Nóng cuộc chiến chống tội phạm trên mạng
Bên cạnh vai trò tích cực to lớn đối với sự phát triển, mạng internet toàn cầu đang trở thành một “mảnh đất màu mỡ” cho đủ loại tội phạm sinh sôi nảy nở với tác hại khôn lường.
Các phần tử cực đoan đã lên mạng xã hội để kêu gọi, tuyển mộ và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố
Đại diện đến từ 51 quốc gia và hơn 150 công ty công nghệ trên thế giới ngày 12-11 đã ký vào bản “Lời kêu gọi Paris” nhằm ngăn chặn hoạt động tội phạm trên mạng, trong đó có sự can thiệp vào các cuộc bầu cử và những phát ngôn gây thù địch. Bản cam kết được cho là sáng kiến để tăng cường hợp tác quốc tế chống tội phạm mạng diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Quản trị Internet do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc ( UNESCO) tổ chức tại Paris, Pháp từ ngày 12 đến 14-11.
Sáng kiến tăng cường chống tội phạm mạng về danh nghĩa chính thức do UNESCO đứng ra phát động nhưng có phần đóng góp rất quan trọng của nước chủ nhà Pháp, nhất là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nước chủ nhà của chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất này (hoạt động chính diễn ra ngày 11-11) muốn nhân sự kiện này gióng lên hồi chuông báo động để cảnh tỉnh, đồng thời tập hợp nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc phòng, chống tội phạm mạng.
Video đang HOT
Nỗ lực mới nhất nhằm chống tội phạm mạng được đưa ra trong bối cảnh an ninh mạng đang trở thành vấn đề toàn cầu nhức nhối sau hàng loạt các vụ tấn công mạng, cùng hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn qua mạng xã hội và nhiều công ty trực tuyến khác. Tội phạm mạng không chỉ là những phần tử “hacker” đơn lẻ với động cơ và mục đích cá nhân mà nguy hại gấp bội phần là tổ chức phạm tội với quy mô tổ chức, công ty và đặc biệt là cấp quốc gia.
Những cáo buộc qua lại cùng căng thẳng trong các mối quan hệ giữa các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga… với nhau hay quan hệ Mỹ – Triều Tiên cho thấy rất rõ cuộc chiến “ác liệt” trên “chiến trường mạng” giữa các quốc gia. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã lập cơ quan chuyên trách về an ninh và tác chiến trên không gian mạng để vừa phòng, chống các cuộc tấn công, song đồng thời cũng tung ra các cuộc tấn công, đòn phản kích vì lợi ích, an ninh quốc gia.
Mạng Internet toàn cầu cũng bị các phần tử, tổ chức cực đoan dùng để tổ chức các cuộc tấn công khủng bố cũng như chiêu nạp thành viên, huấn luyện phương thức cũng như chế tạo vũ khí khủng bố. Thường thấy nhất là các cuộc tấn công vào các công ty và hàng chục triệu người dùng mạng internet. Theo hãng bảo mật Mcafee và CSIS, trong năm 2017, tội phạm mạng gây tổn thất gần 600 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP toàn cầu, và mọi “ngõ ngách” mạng khắp trên thế giới đều thấy loại hình tội phạm này với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Chủ tịch hãng Microsoft Brad Smith cho biết, năm 2017, gần 1 tỷ người đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng. Các chuyên gia an ninh mạng dự báo, tội phạm mạng sẽ gây thiệt hại lên tới 6.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2021.
Phòng, chống tội phạm mạng đã trở thành một cuộc chiến nóng bỏng trên phạm vi toàn cầu. Tổng thống Pháp Macron khi trình bày sáng kiến tại Diễn đàn Quản trị Internet do UNESCO tổ chức đã nhấn mạnh, các nước phải cùng nhau hành động, cũng như có thể phối hợp với các đối tác tư nhân, giới nghiên cứu và xã hội dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của người dân trên mạng. Pháp và UNESCO muốn kêu gọi khởi động lại các cuộc đàm phán, vốn bị hoãn kể từ năm 2017, về một “bộ quy tắc ứng xử” trên mạng với sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế để đảm bảo an ninh mạng, chứ không chủ yếu dựa vào các nỗ lực đơn lẻ từng công ty, tổ chức hay quốc gia như hiện nay.
Theo anninhthudo
Mỹ - Nga - Trung từ chối ủng hộ lời kêu gọi chống tội phạm mạng của Pháp
Năm mươi quốc gia và hơn 150 công ty công nghệ cam kết sẽ làm nhiều hơn để chống lại hoạt động tội phạm trên mạng Internet, trong đó có can thiệp các cuộc bầu cử và những phát ngôn tấn công trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Trung Quốc không nằm trong số này.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Canada. Ảnh: AP.
Theo hãng tin AP, nhóm các chính phủ và công ty cam kết thực hiện "Lời kêu gọi Paris" về trách nhiệm và an ninh trên không gian mạng, nhằm cùng phối hợp ngăn chặn các hoạt động độc hại trên mạng Internet như quyền kiểm duyệt online, trộm cắp bí mật thương mại...
Văn kiện này được sự ủng hộ và thúc đẩy của các quốc gia EU, Nhật Bản và Canada cũng như những người khổng lồ trong làng công nghệ như Facebook, Google, Microsoft.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc đẩy sáng kiến này. Sáng kiến được công bố một ngày sau khi hàng chục nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại Paris dự lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Phát biểu tại Diễn đàn Quản trị Internet tổ chức tại UNESCO - cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Paris, ông Emmanuel Macron cho biết, cần phải kiểm soát Internet tốt hơn.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng nói rằng, Facebook đã chấp thuận cho một nhóm các quan chức Pháp giám sát cách theo dõi và loại bỏ nội dung xấu trên mạng xã hội này.
Việc này sẽ bắt đầu từ đầu năm 2019 và nhằm "soạn thảo các đề xuất chung cụ thể, chính xác về cuộc chiến chống lại các phát ngôn có tính chất khơi gợi sự thù địch và các nội dung xúc phạm" - ông Emmanuel Macron nói.
HẢI ANH
Theo Laodong
Một loạt vụ nổ rung chuyển Kabul trong ngày bầu cử Một loạt vụ nổ liên tiếp đã làm rung chuyển các trung tâm bỏ phiếu ở thủ đô Kabul của Afghanistan trong ngày 20/10, giữa lúc cử tri nước này đang đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vốn bị trì hoãn lâu nay. Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu bầu Hạ viện Afghanistan tại tỉnh Herat ngày 20/20/2018. Ảnh:...