Nông dân đổi đời, thu tiền tỷ nhờ chụp ảnh bán nông sản trên mạng
Khoảng chục năm trước, việc một người nông dân có điện thoại di động đã là khá xa xỉ, thế nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ số, đến nay, nhiều nông dân đã dùng thành thạo internet, smartphone và tận dụng tốt những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ nông sản do chính mình làm ra.
Đổi đời nhờ mạng xã hội
Anh Giang Tuấn Vũ (sinh năm 1991) trú ở xóm Trung Đình, thôn Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) từng làm việc tại Quỹ Tín dụng xã, nhưng “đùng một cái”, anh xin nghỉ việc để kinh doanh gà Đông Tảo – sản vật nổi tiếng của địa phương.
Nhưng, thay vì bán gà đặc sản bằng hình thức truyền thống giống như các gia đình khác trong thôn, tức là mang ra chợ, hoặc gọi thương lái đến nhà mua gà thì Vũ nảy ra ý định kinh doanh bán hàng trên mạng, lúc đó khoảng năm 2009 – 2010. Vũ cho biết, thời gian đầu, việc buôn bán trên mạng rất thuận lợi do chưa có nhiều người cạnh tranh. Sau này, khi khách hàng biết nhiều đến gà Đông Tảo thì cũng có nhiều người đầu tư kinh doanh, bán gà trên facebook.
Hình ảnh Giang Tuấn Vũ – tỷ phú gà Đông Tảo ở Hưng Yên giới thiệu trên fanpage cá nhân. Ảnh: NVCC
Lúc này, anh dành thời gian xây dựng 1 website, lập fanpage “Giang Tuấn Vũ – Công ty TNHH Giống đặc sản Việt Nam” để quảng bá, giới thiệu về giống gà Đông Tảo trên mạng xã hội. Để bài của mình được lên top 1, gây sự chú ý của độc giả, có đêm anh phải thức trắng thiết kế, “chăm sóc” bài và trả lời khách hàng.
Đến năm 2011-2012, khi việc tiêu thụ gà thuận lợi, Vũ nghĩ ra cách kẹp chì lồng gà khi vận chuyển nhằm thể hiện giá trị của sản phẩm, giúp khách hàng nhận biết đó là một sản phẩm có giá trị. Thời điểm đó, ở Việt Nam cũng chưa có một giống gà nào được kẹp chì khi vận chuyển, mãi tới năm 2013, gà Yên Thế cũng mới được kẹp chì lồng gà.
Hiện, trang trại của Vũ có khoảng 1.000 gà mái đẻ, cung cấp cho thị trường từ 400 – 600 gà giống và khoảng 300 – 500 gà thương phẩm mỗi tháng, doanh thu trung bình từ 900 triệu cho đến hơn 1 tỷ đồng/năm.
Giang Tuấn Vũ được nhiều người biết tới trên mạng xã hội với quan điểm “Tư duy kinh doanh phải có đột phá”.
Video đang HOT
Chỉ cần dành ra ít phút lướt trên các diễn đàn, các trang facebook cá nhân, có thể thấy bà con nông dân đã nhanh chóng bắt nhịp với “ thế giới phẳng”. Từ bán gà giống, lợn giống, cây giống tới các loại trái cây, thuốc phòng trị bệnh, phân bón…, tất tật đều được các chủ tài khoản là chính nông dân chụp ảnh, quay clip rồi đăng lên facebook.
Gần đây, các nhóm, hội buôn bán, giao lưu về cây trồng, vật nuôi bắt đầu xuất hiện nhan nhản. Sôi động nhất phải kể tới các “chợ ảo” về hoa phong lan. Chỉ cần gõ chữ “chợ hoa phong lan”, facebook đã hiện ra vài trăm nhóm, hội khác nhau, thu hút từ vài ngàn tới hàng trăm ngàn người tham gia như: Chợ Lan rừng hiện có hơn 141.000 thành viên, Hội mua bán lan rừng Tây Nguyên gần 50.000 thành viên. Trong đó, riêng nhóm Phong lan phi điệp tím tuy mới thành lập cuối năm 2017 nhưng đã thu hút hơn 119.000 thành viên tham gia.
Tài khoản Sơn Cầm (Nguyễn Thanh Sơn) – Quản trị viên của nhóm này cho biết, nhóm quy tụ những người yêu thích và có sự đam mê đặc biệt với loài lan phi điệp trên khắp mọi miền đất nước. Ban đầu, các thành viên thường chụp ảnh “khoe” những giò lan đẹp mình trồng được, về sau nhóm ngày càng phát triển và xuất hiện những giao dịch trong nhóm. Trong 1 topic (chủ đề), các thành viên dễ dàng trao đổi thông tin, hình ảnh về mặt hàng, nhờ đó mà người mua – người bán gặp nhau dễ dàng.
Hình ảnh quảng cáo nông sản trên facebook của một tài khoản ở Hà Nội.
Từ ngày biết đến mạng xã hội, chị Trần Thu Hương – một nông dân ở Thái Thụy (Thái Bình) không còn lo nông sản của mình trồng ra phải bán tống, bán tháo như những vụ trước nữa.
Chị Hương cho biết, gia đình chị trồng 2ha rau màu ngắn ngày cùng các loại nông sản như ngô, đậu tương, khoai… Mùa nào thức ấy, hàng ngày chị chăm chỉ đăng tải hình ảnh trồng và chăm sóc các loại nông sản của mình lên trang cá nhân. Đến vụ thu hoạch, chị trực tiếp live bán các sản phẩm của mình. Khách hàng khắp nơi đặt hàng rất đông. Chỉ vài buổi sau khi thu hoạch, chị đã bán hết hàng.
“Khách hàng chủ yếu là bạn bè trên trang cá nhân của tôi, cũng có những khách hàng lạ khi tôi chia sẻ live vào các hội, nhóm. Họ mua hàng vì tin tưởng vào nguồn gốc, thấy được quá trình chăm sóc, trồng trọt của mình. Có những vụ dù còn cả tháng mới được thu hoạch nhưng khách đã đặt hàng hết rồi” – chị Hương nói.
Không lo bị ép giá
Mạng internet phủ sóng khắp nơi nơi đã nhanh chóng làm thay đổi tư duy của hàng triệu nông dân. Giờ đây, bà con không chỉ sử dụng thành thạo mạng xã hội mà còn coi đây là kênh bán hàng quan trọng. Nhiều nông dân đã đổi đời khi biết tận dụng công cụ này để quảng bá sản phẩm.
Chàng trai trẻ sinh năm 1997 Lý Nhựt Quang – một nông dân trồng cà phê ở thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng được nhiều người biết đến vì thích chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê, kỹ thuật ươm cây giống. Từ cái đầu vòi tưới nước, máy cắt cỏ, cách chăm sóc cây, bón phân sao cho cà phê sai trĩu quả đều được Quang đăng lên facebook. Quang nhanh chóng trở thành cái tên nổi tiếng trong Hội Nông dân cà phê Việt Nam, với hơn 13.000 người theo dõi. Mỗi năm, việc bán chồi ghép cà phê, các giống bơ, sầu riêng trên mạng đã đem lại cho Quang nguồn thu không nhỏ.
Hay như anh Nguyễn Lâm ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã rất thành công trong việc bán giống bưởi Soi Hà. Trước đây, chỉ người nào nghe tiếng biết thì tìm đến mua giống. Từ ngày anh đưa giống bưởi quý này lên mạng xã hội, cây giống bán đắt như tôm tươi. Có năm anh bán cả vạn cây giống.
“Từ ngày biết facebook, tôi thấy đời làm nông dân của mình bước sang trang mới. Các công nghệ, giống, phân bón… tôi đều cập nhật được. Vui hơn cả là mình quảng cáo bán hàng mà không mất tiền” – anh Lê Duy – nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chia sẻ.
Hình ảnh và livestream bán sầu riêng của một chủ tài khoản trên Facebook thu hút nhiều người quan tâm
Sau nhiều năm làm vườn, anh Duy đã cải biên được cái bát cắt cỏ, thay vì cắt bằng lưỡi dao, anh làm bát cước. Việc này vừa tiết kiệm được tiền lại đỡ nguy hiểm cho người dùng máy phát cỏ. Video được đăng tải, nông dân trên cả nước đặt hàng ầm ầm, anh không làm kịp hàng để bán. Đặc biệt, với những lão nông ngày ngày lên mạng tìm kiếm, trao đổi thông tin thì chuyện thương lái ép giá đã không còn “đất sống”.
Tài khoản Trần Kiểm – thành viên nhóm Hà Tây chăn nuôi cho biết, lợi dụng tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng, nhiều thương lái đã ép giá để nông dân phải bán rẻ. Tuy nhiên, nhờ có internet, tham gia các nhóm hội chăn nuôi với thành viên khắp đất nước, thị trường giá cả biến động như thế nào bà con có thể biết được chỉ sau một cú nhấp chuột.
Anh Nguyễn Văn Lân -người lập và quản lý nhóm “Giá cả hàng ngày và chia sẻ cách làm thanh long đẹp Bình Thuận” cho biết, việc lập nhóm xuất phát từ việc bản thân từng bán “hớ” thanh long. “Cách đây 2 năm, tôi bán thanh long cho thương lái với giá 17.000 đồng/kg. Nhưng khi hỏi người khác mới biết họ cũng bán cùng ngày nhưng với giá 18.000 đồng/kg. Biết bị người mua ép giá nên tôi rất bực. Sau mấy ngày tìm hiểu, tôi quyết định lập nhóm trên mạng để mọi người cùng chia sẻ, khỏi bị lái ép giá. Không ngờ nhóm của mình lại thu hút nhiều người tham gia thế, lên tới vài chục ngàn thành viên” – anh Lân nói.
Theo Danviet
Chiến dịch giải cứu khoai lang lại xuất hiện ở TP HCM?
Nhiều người đi đường thắc mắc không biết khoai lang ở đâu mà ngày nào cũng thấy có người bày dọc các tuyến đường và kêu gọi mọi người giải cứu.
Khoảng hơn một tuần trở lại đây, trên nhiều tuyến đường ở các quận tại TP HCM lại xuất hiện nhiều điểm bán khoai lang, có nơi ghi bảng "giải cứu khoai lang giúp bà con Gia Lai" và được giá bán với 50.000 đồng cho 3,5 kg. Tức mỗi ký khoai lang có giá bán gần 15.000 đồng. Những nơi khác, khoai lang được đổ đống trên vỉa hè và bán chỉ 10.000 đồng/kg chứ không treo bảng giải cứu.
Một điểm bán khoai lang Gia Lai giá 15.000 đồng/kg trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Ảnh: Nguyễn Hải
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Công ty Ngân hàng Thực phẩm, người từng tham gia giải cứu khoai lang của nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) hồi đầu tháng 3 vừa qua, cho biết từ giữa tháng 3 vừa qua công ty không còn tham gia giải cứu khoai lang ở khu vực trên cũng như ở các địa phương khác. Hiện các địa phương trên đã thu hoạch xong vụ khoai lang nên cũng không cần hỗ trợ nữa. Việc một số người đang trương bảng "giải cứu khoai lang" không phải người của công ty.
Khoai lang được đóng thành từng bao lớn trên vỉa hè. Ảnh: Nguyễn Hải
Theo ông Khởi, cuối tháng 2 vừa qua khi có thông tin giá khoai lang Nhật do bà con nông dân trồng ở huyện Phú Thiện rớt giá thê thảm, chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, công ty đã nhanh chóng triển khai chương trình giải cứu khoai lang cho nông dân.
Khi đó, công ty ông đến tận ruộng để mua khoai lang của nông dân với giá 5.000-6.000 đồng/kg và chuyển về TP HCM tiêu thụ với giá bán lẻ 12.000 đồng/kg. Thời điểm đó, địa phương tồn đọng đến 14.000 tấn khoai lang, Công ty Ngân hàng Thực phẩm tiêu thụ được hơn 1.000 tấn.
Sau khi công ty này triển khai chương trình giải cứu, nhiều thương lái cũng quay lại thu mua khoai lang cho nông dân với giá tương tự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, cho biết đến thời điểm này, những hộ dân trồng chính vụ trên địa bàn đã tiêu thụ hết khoai lang, chỉ còn một số hộ trồng muộn nhưng với diện tích nhỏ và vẫn bán được sản phẩm.
Nguyễn Hải-Hoàng Thanh
Theo nld.com.vn
Truy xuất nguồn gốc nông sản - "chìa khóa" khởi tạo thương hiệu Hiện nay, khách hàng đòi hỏi cao sự minh bạch, rõ ràng đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm... Truy xuất nguồn gốc sẽ là "chìa khóa" khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và cho chính nông sản, thực phẩm Việt Nam. Soi điện thoại ra thông số Là...