Nỗi uất ức của con dâu khi đánh nhau với mẹ chồng
Tôi là độc giả thường xuyên của mục này. Tôi vẫn hay đọc và bình luận, góp ý cho các bạn gửi tâm sự lên đây. Nhưng không ngờ có ngày tôi lại phải lên…
Tôi là độc giả thường xuyên của mục này. Tôi vẫn hay đọc và bình luận, góp ý cho các bạn gửi tâm sự lên đây. Nhưng không ngờ có ngày tôi lại phải lên đây xin sự giúp đỡ của mọi người thế này. Gia đình tôi đang có một trận bão lớn. Trận bão này thực ra đã được góp thành từ nhiều cơn gió nhỏ trước đó.
Lấy chồng và đang bầu bí tháng thứ 5, tôi cũng phải ở chung với mẹ chồng. Và cũng như nhiều chị em khác, giữa tôi và mẹ chồng có nhiều mâu thuẫn. Mẹ chồng không vừa mắt với tôi và tôi cũng chẳng hài lòng cho lắm về bà ấy.
Mẹ chồng tôi rất kỹ tính. Tôi biết người già nào cũng như vậy, nhưng mẹ chồng tôi mắc bệnh săm soi con dâu quá mức. Tôi cảm nhận được bà luôn cố ý soi mói, vạch lá tìm sâu để làm khó và hạ bệ tôi trước mặt cả nhà.
Cứ mỗi lần tôi làm việc gì xong, mẹ chồng tôi đều luôn kiểm tra lại. Tôi rửa bát xong bà cũng phải tìm ra lý do đến gần bằng được cái tủ bếp để ngửi xem những chiếc bát đĩa có còn mùi dầu rửa bát lưu lại không.
Nhiều lúc ức chế với mẹ chồng, song tôi toàn tự nhủ bản thân phải nhịn cho yên cửa yên nhà
Tôi lau nhà xong bà hay giả bộ ngồi xổm xuống đất, rồi di tay xem có còn bụi dính lại không. 10 lần thì 9 lần rưỡi bà tỏ ý không hài lòng. Rồi bà cứ thế chửi tôi ăn hại và tôi phải làm lại.
Mẹ chồng tôi không bao giờ làm nhưng lại thích chỉ đạo và ra lệnh cho người khác. Đi đâu bà cũng mang tôi ra nói xấu là lười nhác, vô dạng. Nhưng nói thật, bà còn lười nhác hơn cả tôi.
Có nhiều ngày tôi bận bịu, phải mang sổ sách ở công ty về làm ở nhà nên không có thời gian dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Nhà một ngày không dọn, quần áo một ngày không giặt cũng chẳng chết ai. Thế mà mẹ chồng tôi tru tréo méo giật chửi tôi là đứa con dâu mất nết dám bỏ bê việc nhà hay ỉ lại cho mẹ chồng dọn.
Tôi đã cố rất lễ phép nói lại là: “Con đang bận việc, ngày mai con sẽ làm” thì bà bảo: “Dọn qua nhà cửa, giặt qua quần áo tốn mấy phút chứ bao nhiêu. Mày lúc nào cũng giỏi lấy cớ”.
Ừ thì chẳng tốn mấy phút, thế sao bà không làm đi mà bắt con dâu phải làm? Con dâu bận tối mắt, chẳng lẽ bà không đỡ đần được một chút? Nhưng mẹ chồng tôi là vậy, cả ngày bà chỉ ngồi chơi rồi đợi tôi về để săm soi, chửi rủa vậy.
Video đang HOT
Vì muốn quản lý chi tiêu trong gia đình nên mẹ chồng tôi nhận chân đi chợ. Dù tôi bận đến đâu, về muộn đến đâu bà cũng không bao giờ làm hộ. Đồ ăn mua về bà cứ vứt nguyên cả túi ni lông trong tủ lạnh, tôi về phải làm từ A đến Z.
Như hôm thứ Tư tuần trước,về đến nhà tôi rất ức chế. Mẹ chồng ngồi nhởn nhơ xem ti vi, ăn quà vặt trong khi cơm không cắm, rau còn nguyên chưa ngâm, chưa rửa; thịt thì chẳng mang ra rã đông giúp.
Đi về mệt mỏi, thay vội bộ quần áo là tôi phải lao ngay vào bếp nấu cơm mới kịp ăn. Đã vậy còn bị mẹ chồng chửi xéo là lề mề, chậm chạp. Tức mình, tôi nói: “Lần sau con về muộn, mẹ cắm cơm, rửa rau hộ con. Con về làm cho nhanh, cả nhà đỡ phải chờ”.
Thế là bà đá thúng đụng nia, đập đũa xuống mâm mắng sa sả vào mặt tôi bảo: “Mày là mẹ chồng hay tao là mẹ chồng mà mày dám sai khiến tao”. Nói rồi bà dỗi bỏ lên phòng không thèm ăn uống gì.
Chồng tôi lại quay sang mắng tôi nó hỗn, không biết nhường nhịn mẹ để bữa ăn mất ngon. Nói rồi, anh phi ngay lên gác để dỗ dành mẹ, để mặc tôi ngồi ấm ức.
Nói chung, cứ có cơ hội là mẹ chồng tận dụng triệt để lên mặt dạy dỗ tôi, dù là những chuyện nhỏ nhặt không đáng. Tôi ghi hận nhất là lần tôi đi tắm quên không mang khăn mặt. Lúc ấy chồng tôi không có nhà, chỉ có tôi và mẹ chồng. Tôi gọi mẹ chồng nhờ bà lấy hộ.
Tôi vừa dứt lời thì ở dưới nhà vọng lên tiếng chửi của mẹ chồng: “Sao mày đểnh đoảng thế, mày vụng thế. Đầu óc mày để đâu mà đi tắm có cái khăn cũng quên rồi bắt người khác hầu. Tao không lấy, cho mày chừa đi lần sau bỏ cái thói đểnh đoảng”.
Thế là tôi phải tím mặt, nhồng nhộng chạy từ nhà tắm vào phòng lấy khăn. Đấy mọi người xem, có cái chuyện cỏn con như thế mà bà cũng vin vào để xỉa xói, nhục mạ con dâu. Thế có đáng sợ không chứ!
Nhưng cứ sống với lũ nhiều cũng phải quen. Dù ấm ức nhưng tôi vẫn phải nhịn, nuốt căm hờn mà sống. Đa số những lần xích mích, tôi tâm niệm là thôi, toàn chuyện nhỏ nhặt, nhịn đi cho yên cửa nhà.
Nhưng cũng có những lúc trong người mệt mỏi, tôi không nhịn nổi nên cãi, phản ứng lại với mẹ chồng. Chẳng hạn như tối hôm qua, tôi đã không kiềm được mà nổi xung lên với bà, dẫn đến hậu quả tai hại.
Chẳng là, cả tuần nay gần như là địa ngục đối với tôi. Bao nhiêu việc đổ lên đầu. Ở công ty bị mất một cái hóa đơn, sếp làm ầm đổ lỗi cho tôi và bắt đền gần chục triệu. Khi đi làm về thì bầu bí đã mệt, lại đang bị cúm và bị ho rũ rượi nên tôi mất ngủ liên miên. Đã thế vẫn phải hầu hạ dạ vâng mẹ chồng, chịu đủ sự săm soi, càm ràm của bà ấy.
Tối qua, mẹ chồng lại lấy cớ gây sự với tôi. Tôi đang chuẩn bị đi lấy thuốc cúm uống thì bà đột nhiên nhảy xổ vào, quăng một cái áo lên mặt tôi và ầm ĩ chửi: “Tao đã nói bao nhiêu lần là phơi đồ thì phải giũ đã rồi mới treo lên, sao không bao giờ mày làm theo hả? Mày xem áo sống nhăn nhúm thế này mặc làm sao được. Mày điếc nên không nghe được tao nói, hay coi khinh lời tao dạy không thèm làm theo. Giống mất dạy. Mẹ mày không chịu dạy mày cho tử tế đã cho mày đi lấy chồng. Có nhà ai đen như nhà này, rước về một đứa vừa vụng vừa ngu, lại còn bảo thủ…”.
Đang mệt mỏi rã rời lại còn phải điếc tai nghe mẹ chồng chửi, máu tôi dồn hết lên não. Bực lắm rồi nhưng tôi tự nhủ cố nhịn. Nhưng lúc nghe bà lôi mẹ tôi ra, tôi không nhịn được đứng phắt dậy, cầm cái áo ném trả vào người mẹ chồng. Mặt tôi lúc ấy cũng câng câng lên bảo “Con chỉ hầu được đến thế thôi. Chưa hài lòng từ ngày mai mẹ tự đi mà làm, tự đi mà phục vụ mình”.
Như chỉ đợi tôi phản kháng là sẽ ra tay, mẹ chồng tôi ngay lập tức xông lên túm tóc tôi dúi xuống và đập liên tiếp đầu tôi vào tường. Một phần vì bản năng tự vệ, phần khác do bị đòn đau, cũng sẵn cơn ức chế nên gần như mất hết lý trí, tôi điên cuồng quờ tay rồi túm được tóc mẹ chồng, kéo xuống… Thế là bà la hét, gào khóc và bảo rằng tôi túm tóc, đánh nhau tay đôi với bà.
Anh chạy vào giằng tôi ra khỏi mẹ chồng và xô vợ xuống đất. Chưa kể, mặc kệ tôi bầu bí anh tát tôi gần chục cái liên tiếp đến cháy má.
Chồng tôi thấy hai mẹ con ầm ĩ cũng phi từ dưới nhà lên. Lẽ dĩ nhiên, lúc nào anh chẳng bênh mẹ mình. Anh chạy vào giằng tôi ra khỏi mẹ chồng và xô vợ xuống đất. Chưa kể, mặc kệ tôi bầu bí, anh tát tôi gần chục cái liên tiếp đến cháy má. Vừa tát, anh vừa chửi tôi là người vợ khốn nạn, đứa con dâu láo toét.
Uất ức, nhục nhã không chịu nổi, tôi lấy ví tiền và lao ra khỏi nhà trong bộ dạng tàn tệ ấy. Tôi gọi taxi đi về nhà mẹ đẻ. Cả đêm hôm qua, bố mẹ đẻ tôi phải lo lắng cho tôi đến mất ngủ. Còn tôi, nghĩ tới quãng thời gian tôi phải nhịn nhục và bị mẹ chồng chà đạp, tôi hận chồng và mẹ chồng đến tận xương tủy. Tôi cứ thế khóc trong cay đắng mà không sao dừng nước mắt được.
Giờ tôi phải làm sao đây? Tôi đã đánh nhau với mẹ chồng. Chuyện đã ầm ĩ đến nước này chắc cũng chẳng cứu vãn được nữa. Có lẽ tôi phải ly hôn thôi. Chỉ thương cho con trai bé bỏng của tôi còn chưa kịp chào đời mà tôi đã không thể cho con một gia đình trọn vẹn.
Theo VNE
Bị chồng bắt mất con!
Đứa con 5 tháng tuổi bị chồng bắt đem đi mất, hơn một năm qua chị Hoàng Thị Kim Ngân (29 tuổi, ngụ Phú Túc, Định Quán, Đồng Nai) gõ cửa các cơ quan thi hành án để đòi lại con theo bản án đã có hiệu lực của TAND tỉnh Đồng Nai, thế nhưng thi hành án trả lời "không thể làm gì được"?!
Chị Ngân khóc nức nở khi nhìn thấy con đang ngủ trong nhà của mẹ chồng (cũ) - Ảnh: Đ.T.
Nỗi uất ức chất chứa trong lòng của người phụ nữ trẻ từ trước đến nay như vỡ òa qua những giọt nước mắt khi chị Ngân kể câu chuyện của mình. Chị và anh Đinh Quốc Tuấn cưới nhau có đăng ký kết hôn. Sau khi sinh con, hai vợ chồng về nhà mẹ chị Ngân ở để bà ngoại phụ chăm sóc cháu. Tuy có xảy ra xích mích nhưng cuộc sống của hai vợ chồng vẫn bình thường.
Ngày 10-1-2011, khi con tròn 5 tháng tuổi, như thường lệ chị Ngân đi làm ở bệnh viện cách nhà hơn 20km, buổi trưa mẹ chị báo là anh Tuấn bồng con đi đâu không thấy đưa bé về cho uống sữa. Chị Ngân những tưởng anh Tuấn đưa con về nhà cho nội nên bảo mẹ ruột đừng lo. Thế nhưng chiều về, chị gọi điện thoại cho anh Tuấn thì không liên lạc được, cuống cuồng chạy lên nhà anh Tuấn thì nhà khóa trái. Hỏi một số nhà hàng xóm, chị mới biết anh Tuấn có chở con về, sau đó cả nhà đã đi đâu không rõ.
Suốt 30 tháng không một lần được nhìn mặt con
Khoảng hai ngày sau, chị tới nhà anh Tuấn gặp con được bế một lúc nhưng bị mẹ anh Tuấn sợ chị đem về, giằng lại rồi yêu cầu chị ra khỏi nhà. Sau đó, theo lời chị Ngân, gia đình anh Tuấn không để đứa trẻ ở nhà nữa mà đưa đi đâu mất. Nhớ con đến rời rã, tìm khắp nơi nhưng vẫn không được một lần nhìn mặt con, một tuần sau đó, bị sốc vì mất con, tức sữa, chị phải nhập viện tại bệnh viện nơi mình công tác.
Kể từ ngày con bị bắt mất, suốt một tháng ròng chị Ngân xin nghỉ phép dưỡng bệnh nhưng chủ yếu dành thời gian đi tìm con. Nhưng chị cũng chỉ tìm trong vô vọng vì đến nhà anh Tuấn lúc cửa khóa trái, lúc thì mẹ chồng đứng trước cửa không cho vào nhà gặp con. Chị Ngân quyết định nhờ pháp luật can thiệp bằng cách nộp đơn xin ly hôn ngày 16-2-2011. Thế nhưng, trong suốt quá trình hòa giải cơ sở cho đến khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra cả một năm sau đó, ngày 6-2-2012, anh Tuấn không hề xuất hiện và chị cũng chưa một lần được nhìn mặt con. Bản án sơ thẩm TAND huyện Thống Nhất tuyên chị Ngân được ly hôn và anh Tuấn có nghĩa vụ giao con cho chị Ngân... Ngày 13-6-2012, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm tuyên hủy hôn nhân trái pháp luật của chị Ngân và anh Tuấn. Nguyên nhân: anh Tuấn đã có giấy kết hôn với người khác từ ngày 11-8-2009 nhưng chỉ hai tháng sau, ngày 19-10-2009 vẫn làm giấy kết hôn với chị Ngân.
Bản án phúc thẩm TAND tỉnh Đồng Nai tuyên anh Tuấn giao con cho chị Ngân có hiệu lực từ ngày 13-6-2012. Thế nhưng từ đó đến nay, hằng tuần chị Ngân cứ chạy tới chạy lui đến Chi cục Thi hành án huyện Thống Nhất để hối thúc nhưng vẫn không được trả lại con.
Ông Trần Văn Minh, trưởng ấp Nguyễn Huệ 1, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, cho biết: "Khi anh Tuấn bắt con về nhà, chị Ngân đến tìm và hai bên gia đình đã xảy ra giằng co, giành giật đứa bé rất đau lòng. Khi tòa án xử ly hôn, anh Tuấn cương quyết không xuất hiện và tòa tuyên án vắng mặt. Thậm chí anh Tuấn có ở nhà nhưng thấy cơ quan chức năng đến là bỏ vào nhà trong không ra tiếp, chúng tôi đành chịu. Sau đó, gia đình thông báo anh Tuấn đi TP.HCM làm và đưa đứa con theo. Nhiều quyết định tống đạt của tòa, thi hành án đưa tới, vợ chồng ông Dung (cha của anh Tuấn - PV) đem ra ấp trả lại".
Sau nhiều lần liên hệ không gặp được, cuối cùng ông Đinh Quang Dung và bà Đặng Thị Sinh (bố mẹ của anh Tuấn) cũng tiếp chúng tôi và cho biết: "Đây là lần duy nhất và cuối cùng chúng tôi tiếp chuyện với người ngoài về vụ con của Tuấn". Ông bà cho biết anh Tuấn đi làm ở TP.HCM, không biết địa chỉ cũng không xài điện thoại, cần gì cứ nói chuyện với vợ chồng ông. Theo ông bà Dung, anh Tuấn đưa con về là muốn chị Ngân cùng với con về nhà chồng. Bà Sinh nói: "Tuấn không muốn ly dị nên chúng tôi sẽ không nhận giấy tờ gì cũng như không phải tiếp bất kỳ cơ quan nào". Ông Dung cương quyết: "Nếu anh là tòa án hay thi hành án, tôi đã đóng cửa không tiếp". Bà Sinh cũng nói: "Tôi thà chết chứ không chấp nhận yêu cầu của tòa giao con cho Ngân".
Thi hành án bất lực?
Lúc đầu, ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Thống Nhất - trả lời chúng tôi rằng anh Tuấn đã bế con đi khỏi địa phương không trình báo, không rõ địa chỉ, vì vậy vụ việc tạm ngừng chưa tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, chị Ngân bức xúc nói anh Tuấn hằng đêm vẫn về nhà. Ông Bùi Văn Thiện, phó chủ tịch UBND xã Quang Trung, cũng xác nhận anh Tuấn vẫn còn cư ngụ tại địa phương và chưa hề cắt hộ khẩu. Tuy nhiên, ông nói: "Anh Tuấn chỉ về ban đêm nên chúng tôi không thể gặp mặt để vận động thuyết phục thi hành án được. Cơ quan ban ngành, đoàn thể tiếp cận nói chuyện được với bố mẹ anh Tuấn nhưng khi đề cập việc thi hành án, họ không chấp nhận và từ đó khi thấy chúng tôi, họ đóng cửa không tiếp. Chúng tôi đã cử công an xã xuống làm việc nhưng cũng chưa tiếp cận được anh Tuấn".
Cùng một cách giải thích, ông Nguyễn Ngọc Bình - cán bộ Chi cục Thi hành án huyện Thống Nhất - cho biết: "Khi chúng tôi đến nhà, mẹ anh Tuấn không mở cửa cho vào, còn anh Tuấn tối mới về nên chúng tôi không tống đạt được các quyết định cho anh này. Một năm qua chúng tôi vẫn chưa tống đạt được cho anh Tuấn yêu cầu chấp hành án cũng như những giấy tờ liên quan. Thậm chí, chúng tôi gửi thư bảo đảm đúng địa chỉ nhà anh này nhưng đều bị bưu cục trả về vì không có người nhận". Trả lời câu hỏi của chúng tôi chẳng lẽ cơ quan thi hành án chịu thua, ông Bình nói: "Tuần nào chị Ngân cũng đến khóc lóc đòi con, nhưng chúng tôi bắt buộc phải có chữ ký của đương sự mới có thể làm các bước tiếp theo của thủ tục thi hành án".
Ngày 1-7-2013, ông Trần Anh Dũng khẳng định: "Cơ quan thi hành án đã báo mời tự nguyện và báo mời anh Tuấn lên làm việc nhiều lần nhưng đương sự không chấp hành, không hợp tác để làm việc. Chúng tôi cũng không thể làm gì hơn nếu không tống đạt cũng như được anh Tuấn ký xác nhận vào các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, do đương sự nhiều lần không chấp hành án, cơ quan sẽ làm đầy đủ các thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định".
Theo VNE