Nỗi sợ sập nhà khi sống cạnh công trình
Dù không có thiệt hại về người, dù đã xảy ra hơn hai ngày nhưng nhắc đến hai căn nhà đổ sập trong đêm, người dân đường Tân Sơn Hoà, P.2, Q. Tân Bình, TP.HCM vẫn còn khiếp đảm. Nỗi khiếp đảm này đang lây lan, khi không ít những người quen, bạn đọc của phóng viên Thế Giới Tiếp Thị gọi đến bày tỏ nỗi lo, nỗi run sợ khi phải sống cạnh những công trình đang xây dựng trong khu dân cư mà họ đang sinh sống.
Kinh hãi
Trở lại câu chuyện hai căn nhà bị sập trong đêm ở đường Tân Sơn Hoà, chiều 3.9, ông lãnh đạo P.2 cho biết nguyên nhân là do công trình ở số 43 đang thi công phần móng khiến các căn nhà bên cạnh bị ảnh hưởng. Cụ thể, công trình ở nhà số 43 được thiết kế 1 trệt, 4 lầu và sân thượng. Quá trình thi công phần móng bất ngờ gây sập căn nhà số 41, khiến căn này đè sập căn 47 và bể một tường căn số 49. Nhà số 41 được xây dựng hơn 15 năm.
Căn nhà số 41 đường Tân Sơn Hòa bị sập trong đêm do nhà 43 thi công phần móng, khiến người dân Sài Gòn bắt đầu lo sợ khi sống gần công trình. Ảnh: TLDV.
Nhắc lại sự cố trên, anh Hoàng, một người dân chứng kiến vụ việc đã phải thốt lên là quá kinh hoàng. Bởi theo anh này, đêm xảy ra vụ việc không riêng mình và còn có nhiều người khác nghe tiếng động lạ phát ra từ căn nhà 3 tầng ở số 41. “Chạy tới xem thế nào thì ai cũng thất kinh khi thấy những vết nứt xuất hiện trên tường. Không ai bảo ai, tất cả đồng loạt đều la lớn để những người trong căn nhà, trong đó có một cụ ông hơn 70 tuổi và các nhà lân cận tháo chạy ra ngoài. Nhìn cảnh này đố ai mà không rụng rời tay chân”, anh Hoàng chia sẻ.
“Nói thiệt với chú, đọc báo thấy sự việc sập nhà vì công trình đào móng ở Tân Bình mà mấy hôm nay tui ăn không ngon ngủ không yên”, bà Thanh, ngụ hẻm 489 Huỳnh Văn Bánh, P.14, Q. Phú Nhuận, lo lắng. Theo bà Thanh, nhà bà vốn là nhà cấp 4 và được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trước đây không lo sợ nhưng giờ nỗi lo tăng cao, khi năm ngoái căn nhà 1 trệt,1 lầu kế bên nhà bà bán cho “cò”, “cò” vào xin phép sửa chữa và đôn lên thêm cái sân thượng. “Từ đây nhà tôi bị thấm và có những vết nứt nhỏ. Đó không sợ bằng việc căn nhà kế bên vốn đã được xây dựng lại từ đầu những năm 2000, nay thêm tầng nữa thì móng làm sao đảm bảo, nhìn nhà họ cứ nghiêng nghiêng làm sao ấy mà đâm ra cả nhà tôi đang lo”, bà Thanh nói.
Nếu sống cạnh các công trình xây dựng nhà dân dụng lo sợ một, thì sống bên các đại công trường xây dựng ở TP.HCM, người dân lo sợ mười. Cụ thể, cuối tháng 6.2016, cống Phú Định (thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1) thi công. Khi cừ đóng xuống lòng kênh, cũng là lúc hàng chục nhà dân ở con đường trên rung lắc dữ dội. “Bỏ nhà không ở thì lấy đâu ra tiền mà thuê chỗ khác. Vậy là vừa ở vừa run, nhất là ban đêm cứ nghe tiếng động lạ là cả nhà giật bắn tim”, bà Hoà, một hộ dân lo lắng nói.
Cấp phép xong là hết!
“Chủ đầu tư công trình đã nhận trách nhiệm, chấp nhận thương lượng đền bù cho những căn nhà bị thiệt hại. Trước mắt, chính quyền sẽ thuê chỗ ở tạm thời cho người dân, toàn bộ số tiền trên sẽ tính vào chi phí do chủ đầu tư bồi thường”, lãnh đạo UBND P.2, Q. Tân Bình, đã thông tin trên phương tiện truyền thông về cách xử trí vụ sập nhà xảy ra trên địa bàn; và cho biết thêm: công trình đang xây dựng có đầy đủ giấy phép. Sau khi xảy ra sự việc,sở Xây dựng đã đình chỉ thi công công trình trên.
Video đang HOT
Liên quan đến vụ việc ở P.7, Q.8, quá bức xúc, gần chục hộ dân lên phường phản ánh và yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải bồi thường. Tuy nhiên, chỉ những căn nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì chủ đầu tư mới chi tiền ngay, còn những hộ bị nứt nhẹ thì hứa sẽ khắc phục một lần khi công trình hoàn thành (tức khoảng tháng 10.2018)…
Nhìn lại, dễ thấy các cơ quan có thẩm quyền cấp phép bỏ mặc cho chủ đầu tư xây dựng “tự tung tự tác”. Khi sự việc xảy ra thì đổ hết cho chủ đầu tư.
Cụ thể, ông Nguyễn Nam Việt, một kiến trúc sư có tiếng trong lĩnh vực xây dựng, cho rằng bộ Xây dựng có quy định phải khảo sát móng các nhà lân cận trước khi thi công, tuy nhiên bước này thường bị bỏ qua. Trong khi đó, qua chứng kiến thực tế thì hiện tại có rất nhiều đơn vị thi công nhà cửa, công trình hiện đang bỏ mặc cho thợ thi công, không có người giám sát, nên khi có sự cố xảy ra đã không kịp thời cảnh báo hoặc xử lý, chống đỡ.
Vì vậy, ông Việt đưa ra lời khuyên với các chủ nhà đang xây dựng rằng, để đừng bị bồi thường vì lý do lỗi đổ hết cho mình (như vụ công trình đào móng ở đường Tân Sơn Hoà – NV), thì chủ đầu tư công trình nên chọn phương án thi công móng theo hình thức khoan cọc nhồi. Biện pháp khoan cọc nhồi hiện nay rất phổ biến trên địa bàn TP.HCM. “Dù chi phí có cao hơn, nhưng chắc chắn xác suất phải đền vì gây sập nhà người khác là rất thấp. Bởi phương pháp đào móng hở dễ bị chảy cát, nước từ công trình lân cận làm hổng chân đất, dẫn đến sự cố nếu không có tường vây cho hố đào hoặc tường vây không an toàn”, ông Việt nói.
Theo Minh Anh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Người dân Sài Gòn gặt lúa ở dự án 'treo' 25 năm
Chỉ cách trung tâm TP HCM qua bờ sông Sài Gòn, bán đảo Thanh Đa lại như miền quê với những cánh đồng lúa chín vàng đang vào mùa gặt.
Cách trung tâm thành phố qua bờ sông Sài Gòn, tại bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn còn những cánh đồng rộng. Khu vực này hiện thuộc dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa nhưng đã bị "treo" 25 năm. Vì thế nên người dân tận dụng đất trống để trồng lúa.
Những ngày đầu tháng chín, lúa chín vàng. Tại cánh đồng của bà Huỳnh Thị Được (52 tuổi), suốt một tuần lễ nay, hai vợ chồng bà đi từ sáng sớm gặt lúa cho khỏi nắng.
"Nhà tôi có ba công ruộng. Đất ở đây trước kia khá tốt có thể trồng ít nhất hai vụ trong năm. Nhưng từ khi dính quy hoạch thì hoang hóa nên ít người cày bừa trồng lúa. Hai vợ chồng giờ cố gắng mỗi năm trồng hai vụ, chủ yếu để nhà có gạo ăn", bà Được chia sẻ.
Do trồng ít nên nhà bà Được không đầu tư máy gặt đập, máy tuốc... Việc gặt lúa đều làm thủ công.
Hớp ngụm nước, ông Nguyễn Văn Phước (54 tuổi, chồng bà Được) tâm sự: "Thu hoạch lúa mất nhiều sức lắm, chủ yếu là tôi gặt vì bà xã bị bệnh nên không làm nhiều được. Con cái đi làm hết cũng đâu phụ được. Trước kia chưa có bờ đê, lúa hay bị thối mỗi khi triều cường. Rồi thì sâu bệnh, chim ăn nên thu về chẳng được bao nhiêu".
Mỗi đợt lúa chín, hai vợ chồng ông mất khoảng một tuần để gặt hết ba công ruộng, thu về được gần một tấn thóc.
Mỗi ngày, hai vợ chồng làm từ sáng đến chiều, thành quả là hai bao thóc. "Càng gặt nhanh càng tốt để tránh trời mưa. Ngoài ra khi lúa chín, chỉ một ngày không gặt là chim ăn nhiều lắm ", nông dân 54 tuổi nói.
Số thóc nhà ông Phước sau khi được phơi khô, ngoài để gia đình ăn thì chủ yếu bán cho người dân trong khu vực với giá chưa đến 10.000 đồng một ký.
Sau khi thu hoạch xong, hai vợ chồng dự tính tiếp tục gieo thêm đợt nữa và gặt vào dịp Tết.
Ở những cánh đồng khác, việc thu hoạch đã xong hết từ cuối tháng tám. Những bó rơm được người nông dân gom lại và phơi khô ngay trên bờ ruộng.
"Bà con chủ yếu trồng lúa cho đỡ bỏ phí đất nên không đầu tư nhiều, phải đốt rơm để lấy tro bón lúa. Ruộng cũng không cày xới, cứ thế mà gieo trồng thôi. Giờ ở Thanh Đa đất đai còn nhiều nhưng chủ yếu là bỏ không hoặc cho thuê làm nơi câu cá, chăn bò... ", anh Thành (35 tuổi) nói.
Bán đảo Thanh Đa vẫn như một miền quê. "Nhà tôi giờ có 4.000 m2 đất, so với nhiều người ở đây là còn ít. Với số đất đó mà không vướng quy hoạch treo, lại ở ngay trung tâm thì tôi đã là đại gia rồi. Nhưng giờ tôi chỉ biết trồng lúa, nhà thì không được cấp phép xây thêm cho con cái có chỗ ở. Cũng như tôi, bà con trong đây chỉ mong dự án sớm được triển khai để có tiền đền bù xây nhà mới", ông Phước bộc bạch.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Vụ nhà 3 tầng đổ, đè nát nhà hàng xóm: Bê tông, kính bay như tên bắn Là một trong những người phát hiện và giải cứu 2 cụ ông khỏi căn nhà trước khi bị đè nát, anh Nguyễn Văn Tân cho biết chỉ chậm vài giây có thể anh đã bị chôn vùi trong đống đổ nát. Hiện trường 2 căn nhà sập ở đường Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình vào đêm 2.9 Trưa 3.9, lực lượng...