Nông dân gặp khó vì ruộng đồng ngập úng
Từ năm 2016 đến nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh, H. Phù Cát, Bình Định) và thôn An Lợi ( xã Phước Thắng, H. Tuy Phước, Bình Định) gặp rất nhiều khó khăn do ruộng đồng thường xuyên bị ngập úng, ảnh hưởng xấu đến quá trình canh tác.
Người dân mong các cấp, ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục để họ yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Cánh đồng thôn An Lợi thường xuyên ngập úng, gây nhiều khó khăn cho người dân địa phương trong canh tác, sản xuất lúa.
Khoảng 3 năm trở lại đây, cứ đến vụ canh tác lúa Đông Xuân hàng năm, hàng chục hộ dân ở thôn Phú Hậu lại thấp thỏm lo lắng. Nguyên nhân là vào thời điểm này, cánh đồng thôn Phú Hậu rộng hơn 50 ha thường xuyên bị ngập nước, gây thối giống, cây lúa không phát triển hoặc chết non. Theo thống kê của UBND xã Cát Chánh, vụ Đông Xuân 2016 – 2017, hơn 50 ha lúa tại cánh đồng thôn Phú Hậu vừa gieo sạ đã bị ngập úng, khiến người dân mất trắng. Đến vụ Đông Xuân 2017 – 2018 và 2018 – 2019, người dân thôn Phú Hậu cũng lao đao vì đồng ruộng tiếp tục ngập úng, gây chết lúa; diện tích lúa bị thiệt hại mỗi vụ khoảng 40 ha.
Ông Nguyễn Văn Hiển (trú thôn Phú Hậu), than thở: “Năm nào vào vụ Đông Xuân, cứ đến thời điểm gieo sạ là bà con nông dân như “ngồi trên đống lửa”, lo lắng đồng ruộng bị ngập nước. Đáng nói, dù xuống giống đúng theo lịch thời vụ của ngành chức năng, nhưng ruộng lúa vẫn bị ngập úng. 3 năm nay, vụ Đông Xuân nào bà con cũng trắng tay, lại trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước nhưng mức hỗ trợ có hạn nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Tương tự, tiếp giáp với cánh đồng thôn Phú Hậu là cánh đồng thuộc thôn An Lợi. Khu vực này được ví như “chiếc túi” đựng nước, tiếp nhận nước từ thượng nguồn đổ về nên cũng thường xuyên rơi vào cảnh ngập úng. Từ năm 2016 đến nay, vào vụ sản xuất lúa Đông Xuân hay Hè Thu, người dân thôn An Lợi đều đối mặt với nạn đồng ruộng ngập úng, gây mất mùa.
Video đang HOT
Theo UBND xã Cát Chánh và Phước Thắng, cánh đồng thôn Phú Hậu và An Lợi thấp trũng, nằm ở cuối nguồn nước, gần các cửa xả nước ra khu vực đầm Thị Nại. Vào vụ Đông Xuân hàng năm, khi thủy triều dâng, các cửa xả tại cống Đập Mới (thuộc thôn An Lợi) phải đóng để ngăn nạn xâm nhập mặn. Nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, không thể thoát ra các cửa xả nên ứ đọng. Trong khi đó, bờ bao xung quanh cánh đồng thôn Phú Hậu và An Lợi chưa được đầu tư xây dựng nên nước tràn vào đồng ruộng, gây ngập úng nhiều ngày, làm nhiều diện tích lúa bị hư hỏng, mất trắng.
Ông Đinh Hữu – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, tâm tư: “Từ vụ Đông Xuân năm 2016 đến nay, vụ nào UBND xã cũng phải xem xét, hỗ trợ giống cho bà con sạ lại sau khi sạ lần đầu bị ngập úng gây thối giống. Nhưng thường sạ đi, sạ lại 2 – 3 lần vẫn bị ảnh hưởng, nhiều diện tích lúa bị hư hại. Năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cho người dân thôn Phú Hậu, với mức hỗ trợ 45 kg/nhân khẩu/3 tháng. Để giảm bớt khó khăn cho bà con và chính quyền địa phương, xã mong các cấp, các ngành của tỉnh sớm có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng này”.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: 3 năm nay, hầu như vụ sản xuất nào người dân ở thôn An Lợi cũng bị thất bát, mất mùa; diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại từ 12 ha – 15 ha. Đa số diện tích này là ruộng dự phòng do UBND xã quản lý, cho người dân địa phương đấu giá canh tác, sản xuất. Vào những vụ lúa bị thiệt hại, UBND xã phải trả lại cho người dân số tiền đã trúng đấu giá theo quy định. Ngoài ra, xã còn phải hỗ trợ lúa giống cho bà con. Điều này khiến cả người dân và chính quyền địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn. “Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri từ cấp huyện, tỉnh tới Trung ương, người dân và đại diện chính quyền địa phương kiến nghị các cấp, các ngành xem xét, có biện pháp giải quyết. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng đầu tư xây dựng hệ thống bờ bao xung quanh cánh đồng thôn An Lợi và Phú Hậu (từ khu vực cống Đập Mới tới cầu Xóm Đăng) để ngăn chặn, hạn chế nạn ngập úng. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương chưa được giải quyết dứt điểm. Vụ Đông Xuân 2019 – 2020 sắp tới, người dân ở thôn An Lợi lại tiếp tục đối mặt với nạn đồng ruộng ngập úng gây mất mùa”, ông Hùng trăn trở.
DƯƠNG MINH
Theo CADN
Vụ đông miền Bắc: Không dễ đạt con số 30.000 tỷ đồng
Mới đây, Bộ NNPTNT đã triển khai sản xuất vụ đông 2019 cho 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, với mục tiêu diện tích sản xuất đạt 400.000ha, tăng 15.000ha so với vụ đông năm 2018, phấn đấu đạt giá trị thu nhập 30.000 tỷ đồng (bình quân 75 triệu đồng/ha). Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này không dễ dàng.
Chuyển dần sang cây trồng có giá trị cao
Từ nhiều năm nay, tại các tỉnh phía Bắc, vụ đông đã được xem là vụ sản xuất chính trong năm và có vị trí đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của ngành trồng trọt. Năm 2018, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đã tập trung phát triển vụ đông theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được duy trì, nhân rộng.
Mô hình trồng rau quả an toàn tại thôn Thanh Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông 2018, tổng diện tích gieo trồng toàn vùng miền Bắc đạt trên 384.000ha, giảm 3.800ha so với vụ đông năm 2017 và thấp hơn 20,8ha so với kế hoạch. Năng suất một số loại cây trồng đạt khá cao như: Ngô đạt 44,5 tạ/ha, đậu tương 16,5 tạ/ha, lạc 21,5 tạ/ha...
Mặc dù diện tích và sản lượng vụ đông có giảm so với năm 2017 nhưng giá trị lại tăng lên, là do cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển dịch từ một số cây trồng có giá trị thấp sang các cây trồng có giá trị cao hơn như: Nhóm cây dược liệu, nhóm rau ăn củ, ăn quả chất lượng cao; ngô thực phẩm; hoa, cây cảnh... Đặc biệt, các công nghệ sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được áp dụng rộng rãi, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng giá bán, thị trường đầu ra ổn định...
Phát biểu tại hội nghị triển khai vụ đông 2019 diễn ra tại Nghệ An mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã biểu dương sự nỗ lực của các địa phương trong vụ đông 2018. Theo Thứ trưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến địa phương nên vụ này đạt kết quả tốt, đặc biệt là giá trị hàng hóa của cây vụ đông được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt hiệu quả, mang tính bền vững.
Thách thức là thời tiết
Về sản xuất vụ đông năm 2019, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết đầu vụ ấm, nửa cuối vụ duy trì trạng thái trung tính. Mưa, bão vẫn là yếu tố khó khăn nhất và sẽ tác động lớn đến kế hoạch sản xuất.
Riêng tại tỉnh Nghệ An, vụ đông năm 2018 tỉnh gieo trồng hơn 33.000ha cây trồng các loại, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh hay xảy ra thiên tai, bão lũ nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con.
Ông Hoàng Hiếu Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết, ngoài một số thuận lợi về nhận thức, kinh nghiệm sản xuất của nông dân, một số doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm thì sản xuất vụ đông ở Nghệ An thường chịu ảnh hưởng nhiều bởi bão và mưa lũ; việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất vụ đông ở một số địa phương thiếu quyết liệt; đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định nên nhiều người không mặn mà với cây vụ đông.
Để hỗ trợ bà con nông dân, ngoài chính sách cũ, năm 2019, tỉnh Nghệ An sẽ trích kinh phí 5 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình sản xuất ngô, rau màu trên đất hai lúa và giống ngô biến đổi gen.
Qua đánh giá những khó khăn, bất thuận của thời tiết; giá vật tư đầu vào..., nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng mục tiêu đạt con số thu nhập 30.000 tỷ đồng là không hề dễ dàng.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, vụ đông luôn đầy rẫy khó khăn, đặc biệt là thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, song thuận lợi cũng không ít. Nhiều địa phương đều xác định vụ đông là vụ chính nên đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; việc ứng dụng công nghệ cao, mô hình nhà kính, nhà lưới không ngừng tăng lên, giúp bà con hạn chế các yếu tố bất lợi của thời tiết.
Đặc biệt là hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa (sớm hơn dự kiến 5-7 ngày), giúp giải phóng đất để bà con chủ động gieo trồng cây vụ đông, nhất là nhóm cây ưa ấm như ngô, đậu...
Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh phía Bắc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hoá, liên kết với doanh nghiệp. Đối với vụ đông, các tỉnh nên bố trí 60% diện tích vụ đông là nhóm cây ưa ấm, 40% cây ưa lạnh; chú ý trồng rải vụ và ưu tiên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột, bí xanh, cây dược liệu, các loại nấm; đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến...
Theo Danviet
Thi hành kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc...