Nơi xảy ra vụ nổ kinh hoàng: Làm giàu nhờ tên lửa, đầu đạn, xe tăng cũ
Kể từ ngày có nghề buôn bán sắt vụn, cuộc sống của người dân thôn Quan Độ ( Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) trở nên khấm khá. Nhiều doanh nghiệp được hình thành, nhà lầu xe hơi dần xuất hiện. Sau vụ nổ kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 3/1, người ta truyền tai nhau những câu chuyện “ly kỳ” về cách làm giàu của người dân nơi đây.
Nhà lầu, xe hơi ở “thôn phế liệu” Quan Độ.
“Cái nghề tưởng nghèo khó mà lời lắm”
Theo ông Nguyễn Tiến Viễn (75 tuổi, nguyên Trưởng thôn Quan Độ từ những năm 1997) cho biết, cả thôn Quan Độ có khoảng 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 300 nóc nhà thì tất cả đều làm nghề thu mua phế liệu và trở nên khấm khá từ nghề này.
Chị Nguyễn Thị Quyên, 46 tuổi cho biết, gia đình chị đã làm nghề thu mua phế liệu này cách đây hơn chục năm và coi như đây là “nghề làm giàu” của gia đình.
“Trước đây gia đình tôi có vài sào ruộng nhưng do thời tiết rồi mùa vụ thu hoạch chẳng được bao nhiêu, thấy nhiều người dân trong làng đổ xô đi mua sắt vụn hay các loại máy móc đã hỏng về tháo dỡ đem bán, có lợi nhuận cao nên gia đình tôi cũng làm nghề này” – chị Quyên chia sẻ.
Cũng theo chị Quyên, cái nghề nghe tên thì cứ tưởng nghèo khó nhưng thực ra buôn bán rất có lời. Người dân ở thôn Quan Độ giàu lên, xây nhà lầu, mua xe hơi là cũng nhờ phế liệu.
Đủ loại phế liệu giúp người dân Quan Độ làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Khoa, 33 tuổi, cho biết, gia đình anh cũng làm nghề buôn bán phế liệu nhưng chưa bao giờ mua các loại chất dễ gây cháy nổ như đầu đạn.
Về việc làm ăn của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, chủ kho phế liệu phát nổ, người dân cho biết kinh tế rất khá, gia đình có tới 4 chiếc xe ô tô thuộc quyền sử dụng của ông, vợ ông, con trai và con dâu…
Video đang HOT
Một người phụ nữ làm thuê cho một xưởng phế liệu đầu làng Quan Độ cho biết, mỗi ngày dù chỉ làm thuê chị cũng được trả từ 250.000 – 350.000 đồng. “Như thế là hơn làm ruộng rồi. Giàu thì không giàu, chỉ có chủ là kiếm được nhiều thôi”, chị này nói.
Ông Nguyễn Tiến Viễn khẳng định “phải có mối mới thu mua được đầu đạn cũ”.
“Ai ngờ dân liều lĩnh đưa hàng tấn bom đạn về giữa thôn như thế!”
Theo ông Viễn, việc người dân có thu mua các vật liệu dễ gây nổ như đầu đạn hay các thiết bị chứa chất nổ khác, cán bộ địa phương biết cả, nhưng vì không lường trước được hậu quả nên chính quyền địa phương vẫn tiếp tục để cho người dân tự thu mua.
“Theo tôi được biết thì việc thu mua các loại đầu đạn hay vật liệu chứa chất gây nổ như nhà anh Tiến thì không phải ai cũng tự đi mua được, họ phải có mối. Đặc biệt như là anh Tiến là bộ đội thì mới mua được” – ông Viễn thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Viễn, vào những năm 1997, 1998, các xưởng thu mua phế liệu ở thôn Quan Độ đã từng mua cả máy bay hỏng về để tháo dỡ ra bán; máy bay MiG 19, MiG 21 đến IL18… được chất đống quanh làng để thay nhau vào lò mổ xẻ.
Khi được hỏi về việc quản lý các loại vật liệu dễ gây phát nổ như đầu đạn cũ hay thậm chí cả các thiết bị đã hỏng như bộ phận của máy bay, xe tăng, tên lửa…, ông Viễn cho rằng, hồi đó chính quyền địa phương cũng có quản lý nhưng không lường trước được hậu quả có thể gây ra nghiêm trọng như vậy nên vẫn để người dân tự thu mua về bán sắt vụn.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc chính quyền quản lý việc thu mua các loại phế liệu đạn dược, chất dễ gây nổ, phóng viên có cuộc trao đổi với Trưởng thôn Quan Độ đương nhiệm là ông Nguyễn Văn Lý. Ông Lý cho rằng, bản thân chính quyền thôn và người dân xung quanh không thể biết hộ kinh doanh họ buôn bán, tàng trữ cả một kho đạn như thế.
Cán bộ nói: Ai mà biết dân liều lĩnh tích trữ cả kho đạn như thế!
“Các hộ dân trong thôn thường mua phế liệu về rồi tự phân loại sắt, đồng, nhôm, nhựa và sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế. Cũng từng thấy có hộ đưa cả tên lửa Sam-2, xe tăng, cánh máy bay và cả những động cơ máy cỡ lớn về, nhưng không thể ngờ họ liều lĩnh đưa hàng tấn bom, đạn về để giữa thôn như thế” – ông Lý cho hay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong – cho biết cả xã Văn Môn có đến 500 hộ kinh doanh, mua và tái chế phế liệu. Hỏi về công tác quản lý, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán, tái chế hàng phế liệu, ông Cường cho biết, phụ trách việc này là một phó chủ tịch huyện khác. Còn cá nhân ông biết huyện có hẳn một tổ thanh tra, thường xuyên kiểm tra hoạt động này.
“Việc kinh doanh, buôn bán phế liệu có quy định hẳn hoi, kiểm tra thường xuyên, nhưng việc người dân mua bán, tàng trữ cả vật liệu nổ thì chính quyền huyện và xã không thể biết được. Cái này bị cấm và họ buôn bán chui lủi thì cơ quan chức năng cũng chịu” – ông Cường nói.
Trần Thanh
Theo Dantri
Nỗi khiếp sợ của nạn nhân vụ nổ ở Bắc Ninh
Không dám trở lại ngôi nhà đã vùi chết con gái, anh Tiến bảo "nổi da gà khi thấy những đầu đạn nhỏ còn sót lại dọc đường làng".
Sáng 4.1, nhiều người dân làng Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) đội mưa cùng bộ đội tìm kiếm đầu đạn còn sót lại trong đống bùn đất nhầy nhụa. Nhiều hộ dân khác tất bật dọn dẹp nhà cửa. Các ngõ nhỏ trong làng, từng tốp người mặc áo mưa túm tụm bàn tán.
Ám ảnh "mưa đạn"
Nhà sập, đứa con gái duy nhất qua đời, anh Đặng Đình Tiến (32 tuổi) ôm vợ ngồi im trong góc nhà bố mẹ đẻ, chẳng ai nói với nhau câu gì. 4h30 sáng qua, vợ chồng anh cùng con gái ba tuổi đang ngủ say thì bị đất đá lấp kín người sau tiếng nổ chói tai. Anh gào thét, quờ quạng tìm vợ con song chỉ toàn gạch đá và đầu đạn. 10 phút sau, ba người được em trai nhà bên cạnh đến giải cứu.
Anh Đặng Đình Tiến thẫn thờ khi mất nhà, mất con. Ảnh: Phạm Dự.
Hiếm muộn nên 9 năm sau ngày cưới vợ anh mới sinh được mụn con gái. Anh đã xây nhà, sắm xe, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho con sau này, nhưng mọi thứ giờ dang dở. Cả đêm không ngủ được vì toàn thân đau nhức, tai ù vì sức ép vụ nổ, anh bảo nỗi đau thể xác không thấm vào đâu, "buồn nhất là sự ra đi của con gái - món quà vô giá của vợ chồng".
Sáng nay, anh Tiến đi lang thang quanh làng, không dám trở về nhà vì sợ không kìm được nước mắt. "Tôi nổi da gà khi thấy những đầu đạn nhỏ còn sót lại dọc đường đi", anh chia sẻ.
Nhà cách hiện trường vụ nổ khoảng 50m, bà Nghiêm Thị Gái (58 tuổi) phờ phạc với đôi mắt thâm quầng sau một đêm không ngủ. Cả gia đình bà đêm qua phải sang hàng xóm ngủ nhờ dưới nền đất. Căn nhà cấp bốn của bà bị giật tung mái, sập trần, đồ đạc vỡ vụn.
Bà Gái tất bật dọn dẹp nhà cửa trong nỗi sợ hãi. Ảnh: Phạm Dự.
Bà Gái bảo chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như rạng sáng 3.1. Cả làng túa ra đường, đạp trên mảnh vỡ, đầu đạn mà tháo chạy. Cơ nghiệp của hàng chục gia đình bị phá tan tành. Đêm ngủ thấy người bên cạnh động đậy, bà cũng giật mình tỉnh giấc vì nghĩ bom nổ.
Chống gậy quanh vườn cùng con cháu lượm nhặt đầu đạn giúp bộ đội, bà Chín (90 tuổi) bảo "Tết đến nơi rồi mà nhà cửa, đồ đạc hỏng hết". Từ sau vụ nổ, bà chưa thể chợp mắt vì tuổi già và ám ảnh trận "mưa bom chưa từng có".
Hai cháu nội bà Chín cho nghỉ học và gửi sang nhà người thân ở thôn bên cạnh. Đêm qua nó không ngủ được, cứ nghe thấy tiếng động mạnh là gào khóc, ôm chặt bố mẹ.
Bà Chín đội mưa cùng con cháu nhặt đạn. Ảnh: Phạm Dự.
Có hai con trai đều bị sập nhà, ông Đặng Đình Tờ cho biết sẽ không để con trở lại khu đất cũ xây nhà. Đó là "ám ảnh kinh hoàng nhất mà gia đình phải chịu đựng". Chính quyền xã cũng đã liên hệ để tìm chỗ ở mới cho hai con trai ông.
Nơm nớp lo sợ đầu đạn còn sót lại phát nổ
Chiều 4.1, bà Nghiêm Thị Thảo (76 tuổi) run lẩy bẩy sau khi thấy đứa cháu 5 tuổi cầm đầu đạn chơi đùa. Mắt mờ, bà vẫn bới từng đống rác quanh nhà tìm đầu đạn sót. Bà sợ khi mọi người đốt rác làm đạn phát nổ, gây nguy hiểm.
Bà Thảo bảo từng sống trong bom đạn thời chiến chống Mỹ, nhưng chưa gặp trận mưa đạn nào kinh hoàng như rạng sáng qua. Bà và hầu hết dân làng không thể yên tâm khi những cơ sở thu gom phế liệu vẫn rải rác khắp làng. Đó sẽ là "những quả bom nổ chậm sẽ bùng lên bất cứ lúc nào".
Người dân thôn Quan Độ cầm rổ đi nhặt đạn quanh nhà. Ảnh: Phạm Dự.
Nhà cách nơi phát nổ chưa đầy 100m, chị Nguyễn Thị Sen (40 tuổi) kể sau sự cố đầu đạn phát nổ làm nát tay một thanh niên, đêm qua gia đình chị phải kê giường ra giữa nhà để tránh những viên đạn còn sót lại ở góc khuất trong buồng phát nổ.
Nhà chị có năm sào ruộng cách nhà 1km nên cũng hứng mưa đạn. Chị tính sau khi thu dọn xong nhà cửa sẽ thuê người ra tìm đạn ở bờ, bụi và quanh ruộng. "Khi cày bừa va đập rất mạnh, nếu đầu đạn còn sót lại thì không biết tai họa sẽ thế nào", chị Sen lo lắng.
Đến giờ nấu cơm tối song năm mẹ con bà Nghiêm Thị Gái (58 tuổi) vẫn ngồi thẫn thờ trước hiên nhà. Dọn dẹp cả ngày vẫn chưa hết đầu đạn nên bà chẳng yên tâm. Hai đêm trước khi phát nổ, bà nghe thấy tiếng tí tách quanh nhà nên đến giờ vẫn ám ảnh. "Nghe tiếng rán cá nhà hàng xóm tôi cũng lẩy bẩy", bà nói.
Nhiều người dân thôn Quan Độ mong muốn nhà chức trách địa phương có phương án xử lý dứt điểm để không còn "quả bom nổ chậm xung quanh nhà".
Đầu đạn nằm la liệt khắp làng Quan Độ. Video: Huy Mạnh
Trước đó 4h30 ngày 3.1, sau tiếng nổ đinh tai, một phần diện tích thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh), cách Hà Nội khoảng 30km, bị san phẳng. Tai nạn khiến hai người chết, bảy người bị thương và sập bảy ngôi nhà. Hàng trăm nhà trong bán kính 1,5km bị hư hại.
Chủ kho phế liệu Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, trú huyện Yên Phong) bị khởi tố ngay sau đó về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, theo điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Phạm Dự - Quang Chiến (VNE)
Nổ ở Bắc Ninh: Điều tra nghi vấn 'mua đầu đạn từ trung tâm xử lý bom mìn' Theo thông tin ban đầu, vụ nổ trên là vụ nổ vật liệu nổ thu gom sau rà phá và xử lý đạn, có liên quan đến một số cá nhân thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn, Binh chủng Công binh. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đang tích cực điều tra, xác minh. Sau khi sự cố...