Nội tình lãnh đạo TQ thời Tập Cận Bình
Trong tháng này, ông Tập Cận Bình sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nước Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông sẽ phải dung hòa các nhóm trong Đảng, và khó có khả năng tạo ra thay đổi đột phá.
Thế hệ lãnh đạo thứ nhất và thứ hai của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, đều là nhà lãnh đạo tối cao. Nhưng trong suốt 2 thập kỷ qua, lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực thay đổi để nhấn mạnh vào sự lãnh đạo tập thể.
Đại hội ĐCS TQ lần thứ 18 hồi tháng 11 năm ngoái đã sắp xếp phần lớn đội ngũ lãnh đạo mới cho cuộc chuyển giao chục năm mới diễn ra một lần. Năm 2011, 5 trong 7 thành viên của Ủy ban thường vụ sẽ đến tuổi nghỉ hưu sau 5 năm công tác. Chỉ có hai lãnh đạo tối cao của Trung Quốc là chủ tịch tương lai Tập Cận Bình và thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường vẫn còn tại nhiệm vào năm 2017.
Hiện tại có hai phái chính đang cạnh tranh quyền lực trong nội bộ Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị TQ. Các thành viên của “ Nhóm Thượng Hải” do cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân đứng đầu có quan hệ thân thiết với tầng lớp thương nhân giàu có. Phái thứ hai được gọi là “Đoàn phái” dẫn đầu bởi Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào, xuất thân từ Đoàn thanh niên Cộng sản.
Ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình vỗ tay khi ông Lý Khắc Cường đi qua
Hầu hết các thành viên của Bộ Chính trị và bí thư Đảng cấp tỉnh có khả năng được đề cử trong nhiệm kỳ mới từ năm 2017 đều trưởng thành từ Đoàn thanh niên Cộng sản, theo trang ConnectedChina của hãng tin Reuters chuyên theo dõi sự nghiệp chính trị và mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Video đang HOT
Dù sự sắp xếp của Bộ Chính trị hồi tháng 11 năm ngoái nói lên mối liên hệ rõ ràng với ông Giang Trạch Dân, các nhà phân tích cho rằng phe của ông Hồ Cẩm Đào sẽ chiếm ưu thế trong dài hạn.
Nhóm thứ ba cũng đang trưởng thành nhanh chóng, gồm con của những nhà lãnh đạo cách mạng. Nhân vật chủ chốt là ông Tập và các thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị gồm Du Chính Thanh, Vương Kỳ Sơn và Trương Đức Giang.
Ông Tập là Tổng bí thư ĐSC đầu tiên ở Trung Quốc lên nắm quyền trong khi hai người tiền nhiệm đều còn sống. Điều đó nghĩa là ông Tập phải tạo ra sự đồng thuận giữa các nhóm liên quan tới hai người tiền nhiệm thay vì trở thành một tác nhân cho sự cải tổ, các nhà phân tích chính trị nhận xét.
6 trong 7 thành viên của Ủy ban thường vụ đều có quan hệ với ông Giang Trạch Dân, người từng nắm chức vụ tối cao trong ĐCS cách đây hơn 1 thập kỷ. Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường, người có quan hệ với ông Hồ Cẩm Đào trong những năm 1980, là thành viên duy nhất của Ủy ban thường vụ được coi là thân tín của ông Hồ Cẩm Đào và thuộc nhóm “Đoàn phái”.
Nhưng ông Giang, năm nay 86 tuổi, là cấp trên của ông Hồ Cẩm Đào trong suốt 16 năm. Rất ít thân tín của ông Giang còn công tác khi các thành viên của Ủy ban thường vụ nghỉ hưu vào năm 2017.
Những nhóm kiểu này ít khi còn tồn tại sau khi người đứng đầu không còn, Jiangnan Zhu, phó giáo sư nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Hong Kong, nhận xét.
“Thông thường khi người bảo trợ không còn, những người đi theo khó gắn bó với nhau được lâu, dẫn tới nhóm tan rã. Đó là trường hợp của Chủ tịch Mao Trạch Đông, người có quyền lực nhất trong lịch sử ĐCS Trung Quốc”, Zhu nói.
Cơ sở quyền lực của ông Tập Cận Bình là quân đội, nơi trưởng thành của nhiều con cháu thế hệ cách mạng.
Theo dữ liệu của Reuters, cho đến nay ông Tập Cận Bình không có quan hệ thân thiết với các thành viên trong ĐCS và chính phủ. Trong số 14 thành viên của Bộ Chính trị thích hợp cho nhiệm kỳ sau vào năm 2017 thì chỉ có 2 người được coi là có quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình, đó là ông Lật Chiến Thư và Hứa Kỳ Lượng. Ông Lật, chánh văn phòng Trung ương Đảng, được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với ông Tập Cận Bình khi cả hai người từng là việc ở tỉnh Hà Bắc năm 1980. Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng được cho là khó có khả năng được bầu vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị.
Theo các nhà phân tích, ông Tập Cận Bình sẽ không có đủ thời gian để xây dựng phái riêng, mà chỉ có thể dành thời gian để tạo dựng sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo chóp bu.
Theo 24h
Ông Giang Trạch Dân tự nguyện nhường thứ bậc
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trái) bắt tay ông Giang Trạch Dân tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 - Ảnh: Reuters
Nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã được xếp ở vị trí phía dưới trong thứ bậc chính trị tại Trung Quốc, khi quá trình chuyển giao quyền hành tại nước này bước vào giai đoạn cuối cùng.
Trong bản tin về tang lễ của nhân vật lão thành Dương Bạch Băng (em trai cố Chủ tịch Dương Thượng Côn), Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) xếp ông Giang phía sau Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư Tập Cận Bình và các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 17, 18.
Kể từ khi ông Giang, người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc, nghỉ hưu vào năm 2004, ông chỉ xếp sau Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong mọi lần xuất hiện trước công chúng và trong các bản tin, theo tờ Thời báo Hoàn cầu.
Vào hôm 23.1, Tân Hoa xã đã đăng tải một bản tin ngắn trên website, nói rằng sau đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (tháng 11.2012), nhà cựu lãnh đạo 86 tuổi đã đề nghị Ban chấp hành Trung ương xếp tên ông vào nhóm các lãnh đạo cao cấp về hưu trong thứ bậc của lãnh đạo đảng và nhà nước.
Tân Hoa xã đã ca ngợi hành động của ông Giang là phẩm hạnh thanh cao của một đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, thứ bậc chính thức tại Trung Quốc là vấn đề quan trọng, được theo dõi cẩn thận và đôi khi được xem là manh mối cho những dấu hiệu chính trị.
Trong chương trình thời sự buổi tối (Tân văn liên bá) của CCTV, các quan chức phải được tường thuật theo thứ bậc nghiêm ngặt. Các tờ báo chính thống tại Trung Quốc cũng phải trình bày theo đúng quy định về thứ bậc.
Ông Giang vốn ngồi cạnh ông Hồ ở giữa hàng ghế đầu tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, trong khi các cựu lãnh đạo khác, gồm nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ, cũng xuất hiện tại đại hội ở những vị trí nổi bật, theo Thời báo Hoàn cầu.
Ông Hồ Cẩm Đào kế nhiệm chức vụ Tổng bí thư của ông Giang Trạch Dân vào năm 2002, song chỉ tiếp quản chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương hai năm sau đó.
Tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Tổng bí thư Tập Cận Bình tiết lộ ông Hồ Cẩm Đào đã tự nguyện chuyển giao ngay chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương và ca ngợi quyết định của ông Hồ Cẩm Đào là tiêu biểu cho phẩm hạnh thanh cao của ông.
Theo TNO
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi Đài Loan đoàn tụ với TQ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm 9/10, đã lên tiếng kêu gọi Đài Loan hãy đoàn tụ với Trung Quốc đại lục. Lời kêu gọi của ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra trong bối cảnh nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Tân Hợi, lật đổ chế độ nhà Thanh kết thúc lịch sử phong kiến kéo dài...