Nỗi sợ của người Pháp sau vụ khủng bố Paris
“Tại sao nhiều người khóc thế hả mẹ?” một bé gái hỏi cha mẹ vào chiều chủ nhật, khi đi ngang qua góc phố nơi diễn ra vụ tấn công đẫm máu ở trung tâm Paris.
Một bé gái thắp nên tưởng niệm cho nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu vào giữa Paris. Ảnh: AFP
“Họ đang rất buồn, con gái ạ”, người mẹ trả lời. Quanh cô là những vệt máu khô sậm lại trên vỉa hè quán cà phê Carrilon và nhà hàng Petit Cambodge, nơi 14 người thiệt mạng tối 13/11, theo AFP.
“Nhưng sao họ lại buồn” bé gái hỏi tiếp. “Bởi vì không thể trả lời được”, Benedicate Joffre, người đứng trong đám đông với cậu con trai 11 tuổi, nói. “Và cũng bởi vì, lúc này, chúng ta đang ngày càng sợ hơn”.
Joffre đến góc phố quận 10, gần kênh đào St Martin, tụ điểm đa văn hóa nhộn nhịp của Paris bởi vì cảm thấy cùng một “nỗi buồn không thể chịu nổi” mà thủ đô nước Pháp đang rơi vào.
“Vụ này khác hẳn vụ trước”, cô nói, đề cập tới vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo và siêu thị hồi tháng một. “Vụ này có phạm vi rộng hơn, nhằm mục tiêu vào con người, khiến tất cả chúng ta hoảng loạn”.
“Hồi tháng một, chúng tấn công vào mục tiêu nhất định, đó là tự do báo chí. Nhưng lần này, chúng tấn công vào toàn xã hội”, Joffre nói. Khắp quảng trường Cộng hòa (Place de la Republique) – biểu tượng đoàn kết của nhân dân Pháp, tràn ngập những giọt nước mắt, những cái nhìn phẫn nộ, và cả nỗi lo sợ. Bầu không khí hoảng hốt bao trùm quảng trường sau buổi tối 13/11.
Hoa, nến, thiệp, những vật tưởng nhớ nạn nhân đặt bên ngoài quán cà phê Carillon bị giày xéo vì một vụ cảnh báo giả, trong khi đó, ở quận Marais, cũng diễn ra những cảnh tương tự khi một du khách Australia nhìn thấy một người đàn ông mang vũ khí, nhưng hóa ra là cảnh sát mặc thường phục.
E ngại cho cộng đồng Hồi giáo
Helene Lagoutte đưa con gái 4 tuổi Jeanett tới quảng trường Cộng hòa xem mọi người thắp nến và viết thông điệp để dưới chân tượng Marianne – người phụ nữ hiện thân cho tự do, bình đẳng và bác ái – những giá trị thế tục của nước Pháp.
“Tôi giải thích với con gái rằng, có người ghét nước Pháp đã đến để giết người, và điều đó là sai trái. Tôi chủ động đề cập vấn đề này với con bé, vì thể nào nó cũng sẽ bàn luận với bạn bè khi đi học”.
“Tôi cũng đã trò chuyện với cậu cả về Hồi giáo, về những điều xảy ra ở Algeria (thuộc địa cũ của Pháp), bởi vì nhiều bạn bè của cậu con trai 12 tuổi của tôi theo đạo Hồi, và tôi không muốn nó đổ lỗi cho những người bạn Hồi giáo”.
Đám đông tụ tập quanh quảng trường Cộng Hòa hai ngày sau vụ tấn công khủng bố. Ảnh: AFP
Cô nói rằng, nước Pháp đang vô cùng đau đớn bởi những vụ tấn công khủng bố vừa qua, không phải vì có nhiều người chết hơn những vụ hồi tháng một, mà bởi vì những kẻ khủng bố jihad đã nhằm mục tiêu vào “mọi người”, chứ không riêng cộng đồng người Do Thái, thay những nhà báo đã chọc tức chúng.
Video đang HOT
“Đó là lý do chúng ta phải đoàn kết lại. Tôi sẽ đề nghị cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp và lãnh đạo cộng đồng lên tiếng, tổ chức tuần hành để chứng tỏ, đây không phải lỗi của họ. Họ phải làm như thế. Nếu không, tôi e là những việc đáng tiếc hơn sẽ xảy ra”.
Tình cờ nghe được lời Lagoutte nói, một người đàn ông Paris tên là Mehdi, 43 tuổi, làm công nhân vệ sinh, bật khóc.
“Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tôi không biết có dám nhìn vào mắt đồng nghiệp không nữa, nhưng họ nên hiểu rằng, người Hồi giáo đích thực không bao giờ làm điều này. Tôi chỉ muốn ôm họ, và nói rằng tôi cũng đang đau đớn như họ”.
Mehdi e ngại về những cuộc tấn công vào nước Pháp mà ở đó, trẻ em Hồi giáo – thế hệ nhập cư thứ ba, sinh ra và trưởng thành.
“Chúng tôi cũng là người Pháp”, ông nhấn mạnh. Ông và vợ chỉ ngủ được hơn một tiếng kể từ hôm thứ sáu.
“Tôi không thể rời mắt khỏi tivi, cảm thấy buồn rầu và tức giận. Vợ tôi nằm cạnh, nước mắt đẫm gối, nói rằng cảm thấy phát điên. Tôi chỉ còn cách đi ra khỏi nhà”.
Vụ đổ máu này chưa phải kết thúc, Meir, một người Do Thái chính thống, sống tại Auschwitz cảnh báo, đầu quay lại nhìn theo xe cảnh sát đang vang tiếng còi hụ.
“Đây chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Chúng sẽ tiếp tục tấn công chúng ta”, Meir nói.
Benedicte Joffre cho biết, cô là cháu nội của một nhà lãnh đạo quân sự Pháp hồi Thế Chiến I, tướng Joffre – người nói rằng đấu tranh và hy sinh vì giá trị dân chủ của quốc gia là xứng đáng. “Đó là những gì tổ tiên của chúng tôi đã làm, và bây giờ, chúng tôi phải tiếp tục”.
Nhưng cô cũng e ngại về phản ứng của xã hội đối với những vụ tấn công có thể làm sâu sác thêm sự phân chia trong xã hội Pháp bởi “rất dễ đổ lỗi cho người Hồi giáo”.
“Mặc dù những vụ tấn công là hành động của chiến tranh, nhưng chúng ta phải nhận thức được rằng, đất nước không phải đang chiến tranh”, Joffre nói.
Sáng 14/11, một người cầu nguyện tại hiện trường vụ tấn công ở quán Carillon. Ảnh: Reuters
Hồng Hạnh
Theo VNE
Vì sao Pháp không ngăn được vụ thảm sát Paris
Sự nguy hiểm của IS cùng với những hạn chế về công tác an ninh, tình báo đã khiến nước Pháp không ngăn được thảm kịch khủng bố đẫm máu.
Binh sĩ Pháp tuần tra trên đường phố Paris sau vụ khủng bố kinh hoàng. Ảnh:CNBC
Khi nước Pháp vẫn chưa hết bàng sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng một, thủ đô Paris lại một lần nữa rúng động bởi làn sóng tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ Thế chiến II. Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng đây là thảm họa đã được báo trước nhưng nước Pháp đã không ngăn chặn được vì nhiều lý do.
Thảm họa được báo trước
"Chúng ta đang ở gần một âm mưu khủng bố mới hơn bao giờ hết", một quan chức an ninh cấp cao của Pháp phát biểu trên truyền hình vào cuối tháng 10. Tuy nhiên quan chức này cùng nhiều chuyên gia chống khủng bố có lẽ không tưởng tượng nổi quy mô và hậu quả của cuộc tấn công đẫm máu vào đêm 13/11.
Sau các vụ tấn công khủng bố hồi tháng một, Pháp đã áp dụng một loạt các biện pháp an ninh nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Đầu tiên là thông qua đạo luật tình báo tháng 6/2015, tiếp đến là thành lập bộ chỉ huy tác chiến ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố (EMOPT) trong tháng 7, đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Nội vụ.
"Mỗi ngày trôi qua là chúng ta phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn về âm mưu tấn công nhằm vào đất nước. Tâm lý yếu đuối của một bộ phận bị cực đoan hóa đang đe dọa chúng ta, họ có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào", Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazneuve khẳng định với L'Expresshồi đầu tháng 7.
Hồi tháng một, khi điều tra hồ sơ 5 nghi can khủng bố, cơ quan an ninh Pháp đã phát hiện một số thông tin rò rỉ về kế hoạch tấn công khủng bố nước Pháp, trong đó có mục tiêu là nhà hát.
Trong một bài phỏng vấn với tờ Paris Match hôm 30/9, cựu thẩm phán chuyên trách về khủng bố Marc Trévidic cảnh báo: "Tôi tin rằng các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) có tham vọng và công cụ để có thể tấn công nước Pháp bằng cách tổ chức các hành động khủng bố quy mô chưa từng có cho tới thời điểm hiện nay. Những ngày đen tối hơn đang ở phía trước. Cuộc chiến thực sự mà IS định mang tới nước Pháp vẫn chưa bắt đầu".
Chỉ vài giờ trước khi các cuộc tấn công diễn ra, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cảnh báo về một âm mưu mở rộng phạm vi hoạt động của IS ra ngoài biên giới Iraq và Syria, mục tiêu hàng đầu chúng hướng tới là Pháp và châu Âu.
"Tôi linh cảm thấy có một âm mưu lớn hơn, chúng ta phải hết sức cảnh giác", Thủ tướng pháp Valls trả lời phỏng vấn báo L'Opinion vào chiều ngày thứ sáu trong khi làm việc tại tỉnh Dijon, vài giờ trước khi khủng bố tấn công Paris.
Vấn đề đặt ra là tại sao Pháp không thể ngăn chặn thảm họa này mặc dù đã dự báo trước nguy cơ.
Những hạn chế về công tác an ninh
Các vụ tấn công tại Paris xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi rất nhiều biện pháp an ninh theo đạo luật tình báo mới được áp dụng. Đạo luật mới cho phép áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật đặc biệt trong hoạt động điều tra như do thám thông tin theo thời gian thực, đặt máy nghe trộm ở các địa điểm công cộng.
Bộ Nội vụ, Tư pháp và Quốc phòng Pháp cũng được bổ sung thêm ít nhất 1.100 nhân lực tại các đơn vị tình báo chủ chốt như Tổng cục An ninh nội địa (DGSI), Cục tình báo lãnh thổ (SCRT) và Cục Tình báo thuộc Sở cảnh sát Paris (DRPP).
Các quan chức Pháp cho rằng các biện pháp này chưa phát huy hiệu quả trong ngăn chặn nguy cơ khủng bố bởi bộ máy an ninh luôn trong tình trạng "quá tải" trong xử lý hàng núi giấy tờ, hồ sơ. Theo giải thích của Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve, DGSI đang theo dõi khoảng 1.500 kẻ tình nghi, đa số là những kẻ từng tham chiến tại Syria hay Iraq.
Ngoài ra, những đối tượng có khả năng gây ra hành động khủng bố bị đưa vào tầm ngắm của họ lên tới 11.000. Bởi vậy, DGSI đang bị quá tải khi phải theo dõi những kẻ cực đoan đi và về từ Trung Đông.
Sự cạnh tranh giữa các đơn vị an ninh, tình báo cũng được cho là nguyên nhân làm giảm hiệu quả chống khủng bố của Pháp. Ảnh: Reuters
Theo bình luận viên Laurent Borredon của nhật báo Le Monde, những cơ quan "siêu quyền lực" chuyên theo dõi khủng bố như EMOPT cũng không mấy hiệu quả, bởi cơ quan này tập hợp các lực lượng an ninh, tình báo từ các đơn vị khác nhau, do đó luôn tồn tại sự cạnh tranh ngầm giữa các điều phối viên. Chính sự cạnh tranh này đã giảm hiệu quả hoạt động điều tra nắm bắt chính xác các âm mưu của khủng bố.
Sự tinh vi của IS
Trả lời Paris Match, cựu thẩm phán Trévidic nhận định Pháp cùng một lúc phải đối mặt với hai mối đe dọa rất khó đối phó.
Một là những "con sói đơn độc", những kẻ có thể thực hiện hành động khủng bố bột phát mà không cần chuẩn bị công phu. Những vụ tấn công dạng "sói đơn độc" do phiến quân IS kêu gọi, phát động đã ít nhiều thành công trên khắp châu Âu trong thời gian qua.
Hai là các cuộc tấn công khủng bố có tổ chức do IS hay các nhóm phiến quân thuộc mạng lưới Al-Qeada tiến hành.
Nhật báo L'Express của Pháp ngày 21/10 dẫn lời một chuyên gia về phiến quân IS cho biết các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm tàng từ các điệp viên nằm vùng của IS được đào tạo bài bản.
Theo Michael Weiss, tác giả cuốn sách "Giữa lòng đội quân khủng bố", mới xuất bản hồi đầu tháng 10 tại Paris, một phiến quân IS đào ngũ tiết lộ rằng song song với việc bành trướng tại các quốc gia Trung Đông như Syria và Iraq, IS đã thành lập nhiều bộ phận huấn luyện các điệp viên nằm vùng tại nước ngoài, với mục tiêu tối thượng là thiết lập một nhà nước Hồi giáo có quy mô toàn cầu, trong đó châu Âu là địa bàn ưu tiên thứ hai sau Trung Đông.
Nhiệm vụ của các điệp viên này là bảo vệ tốt vỏ bọc, chờ thời cơ tiến hành các vụ tấn công khủng bố ngay trong lòng các nước châu Âu, tạo thanh thế cho IS.
Đối tượng được ưu tiên hàng đầu để tuyển mộ và đào tạo thành điệp viên nằm vùng là những chiến binh tình nguyện có dòng máu châu Âu, bởi các chiến binh sinh ra tại các gia đình có nguồn gốc Trung Đông thường đã nằm trong tầm ngắm của cảnh sát.
Bản thân phiến quân đào ngũ trên đã phụ trách huấn luyện hai chiến binh người Pháp trong thời gian dài, trước khi họ quay lại thủ đô Paris thực hiện nhiệm vụ.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Tổng thống Pháp: IS tổ chức vụ tấn công khủng bố Paris Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande ngày 14.11 tuyên bố vụ tấn công khủng bố Paris là "hành động chiến tranh" do IS tổ chức từ nước ngoài. Cả thế giới đang ở bên nước Pháp. Trong ảnh: đặt hoa trước Đại sứ quán Pháp tại London ngày 14.11 - Ảnh: Reuters Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande ngày 14.11 tuyên bố vụ...