Nói với con về tình yêu Đất nước
Bố mẹ sẽ dạy con về tình yêu Đất nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tình yêu ấy thiêng liêng mà cũng vô cùng đơn sơ, giản dị.
Con trai!
Vậy là mùa hè đã đến, sáng nay, vẫn như thường lệ, con dậy sớm đến lớp. Ngày hôm nay, cô sẽ dạy về chủ điểm giao thông, các con sẽ tìm hiểu về máy bay, ô tô, xe máy, đèn đỏ đèn xanh. Bố vẫn biết, con trai của bố rất hứng thú với các loại máy bay, ô tô, ở nhà còn đã có cả một bộ sưu tập rồi mà.
Những ngày này, buổi tối, thấy bố mẹ vẫn thức thêm, con vẫn nhắc “Bố mẹ ngủ sớm đi, ngủ cùng con”. Bố mẹ thức để đọc những tin tức ngoài biển Đông con ạ, điều này giờ con chưa hiểu là gì đâu. Biển, trong khái niệm của con, là chỗ có sóng, có cát, là nơi con rất thích ngay từ lần đầu con được bố mẹ đưa ra biển chơi. Còn với bố mẹ, biển trời, những hòn đảo, là một phần của Tổ quốc ta.
Con đến lớp, con vui đùa cùng các bạn, niềm vui của con cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của bố mẹ. Trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời con, bố mẹ sẽ đồng hành, hoặc đến một lúc nào đó, không thể đồng hành mà chỉ dõi theo con, khi con đủ lớn khôn trưởng thành và một mình bước đi, trở thành một chàng trai bước ra khám phá thế giới này.
Đợi con thêm tuổi nữa, bố sẽ mua 1 tấm bản đồ thế giới thật lớn, rồi mua 1 tấm bản đồ nước Việt Nam lớn nữa và treo lên. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ sẽ phải dạy con nhiều điều, để con lớn khôn, mà trong những điều ấy, có tình yêu Quê hương, Đất nước con ạ. “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, đó là điều đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy, 5 điều ấy vẫn được treo trên tường lớp học của con.
Tình yêu Đất nước, yêu Tổ quốc thiêng liêng mà giản dị con ạ. Tình yêu ấy bắt đầu từ lời ru của mẹ, từ “con ơi con ngủ cho ngoan”, “cái cò mày đi ăn đêm”, trong những câu hát à ơi đưa con vào giấc ngủ. Tình yêu ấy bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích bố vẫn kể con nghe, chuyện Sọ dừa, chuyện sự tích quả dưa hấu, chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, chuyện Thánh Gióng bẻ cây tre đánh giặc rồi bay lên Trời… Như ở chuyện Sự tích quả dưa hấu, khi Mai An Tiêm bị đày ra đảo, con đã hỏi bố “Hòn đảo là gì hả bố”.
Đợi con thêm tuổi nữa, bố sẽ mua 1 tấm bản đồ thế giới thật lớn, rồi mua 1 tấm bản đồ nước Việt Nam lớn nữa và treo lên. Bố sẽ dạy cho con những kiến thức địa lý đầu tiên, thế giới như thế nào, Nam Cực, Bắc Cực ở đâu, châu Mĩ ở đâu, châu Á nằm ở đâu. Dạy con rằng nước Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, Hà Nội nơi mình đang sống nằm ở đâu trên bản đồ Việt Nam, dạy con rằng, biển Đông nằm ở đâu trên đại dương thế giới, dạy con rằng Trường Sa, Hoàng Sa là một phần của Tổ quốc Việt Nam.
Video đang HOT
Bố mẹ cũng sẽ đưa con đi đến nhiều bảo tàng hơn nữa, bắt đầu nói cho con hiểu rằng, sau Vua Hùng mà con đã biết ở trong truyện cổ tích, thì đến những đời vua nào nữa trong lịch sử nước Việt Nam, rằng ông cha ta từ nghìn đời xưa đã chống giặc ngoại xâm thế nào. Rồi thì con sẽ hiểu được tại sao bố mẹ đã bế con đến đặt hoa trước cửa nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng mất.
Bố vẫn có quan điểm rằng, mỗi người cha, người mẹ, để đóng góp cho Đất nước, cho Quê hương, thì phải cùng nhau nuôi dạy con mình cho tốt. (Ảnh minh họa)
Hôm trước, bố mẹ đã cho con đến Bảo tàng Phòng không – không quân, con đã rất thích thú với máy bay, với những khẩu pháo, với xe tăng ở đó. Rồi sau này, bố mẹ sẽ còn cho con đến đó nhiều lần nữa, rồi con sẽ được nghe những câu chuyện của ông nội con, một cựu chiến binh. Ông nội đã từng là một người lính pháo binh trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Rồi con sẽ hiểu, súng không phải là để “bắn nhau”, súng không phải là đồ chơi, người Việt Nam từng cầm súng để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, rồi con sẽ hiểu được rằng tại sao phải có hình ảnh người lính cầm súng cả trong thời bình.
Rồi con sẽ như bố, sẽ có những cuộc hành trình khám phá khắp các vùng đất tươi đẹp của Đất nước, từ mảnh đất địa đầu Tổ quốc là Hà Giang, cho đến Mũi Cà Mau. Rồi thì con sẽ như bố, đi đến nhiều đất nước khác, hiểu về những con người, những nền văn hóa khác, để thêm yêu Đất nước mình, yêu nền văn hóa Việt Nam, tự hào về Tổ quốc mình.
Bố vẫn có quan điểm rằng, mỗi người cha, người mẹ, để đóng góp cho Đất nước, cho Quê hương, thì phải cùng nhau nuôi dạy con mình cho tốt. Một Đất nước luôn cần có thế hệ mai sau vững mạnh, trưởng thành, cần những con người dù làm nghề gì, ngành gì, cũng có những đóng góp tốt cho xã hội.
Con người có tổ có tông, có Quê hương bản quán, có tình yêu Tổ quốc, và dạy có chon tình yêu nước, chính là trách nhiệm của bố mẹ ngày hôm nay.
Yêu con!
Theo VNE
Những phụ nữ giỏi khoe, "chém gió" trên mạng
Với rất nhiều phụ nữ bây giờ, thể hiện sự tuyệt vời, hoàn hảo của bản thân trên Facebook là một nhu cầu như cơm ăn áo mặc, là niềm đam mê bất tận. Chị nào có sắc thì khoe ảnh đẹp, chị nào không có sắc thì khoe đảm đang.
Mạng xã hội như chất kích thích khiến căn bệnh thích khoe khoang bản thân trở nên trầm kha, biến nhiều phụ nữ trở thành kẻ chém gió và dối trá.
Ảnh minh họa
Bỏ đói chồng, làm phụ nữ đảm đang trên mạng
Với rất nhiều phụ nữ bây giờ, thể hiện sự tuyệt vời, hoàn hảo của bản thân trên Facebook là một nhu cầu như cơm ăn áo mặc, là niềm đam mê bất tận. Chị nào có sắc thì khoe ảnh đẹp, chị nào không có sắc thì khoe đảm đang. Nhiều chị không có cả sắc lẫn sự đảm đang thì khoe cả hai thứ này. Tóm lại, cứ lên mạng sẽ thấy phụ nữ Việt không ai không tuyệt vời cả. Chị này khoe, chị khác cũng phải thể hiện một chút cho khỏi kém cạnh. Chị này chém gió, chị kia cũng phải "vung dao" cho cân bằng, kẻo thiên hạ lại nghĩ mình chả nước non gì.
"Hình như bây giờ chị em lên mạng chỉ sợ không ai biết mình là người phụ nữ hoàn mỹ ra sao", anh Long, 29 tuổi, chia sẻ. Chàng kỹ sư này cho biết anh phát ngán vì thấy những người phụ nữ quen biết như biến thành người khác khi lên phây. "Đừng nói ai xa, ngay con em gái tôi cũng vậy, cả đời không bao giờ vào bếp, đến nhặt rau muống cũng sợ đen móng tay, thế nhưng cứ vài ngày lại thấy nó post lên phây một món, khoe là nó làm, rồi đám con trai cưa nó xông vào tán lấy tán để là khéo tay thế".
Long kể, cô em gái anh hễ thấy mẹ hay chị dâu nấu món gì ngon một chút là hớn hở bảo bày ra cho nàng chụp ảnh, chụp xa chụp gần, chụp ngang chụp ngửa mọi góc độ, rồi đăng lên mạng khoe là mình nấu, lại còn vờ than là hôm nay nấu không được chuẩn vì đi làm về quá mệt rồi. Nhiều bức ảnh món ăn Long thấy rất lạ, không phải "made in gia đình", chắc là cô nàng chụp ở đâu đó.
"Con em tôi dù sao cũng chưa chồng, ảo một chút còn được. Vợ thằng bạn tôi mới kinh, trên phây toàn khoe đi mấy siêu thị mới tìm đủ gia vị, nguyên liệu làm món nọ món kia đãi chồng con, lại còn post cả công thức nấu ăn lên theo yêu cầu của các fan hâm mộ nữa", anh Long kể. "Gặp thằng bạn, tôi bảo mày sướng nhé, toàn được vợ đãi những món ăn chơi cầu kỳ. Nó nhăn nhó bảo có mà bánh vẽ, ăn bằng mắt hết. Hóa ra tay nghề nấu nướng của vợ nó cũng chỉ gói gọn trong kỹ thuật post ảnh và gõ bàn phím. Bố con nhà nó chẳng những không được ăn ngon mà nhiều lúc còn bị bỏ đói, vì mẹ còn bận đi shopping hoặc chơi đập kẹo".
Nhiều nàng khác thì muốn chứng tỏ mình có tâm hồn sâu sắc và yêu nghệ thuật, như trường hợp của Hoàng Anh. Nàng thường chia sẻ trên Facebook rằng đang đọc cuốn nọ cuốn kia, kèm theo vài lời bình nữa. Các chàng tấm tắc còm, rằng người như em thật quý, thời bây giờ còn mấy người đọc sách nữa, nhất là sách văn học. Nàng còm lại, rằng sách nuôi dưỡng tâm hồn anh ạ, em một ngày không đọc vài chương sách là thấy mình khô héo... Trong số các chàng kia có Vinh, vốn hâm mộ vẻ mỏng mày hay hạt của Hoàng Anh, nay thấy vậy tự nhủ mình phải "nhân văn" hơn, đọc nhiều sách hơn để đủ tầm mà nói chuyện với "nữ sĩ", nhất là những cuốn nàng nhắc đến thì không thể bỏ sót. Trong những lần cà phê với người đẹp, Vinh lấy những cuốn sách đó ra làm đề tài "thảo luận", nhưng thường thì Hoàng Anh "ấm ớ hội tề" rồi lảng sang chuyện khác.
"Sau nhiều lần để ý, tôi nhận ra rằng Hoàng Anh không đọc, hoặc ít ra không đọc hết những cuốn nàng nói, những lời bình thì nàng coppy từ các bài báo", Vinh cho biết. "Hoàng Anh cũng rất hay post những bài thơ kinh điển và tự nhận mình là người thuộc thơ, mê thơ. Nhưng ngoài đời thực, nếu nhắc đến những bài thơ hay những tác giả mà trên phây nàng tỏ ra mê mẩn, nàng sẽ ù ù cạc cạc hoặc nói sai toét cả, ông nọ xọ ông kia, cũng chẳng thuộc được mấy câu".
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Gặp hạn vì khoe "sát giai"
Có lẽ cho rằng một phụ nữ "đẳng cấp" nhất định phải có nhiều đàn ông theo đuổi ngay cả khi đã có chồng nên nhiều chị luôn luôn "thông báo" cho bạn bè cũng như những người xung quanh biết rằng, đàn ông đang bám riết lấy mình nhiều như ruồi vậy, đuổi đi không hết.
Vân Nhi là một ví dụ. Người phụ nữ 31 tuổi có một chồng và hai con này luôn luôn "than phiền" với bạn bè, đồng nghiệp cả năm lẫn nữ hay bất cứ ai chịu khó lắng nghe rằng, số chị khổ vì đàn ông, vì có quá nhiều người mê. Rằng luôn luôn có ít nhất dăm ba kẻ si tình quấy rầy chị, tỏ tình với chị, đòi yêu chị, cho dù chị đã đối xử với họ không khác gì đối xử với chó mèo... Trong cách nói chuyện của Vân Nhi, mọi người nhận thấy rằng với chị, phụ nữ được nhiều người yêu mới có giá trị, còn những cô nào lấy chồng rồi là hết người trồng cây si thì coi như vứt đi.
Với sự tinh tường của đàn ông, các đấng mày râu trong công ty vẫn biết là Vân Nhi chém gió, cộng thêm mấy phần ngộ nhận, nhưng có quan trọng gì, phụ nữ bị bệnh tưởng một chút cũng là thường. Nhưng rồi đến lúc, từng chàng một nhận ra, mình cũng bị Vân Nhi liệt vào hàng cây si trong câu chuyện chị kể với người khác, rằng họ, chính họ đã chành chọe, đấu đá, xửng cồ với nhau để tranh giành cơ hội uống cà phê với người đẹp hay dắt xe cho nàng. Thế này thì không phải là chuyện cười nữa rồi. Có anh nổi đóa thật sự. Nhưng chẳng nhẽ lại đi bảo với một phụ nữ rằng tôi có thích cô đâu mà cô bảo tôi thế... Họ bảo nhau tránh xa cô ra cho khỏi mang tiếng.
Còn Tuyết Nga thì cứ cách vài ngày lại bắn lên một status rằng anh X ngày nào cũng nhắn tin tỏ tình, anh Y thỉnh thoảng lại tặng hoa, anh Z thường xuyên trách cô làm khổ cuộc đời anh... Hoặc cô kể trên phây một anh chàng không nêu tên nào đó suốt ngày đòi tặng cô dây chuyền vàng với nhẫn kim cương, một anh chàng không nêu tên khác vì không may gặp phải cô mà thấy vợ ở nhà quá ư nhạt nhẽo. Có lần Nga kể vợ một anh chàng khác suốt ngày ghen tuông gây sự với cô, rồi hành hạ chồng vì anh ta yêu cô; rằng cô có cướp chồng cô ta đâu, tại anh ta yêu cô đấy chứ, ai bảo xấu không biết giữ chồng. Lại còn có mấy phi công trẻ là trai tân, ít hơn cô 7-8 tuổi nhưng thấy chị cứ gọi là chết mê chết mệt...
Các status của Nga nhận được nhiều comments, chị em chẹp chẹp bảo Nga "sát giai" thế, và chủ nhân trả lời rằng khổ lắm chị em ơi, sung sướng gì đâu...
Cái sự "sung sướng gì đâu" ấy cuối cùng cũng hiện hình. Cô em họ chồng ở trên mạng thì khen chị em đúng là người đàn bà hấp dẫn, đến gái tân cũng không bằng, nhưng sau đó lại nói với mẹ, tức cô ruột của chồng Nga, rằng anh con mà không cẩn thận coi chừng mất vợ, vân vân. Bà cô nhân lúc đi ăn giỗ, to nhỏ với mẹ chồng Nga, bảo bác để mắt con dâu một chút, có khi nó cắm sừng lên đầu con trai bác rồi đấy, đàn bà có chồng gì mà lúc nào cũng tập hợp cả tá đàn ông xung quanh, giai trẻ giai già, độc thân hay có vợ đủ cả, mà chả hiểu nó xí xớn kiểu gì mà vợ người ta còn đến đánh ghen nữa đấy. Mẹ chồng không tin, bà cô tức đỏ mặt bảo chính cái Nga kể trên mạng chứ có phải em bịa ra đâu...
Khỏi phải nói cũng biết sau đó Tuyết Nga gặp phải sấm sét gì. Từ đó, cô cạch hẳn chuyện khoe giai trên mạng, còn khoe miệng thì cũng biết lựa chọn đối tượng hơn, kẻo được chút ngưỡng mộ của thiên hạ về thành tích sát giai thì gã giai quan trọng nhất là chồng lại vuột mất.
Theo VNE
Đã đánh ghen còn đòi 'đẹp mặt' Tôi rât "quan triêt" lơi me chông ngay mơi vê lam dâu: "Đanh ghen lam sao đê chông minh không bi mât măt thi mơi la đan ba khôn ngoan". Me chông tôi dăn như vây la bơi ba sơ "con nha tông, không giông lông cung giông canh". Ba cung đa tưng đau khô vi bi chông phu tinh, tưng đánh ghen...