Nông dân ém đà điểu, gà ri… đến sát Tết Nguyên đán
Nắm bắt được nhu cầu rất lớn của một bộ phận khách hàng, nhiều chủ trang trại nuôi lợn nít, đà điểu, gà ri lai, gà đông tảo- những con vật được xem là có giá trị kinh tế cao – nhiều chủ trang trại tại Hà Tĩnh hiện vẫn ém hàng chờ cận Tết mới bung ra thị trường.
Phong trào xây dựng Nông thôn mới những năm gần đây tại Hà Tĩnh đã giúp nhiều địa phương tại tỉnh này hình thành nên các mô hình trang trại chăn nuôi rất có giá trị, đáng chú ý là một số con nuôi rất được nhiều người quan tâm, được xem là “hàng độc” trên thị trường, như đà điểu, gà Đông Tảo, lợn nít, gà ri lai…
Trang trại của HTX chăn nuôi tổng hợp Tây Sơn, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) do anh Từ Đức Mạnh làm giám đốc hiện đang nuôi gần 400 con đà điểu đã đến kỳ thu hoạch. Nhìn đàn đà điểu khỏe mạnh đang tung tăng trong khu chuồng nuôi rộng lớn, ông chủ trại nở nụ cười rất mãn nguyện. Cũng thật dễ hiểu, dù là là con vật dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ngô, thóc, nhưng để chúng lớn khỏe như thế là cả những tháng ngày vất vả của vợ chồng anh… Niềm vui như được nhân lên khi nhờ chất lượng thịt đà điểu tươi ngon, dễ chế biến các món ăn, nên ngay từ đầu tháng chạp nhiều người đã tìm đến trang trại của anh để tìm cho mình những cặp đà điểu dùng trong dịp Tết.
Chủ trại Từ Đức Mạnh (người ngồi) hiện đang sở hữu 400 con đà điểu, chuẩn bị tung ra thị trường Tết Nguyên đán 2017 (ảnh: Văn Hùng).
Thế nhưng, theo anh Mạnh, thông qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn, nên khi khách hàng tìm tới trang trại dạm mua anh chỉ gật đầu một cách hạn chế với chủ nhà hàng, bạn bè thân thiết, còn lại là anh từ chối. Lí do rất đơn giản là nh muốn tối đa lợi nhuận từ vật nuôi này.
Theo anh Mạnh, hiện giá bán đà điểu nguyên con tại các trang trại dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng/ 1kg (cân hơi), tuy nhiên, sát Tết giá sẽ biến động, tăng hơn nhiều “Nhu cầu vào dịp cuối năm tăng nên giá cả ắt cũng sẽ rất khác lúc này. Sau nhiều tháng đổ mồ hôi chúng tôi muốn thành quả của mình đạt được đúng với công sức bỏ ra”- anh Mạnh nói.
400 con đà điểu sẽ mang lại nguồn thu hàng trăm triệu cho gia đình anh Mạnh trong dịp tết Nguyên đán 2017 này.
Cũng theo anh Mạnh thì những tín hiệu khả quan từ thị trường nên HTX Tây Sơn vừa đi gom đà điểu từ các hộ khác ở Kỳ Anh, Hương Khê về chăm sóc thêm để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết. Riêng với lợi nhuận từ con vật nuôi này, anh Mạnh tiết lộ, mỗi năm trại xuất bán 2 lứa đạt trên 540 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí, vợ chồng thu lãi 250 triệu đồng.
Cũng giống như anh Mạnh, anh Nguyễn Đăng Nghĩa, xóm Bồng Sơn, xã Thường Nga, huyện Can Lộc hiện cũng đang “ém” 50 con lợn nít đến độ xuất chuồng tại trang trại của mình để tung bán vào dịp cận Tết Nguyên đán 2017.
Anh Nghĩa cho hay, hiện đàn lợn nít rất khỏe mạnh, đạt trọng lượng bình quân 30 kg, gia đình đang tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nhằm đảm đảm bảo cung ứng ra thị trường đúng dịp tết. “Nhiều anh em, bạn bè dưới huyện, trong tỉnh lên chơi thấy lợn bọn em nuôi chủ yếu thả rông, chủ yếu ăn chuối, rau cỏ, không ăn cám tăng trọng, nên rất thích, nên cách đây cả tháng đã gọi điện đặt hàng mua để sử dụng dịp tết. Nói thực là số lượng có hạn, nên bọn em chưa xuất nhiều”- anh Nghĩa trò chuyện.
Video đang HOT
Những con lợn nít hi vọng mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình anh Nghĩa.
Gà ri lai và lợn rừng cũng là một một trong những sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp trước trong và sau tết. Chủ mô hình nuôi gà lai ri Lê Xuân Hùng (xóm 5, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) phấn khởi: Được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ về con giống, thức ăn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau 3 tháng nuôi đến nay đàn gà hơn 400 con đạt bình quân 1,3kg/con. Đàn gà được chăn thả rông, không cho ăn cám công nghiệp nên chất lượng thịt rất ngon. Gần đây, thương lái đã bắt đầu lên xem để đặt trước với giá bình quân 120 nghìn/kg. Riêng trong xóm cũng đã có khoảng 10 hộ chăn nuôi các loại gà ri, gà khác để bán dịp tết…
Vợ chồng anh Lê Xuân Hùng đang “ém” 400 con gà ri lai chờ cận tết Nguyên đán mới tung ra thị trường tiêu thụ.
Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, chỉ tính trong năm 2016, các địa phương tại tỉnh đã xây dựng thành công 9 mô hình nuôi gà ri lai thả vườn ở xã Thạch Lâm (Thạch Hà) và xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên).
Nhờ chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, đàn gà lai ri gần 4.000 con đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao. Đáng chú ý, theo ban chỉ đạo chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh này, so với các con nuôi truyền thống, thì các con nuôi mới này hiện đang được người tiêu dùng hết sức quan tâm, trở thành “hàng độc” trong dịp tết. Nhiều chủ trang trại chắc chắc sẽ có thu nhập cao từ những con nuôi nói trên trong dịp Tết Nguyên đán 2017 này.
Văn Dũng
Theo Dantri
Cứu nguy đàn gà quý thuần cổ của Việt Nam
Gà Ri, gà Chọi, gà Ác tần, Gà Tè (gà lùn), gà 9 cựa, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía,... các giống gà Việt cổ, gà quý của Việt Nam đang được những đơn vị chuyên về nông đặc sản và con giống quý, nỗ lực bảo tồn.
Giữ nguồn gen quý của gà Việt
Hiện nay, một số giống gà cổ truyền được lưu giữ trong dân, lưu truyền qua nhiều thế hệ, thậm chí có những giống vật nuôi thành tài sản gia truyền của gia đình dòng họ. Nhưng phần đông người tiêu dùng chỉ biết rằng, vì nó ngon nên nuôi giữ giống chứ chưa biết đến giá trị về gen quý của giống vật nuôi đó.
Chính vì vậy, một chương trình khôi phục và phát triển các giống gà quý thuần Việt được Trung tâm Bảo tồn và Phát triển vật nuôi có Gen quý hiếm - thuộc Hatthocvang Vietnam, triển khai, cùng với sự trợ giúp kỹ thuật các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi tạo giống.
Mục tiêu của Dự án là khôi phục, tái thuần chủng lại các giống gà Việt cổ, gà quý của Việt Nam, gồm các loại gà Ri thuần chủng, gà Chọi thuần, gà H'mông thuần, gà Ác tần thuần (gà cốt kê), gà Tè (gà lùn), gà Nhiều Cựa (gà 9 cựa), gà Đông Tảo (gà Đông Cảo), gà Hồ lạc thổ, gà Hồ Chi nhị, gà Tò, gà Móng, gà Mía,...
Mô hình bảo tồn gà Đông Tảo thả vườn
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Cây Tre Vàng Việt Nam, Giám đốc Hatthocvang Vietnam, cho hay, cơ sở để phát triển nền kinh tế chăn nuôi của các quốc gia ngày nay chính là sự giàu có và đa dạng về giống loài vật nuôi.
Tại Việt Nam, nguồn gốc mỗi loại gà là một câu chuyện riêng, thậm chí còn có cả một huyền sử về chúng. Mỗi loại cũng giá trị riêng về đặc tính gen di truyền, về dinh dưỡng, về hương vị, sắc tố màu lông, vóc dáng hình thể, trọng lượng,... riêng. Giá trị nghiên cứu khoa học, sinh sản và tăng trưởng vì thế cũng rất khác biệt do khả năng thích nghi với các điều kiện khí hậu mỗi vùng miền.
Không chỉ góp phần vào sự phong phú của nguồn gốc vật nuôi, mỗi loài gà Việt Nam còn tạo nên thị hiếu tiêu dùng riêng của mỗi vùng miền, hay cao hơn, tạo nên nét đặc sắc riêng của mỗi nền văn hóa.
"Thực tế cho thấy các dòng gà quý Việt Nam hiện chưa được bảo tồn tốt, có dòng gà đang ngày mai một, có nguy cơ biến mất như gà Tè, gà Ri thuần chủng, gà H'mông thuần,... ", ông Hòa nói.
"Gà lai phát triển mạnh là quy luật tất yếu. Bởi gần 10 năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đã bị nhồi gà công nghiệp (gà trắng CP, gà vàng Jappa,... ). Các mặt hàng gà "siêu thịt" theo kiểu công nghiệp đã làm cho người tiêu dùng mong muốn tìm lại hương vị thời xưa "ăn một miếng thịt, nhớ cả đời" từ những con giống tự nuôi trong gia đình trước kia".
Khan hiếm giống gà thuần chủng
Để khôi phục đàn gà quý của Việt Nam, ông Lương Nguyễn Tiến, chủ DN tư nhân sản xuất giống gia cầm Toàn Tiến, cho rằng, rất cần có sự đầu tư bài bản về phương pháp nuôi khoa học, gắn kết cùng với thị hiếu thị trường tiêu dùng, thị trường sản xuất để thực sự bảo tồn được các giống gà quý thuần Việt, từ đó nâng cao được giá trị kinh tế, dinh dưỡng và văn hóa của các giống gà này.
Một con gà Hồ thuần chủng
Mô hình bảo tồn gà ri mận tía
Giống gà ri mái vàng rơm xịn, chỉ nặng 0,8-0,9kg/con
Thách thức của Dự án Bảo tồn gen quý của các giống gà quý thuần Việt là các dòng gà thuần chủng gần như không bán phổ biến trên thị trường, chủ yếu là gà lai ghép.
Chính vì thế, những người triển khai dự án đã phải mất thời gian dài để khảo sát các giống gà, lựa chọn các mẫu gà giống. Từ đó, mới có cơ sở dữ liệu để xây dựng dự án bảo tồn.
Dự án này chia làm 3 giai đoạn: Thu thập các giống gà, kiểm tra độ thuần chủng; Lai ghép với dòng gà khác để kiểm tra tính ổn định và phát triển thành các thế hệ gà bố mẹ, gà ông bà, cụ kị cho các thế hệ sau; Nhân giống gà thuần chủng.
Thời gian thực hiện cả ba giai đoạn tối thiểu từ 5 đến 7 năm.
Được triển khai từ quý 3/2014, đến nay, dự án đã bảo tồn cơ bản thành công giai đoạn 1, với 5 loại giống quý, gồm: gà Đông Tảo 1.000 con gà bố mẹ, gà Hồ 200 con gà bố mẹ, gà 9 cựa 200 con gà bố mẹ, gà Chọi 200 con gà bố mẹ, gà Ri thuần giữ gen vàng rơm chuẩn 300 con gà bố mẹ.
Thời gian tới, dự án tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo tồn các giống gà còn lại, như gà Tè, gà H'mông, gà Ác, gà Tò, gà Mía,... thuần cổ.
Công ty sẽ đặt hàng các nhà khoa học của Trung tâm Bảo tồn thực nghiệm giống vật nuôi, Viện Chăn nuôi quốc gia để được hỗ trợ, với 100% vốn đầu tư là của doanh nghiệp.
Khương Việt Hưng
Theo_VietNamNet
Săn gà chín cựa giữa đại ngàn "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" - món thách cưới độc đáo của Vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh vốn dĩ chỉ có trong truyền thuyết. Ấy vậy mà, giữa vùng núi Tân Sơn, Phú Thọ, từ nhiều năm nay, người dân vẫn nuôi được giống gà chín cựa quý hiếm có một không hai...