Nỗi tuyệt vọng chờ tàu di tản của người Ukraine
Một không khí hỗn loạn và đông đúc tại nhà ga đường sắt ở Lviv, Ukraine, gần biên giới Ba Lan, khi hầu hết mọi người không thể mua được vé.
Những người sơ tán khỏi Ukraine đang chờ đợi để được đưa tới trung tâm tị nạn tại Medyka, Ba Lan (Ảnh: Reuters).
Guardian đưa tin, trên các cửa sổ bán vé bên trong ga đường sắt ở Lviv, miền tây Ukraine , cách biên giới Ba Lan 60 km, có hai loại vé dành cho những người muốn rời đi.
Đầu tiên, vé miễn phí cho các chuyến tàu di tản. Nhưng vấn đề là, những tấm vé này hầu như rất khó để có được. Lựa chọn thay thế là một tấm vé dịch vụ thông thường.
Điều đáng chú ý lần này là vé đã hết cho đến tận tháng 3. Và ngay cả khi có vé, những người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ từ 18-60 cũng không được phép đi du lịch do yêu cầu của chính phủ Ukraine.
Alexei Lutaev, 43 tuổi, một quản lý địa điểm xây dựng từ Dnipro, đang đợi để lấy vé tàu đi Ba Lan cho con trai 16 tuổi của anh. Anh này đang đợi trên xe gần đó với mẹ.
“Tôi không thể rời đi vì tôi là một người khỏe mạnh và không được phép rời đi”, Lutaev nói. “Dù sao thì con trai tôi cũng đang đi học ở Ba Lan nhưng chúng tôi muốn đưa cháu lên tàu. Vợ tôi sẽ không đi nếu tôi không thể đi. Vì vậy, chúng tôi quyết định ở lại. Nhưng tôi có niềm tin rằng quân đội Ukraine có thể bảo vệ chúng tôi”, anh Lutaev nói thêm.
Nếu quân đội Ukraine không thể làm điều đó, Lutaev nói bản thân sẽ làm bất cứ điều gì để vượt qua biên giới.
“Tôi đã ở Berdyansk (một thị trấn bên cạnh Mariupol trên Biển Azov) khi xung đột bùng nổ. Tôi nghe tin Nga không kích và quyết định về thẳng nhà đến Dnipro để đón gia đình mình”, Lutaev nói.
Video đang HOT
Những người đi sơ tán tại Siret, Romania (Ảnh: Reuters).
Những người trong phòng soát vé đông đúc đang ngồi bất cứ nơi nào có chỗ trống. Một số đang ngủ trên sàn. Tuy nhiên, hầu hết đều chen lấn ở các cửa sổ bán vé, nơi hầu như không còn vé để mua.
Đứng xếp hàng dài đợi là Tony Frazier từ Tampa, Florida (Mỹ), người đã bay đến Kiev một tuần trước khi giao tranh xảy ra để đón người vợ Ukraine của mình. Anh nói chỉ thấy còn đúng một vé cho ngày 4/3.
“Thật là kinh khủng. Khi các vụ nổ bắt đầu ở Kiev, chúng tôi chạy nhanh đến nhà ga. Mọi người tranh nhau lên tàu, xô đẩy phụ nữ để chạy thoát thân. Chúng tôi đổi chuyến tàu ở Zhitomyr (đi về phía tây của Kiev), nơi chúng tôi đã đánh nhau để có được một chuyến tàu khác. Thật là khủng khiếp nhưng không còn lựa chọn nào khác”, anh nói.
Anh cho biết, đại sứ quán Mỹ đã nói họ có thể trợ giúp nhưng trước tiên anh phải vượt qua biên giới. Tuy nhiên, đám đông chật ních đã chặn các cầu thang lên sân ga, nơi mọi người đang xếp hàng kéo dài.
Những lời hò hét tuyệt vọng
Một phụ nữ khóc nức nở khi dắt 2 con băng qua biên giới Ukraine – Romania hôm 28/2(Ảnh: Reuters).
Khi 3 hành khách cuối cùng chen chúc lên chuyến tàu đến Uzhgorod, phía nam Lviv, gần biên giới Hungary, người soát vé thông báo tàu đã hết chỗ. Đáp lại là những lời hò hét tuyệt vọng.
Yulia Anosova, 30 tuổi, làm việc cho một tổ chức vì quyền phụ nữ và đã thoát khỏi Kiev trên một chuyến tàu sơ tán với máy tính xách tay, tài liệu và một bộ quần áo thay đổi, đã đứng chờ đợi bên ngoài nhà ga từ hôm 27/2.
“Tôi đang cố gắng đến Ba Lan”, cô nói. “Tôi có những người bạn và họ hàng có thể giúp đỡ tôi ở đó. Tôi rời thủ đô Kiev vào ngày 25/2 trên một chuyến tàu sơ tán nhưng nó thực sự quá đông. Tôi đã phải đứng suốt 8 tiếng đồng hồ”.
Anosova sống ở ngoại ô Kiev gần căn cứ không quân Hostomel, nơi đã xảy ra giao tranh dữ dội vào cuối tuần trước.
“Tôi đã ở lại Kiev trong 27 giờ”, cô nói. “Không có bất kỳ tiếng còi nào để cảnh báo những gì sắp xảy ra, chỉ có những tiếng nổ chát chúa. Tôi đã xuống hầm trú ẩn nhiều lần trong đêm và sau đó quyết định rời đi”, cô nói.
Ngay lúc đó, một người đàn ông đi qua đám đông chào mời mọi người sử dụng dịch vụ ô tô để đi qua biên giới. Gần như ngay lập tức một gia đình có trẻ nhỏ lên xe cùng anh ta.
Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 368.000 người đã chạy từ Ukraine sang các nước láng giềng trong những ngày gần đây. Và đối với nhiều người, tàu hỏa vẫn là lối thoát đáng tin cậy nhất, đặc biệt là đến Przemysl, nhà ga đầu tiên ở Ba Lan qua biên giới.
Ông Filippo Grandi, người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, cho biết: “Xin chân thành cảm ơn chính phủ và người dân các nước luôn mở rộng biên giới và chào đón những người tị nạn”.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là dòng người di tản ngày càng nhiều. Ông Grandi nói: “Số người di tản ở Ukraine cũng đang tăng lên, nhưng tình hình giao tranh khiến việc ước tính số người và cung cấp viện trợ trở nên khó khăn”.
Một tòa nhà dân cư ở Kiev, Ukraine bị trúng hỏa lực (Ảnh: Reuters).
Trong khi một số người đã vượt biên sang Hungary, phần lớn những người di tản đã đến Ba Lan, nơi cho phép bất kỳ ai từ Ukraine nhập cảnh, kể cả những người không có hộ chiếu hợp lệ. Ba Lan ước tính rằng có thể tiếp nhận 1,5 triệu người Ukraine trong trường hợp xấu nhất.
Lựa chọn thay thế cho tàu hỏa, đối với những người có quyền sử dụng ô tô, là phải xếp hàng 2 ngày trở lên để đi qua cửa khẩu Medyka. Nếu không, mọi người phải đi bộ 5 km từ điểm đón taxi gần biên giới, mang theo hành lý, trẻ em và thậm chí cả vật nuôi. Đó là một cảnh tượng quá sức đối với nhiều người.
Tình hình đặc biệt khó khăn đối với nhiều người nước ngoài đã đến Ukraine để làm việc và học tập.
Desmond Alfred là một sinh viên 23 tuổi đến từ Nigeria, đang theo học ngành y ở Odessa. “Ban đầu chúng tôi được cho là sẽ được đưa đón bằng xe buýt đến Moldova”, anh nói. “Nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ vì vậy chúng tôi đã đi đến đây. Đại sứ quán Nigeria sẽ giúp chúng tôi khi chúng tôi qua được bên kia biên giới, nhưng cho đến lúc đó thì tôi không có tiền”.
Tổng thống Biden lên tiếng về lo ngại bùng phát xung đột hạt nhân
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng trước những lo ngại về kịch bản xung đột hạt nhân có thể bùng phát, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).
Reuters đưa tin, Tổng thống Biden hôm 28/2 đã trấn an người dân Mỹ trước nỗi lo rằng kịch bản xung đột hạt nhân có thể xảy ra, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo đưa lực lượng răn đe hạt nhân của nước này vào tình trạng cảnh giác cao.
Động thái của Nga diễn ra trong bối cảnh họ và phương Tây leo thang căng thẳng dồn dập trong thời gian qua vì chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine bắt đầu hôm 24/2.
Khi được hỏi rằng liệu người Mỹ có cần phải lo ngại về kịch bản xung đột hạt nhân bùng phát hay không, ông Biden trả lời là không.
Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki vào cùng ngày nói rằng, Mỹ chưa có bất cứ lý do nào để thay đổi mức độ cảnh báo hạt nhân vào thời điểm hiện tại.
"Chúng tôi đang đánh giá chỉ thị của Tổng thống Putin và tại thời điểm này, chúng tôi thấy không có lý do gì để thay đổi mức độ cảnh báo của Mỹ", bà Psaki nói.
Bà Psaki nói rằng Mỹ và 30 nước thành viên NATO không mong muốn nổ ra xung đột với Nga. Bà cáo buộc, động thái của Moscow là lời nói khiêu khích và cảnh báo nó có thể trở nên nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng, Nga và Mỹ từ lâu đã nhất trí rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Nhà Trắng cũng chỉ ra rằng Nga đã ký vào các tuyên bố chung khẳng định một cuộc chiến tranh hạt nhân là không thể thắng và không bao giờ nên được tiến hành.
Cảnh tha hương của dân thường Ukraine giữa khói lửa chiến sự Giao tranh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đẩy nhiều dân thường vô tội rơi vào cảnh tha hương, hoặc thấp thỏm sống dưới khói lửa chiến sự. Giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine bùng phát kể từ ngày 24/2 khi Moscow tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa Ukraine". Trong ảnh, người dân nằm la...