Nông dân “chắt” nước chống hạn, cứu lúa
Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kỉ lục đang diễn ra, tỉnh Nghệ An có gần 23.000ha lúa bị khô hạn, thiếu nước tưới. Nhiều hồ đập đã xuống dưới mực nước chết khiến gần 15.000ha lúa chưa thể gieo cấy. Nông dân phải đội nắng, “chắt” nước lên ruộng cứu lúa.
Nắng nóng kéo dài khiến 23.000 ha lúa tại Nghệ An bị khô hạn
Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra tình trạng nắng nóng trên diện rộng đã gần 10 ngày. Nền nhiệt phổ biến ở địa phương này ở mức từ 36-38 độ C, có nhiều nơi hơn 40 độ C. Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh này từ đầu năm 2018 đến ngày 30/6 là 397,3mm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Nắng nóng kéo dài, lượng mưa giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Chỉ trong vòng 7 ngày qua, Nghệ An liên tiếp xảy ra tình trạng cháy rừng tại các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và Đô Lương.
Đồng ruộng nứt nẻ, cây lúa phát triển còi cọc, có nguy cơ bị chết khô
Hiện Nghệ An có 25 hồ đập đã xuống dưới mực nước chết, 40 hồ dung tích dưới 50%, 20 hồ dung tích nước còn 50-70%. Mực nước tại các công trình đầu mối như hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố… đều thấp hơn mực nước thiết kế.
“Toàn tỉnh có gần 23.000 ha lúa Hè Thu bị khô hạn, thiếu nước tưới; gần 15.000 ha lúa chưa gieo cấy được. Nếu còn nắng nóng kéo dài nhiều diện tích lúa có thể bị chết”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An lo ngại.
Nông dân lo lắng nếu tình trạng hạn hán kéo dài trong khi các hồ đập đã bắt đầu cạn đáy
Video đang HOT
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các sở, ban ngành và UBND 21 huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong trường hợp các hồ chứa nước cạn kiệt không đủ nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi, tỉnh Nghệ An sẽ yêu cầu các hồ thủy điện trên sông Lam có lịch điều tiết, xả nước phù hợp để chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Trước tình hình này, các địa phương cũng đang căng sức chống hạn, cứu lúa.
Người dân sử dụng máy bơm nhỏ để “chắt” nước cứu lúa
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) hiện có 200/300 ha lúa bị khô hạn do nắng nóng. Các hồ đập trên địa bàn cũng đã khô hạn, mực nước quá thấp khiến việc bơm nước cứu lúa gặp khó khăn. Ngoài việc huy động các máy bơm nhỏ hoạt động hết công sức chạy đua với nắng nóng, xã Hưng Yên Nam cũng đã tổ chức lực lượng khơi thông hệ thống mương dẫn để đưa nước lên ruộng.
Hơn 7 sào lúa đứng trước nguy cơ khô cháy do thiếu nước tưới, ông Nguyễn Văn Thư (SN 1960), huy động toàn bộ nhân lực trong nhà ra đồng chống hạn. Tuy nhiên, lượng nước từ mương dẫn quá ít nên hiện mới chỉ có hơn 1 sào lúa của gia đình ông có nước tráng chân ruộng. Lượng nước ít ỏi cũng chỉ có thể tràn qua bề mặt ruộng trước khi theo các đường nứt nẻ mất hút dưới đất.
Tận dụng mọi vật liệu để làm đường ống dẫn nước vào ruộng
“Từ hôm xuống giống đến giờ đã hơn nửa tháng nhưng không có nước tưới. Cây lúa phát triển còi cọc, quắt lại. Nếu tiếp tục nắng hạn như hiện nay e rằng số diện tích đã gieo sạ cũng chết mất. Cả sáng nay nhà tôi chỉ bơm được ít nước vào ruộng nhưng cứ nắng 38-39 độ C cộng với gió Lào thổi mạnh thế này thì cùng lắm cũng chỉ được vài ngày lại khô hạn trở lại”, ông Thư lo lắng.
Đường dẫn nước dã chiến bằng bạt ni lông được sử dụng để dẫn nước vào chân ruộng, cứu cây lúa
11/13 hồ đập tại xã Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt nước khiến 170ha đất nông nghiệp chưa thể cày bừa để chuẩn bị cho vụ cấy Hè Thu. “Nếu trời không mưa, không có nước để làm đất thì số mạ đã bắc sẽ già, quá tuổi. Không những thế việc cấy muộn sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ, đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng do mưa lũ cuối tháng 9, đầu tháng 10 nên khả năng sẽ phải sử dụng giống lúa ngắn ngày thay thế”, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành cho biết.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Thanh Hóa: Nông dân cay đắng nhìn ruộng nứt toác, lúa sắp chết khô
Nắng nóng kéo dài những ngày qua đang khiến 170ha lúa tại xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có nguy cơ héo chết.
Ngày 6.7, ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), nhiều diện tích lúa hè thu vừa mới gieo sạ của bà con nông dân đang đứng trước nguy cơ bị chết khô do nắng hạn, thiếu nước.
Dưới nền nhiệt 40 độ C, có mặt tại cánh đồng lúa thuộc các thôn ở xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, cứ vài phút chúng tôi lại phải lấy khăn lau mồ hôi chảy ròng trên mặt.
Ngay trước mắt phóng viên, mặt ruộng đã có hiện tượng nứt nẻ, khô khốc. Trong khi đó, lúa mới được gieo cấy còn non yếu, đang phải "oằn mình" dưới cái nắng như đổ lửa.
Bà Nguyễn Thị Lý (thôn Yên Bình, xã Quảng Yên, Quảng Xương) lo lắng bên cánh đồng khô khốc, nứt nẻ. Ảnh: Trần Hữu Dụng
Ông Nguyễn Văn Giáp (thôn Yên Đoài, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương) mới gieo sạ lúa lo lắng cho biết: "Ruộng không còn một giọt nước, khắp cánh đồng nhà tôi đều nứt nẻ, khô khốc. Cứ tình hình này, lúa sẽ chết sạch".
Còn ông Nguyễn Văn Lan (thôn Yên Đoài, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương) thì mất ăn mất ngủ nhiều ngày nay vì lo lúa sẽ chết cháy.
"Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ chứng kiến nắng nóng khủng khiếp như thế này. Lúa mới gieo xong còn quá yếu mà thời tiết như này khó trụ nổi. Nếu lúa chết, tôi cũng không còn mạ để mà cắm lại" - ông Lan nói.
Gia đình ông Lê Trí Ngân (thôn Yên Bình, xã Quảng Yên) tranh thủ dùng gàu để tát nước dẫn vào ruộng lúa đang nứt nẻ. Ảnh: Trần Hữu Dụng
Có mặt tại cánh đồng lúa của bà con tại thôn Yên Bình (xã Quảng Yên), chúng tôi nhận thấy, nước trong các kênh mương đã cạn hết. Nhiều diện tích lúa bị khô héo, vàng úa.
Ông Lê Trí Ngân (thôn Yên Bình, xã Quảng Yên) lo lắng: "Nhà tôi gieo được 2 sào lúa nhưng nước dẫn về ruộng không khó nên phải ra đồng tát từng gàu nước vào ruộng. Nếu không cứu được, năm nay coi như mất mùa".
Ông Nguyễn Văn Lan (thôn Yên Đoài, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương) phải thuê máy bơm để lấy nước vào cứu lúa. Ảnh: Hữu Dụng
Trao đổi với PV Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên Nguyễn Văn Huyên cho biết: "Thời điểm vụ hè thu này, thời tiết quá nắng nóng ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất. Xã đang tích cực phối hợp với thủy nông, xuống tận các thôn để hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp hạn chế thiệt hại do nắng nóng kéo dài gây ra".
Cũng theo ông Huyên, toàn xã có 410 ha đất canh tác. Vụ hè thu, bà con trong xã gieo trồng được 360ha thì có đến 170ha lúa đang bị khô hạn nghiêm trọng.
"Nước sông để dẫn vào kênh mương đang xuống thấp nên không đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa của toàn xã. Vấn đề nước tưới đang rất cấp bách" - ông Huyên lo lắng nói.
Theo Danviet
Ảnh: Những mảnh đời mưu sinh dưới nắng nóng hơn 40 độ C Nhiệt độ ngoài trời có thời điểm trên 40 độ C khiến không khí trở nên ngột ngạt. Giữa những đợt nắng nóng gay gắt nhất, nhiều người vẫn phải "đội nắng" mưu sinh. Những ngày này, nền nhiệt ngoài trời khu vực Hà Nội chạm mức trên 40 độ C, gây không ít khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người...