“Nói văn bản “trói chân” ông Đoàn Ngọc Hải là nhận định không rõ ràng”
Đoàn công tác của ông Đoàn Ngọc Hải đã đạt được những hiệu quả nhất định nhưng để lâu dài thì cần có cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Clip: Ông Đoàn Ngọc Hải trả lời câu hỏi của người dân về lập lại trật tự lòng lề đường quận trung tâm. Clip: Dương Thanh/Dân Việt
Việc UBND quận 1, TP.HCM ra hai quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành (KTLN) về trật tự đô thị (TTĐT), trật tự an toàn giao thông và tổ kiểm tra công vụ (KTCV) đã gây dư luận trái chiều mấy ngày qua. Một luồng cho rằng các quyết định này “trói chân” Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải, một luồng cho rằng việc xử lý TTĐT là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị quận 1, trong đó có vai trò của 10 phường. Ngày 17.10, đại diện lãnh đạo Quận ủy quận 1 đã nêu ý kiến chính thức về vấn đề này.
Quận không làm thay phường
Trước dư luận cho rằng việc thành lập tổ KTLN là để thay thế đoàn công tác bấy lâu nay do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu, Quận ủy có ý kiến gì?
Ông Đoàn Ngọc Hải cùng tổ công tác trật tự đô thị quận 1, TP.HCM trong một cuộc xuống đường giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: LÊ THOA
- Đại diện lãnh đạo Quận ủy quận 1: Việc thành lập hai tổ KTLN và KTCV đối với công tác quản lý TTĐT trên địa bàn quận 1 là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND quận. UBND quận 1 đã nói rõ với việc thành lập tổ KTLN là để khẳng định vai trò, trách nhiệm của UBND 10 phường trong công tác chấn chỉnh TTĐT, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Tránh tình trạng cấp trên làm thay nhiệm vụ của cấp dưới, không phát huy được vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.
Việc thành lập hai tổ này không phải xuất phát từ ý chí chủ quan của quận 1 mà theo tinh thần của Chỉ thị 11 ngày 10.3.2017 về tăng cường công tác quản lý TTĐT trên địa bàn TP.HCM của Ban Thường vụ Thành ủy. Chỉ thị 11 đặt ra vấn đề giao đảng ủy và UBND các quận/huyện thành lập các đoàn KTLN. Các đoàn này sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên TTĐT, chỉ hỗ trợ UBND các phường trong kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm.
Tóm lại, khi tổ chức hai tổ công tác này không phải là trực tiếp đi đến các phường, thấy chỗ nào vi phạm thì trực tiếp xử phạt. Làm như vậy không đúng tinh thần Chỉ thị 11. Trong quá trình giám sát, nếu thấy công tác quản lý của phường bị buông lỏng, cán bộ có hành vi bao che thì tổ KTCV sẽ đề xuất chủ tịch UBND quận xử lý. Chỉ thị 11 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp. Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm TTĐT trên địa bàn quận thì người chịu trách nhiệm cao nhất là chủ tịch UBND quận.
Ông Hải có thể tiếp tục xuống đường
Từ khi UBND quận 1 có quyết định thành lập tổ KTLN, dư luận thắc mắc rằng Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải có còn được xuống đường xử lý nữa hay không?
- Việc này là tùy thuộc vào kiến nghị, đề xuất của phường. Đối với các khu vực trọng điểm, các vụ việc cần có sự hỗ trợ của tổ KTLN thì tổ vẫn đi xử lý bình thường. Còn việc ông Hải có còn được dẫn đầu đoàn kiểm tra đó hay không thì sẽ do chủ tịch UBND quận phân công.
Nhưng chính ông Hải cũng cho rằng văn bản này chẳng khác nào “trói chân” ông. Ý kiến của Quận ủy như thế nào?
- Đây là nhận định không rõ ràng. Khi quận ra các quyết định này là nhằm mục đích nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu là chủ tịch quận. Nếu có sơ suất trong công tác lập lại TTĐT thì cá nhân chủ tịch quận phải là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Ông Hải làm có hiệu quả nhưng…
Có ý kiến cho rằng quy định tổ KTLN muốn đi dẹp vỉa hè phải từ đề xuất của UBND 10 phường và được sự đồng ý của chủ tịch quận, nên khi đoàn xuống đường thì chỗ vi phạm đó sẽ “biến mất”?
- Khi nghe thông tin có đoàn liên ngành đi kiểm tra thì người vi phạm TTĐT có thể sẽ dọn hết, đó là hiệu ứng của đoàn. Nhưng phường sẽ phải theo dõi, giám sát thường xuyên những khu vực đó. Quận sẽ xuống kiểm tra phường làm có đạt hiệu quả hay không, chứ không phải khi nào có đoàn của quận xuống thì phường mới dẹp. Phường làm vậy là không đúng.
Trong thông cáo báo chí sau đó, UBND quận 1 thông tin việc xử lý phải xác định công tác vận động, nhắc nhở là chính. Nhưng lâu nay cách xử lý của ông Hải đều là xử nóng, vậy thì có đúng với chủ trương của quận không?
- Dĩ nhiên đoàn công tác trước đây của ông Đoàn Ngọc Hải đi làm đã đạt được hiệu quả nhưng xét về sức và tính lâu dài thì không thể để đoàn đó ngày nào cũng đi mà phải có cả hệ thống chính trị vào cuộc. Như vậy mới phát huy hệ thống chính trị 10 phường, của khu phố, tổ dân phố. Chuyển đoàn công tác của ông Đoàn Ngọc Hải sang thành tổ KTLN và tổ KTCV để giám sát việc thực hiện TTĐT là vậy.
Xin cám ơn ông.
Ông Hải tiếp thu Những phát ngôn, cách xử lý vừa qua của ông Đoàn Ngọc Hải còn gây nhiều thông tin trái chiều. Quận ủy, UBND quận có những nhắc nhở ông Hải chưa?- Có nhắc nhở. Trước những thông tin như thế, Quận ủy có những lưu ý ông Hải phải thực hiện bám sát Chỉ thị 11. Những lúc ra đường đôi khi có bức xúc nhưng phải luôn giữ được bình tĩnh, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, để mọi người thấy đang thực hiện nhiệm vụ chung chứ không phải vì mục đích cá nhân. Và cá nhân ông Hải cũng có tiếp thu.Chỉ thị 11 ngày 10.3.2017 về tăng cường công tác quản lý TTĐT trên địa bàn TP.HCM của Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu việc lập lại TTĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý đô thị, đòi hỏi các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không phải của cá nhân ai, hay chỉ của UBND, công an hay đội TTĐT. Với tinh thần phải thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục vận động rồi mới tính tới việc kiểm tra, xử lý vi phạm để tạo sự đồng thuận của người dân.
Theo Lê Thoa ( Pháp luật TP.HCM)
Nóng trong tuần: Nín thở dõi theo đường đi siêu dị của cơn bão số 11
Diễn biến mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc; Bão 11 di chuyển siêu dị, PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80... là những tin nổi bật nhất tuần.
Diễn biến mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc khó lường, khó dự đoán gây thiệt hại lớn
Những ngày qua, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bị ngập lụt nặng. Nhiều ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm khiến người dân phải sinh sống trên các nóc nhà, rơi vào cảnh thiếu đồ ăn, nước uống. Các tỉnh miền núi liên tiếp xảy ra sạt lở đất, sập cầu khiến nhiều người tử vong, mất tích.
Thiệt hại do mưa lũ ở miền Bắc
Tại Hà Nội:
Tối 11/10, nước lũ dâng cao tràn qua đê Bùi 2, thuộc xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ. Đến sáng 12/10, một đoạn đê Bùi 2 đã vỡ. Nước tràn vào gây ngập nhà dân. Đê vỡ không có thiệt hại về người.
Cuộc sống của người dân ở 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến bị ảnh hưởng. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước. Đến sáng 15/10, nước lũ vẫn đang rút nhưng xuống rất chậm. Thôn Nhân Lý, Nam Hài vẫn còn ngập, một số điểm ngập sau 2-3m.
Chiều 13/10, tại buổi thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 - 12/10, ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, vỡ đê ở Chương Mỹ là vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ trong chuyện đối phó.
Tại Hòa Bình:
Nước lũ về dồn dập, Hồ Hòa Bình có 12 cửa xả đáy thì phải mở 8 cửa thoát lũ để đảm bảo an toàn hồ đập.
Sáng 11/10, ông Đặng Trần Công - Chánh Văn phòng Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình đang ở mức cao, nước lũ lại dồn dập nên hồ Hòa Bình đã phải mở tới 8 cửa xả đáy để thoát lũ. Đây là một trong 2 lần mở cửa xả đáy lớn nhất trong lịch sử. Lần đầu tiên hồ Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ là vào khoảng cuối những năm 90.
Gần 1h sáng 12/10, tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình xảy ra một vụ sạt lở đất khiến 5 căn nhà và 19 người bị vùi lấp.
Đến sáng 13/10, lực lượng chức năng đã tìm được 10 thi thể nạn nhân. Đến 11h sáng 15/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm 3 thi thể trong vụ sạt lở đất. Khi phát hiện thi thể nạn nhân, người thân đã bật khóc đau đớn khi nhìn thấy 3 mẹ con tử vong trong tư thế ôm nhau.
Tại Sơn La:
Sáng ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có lệnh hỏa tốc yêu cầu Giám đốc công ty Thủy điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du, để giảm lưu lượng nước về hồ Hòa Bình.
Trưa cùng ngày, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc nhà máy Thủy điện Sơn La cho biết sáng 11/10, nhà máy đã dừng toàn bộ các tổ máy phát điện, mức xả bằng 0.
Tại Yên Bái:
Khoảng 13h chiều 11/10, cây cầu Thia nối giữa phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) và xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Một trong 4 nạn nhân là PV Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú TTXVN tại Yên Bái. Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Yên Bái, tính đến 10 giờ ngày 12/10 đã có 18 người chết và mất tích, 7 người bị thương, 1.225 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ và hư hỏng do mưa lũ.
Tại Ninh Bình:
Mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đã vượt mức lịch sử năm 1985, tỉnh Ninh Bình đã phải sơ tán gấp 200.000 dân khỏi vùng nguy hiểm.
Nhận thấy tình hình mưa lũ phức tạp, để đảm bảo an toàn về người và tài sản, 18h tối 11/10, UBND tỉnh Ninh Bình đã phát lệnh di dân khẩn cấp.
Theo đó, 200.000 dân thuộc 12 xã của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan nằm trong vùng ảnh hưởng của tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) phải di dời gấp trong đêm. Lực lượng bộ đội và các cơ quan chức năng địa phương được huy động tối đa để giúp dân di dời khỏi vùng sẽ xả lũ.
Tại Thanh Hóa:
Ngày 12/10, tại trang trại lợn tại thị trấn Thống Nhất, Yên Định, Thanh Hóa sau một ngày chìm trong biển nước, toàn bộ hệ thống chuồng trại với quy mô ước tính khoảng gần 4000 con lợn bị ngập sâu, toàn bộ số lợn trên đều bị chết đuối.
Theo thống kê sơ điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 7 người chết, 4 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập lụt. Nhiều tuyến đê bao bị vỡ và sạt lở.
Bão 11 giật cấp 15, di chuyển dị thường, nguy cơ lũ chồng lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng 13/10, bão Khanun đã vượt qua phía Bắc đảo Lu-dông (Philippines) và đi vào Biển Đông. Đây là cơn bão số 11 hoạt động ở khu vực trong năm nay.
Vị trí và đường đi của cơn bão số 11
Hồi 4 giờ sáng 15/10, bão số 11 - Khanun đã mạnh lên cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Đây được dự báo là cấp độ mạnh nhất của cơn bão trên Biển Đông. Hiện bão đang cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km.
Đến 4 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giảm xuống, mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Quận 1 lên tiếng về việc ông Đoàn Ngọc Hải muốn đi dẹp vỉa hè phải có sự đồng ý của "sếp"
Ngày 13/10, ông Trần Thế Thuận - Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) đã ký quyết định thành lập tổ kiểm tra liên ngành về trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn quận. Theo quyết định này, tổ trưởng sẽ là lãnh đạo quận, tổ phó là lãnh đạo đội trật tự đô thị, còn thành viên tổ kiểm tra liên ngành là người đứng đầu Phòng quản lý đô thị, lực lượng công an, dân phòng,...
Ông Đoàn Ngọc Hải
Quyết định này nhấn mạnh, tổ kiểm tra liên ngành chỉ được ra quân khi có đề xuất của UBND 10 phường thuộc quận 1 và khi có phản ánh của người dân, cơ quan báo chí về tình trạng mất trật tự đô thị, lòng lề đường. Phương án, kế hoạch kiểm tra phải trình Chủ tịch UBND quận phê duyệt.
Với quyết định trên, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 muốn xuống đường "dep loạn vỉa hè" phải có đề xuất của UBND các phường hoặc phản ánh của người dân và cơ quan báo chí. Kể cả khi đã đủ các điều kiện kể trên, ông Hải còn phải lên kế hoạch và được sự đồng ý của ông Trần Thế Thuận thì mới được lập tổ liên ngành đi xử lý.
Ngày 15/10, UBND quận 1, TPHCM đã có thông báo chính thức về quyết định thành lập Tổ kiểm tra liên ngành này. UBND quận 1, khẳng định cách làm trên là để tránh tình trạng cấp trên làm thay công việc cấp dưới không phát huy được vai tò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.
PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
Bà Văn Thùy Dương, Hiệu Phó trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cậu Giấy (Hà Nội) cho biết, khoảng 00h sáng 9/10, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh) đã qua đời ở tuổi 80.
PSG Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
PGS Văn Như Cương mắc bệnh ung thư đã 3 năm nay. Hồi tháng 3/2017, ông nhập viện điều trị hơn 10 ngày. Khi vào nhập viện, gia đình, người thân luôn ở bên chăm sóc.
Ngày khai giảng năm học mới 2017-2018, PGS Văn Như Cương đã đến dự lễ khai giảng và truyền cảm hứng cho học sinh thông qua một thông điệp giàu ý nghĩa "bài học một phút chữa bệnh lười".
Sau ngày khai giảng, sức khỏe của ông yếu hơn và tiếp tục phải nhập viện điều trị.
PGS Cương có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt với ngôi trường THPT Lương Thế Vinh. Ông được mọi người nhớ tới là một nhà giáo có tâm với nghề, tận tuỵ, gần gũi và quan tâm tới học sinh...
Lễ tang PGS Văn Như Cương được tổ chức vào ngày 12/10, rất đông bạn bè, đồng nghiệp cùng hàng ngàn học sinh trường Lương Thế Vinh đã tề tựu tại Nhà tang lễ quốc gia (đường Trần Thánh Tông, Hà Nội) tiễn đưa PSG Văn Như Cương - người thầy lớn của nhiều thế hệ học sinh THPT Lương Thế Vinh - rời cõi trần về nơi yên nghỉ.
Giám đốc cây xăng người Nhật cúi chào khách hàng gây xôn xao
Ngày 11/10, trên một số trang mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh người đàn ông che ô đứng hàng giờ dưới trời mưa, cúi đầu chào khách hàng ngay tại trạm xăng được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người xôn xao.
Theo như tìm hiểu, người đàn ông này chính là ông Hiroaki Honjo - Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.
Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long, ông đội mưa hàng tiếng đồng hồ cúi chào khách vào đổ xăng
Ngày 5/10, Tập đoàn xăng dầu hàng đầu Nhật Bản- Idemitsu Q8 đã chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên (100% vốn FDI) tại Hà Nội. Trạm xăng nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội. Trạm xăng được thiết kế hiện đại, tránh xung đột giao thông giờ cao điểm, trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ Nhật Bản. Điểm đặc biệt của IQ8 là quản lý khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít, giúp người tiêu dùng yên tâm trước tình trạng gian lận xăng dầu. Trạm xăng có hệ thống thanh toán thẻ POS, có thể thanh toán bằng thẻ ATM. Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản "chuẩn Nhật".
Theo Danviet
Ông Hải nói gì về dẹp vỉa hè phải được chủ tịch quận đồng ý? Trước thông tin "muốn đi dẹp loạn vỉa hè, ông Đoàn Ngọc Hải phải được "sếp" gật đầu", chiều 14.10, phóng viên liên hệ với UBND TP.HCM để tìm hiểu thêm sự việc. Một lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM cho biết "đã biết thông tin này nhưng để UBND Q.1 có ý kiến". Tiếp đó, phóng viên Thanh Niên nhiều lần gọi...