Nỗi sầu trong nhung lụa của công nương Masako
Từng là tốt nghiệp đại học Harvard và gạt bỏ sự nghiệp sáng lạn để nhận lời cầu hôn của Thái tử Naruhito nhưng cuộc sống trong nhung lụa của công nương Masako lại không êm ái như nhiều người lầm tưởng.
Công nương Masako rạng rỡ trong ngày cưới
Năm 2008, Thái tử Naruhito đã phải lên tiếng bênh vực cho Masako, người được báo chí mệnh danh là “vương phi u sầu” của Nhật. Ông kêu gọi người dân Nhật tiếp tục hiểu và ủng hộ vợ mình trong lúc bà đang phải đấu tranh với chứng trầm cảm.
Video đang HOT
Sự xuất hiện của ông đúng vào lúc công chúng Nhật bắt đầu quay lưng lại với Công nương Masako khi có tin đồn bà tham gia một số hoạt động được coi là không phù hợp với thành viên của Hoàng gia. Nhiều người đã từng thấy bà đi ra ngoài chơi với bạn, bỏ bê con cái cho người khác chăm sóc và đắm mình những bữa tiệc xa xỉ.
Điều này không có gì sai trái nếu sống trong gia đình hoàng gia phương Tây nhưng những thành viên trong Hoàng gia Nhật lại không được phép như vậy. Họ phải sống một cuộc sống mẫu mực cũng như mọi chi tiêu phải được sự phê duyệt của một ủy ban chuyên trách.
Gia đình Thái tử Naruhito
Masako Owada sinh năm 1963 tại Tokyo, Nhật Bản. Bà là con gái của nhà ngoại giao cấp cao Hisashi Owada. Do công việc của cha nên từ nhỏ Masako đã sinh sống tại nước ngoài. Năm Masako lên 2 tuổi, gia đình bà chuyển tới Moscow. Trong thời gian Masako học tiểu học, cả nhà bà lại về Tokyo. Không lâu sau khi ông Hisashi nhậm chức phó đại sứ Nhật tại Mỹ, Masako và các em lại chuyển tới Mỹ. Bà từng là chủ tịch Danh dự quốc gia (National Honor Society) khi học trung học tại Massachusetts.
Masako đã tốt nghiệp loại xuất sắc khoa kinh tế trường Đại học Harvard. Bà cũng tham gia vào khóa học Quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford. Ngoài ra, bà từng theo học trường Đại học Tokyo khi cha bà làm giáo sư tại đây.
Trước khi kết hôn, Công nương Masako là một ngôi sao sáng trong giới ngoại giao Nhật Bản. Bà là một người phụ nữ hiện đại, được tiếp thu nền giáo dục của phương Tây. Với khả năng thông thạo 6 ngoại ngữ, bà được đi khắp nơi và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới.
Là một người phụ nữ được giáo dục tốt, chắc chắn Masako hiểu rõ sự khắc nghiệt của cuộc sống hoàng gia Nhật. Vì thế, trước khi chấp nhận về làm vương phi của Thái tử Naruhito, bà đã nhiều lần từ chối lời cầu hôn của ông. Lễ cưới của họ được tổ chức vào tháng 9 năm 1993, Masako là người dân thường thứ 2 trở thành thành viên gia đình Hoàng gia Nhật, sau mẹ chồng bà, Hoàng hậu Michiko.
Nhiệm vụ đầu tiên khi trở thành Công nương của Masako là sinh quý tử nối dõi cho Hoàng tộc. Đây quả là một điều khó khăn đối với Masako, người từng hình dung mình là phiên bản của công nương Diana và luôn làm chủ chính mình.
Hoàng gia Nhật nổi tiếng với những lễ nghi nghiêm khắc và Công nương Masako không được tự do quyết định chuyện gì, ngay cả việc bà sẽ mặc như thế nào.
Masako (ngoài cùng bên trái) rất ít khi xuất hiện trước công chúng từ năm 2003 tới nay
Masako rất ít khi xuất hiện trước công chúng và gần như không thực hiện nghĩa vụ chính thức của mình từ năm 2003. Bà được nhắc tới như một người “ốm yếu” hay thường xuyên phải “điều trị rối loạn”, chứng bệnh do áp lực về chuyện sinh con trai nối dõi và thực hiện các nghi thức hoàng gia gây nên.
Masako từng xẩy thai vào năm 1999 và mãi tới tháng 12 năm 2001, bà mới sinh hạ được Công chúa Aiko. Mặc dù công chúa rất đáng yêu nhưng theo luật của Hoàng gia Nhật, con gái không được phép thừa kế ngai vàng.
Trong khi đó, Công nương Kiko, vợ của Hoàng tử Akishino, em trai Thái tử Naruhito lại sinh được một bé trai vào tháng 9 năm 2006. Một số người cho rằng việc một bé trai này ra đời hẳn đã cất được một gánh nặng cho công nương Masako. Tuy nhiên, ông Toshiya Matsuzaki, một chuyên gia về các sự vụ của hoàng gia lại tỏ ra e ngại: “Đứa trẻ ra đời chắc chắn đã tạo cho Masako một áp lực mới. Trong trường hợp xấu nhất, bà sẽ tự trách mình không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ phải chịu đựng một nỗi xấu hổ thật lớn trước người dân Nhật. Như vậy, sức khỏe của Masako có thể sẽ còn suy giảm nữa”.
Thái tử Naruhito đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích và khiển trách từ Hoàng gia vì công khai chuyện vợ mình đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm vào năm 2004. Ông đổ lỗi cho sự khắc nghiệt và áp lực của cuộc sống hoàng gia đã phá hủy cá tính và sự năng động vốn có của Công nương thậm chí Thái tử còn ví vợ mình như một tù nhân của chốn hoàng cung.
Theo VietNamNet