Nổi u trên mí mắt: Dấu hiệu ung thư hay bệnh lý khác?
Thông thường, nổi u cục trên mí mắt thường vô hại và không có gì phải lo lắng. Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư mí mắt.
Một khối u trên mí mắt của bạn có thể gây kích ứng, đỏ và đau. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra u cục trên mí mắt, trong đó có thể liên quan đến ung thư. Dưới đây là 5 nguyên nhân gây ra tình trạng nổi u trên mí mắt và cách điều trị.
1. Ung thư mí mắt
Nổi u trên mí mắt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư mí mắt. Hầu hết các trường hợp ung thư mí mắt là ung thư da. Mí mắt của bạn có làn da mỏng nhất và nhạy cảm nhất trên cơ thể. Điều này có nghĩa là chúng dễ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Từ 5% đến 10% các bệnh ung thư da xảy ra trên mí mắt. Phần lớn ung thư mí mắt là ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy – hai loại ung thư da có thể điều trị được.
Các đặc điểm chung của ung thư mí mắt bao gồm:
- Sự thay đổi diện mạo của da mí mắt
- Nhiễm trùng mí mắt mãn tính
- Một vết loét (vùng da bị rách) trên mí mắt không lành
- Một khối màu lan rộng trên mí mắt
- Mất lông mi.
- Các khối u liên quan đến ung thư mí mắt có thể có màu đỏ, nâu, màu thịt hoặc đen. Chúng có thể lan rộng, thay đổi hình dáng hoặc khó lành lại.
Hơn một nửa số ca ung thư mí mắt hình thành ở phần dưới của mí mắt. Các vị trí ít phổ biến hơn bao gồm mí mắt trên, lông mày, góc trong của mắt hoặc góc ngoài của mắt.
- Cách chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán khối u trên mí mắt, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết bằng cách loại bỏ toàn bộ hoặc một phần khối u. Mẫu này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để xem dưới kính hiển vi. Một số xét nghiệm hình ảnh nhất định, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI, cũng có thể được thực hiện để xem liệu ung thư có lan ra ngoài mí mắt của bạn hay không.
Về phương pháp điều trị, phẫu thuật là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư mí mắt. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ tổn thương mí mắt và thực hiện tái tạo vùng da còn lại của bạn. Các phương pháp điều trị khác bao gồm: hóa trị, bức xạ, liệu pháp áp lạnh – tùy vào chỉ định của bác sĩ.
- Cách phòng ngừa
Cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư mí mắt là tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Khi bạn ra nắng nên bảo vệ da và mắt bằng cách: đội mũ, đeo kính râm và mặc quần áo bảo hộ, thoa kem chống nắng.
Ngoài ra, còn có một số cách khác để tránh ung thư mí mắt bao gồm:
- Không hút thuốc.
- Tránh uống rượu.
- Giữ mức độ căng thẳng ở mức thấp bằng cách thiền, yoga, tập thể dục,…
2. Lẹo mắt
Lẹo mắt là nguyên nhân phổ biến gây ra các u cục nổi bên ngoài hoặc trong mí mắt cùng với các triệu chứng khác như đỏ và đau.
Video đang HOT
Lẹo mắt hình thành khi một tuyến sản xuất dầu nhỏ trong nang lông mi hoặc da mí mắt của bạn bị tắc nghẽn và nhiễm trùng do vi khuẩn. Lẹo mắt không nguy hiểm, tình trạng này thường gây ra sự khó chịu cho người bệnh.
Lẹo mắt thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị (Ảnh: Internet)
- Cách điều trị
Lẹo mắt thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần và thường sẽ tự biến mất. Nhưng trong một số trường hợp, lẹo mắt không tự biến mất và cần sự can thiệp y tế.
Một số biện pháp giúp giảm đau, sưng tấy và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn khi bị lẹo mắt như:
Chườm ấm: Đắp khăn ấm lên mí mắt trong 10 đến 15 phút mỗi lần, nên thực hiện 3 đến 5 lần một ngày. Ngoài ra, bạn có thể dùng túi trà xanh ngâm trong nước ấm để chườm mắt, việc này sẽ giúp vết lẹo mắt không chỉ dễ chịu hơn mà còn giúp nhanh lành vết thương. Vì trà xanh có chứa chất chống oxy hóa tự nhiên nên có thể phá vỡ thành tế bào của vi khuẩn và tiêu diệt chúng.
Làm sạch mí mắt: Nhẹ nhàng lau sạch dịch tiết ở mắt bằng khăn lau mí mắt bán ở hiệu thuốc.
Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Lưu ý, không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi.
Mọi người nên lưu ý, không bóp hoặc nặn mụn lẹo cũng như tránh dụi mắt, chà xát vào mí mắt. Điều này có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- Cách phòng ngừa
Cách tốt nhất để ngăn ngừa lẹo mắt là thực hành vệ sinh da mặt tốt như:
Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là trước khi chạm vào mặt và mắt.
Rửa mặt để loại bỏ bụi bẩn hoặc lớp trang điểm trước khi đi ngủ.
Vứt bỏ đồ trang điểm mắt 2 đến 3 tháng một lần. Không nên sử dụng chung đồ trang điểm với người khác.
3. Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là tình trạng da gây sưng tấy quanh mí mắt và lông mi. Vi khuẩn và các tình trạng da khác thường gây viêm bờ mi. Bạn có nhiều khả năng bị lẹo mắt hơn nếu bị viêm bờ mi.
Các triệu chứng của viêm bờ mi bao gồm: Mí mắt sưng tấy, mắt đỏ kèm theo khó chịu hoặc ngứa rát, các vảy da tích tụ xung quanh mắt và mí mắt, khô mắt hoặc chảy nước mắt quá nhiều, mắt nhấp nháy quá mức.
Viêm bờ mi thường gây ngứa, đỏ, rát xung quanh mắt và mí mắt (Ảnh: Internet)
- Cách điều trị
Đối với một số loại viêm bờ mi, việc tự chăm sóc tại nhà có thể giúp làm dịu các triệu chứng.
Tránh trang điểm mắt: Để giảm bớt kích ứng, bạn nên tránh trang điểm mắt cho đến khi tình trạng viêm được kiểm soát.
Chườm ấm: Bạn lấy một chiếc khăn sạch và làm ướt bằng nước thật ấm. Vắt bớt nước thừa và đặt miếng vải lên mí mắt.
Bổ sung omega-3: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng omega-3 có trong cá hoặc dầu hạt lanh sẽ giúp các tuyến trong mắt bạn hoạt động tốt hơn. Ăn các loại rau lá xanh và tránh thực phẩm giàu chất béo cũng có thể hữu ích khi bạn bị viêm bờ mi.
Tẩy tế bào chết cho mí mắt: Bạn nên mua sản phẩm chuyên dụng để rửa mí mắt, sau đó dùng khăn sạch để rửa kỹ mí mắt. Điều này sẽ giúp giảm gàu trên lông mi và số lượng vi khuẩn trên da mí mắt của bạn.
Nếu tình trạng viêm bờ mi nặng, bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc thử một phương pháp điều trị khác.
- Cách phòng ngừa
Nhiều trường hợp viêm bờ mi không thể phòng ngừa được nhưng bằng một số biện pháp, mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ viêm bờ mi như:
Rửa tay thường xuyên, nhất là khi chạm tay lên mắt.
Không dụi mắt khi ngứa mà thay vào đó hãy sử dụng khăn sạch lau mắt và nhỏ nước muối sinh lý.
Loại bỏ tất cả các lớp trang điểm mắt trước khi đi ngủ.
Thay thế đồ trang điểm mắt như bút kẻ mắt, phấn mắt, mascara – vì chúng có thể chứa vi khuẩn trong hộp đựng
4. Chắp
Chắp là một vết sưng tấy xuất hiện trên mí mắt của bạn. Nó xảy ra khi tuyến dầu ở mí mắt của bạn bị tắc. Nếu chắp ngày càng lớn, nó có thể đè lên mắt và ảnh hưởng đến thị lực của bạn.
Chắp và lẹo mắt khá giống nhau nhưng đây là hai tình trạng khác nhau. Tuy nhiên, chắp thường không gây đau và phát triển sâu hơn về phía sau mí mắt hơn là lẹo mắt. Chắp thường không khiến toàn bộ mí mắt của bạn sưng lên.
Chắp thường không gây đau (Ảnh: Internet)
- Cách điều trị
Cũng giống như lẹo mắt, chườm ấm và vệ sinh sạch mí mắt sẽ giúp làm giảm triệu chứng. Vết chắp sẽ tự lành sau vài tuần. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc không biến mất.
Các biện pháp phòng ngừa chắp cũng giống như lẹo mắt và viêm bờ mi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
5. Ban vàng mí mắt
Ban vàng mí mắt là một vết sưng màu vàng vô hại trên hoặc gần da mí mắt của bạn, tình trạng này xảy ra khi chất béo tích tụ dưới bề mặt da.
Tuy nhiên, ban vàng mí mắt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý đáng lo ngại như bệnh tiểu đường, tăng lipid máu (cholesterol cao), các vấn đề về tuyến giáp.
- Cách điều trị
Không như lẹo, chắp hoặc viêm bờ mi, ban vàng mí mắt không biến mất nếu không điều trị. Thay vào đó, nó vẫn giữ nguyên kích thước hoặc lớn hơn. Bạn không thể nặn u mụn ban vàng mí mắt như mụn nhọt. Cách điều trị cần sử dụng một số thủ thuật y tế nên bạn cần đến bệnh viện.
Tóm lại, nổi u trên mí mắt có thể có liên quan đến ung thư nhưng phổ biến hơn là các tình trạng lành tính. Mặc dù bạn không nên quá lo lắng khi xuất hiện u trên mí mắt, nhưng nếu u cục xuất hiện và không biến mất, kèm theo đó bạn nhận thấy mắt có nhiều triệu chứng bất thường thì nên đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Các biện pháp khắc phục khô mắt tại nhà
Khô mắt có thể xảy ra do mắt không tiết đủ nước mắt hoặc do viêm bờ mi khiến mắt cay và rát, cảm thấy có sạn trong mắt...
Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu của khô mắt, bạn có thể thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà. Hãy đọc bài viết dưới đây.
1. Triệu chứng khô mắt
Đỏ mắt hoặc đau nhức mắt; cảm giác châm chích hoặc nóng rát, có sạn trong mắt.Mắt nhạy cảm với khói hoặc gió, ánh sáng.Mờ mắt, đặc biệt là vào cuối ngày.Nhìn đôi.Mỏi mắt sau khi đọc, dù chỉ trong thời gian ngắn.Khó giữ mắt mở.Khó chịu khi đeo kính áp tròng.Mí mắt dính vào nhau khi thức dậy. Một số người bị đau mắt dữ dội, điều này có thể dẫn đến lo lắng và khó khăn trong hoạt động hàng ngày.
2. Nguyên nhân gây khô mắt
Đôi mắt khỏe mạnh luôn được bao phủ bởi "màng nước mắt", là màng chất lỏng giúp nhìn rõ và ngăn ngừa mắt bị khô. Các tuyến nước mắt chịu trách nhiệm sản xuất nước mắt.
Nguyên nhân chính gây khô mắt là do nước mắt sản xuất không đủ và sự mất cân bằng trong hỗn hợp nước mắt khiến chúng bay hơi quá nhanh.
Khô mắt do thiếu nước mắt về số lượng và chất lượng, gây cảm giác khó chịu tại mắt.
3. Biện pháp giảm khô mắt
- Chườm ấm: Nước mắt được làm từ dầu, nước và chất nhầy. Đôi mắt của bạn cần cả ba phần để giữ ẩm và khỏe mạnh. Mí mắt bị viêm và bong tróc có thể làm tắc nghẽn tuyến dầu dọc theo mép mi và dẫn đến khô mắt.
Cách 1: Dùng khăn ấm
Để giúp giảm bớt kích ứng và làm lỏng dầu bị tắc, hãy làm ướt một chiếc khăn sạch bằng nước ấm, vắt khô và đặt lên mắt đang nhắm trong ít nhất một phút. Dùng ngón tay ấn nhẹ vào mép mí mắt để giúp bóp bớt dầu bị tắc. Hơi nóng ẩm giúp làm lỏng các chất dầu bị tắc trong các tuyến.
Làm ướt vải thường xuyên để giữ ấm. Bạn có thể cần chườm ấm mỗi ngày để giúp giảm viêm, ngay cả sau khi mắt bạn đã cảm thấy dễ chịu hơn.
Cách 2: Chườm ấm bằng tay
Áp hai lòng bàn tay vào nhau, xoa mạnh tạo ra hơi nóng ấm trong lòng bàn tay, áp nhanh lòng bàn tay vào mắt để cảm nhận hơi ấm. Có thể thực hiện 3-5 lượt mỗi lần, nhiều lần mỗi ngày để tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu cho mắt.
Dùng khăn ấm chườm mắt giúp giảm khô mắt.
- Xông mắt: Xông mắt làm giảm tình trạng viêm và bong tróc ở mí mắt, làm giảm tắc nghẽn các tuyến, ngăn ngừa khô mắt.
Cách thực hiện: Sử dụng cúc hoa, hoàng bá, tang diệp, hồng hoa, tần bì, bạc hà đem sao nóng rồi cho vào lọ hoặc cốc. Đậy kín miệng bằng đầu ống giấy dày, áp mắt vào đầu ống giấy còn lại để thực hiện xông mắt trong 15 phút mỗi bên, trong 1 tháng liên tục.
Lưu ý: Cần lựa chọn khoảng cách an toàn giữa mắt và đầu ống giấy để tránh bị bỏng mắt do hơi nóng.
Sử dụng ống giấy dày đậy kín miệng lọ hoặc cốc và xông mắt ở bên đầu đối diện.
- Xoa bóp: Thực hiện xoa bóp mắt bằng cách sử dụng hai ngón tay giữa áp lên hai mắt nhắm và tiến hành xoa bóp vòng quanh hốc mắt theo chiều kim đồng hồ 10 lần, ngược chiều kim đồng hồ 10 lầm giúp giảm khô mắt, giảm căng thẳng cho mắt, đặc biệt với người phải sử dụng mắt để làm việc với cường độ cao.
- Làm sạch mí mắt: Làm sạch mí mắt cũng như vùng da và tóc xung quanh mắt có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm ở mí mắt, làm dịu và giảm khó chịu tại mắt.
- Tăng cường chớp mắt: Nhìn chằm chằm vào máy tính sẽ hạn chế số lần bạn chớp mắt mỗi phút. Vì vậy hãy cố gắng chớp mắt thường xuyên khi bạn làm việc với máy tính hay xem điện thoại giúp bôi trơn bề mặt nhãn cầu, đẩy bụi bẩn ra ngoài, giảm khô mắt.
Thực hiện theo quy tắc 20/20: Nhắm mắt lại sau mỗi 20 phút trong 20 giây.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một thủ thuật đơn giản khác để giữ ẩm cho mắt khi sử dụng máy tính: Đặt màn hình thấp hơn tầm mắt. Khi đó, bạn sẽ không cần phải mở to mắt, điều này có thể giúp làm chậm quá trình bay hơi của nước mắt giữa các lần chớp mắt.
Thường xuyên chớp mắt giúp giảm khô mắt.
- Ăn cá có dầu: Ví dụ, cá hồi và cá ngừ, hoặc cá mòi, cá thu. Đây là những loại cá chứa acid béo omega-3. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy những chất béo lành mạnh này giúp tuyến dầu trong mắt hoạt động tốt hơn, có thể làm giảm kích ứng, khô mắt hay những khó chịu tại mắt.
Các loại thực phẩm khác có hàm lượng chất béo omega-3 cao tự nhiên bao gồm quả óc chó, dầu thực vật (như dầu hạt cải và dầu đậu nành) và hạt lanh.
- Uống đủ nước: Mọi bộ phận trên cơ thể đều cần nước để hoạt động trơn tru, bao gồm cả đôi mắt. Do đó, bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng đợi đến khi khát mới uống nước. Bên cạnh nước lọc, bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu nước như dưa chuột, dưa hấu...
Bạn cũng có thể sử dụng hàng ngày một số loại trà cải thiện tình trạng khô mắt, bảo vệ và làm sáng mắt như trà câu kỷ cúc hoa, trà thảo quyết minh, trà mạch môn sài hồ cúc hoa...
Ngoài ra, để tránh khô mắt, khi ở nhà, bạn nên tránh thổi không khí từ máy sấy tóc, điều hòa hoặc quạt vào mắt.
Ngạt mũi, chảy nước mũi: Cần làm gì để giảm triệu chứng? Ngạt mũi, chảy nước mũi là tình trạng mũi bị tắc nghẽn gây khó thở và khiến người bệnh phải thở bằng miệng. Đây là vấn đề thường gặp khi thời tiết chuyển mùa. Vậy xử trí như thế nào? Nguyên nhân gây ngạt mũi, chảy nước mũi Ngạt mũi là tình trạng mũi bị tắc nghẽn gây khó thở, do lớp niêm...