thống tưới theo chính sách... chi phí khoảng 50 triệu đồng/sào. Sau 5 tháng trồng, cây phát triển và ra đợt măng bói thu hoạch khoảng 5kg/ngày. Ước tính, khi cây trưởng thành, mỗi sào măng tây sẽ cho thu hoạch trung bình 10kg/ngày. Với giá bán 50.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, chúng tôi lãi 300.000 đồng/sào. So với cây thanh long và cây trồng khác, mức thu nhập này rất cao, gia đình tôi vô cùng phấn khởi".
Tại Vĩnh Long, bà con nông dân đã có cơ hội tiếp cận với máy bay không người lái phun tưới phân bón và thuốc BVTV. Tháng 9.2018, Công ty CP Đại Thành đã phối hợp với Chi cục BVTV Vĩnh Long phun thuốc BVTV cho 2ha cam và khoai lang tại xã Thành Đông bằng máy bay không người lái.
Nông dân Trần Xuân Phú (ngụ tại xã Thành Đông, huyện Bình Tân) cho biết: "Tháng 9 vừa rồi, lần đầu tiên người dân quê tôi được tiếp xúc với loại máy bay hiện đại này. Tôi là một trong những hộ đầu tiên đăng ký phun thuốc bằng máy bay không người lái. Kết quả khiến tôi rất ngạc nhiên, cây cam phát triển tốt, tỷ lệ rệp chết hơn 90%".
Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Tại miền Bắc, máy bay không người lái đã được giới thiệu và ứng dụng nhiều trong trồng trọt.
Ông Vũ Văn Nga - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết: "Trước đây, vào cao điểm dịch bệnh trên cây lúa, chúng tôi rất đau đầu về việc thuê nhân công phun thuốc BVTV vì tốn kém mà không đạt hiệu quả cao. Từ khi áp dụng phun thuốc bằng máy bay không người lái, lợi ích thấy rõ như giảm thiểu chi phí, tăng chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường, không độc hại cho người sản xuất. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như máy bay không người lái, sản lượng lúa gạo của công ty trong năm vừa qua tăng mạnh, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc..." - ông Nga cho biết.
Nói về hiệu quả của việc phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái, ông Nguyễn Đức Trường - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Thành chia sẻ: "Sử dụng máy bay không người lái giúp người sản xuất tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, chủ động thời gian, không còn nỗi lo phụ thuộc vào nhân công mỗi khi có dịch bệnh bùng phát.
Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái rất phù hợp với những diện tích lớn hoặc những địa hình trồng trọt phức tạp. Với máy bay PG30 dung tích bình chứa thuốc 15 lít, một lần có thể phun cho 2ha cây trồng chỉ trong 10 phút, năng suất cao gấp 50 lần so với các phương pháp truyền thống".
Theo Danviet
Làm nhà kính trồng 3 loại dưa, có dưa kim hoàng hậu vàng chóe Với quyết tâm phải làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch, anh Bùi Văn Chung, xóm 5, thôn Bài Lâm Thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa , thành phố Hà Nội đã rời phố để về quê lập nghiệp và theo đuổi đam mê với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ cao. Mô hình được triển khai...