Nỗi uất nghẹn của người cha phải chứng kiến cả gia đình con trai bị thảm sát
Vụ án kinh hoàng mà nghịch tử Lê Văn Luyện gây ra đã khiến gia đình vốn êm ấm của hắn rơi vào cảnh tan nát. Nhưng ở phía nhà nạn nhân, nỗi đau dường như còn lớn hơn gấp bội, khi ông Trịnh Văn Tín (bố chủ tiệm vàng Ngọc Bích – PV) phải chịu cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Ông Trịnh Văn Tín chụp cùng cháu Bích khi cháu về khám bệnh (Ảnh do gia đình cung cấp)
Nỗi uất nghẹn, cho đến tận bây giờ vẫn dâng đầy trên khuôn mặt người đàn ông đã sống tuổi xế chiều, bởi ông không sao xóa nổi nỗi ám ảnh khi chứng kiến cả gia đình con trai mình bị thảm sát và khôn nguôi lo cho số phận mồ côi đầy bất hạnh của cháu Bích.
“Tôi vẫn không tin Luyện một mình gây án”
Quãng đường dẫn từ làng Thanh Lâm đến Phố Sàn (Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) không quá dài. Nhưng đặt chân đến địa danh từng xảy ra vụ thảm sát một thời khiến cả nước chấn động này, chúng tôi lại ngần ngừ, chưa dám lập tức vào gõ cửa nhà ông Trịnh Văn Tín. Nghe những người hàng xóm sống gần đó bảo, từ ngày chứng kiến cả gia đình con trai bị Lê Văn Luyện giết chết, ông Tín như người bị trầm cảm: “Ông ấy sống khép kín hơn, khuôn mặt lúc nào cũng đầy ưu tư. Đã có lần, người dân ở đây nhìn thấy phóng viên báo đài đến xin gặp, rồi chẳng hiểu sao lại bị ông ấy chửi mắng, đuổi thẳng ra cửa”.
Lời kể ấy của một người dân khiến chúng tôi nấn ná trước cửa nhà ông Tín đến gần nửa giờ đồng hồ, trong đầu mường tượng đủ kịch bản xấu nhất là “mình có thể bị đuổi”. Nhưng không, đón phóng viên đến thăm mình, ông Trịnh Văn Tín không hề thể hiện thái độ khó chịu nào. Trong đôi mắt đong đầy nỗi buồn u uẩn ấy, chúng tôi chỉ thấy ánh lên nỗi đau khó tả khi được gợi lại câu chuyện đau lòng năm xưa. “Tôi không cam lòng. Cả gia đình chúng tôi không tin một mình Lê Văn Luyện có thể sát hại mấy người nhà cháu Bích. Rõ ràng, cháu nội tôi nó trông thấy mấy người ép bố mẹ lên tường sát hại. Thử hỏi, một mình tên Luyện làm sao mà ép được hai người”, ông Tín mở đầu câu chuyện bằng những tâm sự mà lâu nay ông “đào sâu, chôn chặt”.
Rồi không kịp để chúng tôi chen ngang, ông tiếp lời: “Khi vụ án xảy ra, gia đình chúng tôi đã kiến nghị cơ quan điều tra về nhiều tình tiết đáng nghi khác như: Kết quả xét nghiệm tử thi cho biết nhiều vết thương được gây ra bằng 3 loại hung khí khác nhau, nhưng thực tế, mới thu được có 2 hung khí là một chiếc phớ và một con dao dài, hung khí thứ 3 vẫn chưa tìm được. Bên cạnh đó, ba nhà vệ sinh của tầng 1, tầng 2, tầng 3 của căn nhà đều có vết máu, trong khi Luyện khai gây án ở tầng 2… Nói chung nhiều tình tiết vẫn chưa được làm sáng tỏ, chúng tôi đã nhiều lần kháng án nhưng vẫn không thay đổi được gì”.
Video đang HOT
Nói đến đây, dường như bị khơi lại vết thương lòng quá lớn, ông Tín ngồi thừ người. Chúng tôi cũng lặng lẽ bên chén trà nghi ngút khói mà không dám cắt ngang mạch ký ức như đang ùa về nơi người đàn ông bất hạnh. Rồi mãi khi trấn tĩnh lại, ông Tính mới chầm chậm tiếp mạch tự sự của ông bằng giọng đầy chua xót: “Nỗi nghi ngờ làm tôi bức xúc. Nhưng nói thật với cô, điều khiến cả gia đình tôi lo lắng nhất bây giờ là an nguy của cháu Bích. Bố mẹ nó, em nó bị sát hại rồi. Sau khi vụ án đưa ra xét xử, tôi phải cấp tốc cho cháu theo người bác ruột vào Nam. Chúng tôi chưa từng nói địa chỉ, tung tích của cháu cho bất kỳ ai bởi nỗi sợ một ngày, Lê Văn Luyện ra tù, hoặc đồng bọn của hắn đang nhởn nhơ bên ngoài sẽ tìm đến thủ tiêu nó. Hai năm qua rồi, mà nỗi ám ảnh về sự an nguy của cháu Bích vẫn cứ ám ảnh trong từng miếng ăn, giấc ngủ của mỗi thành viên gia đình tôi.
Đau lòng vì dự đoán trước tai ương mà không tránh được
Ông Trịnh Văn Tín năm nay đã gần 80. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông bảo lẽ ra mình đã được an nhàn hưởng thú vui của tuổi già. Thế mà chỉ sau một đêm mưa gió, vì lòng tham, sát thủ Lê Văn Luyện đã xuống tay giết chết cả con trai, con dâu và đứa cháu trai nối dòng hương hỏa của ông. Khuôn mặt nhăn nhúm vì những vết chân chim in hằn, ông nói như mếu: “Tôi có mấy đứa con mà mất gần hết rồi, đứa nào cũng chết trẻ. Đứa đầu đi bộ đội bị hy sinh, đứa thứ hai bị tai nạn giao thông.
Trong gia đình, Ngọc (bố cháu Bích – PV) là út. Học hết cấp 2, tôi cho nó đi làm kinh tế, đi học lái xe. Rồi sau đó, nó lấy vợ và đưa nhau sang Hàn Quốc làm ăn. Bình nhật, Ngọc rất quan tâm đến mọi người, chẳng làm mất lòng ai bao giờ. Thời nó đi Hàn Quốc, sếp bên đó rất quý nó, thậm chí còn cho vợ chồng nó cả nhà để ở. Sau khi làm tích lũy đủ vốn, hai đứa mới trở về quê hương để sinh sống lập nghiệp. Đang bắt đầu giai đoạn con cháu ăn nên làm ra, các con bắt đầu báo hiếu cho bố mẹ thì thảm họa ập đến làm tôi thấy mình như bị ai cầm dao đâm muôn ngàn nhát vào tim”.
Ông Tín cũng kể thêm sau thảm án kinh hoàng, sinh hoạt chung của hai gia đình nội ngoại cháu Bích đều xáo trộn. Nhất là thời gian đầu, mỗi khi có công việc gì tụ họp, cả nhà lại thắp hương, cầm bát cơm ăn cũng rưng rưng nước mắt vì đau lòng nhớ đến thảm cảnh của vợ chồng, con cái anh Ngọc. Ông bức xúc bảo: “Gia đình bị sát hại, thiệt hại về người đã là nỗi đau rất lớn. Nhưng sau tất cả những chuyện đó, tôi vẫn thấy uất nghẹn trong lòng. Bao nhiêu chi phí lo ma chay, chi phí cho vụ án rồi lo cho cháu Bích sinh hoạt, đến giờ gia đình tôi chẳng nhận được bất cứ sự đền bù nào từ gia đình Luyện”.
Khi cơn giận dữ lắng dịu một chút, ông Tín lại trở lại vẻ trầm buồn. Đã chứng kiến quá nhiều cung bậc cảm xúc của ông trong cuộc nói chuyện, chúng tôi không còn thấy ngạc nhiên nữa. Nỗi đau đeo đẳng từ quá khứ đến hiện tại (và có lẽ là cho đến cuối cuộc đời – PV) dường như quá sức chịu đựng của ông. Từ sâu thẳm trong ký ức, ông Tín thấy có lỗi với các con, các cháu của mình. Ông bảo: “Tôi vốn nghiên cứu sách tử vi, tướng số làm thú vui nên cũng ít khi xem. Tết năm 2011, tự dưng tôi lại đem ra xem cho gia đình mình thấy có một cái hạn rất lớn, không người chết thì của mất nên cũng khuyên con cháu làm gì cũng phải cẩn thận, ra đường không được đụng độ ai, ai chửi bới nói gì cũng mặc kệ cho qua chuyện để gia đình yên ổn.
Vài ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát, tôi luôn cảm thấy gia đình cháu Ngọc có điềm bất an. Tôi cũng đã bảo một chú em làm dân quân rằng: “Các chú nên có một vài buổi tập huấn, cử người canh phòng ở ngã ba ngã tư và tập dượt khi dân có chuyện gì hô hoán là phải tới ngay. Nhất là nhà cháu Ngọc phải thật cẩn thận, nhà bán vàng thì sẽ rất nguy hiểm, lại có con nhỏ tay xách nách mang. Tuy nhiên, cháu Ngọc bảo nhà có dùi cui điện, thuốc xịt cay, rồi camera theo dõi, chuông báo động… trộm có vào cũng không làm gì được. Thế mà chuyện kinh khủng ấy vẫn đến. Tôi đau lòng lắm vì mình đã dự cảm trước mà chẳng thể cứu con cháu mình thoát đại nạn”.
Kể đến đây, ông Tín vội lấy tay quệt nhẹ lên khóe mắt để che đi giọt lệ vừa ứa ra. Ông tự sự, như để động viên chính mình: “Đợt trước, khi cháu Bích về thăm gia đình cháu vẫn viết bằng tay trái chứ chưa cầm nắm bằng tay phải, chỉ để hờ hờ được thôi. Mới đây, cháu Bích gọi về khoe điểm 10, có vẻ tinh thần cháu Bích cũng ổn hơn rồi, lần trước cháu về khám bệnh đã cam đảm ra ngoài mộ thắp hương cho bố mẹ”.
Trước khi chia tay, ông Tín dẫn chúng tôi trở lại tiệm vàng của gia đình cháu Bích năm xưa. Một cảm giác nặng trĩu dâng lên, khi nhìn thấy ngôi nhà cửa đóng then cài, nhưng toát lên đâu đây vẫn là không khí lạnh lùng, đầy ai oán. Ngôi nhà ấy, ông Tín giờ để làm nhà thờ, thi thoảng qua lại khói hương cho con cháu. Ông ước ao: “Sau này Bích lớn, tôi sẽ trao lại ngôi nhà cho nó. Nhưng biết khi trưởng thành, nó có còn muốn về nơi này. Cái chốn đau thương ấy là ký ức quá kinh hoàng. Và tương lai, ai biết sẽ là gì khi có thể đồng bọn của Luyện còn nhởn nhơ ngoài đó. Tôi chỉ lo, rồi chúng sẽ hại mạng cả đứa cháu đã quá bất hạnh của tôi…”.
Theo Dantri
"Gia đình Luyện chịu liên đới trong việc bồi thường cho cháu Bích"
"Do Luyện chưa đủ tuổi vị thành niên nên gia đình liên đới trách nhiệm trong việc bồi thường những tổn thất cho cháu Bích đến đủ 18 tuổi".
Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci (Bắc Giang) xung quanh trách nhiệm bồi thường của sát thủ Lê Văn Luyện đối với cháu Bích, nạn nhân duy nhất còn sống sót sau vụ giết người, cướp tiệm vàng ở phố Sàn (Lục Ngạn, Bắc Giang).
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Tú khẳng định, ngoài chịu trách nhiệm hình sự đã được tòa án tuyên, Lê Văn Luyện sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường mọi tổn thất liên quan đến các vết thương về thể xác và tinh thần cho cháu Bích.
Do Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi nên gia đình chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường
cho cháu Bích.
"Thứ nhất, Luyện sẽ phải bồi thường toàn bộ phần chi phí cho đám tang của bố mẹ và em gái cháu Bích. Thứ hai là toàn bộ phần chi phí chạy chữa cho cháu Bích bao gồm viện phí, thuốc thang, chi phí phục hồi sức khỏe, thẩm mĩ, ăn uống, chi phí thăm nuôi... Thứ ba, cháu Bích mới là một đứa trẻ, giờ lại không còn ai nuôi dưỡng, nên Luyện sẽ phải chịu toàn bộ chi phí đảm bảo nuôi dưỡng cho cháu Bích đến khi trưởng thành đủ 18 tuổi. Thứ tư là tổn thất về tinh thần của cháu Bích đối với cái chết của cha mẹ cháu, mỗi người không quá 60 tháng lương cơ bản".
Thêm vào đó, Luật sư Tú cũng nhấn mạnh: "Ngoài việc phải bồi thường các tổn thất trên, nếu số vàng bị cướp đi chưa được hoàn trả đủ thì Luyện cũng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại đầy đủ. Cùng với đó Luyện cũng phải bồi thường những thiệt hại với những thiết bị, đồ đạc làm hỏng của gia đình bị hại trong quá trình gây án và một số chi phí khác".
Tuy nhiên, Luật sư Tú cũng cho rằng: "Nếu Luyện đã đủ 18 tuổi thì Luyện sẽ chịu trách nhiệm riêng nhưng trong trường hợp này, khi gây án do Luyện là trẻ vị thành niên nên trong việc bồi thường cho cháu Bích, gia đình Luyện sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới".
Về nguyên tắc bồi thường, Luật sư Tú cho hay: "Pháp luật không có quy định cụ thể về thời hạn bồi thường là bao lâu nhưng về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường thiệt hại là phải kịp thời nên đáng lẽ ra việc bồi thường này phải thực hiện từ ngay sau khi vụ án xảy ra. Còn ở đây chưa thực hiện được thì trách nhiệm bồi thường phải tiến hành ngay sau khi bản án của tòa án có hiệu lực".
Cần khởi kiện tại tòa dân sự
Còn Luật sư Nguyễn Hồ Nam (Văn phòng Luật sư GOV Việt Nam) cho rằng: "Bản chất của bồi thường dân sự ở Việt Nam là sự thỏa thuận. Nó xuất phát từ yêu cầu của phía nguyên đơn yêu cầu phía bị đơn phải bồi thường thiệt hại theo những thiệt hại mà họ tính ra và chứng minh được thiệt hại đó trước tòa".
Cũng như vậy trong vụ án này, Luật sư Nam nhấn mạnh, trách nhiệm bồi thường của Lê Văn Luyện đối với cháu Bích ở đây là trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án hình sự.
"Về trách nhiệm hình sự Luyện đã bị tòa án sơ thẩm Bắc Giang tuyên án rồi còn việc bồi thường là trách nhiệm dân sự nên gia đình bị hại cần tiến hành khởi kiện đòi Lê Văn Luyện bồi thường những tổn thất cho cháu Bích tại tòa án dân sự", Luật sư Nam khẳng định.
Theo Giáo Dục VN
Người nhà tên Luyện bị thân nhân bị hại đánh rách đầu Ngày 10 - 11/1, Lê Văn Luyện (SN 1993, trú tại thôn Sân Đình 2, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam) là hung thủ vụ giết 3 trong tiệm vàng tại Bắc Giang được đưa ra xét xử. 5 người thân khác của Luyện gồm bố đẻ Lê Văn Miên, bác họ Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược, anh họ Trương Thanh...