Nỗi sợ bẽ mặt của Donald Trump
Các cuộc phỏng vấn với phóng viên từng giành giải Pulitzer cho thấy Donald Trump luôn lo sợ thất bại, mất thể diện và rất thích được là tâm điểm của truyền thông.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: NYTimes
Cho dù được đánh giá theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, diễn viên hài Arsenio Hall đều được xem là ngôi sao thành công của Hollywood. Ông đã thủ vai chính trong nhiều bộ phim nổi tiếng, có các buổi biểu diễn hài độc thoại cháy vé và có cả một chương trình truyền hình đêm muộn mang tên mình. Vậy nhưng, ông Donald Trump xem ông Hall chỉ là con số không, theo NYTimes.
Trong cuộc phỏng vấn từ hai năm trước, ông Trump gọi ngôi sao của Hollywood là hết thời, không đáng bàn tới. Trong mắt của ông trùm bất động sản, ông Hall đã phải hứng chịu sự bẽ bàng lớn nhất: sức hút của một ngôi sao không còn, ánh hào quang đã tắt lịm.
Tóm lại, đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất theo đánh giá của ông Trump. “Không thể xuất hiện trên truyền hình”, ông Trump nói với giọng khinh bỉ. “Họ thậm chí còn không thèm nghe điện thoại của ông ta”.
Nhà báo từng giành giải Pulitzer Michael D’Antonio tuần trước công khai cuộc phỏng vấn kéo dài nhiều giờ trong năm 2014 để chuẩn bị cho cuốn tiểu sử về Donald Trump có tên “The Truth About Trump” (tạm dịch: Sự thật về Trump). Đây là cuộc phỏng vấn cặn kẽ về tiểu sử cuối cùng mà ông Trump thực hiện trước khi tranh cử tổng thống Mỹ.
Nó cho thấy một người đàn ông say đắm sự nổi tiếng của chính mình, lo sợ sẽ đánh mất vị thế, sợ bẽ mặt trước công chúng và khinh bỉ những ai trượt khỏi đỉnh vinh quang.
Ông Trump thể hiện rõ ông khó có thể tưởng tượng ra một ngày nào đó mình sẽ thất bại, chứ chưa nói đến chuyện chấp nhận nó.
“Tôi chưa từng thất bại bởi tôi luôn biến thất bại thành thành công”, ứng viên đảng Cộng hòa tuyên bố.
Ông nói rằng ông không thần tượng ai và cũng “không thích nói chuyện về quá khứ. Tôi quan tâm đến hiện tại và tương lai”. Khi được hỏi ông kính trọng ai, ông Trump nói: “Hầu hết chẳng thể kính trọng ai bởi hầu như không có ai đáng để kính trọng”.
Tỷ phú tỏ ra đặc biệt khinh thường những người tự biến mình thành trò cười trước mặt bạn bè. Ông Trump kể câu chuyện về lãnh đạo một ngân hàng nọ say khướt trong một bữa tiệc tối tại khách sạn Waldorf Astoria, New York. Cuối bữa tiệc, người đàn ông đó thậm chí không thể tự đi về mà phải có người khênh ra xe, trong sự xem thường của ông Trump.
“Chúng ta đều có chân, tay, lưng, thế nhưng tối đó chúng tôi phải khênh ông ta ra khỏi phòng sau khi nghe bài phát biểu tệ nhất trần đời. Tôi không bao giờ nhìn ông ta với ánh mắt như trước nữa”, Donald Trump nói. “Tôi sẽ không bao giờ quên được việc trước một căn phòng với đầy những người vai vế, chúng tôi đã phải khênh ông ta ra”.
Video đang HOT
Còn đến khi ông Trump cảm thấy bị mất mặt, phản ứng của ông rất dữ dội. Trong một lần hẹn hò với bà Ivana, người sau này là vợ đầu của ông Trump, tỷ phú không biết bạn gái trượt tuyết rất điêu luyện. Sau khi trượt xuống dốc trước và liên tục cổ vũ bạn gái, ông Trump ngỡ ngàng chứng kiến bà Ivana trổ tài nhào lộn trên mặt tuyết, ông đùng đùng tháo bỏ đồ trượt tuyết và đi về nhà hàng. “Ông ấy không thể chấp nhận điều đó”, bà Ivana kể.
Ông Trump đặc biệt thích các vụ lộn xộn, cho dù chỉ là to tiếng cãi cọ hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay. “Tôi từng là một đứa trẻ rất nổi loạn. Thật ra tôi không thích nói về điều này, nhưng tôi là người nổi loạn và cứng đầu. Do tính cách hung hăng của con trai, năm 13 tuổi, bố mẹ ông Trump đã phải đưa con vào Học viện Quân sự New York để uốn nắn.
Donald Trump và người vợ đầu, Ivana. Ảnh: Time
Say mê sự chú ý
Tỷ phú dường như mê đắm ánh hào quang của truyền thông. Ông vẫn nhớ đã thích thú như thế nào khi một tờ báo lần đầu tiên đề cập đến tên mình, khi ông là cầu thủ bóng chày đã góp công đem chiến thắng về cho đội nhà thời ông học cấp ba.
Khi phóng viên D’Antonio nói rằng đúng là bất kỳ ai cũng thấy thích thú khi được một tờ báo nêu tên, ông Trump có vẻ tự ái và ngắt lời để khẳng định trường hợp của mình là đặc biệt. “Hầu hết mọi người không được xuất hiện trên báo in. Đừng quên điều đó. Có bao nhiêu người được lên báo in? Chẳng có ai cả”. Chưa dừng lại ở đây, tỷ phú còn lặp đi lặp lại rằng việc mình được tờ báo trên nêu tên là vô cùng đặc biệt.
Đến khi là doanh nhân thành đạt, ông Trump đã thuê người chuyên tập hợp những bài viết có nhắc đến mình của giới truyền thông. “Mỗi ngày có đến hàng nghìn bài, hàng nghìn cơ đấy”, ông Trump nói.
Ông nhanh chóng nhận ra rằng sự chú ý của truyền thông chính là kênh quảng cáo miễn phí cho những khách sạn và sân golf mới của mình và điều đó khiến ông càng thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, chương trình truyền hình và trả lời phỏng vấn. Ứng viên đảng Cộng hòa nhớ lại mình từng là khách mời chương trình “10 người lôi cuốn nhất” của kênh ABC đến hai lần.
Tỷ phú khẳng định chỉ duy nhất một người khác từng có được vinh dự đó, đó là bà Hillary Clinton. Thực tế, bà Clinton được chương trình này vinh danh tới 4 lần.
Trên tất cả, ông Trump lo sợ bị phớt lờ, không ai ngó ngàng tới. Đó là lý do vì sao ông coi ngôi sao màn bạc Arsenio Hall ở thời điểm giữa những năm 2000 là người bị lãng quên, dù ông Hall từng tham gia và chiến thắng trong chương trình Người học việc phiên bản dành cho người nổi tiếng do ông Trump sản xuất và chủ trì năm 2012.
Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với phóng viên D’Antonio, ông Trump nhớ lại cảm giác khi đi vào một hội trường lớn và thấy đám đông vây quanh mình, như thể mình là một thỏi nam châm hút mọi thứ xung quanh.
Ông D’Antonio hỏi sự đổ dồn chú ý đó bắt đầu từ khi nào và được trả lời: “Từ rất lâu rồi. Luôn luôn là như vậy”.
Khi được hỏi liệu điều đó có khiến ông cảm thấy lo lắng, mất tự tin hay không, ông Trump đáp: “Không. Nếu cảnh tượng đó không diễn ra thì tôi mới mất tự tin”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Kết quả thăm dò có thể phản ánh sai lệch tương quan Clinton - Trump
Do đặc điểm xã hội và tâm lý cử tri, kết quả các cuộc thăm dò dư luận có thể không phản ánh thực lực giữa hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: AP
Kết quả nhiều cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa với cách biệt khá sít sao. Tuy nhiên, trên thực tế, các con số khảo sát này có thể không phản ánh đúng tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên, theoReuters.
Cliff Zukin, giáo sư chính trị thuộc Đại học Rutgers, New Jersey nhận định rằng, trước hết, số lượng cử tri đi bầu trong những kỳ bầu cử gần đây là khoảng 60%, nhưng với thực tế là cả bà Clinton và ông Trump không mấy được ưa thích như năm nay, tỷ lệ này có thể sẽ thấp hơn 52%, và rất khó để đoán được nhóm cử tri nào sẽ ở nhà.
"Rất khó để dự đoán đúng số lượng và thành phần cử tri sẽ đi bỏ phiếu tại mỗi kỳ bầu cử. Với kỳ bầu cử năm nay, điều này càng khó khăn hơn bao giờ hết", giáo sư Zukin khẳng định.
Thứ hai, theo các nhà xã hội học, kết quả những cuộc thăm dò dư luận có thể làm suy giảm khả năng giành chiến thắng của ứng viên đang chiếm ưu thế, bằng cách khiến cho những người ủng hộ tự tin hơn vào kết quả và do đó, ít đi bỏ phiếu hơn.
Nếu điều này khiến số lượng cử tri ủng hộ ông Trump đi bỏ phiếu nhiều hơn so với những người ủng hộ bà Clinton thì kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11 tới đây chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.
"Nếu các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton đang dẫn trước chỉ hai điểm, thì con số này chỉ nằm trong mức sai số, có thể cho phép ông Trump lật ngược thế cờ và giành chiến thắng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều cuộc thăm dò có uy tín đều cho thấy bà Clinton đang chiếm ưu thế khá cách biệt, thì kết quả đó có thể tin tưởng", Douglas Schwartz, giám đốc cơ quan thăm dò dư luận thuộc Đại học Quinnipiac nhận định.
Một yếu tố khác tác động tới kết quả các cuộc thăm dò dư luận là sự phổ biến của điện thoại di động. Theo số liệu của ủy ban Truyền thông Liên bang năm 2016, số lượng người Mỹ chỉ sử dụng điện thoại di động mà không dùng điện thoại cố định đã tăng gấp đôi so với năm 2010, chiếm 50% dân số nước này.
Điều này khiến các cơ quan thăm dò gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn trong việc đảm bảo tính ngẫu nhiên, một điều kiện bắt buộc đối với tất cả cuộc thăm dò. Bởi luật pháp Mỹ cấm việc tiến hành phỏng vấn tự động qua điện thoại di động và thực tế không có danh bạ toàn quốc cho loại điện thoại này.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính, việc khảo sát qua điện thoại di động tốn kém hơn qua điện thoại cố định từ 30-50%. Điều này khiến cho nhiều cuộc thăm dò bị thu hẹp quy mô hơn trước rất nhiều và có thể dẫn đến những sai số lớn.
Ngoài ra, nhiều người được khảo sát qua điện thoại thường có xu hướng từ chối đưa ra ý kiến. Một cơ quan thăm dò dư luận mới đây cho biết chỉ kết nối được với khoảng 10% số người mà họ cố gắng liên lạc, thấp hơn nhiều con số 80% so với một vài thập kỷ trước.
Tuy nhiên, giám đốc phụ trách nghiên cứu thăm dò Courtney Kennedy của Pew cho rằng, xét về mặt dữ liệu, chất lượng mới là điều quan trọng nhất. Nhiều người chấp thuận tham gia khảo sát là những người trẻ và có quan điểm khác nhau.
Cuối cùng, đối với những cuộc thăm dò trực tuyến như Reuters/Ipsos, các hãng thăm dò có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, đa số người tham gia loại hình thăm dò này đều là tự nguyện, do đó không thể đảm bảo tính ngẫu nhiên bắt buộc.
Để khắc phục những chỉ số sai lệch trong loại hình thăm dò trực tuyến, các hãng thăm dò thường phải thêm bớt số liệu và nhiều khi lựa chọn cả những nhóm người không đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành cử tri.
Ví dụ, nếu tỷ lệ cử tri nam tham gia trả lời thăm dò thấp hơn tỷ lệ nam giới trong cơ cấu dân số Mỹ, nhà tổ chức thăm dò buộc phải điều chỉnh số liệu, hoặc cố gắng tìm thêm người tham gia thăm dò.
Theo bình luận viên Scott Malone, các cuộc thăm dò đều có khả năng mang lại kết quả sai lệch. Điều này được chứng minh qua các sự kiện quốc tế gần đây, điển hình như trường hợp trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình tại Colombia trong tháng 10.
Các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu đều cho rằng số cử tri bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận sẽ chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, sau khi hầu hết số phiếu đã được kiểm, giới chức nước này cho biết có tới 50,2% cử tri phản đối và chỉ có 49,8% ủng hộ.
"Việc đưa ra dự đoán lúc này rất khó khăn bởi Trump đã thu hút được nhiều cử tri ủng hộ, những người luôn bỏ phiếu thất thường hoặc có thể sẽ không tham gia bỏ phiếu", Scott Malone nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Chuyên gia Mỹ: 'Công bố điều tra thêm email của Hillary Clinton là bất công' Chuyên gia cho rằng việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố điều tra thêm các email của Hillary Clinton là "không công bằng", nhưng khó "hạ gục" được bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Hillary Clinton. Ảnh: Reuters "Việc Giám đốc FBI Comey tuyên bố công khai điều tra email mới là không công bằng, vì nó có thể...