Nông dân “cày” tiếng Anh
Lớp diễn ra buổi tối, học viên là những nông dân ngồi bập bẹ đánh vần những từ tiếng Anh đầu tiên trong đời …
Đánh vần cực hơn gánh thóc
Mỗi lớp học với 30 thành viên. Già trẻ cùng ngồi chung một bàn trong hội trường, chăm chú lắng nghe, bập bẹ đánh vần từng chữ. Bà Lại Thị Văn (59 tuổi, thôn Mỹ Sơn, Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) cứ phải uốn lưỡi, tập đi tập lại nhiều lần các cách chào khách.
“Thóc bao nhiêu cũng gánh được, ruộng bao nhiêu sào cũng làm được, mà có mỗi việc ngồi đánh vần lại khó quá. Nhưng phải học, để vài bữa nữa nói chuyện với mấy ông Tây”, bà Văn thật thà nói.
Bà tỉ mẩn ghi lại từng chữ trong câu “Nice to meet you”, đọc đi đọc lại nhiều lần. Có những từ khó nhớ, phải học lâu, bà phải vận dụng trí liên tưởng thông qua những vật dụng gắn bó với cuộc sống, bếp núc.
Hay những khi quên lại quay sang hỏi mấy đứa cháu. Bà móm mém cười: “Học như vậy nhanh nhớ hơn, nhưng nghĩ lại cũng thấy mắc cười. Già rồi, lại đi bập bẹ, ngọng nghịu uốn lưỡi đọc từng chữ”.
Hộ bà Lại Thị Văn là một trong 5 hộ đầu tiên được chọn làm thí điểm đón khách du lịch homestay (ở nhà dân) tại khu vực di sản Mỹ Sơn.
Với phần lớn bà con, đánh vần tiếng Anh còn cực hơn gánh lúa, nhưng không ai bỏ cuộc Ảnh: H.V .
Cũng như 60 thành viên khác, bà tham gia khóa học tiếng Anh giao tiếp phục vụ du lịch. Biết mình lớn tuổi, chậm tiếp thu hơn lớp trẻ, nhất là học thứ ngôn ngữ xa lạ từ phương Tây, bà Văn không dám bỏ buổi nào, sợ… đuổi không kịp hàng xóm.
Lần đầu tiên tiếp xúc với mặt chữ và phát âm tiếng Anh, nhưng ông Hồ Cư (48 tuổi) tỏ ra phấn khởi khi biết mình sắp trở thành những hướng dẫn viên du lịch. “Mỗi ngày bỏ ra 3 tiếng để học Anh văn, nhưng có khi chưa thuộc bài, sáng ra đi làm lại tranh thủ lẩm nhẩm cho khỏi quên”- ông nói.
Nông dân làm du lịch
Thầy Trần Tế Châu trực tiếp dạy tiếng Anh cho các học viên, chia sẻ: Việc tiếp nhận kiến thức của các học viên còn hạn chế, nhưng ai nấy đều rất háo hức, chịu khó. Khi gặp phải từ khó, bà con phải mất cả buổi tối để đánh vần, viết.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Đức Nha, Trưởng Ban du lịch cộng đồng Mỹ Sơn: Ở cái làng này ai cũng tự hào về vùng đất di sản. Nên khi chương trình homestay bắt đầu triển khai, bà con rất vui. Vừa giới thiệu văn hóa lịch sử quê mình, lại cũng là một cách làm kinh tế mới để cải thiện thu nhập rất tốt.
Lần đầu tiên, loại hình du lịch mới homestay do Tổ chức Lao động thế giới (ILO – thuộc Liên Hiệp Quốc) phối hợp với BQL Di tích và Du lịch Mỹ Sơn triển khai tại một làng miền núi xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam). Tại đây, khách du lịch sẽ cùng ăn ở, sinh hoạt chung với người dân địa phương, và những nông dân chân lấm tay bùn sẽ trở thành những hướng dẫn viên du lịch trực tiếp.
Theo 24h
Nông dân đi học tiếng Anh để làm du lịch
Ngày 14/3, Làng du lịch cộng đồng theo hình thức homestay tại Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã chính thức mở cửa đón khách. Từ đây mở ra cơ hội cho người nông dân thoát nghèo bằng con đường kinh doanh dịch vụ du lịch.
Mặc dù năm nay đã 54 tuổi và quen với cái cày cây cuốc nhưng mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Đức Nha (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) vẫn mang vở sách đến địa điểm tập trung để học tiếng Anh với những người hàng xóm. Ông tâm sự, "ở cái tuổi này mà còn đi học tiếng Anh là cả một cực hình, vì mấy chục năm nay có bao giờ đụng đến con chữ đâu, nói gì đến tiếng Anh".
Một lớp học tiếng Anh được tổ chức ở thôn Mỹ Sơn để người dân theo học
Tuy nhiên, với nỗ lực bản thân cộng với động viên của gia đình ông cũng "bập bẹ" được ít câu xã giao để đón khách nước ngoài sau vài tuần tham dự lớp học. Ông nói: Bây giờ khi đón khách, tôi có thể nói được vài câu xã giao như "Xin chào" hay "Bạn cần gì" rồi...
Ông Nha là một trong 30 người ở thôn Mỹ Sơn tham dự lớp tiếng Anh được tổ chức từ cuối tháng 2 vừa qua để phục vụ cho hoạt động du lịch theo hình thức homestay (ở lại nhà dân) được tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) giúp đỡ.
Ông Hồ Cư đứng ngay đầu ngõ nhà mình để chuẩn bị đón khách
Ngày khai trương làng du lịch, cả làng ai cũng vui mừng vì từ nay, ngoài công việc đồng áng, người dân lại có thêm một công việc khác để tăng thêm thu nhập là phục vụ khách ở lại nhà mình.
Theo thông tin từ xã Duy Phú, từ năm 1992 Hội hữu nghị Việt - Ý xây dựng 25 ngôi nhà cho người dân ở đây để ổn định cuộc sống. Do lúc đó kinh tế - xã hội chưa phát triển nên đời sống của người dân cũng khó khăn. Đến năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn thuần nông. Lúc này du khách đã bắt đầu tìm về Mỹ Sơn để tìm hiểu về Di sản Văn hóa này. Tuy nhiên, ở khu vực này hầu như chưa có địa điểm nghỉ ngơi cho du khách sau khi khám phá Mỹ Sơn nên du khách chưa hiểu hết về văn hóa cũng như con người và ẩm thực nơi đây.
Nhận thấy nhu cầu này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tổ chức ILO tiến hành nghiên cứu và triển khai hình thức du lịch homestay. Và Làng du lịch cộng đồng được khai trương là một hoạt động của Dự án tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo tại Việt Nam.
Căn nhà của ông Cư đã được sửa lại một bên theo tiêu chuẩn để du khách vào ở
Ông Hồ Cư (50 tuổi) là một trong 5 gia đình được chọn làm thí điểm homestay. Sau nhiều ngày sửa sang lại phòng ốc đạt tiêu chuẩn, ngày làng chính thức hoạt động ông rất vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khi nhiều đoàn khách đến thăm ngôi nhà của ông đã được cải tạo để đón du khách vào ở.
Ông tâm sự: "Tôi thấy chương trình thật ý nghĩa đối với những người nông dân như chúng tôi. Ngoài công việc đồng áng ra, những gia đình được chọn trong dự án như tôi giờ có thêm thu nhập".
Còn ông Vũ Văn Nhất, cũng là một trong 5 hộ dân được chọn triển khai dự án, cho biết: Từ khi có dự án hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế, bộ mặt của địa phương đổi thay thấy rõ, đời sống của nhân dân được cải thiện, bà con rất phấn khởi.
Ông Nhất cũng cho rằng cái khó nhất của người dân là bao đời nay, người dân nơi đây chỉ biết đến nghề nông, nay chuyển qua nghề mới còn khá bỡ ngỡ, nhất là việc học tiếng Anh. Tuy nhiên, với sự cở mở và tấm lòng của người dân thì du khách sẽ hài lòng.
Ông Nguyễn Đức Nha sửa sang lại giường ngủ sẵn sàng cho du khách homestay
"Khi đến thăm Mỹ Sơn, du khách sẽ được chúng tôi giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương, giới thiệu về văn hóa trong đời sống, phong cảnh thiên nhiên nên chắc du khách sẽ vừa lòng", ông Nhất tâm sự.
Còn Phó Chủ tịch xã Duy Phú - ông Trần Phú thì cho rằng đây là thành quả bước đầu để người dân ở đây thoát nghèo bền vững. Sắp tới, dự án sẽ mở rộng ra khoảng 30 hộ khác ngoài 5 hộ đã được dự án triển khai.
Hiện ngoài 5 hộ gia đình nằm trong dự án ra còn khoảng vài chục hộ dân ở thôn Mỹ Sơn này cũng đã sửa sang phòng ốc lịch sự, sạch sẽ để đón du khách vào ở lại.
Đây cũng chính là chủ trương chung của tỉnh nhằm phát huy tiềm năng du lịch không chỉ cho Mỹ Sơn của huyện Duy Xuyên mà cả các huyện sâu trong đất liền.
Ngoài Thánh địa Mỹ Sơn, đồng quê yên tĩnh ở đây cũng là một điểm để thu hút du khách
Phát biểu nhân dịp dự án đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban chỉ đạo dự án - ông Trần Minh Cả - cho biết: "Tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu phát huy các tiềm năng du lịch để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm ở các vùng sâu còn khó khăn của tỉnh."
Theo ông Cả, ngoài mô hình du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn, dự án còn hỗ trợ hai điểm du lịch cộng đồng khác tại làng Bhohoong và Dhroong của người Cơtu ở huyện Đông Giang sẽ được chính thức khai trương vào tháng 6 tới.
Mô hình Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn được đầu tư thành điểm tham quan du lịch sâu trong đất liền nhằm tận dụng lợi thế du lịch của địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho người dân.
Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn sẽ cung cấp dịch vụ homestay - lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch địa phương và các hoạt động du lịch bền vững, ít tác động tiêu cực tới môi trường như leo núi, chèo thuyền xung quanh khu vực hồ Thạch Bàn, rất gần với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Dự án được triển khai thí điểm tại 5 nhà dân (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) với kinh phí 15 ngàn USD để xây mới nhà vệ sinh hiện đại, nâng cấp phòng ngủ có máy lạnh và một số trang thiết bị khác.
Theo Dantri
Tiếng Anh riêng cho người đi làm Sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, người đi làm cần một lớp học tiếng Anh có không khí học tập thoải mái, sinh động để vừa có thể có hiệu quả học tập cao vừa có thể giúp người đi làm xả stress. Tiếng Anh riêng cho người đi làm, tại sao? Khác với những đối tượng khác, như...