Nội quy họp Quốc hội buộc Thủ tướng, Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức
Chiều 18/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo là quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao thay cho việc phát biểu nhậm chức.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, xung quanh vấn đề này còn 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định về lễ tuyên thệ để bảo đảm việc tuyên thệ trang nghiêm, trọng thể, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi. Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng không nên quy định chi tiết về tuyên thệ để tạo sự linh hoạt, chủ động cho các chủ thể thực hiện tuyên thệ.
Nội quy kỳ họp được xây dựng với quy định, ngay sau khi được bầu, các chức danh đứng đầu nhà nước phải tuyên thệ nhậm chức (ảnh: Việt Hưng).
Nghiêng về loại ý kiến thứ nhất, cơ quan soạn thảo nội quy quy định thể hiện trong văn bản, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Lễ tuyên thệ của các chức danh này được tiến hành trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội theo trình tự sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ thì chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lên bục danh dự tuyên thệ trước Quốc kỳ.
Liên quan đến thủ tục tuyên thệ, một số ý kiến băn khoăn về thời gian, nội dung tuyên thệ, vì nếu khôn quy định thì có người chỉ nói mấy câu nhưng có người có thể phát biểu cả bài dài.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, bản nội quy kỳ họp đã có quy định, mỗi chức danh chỉ có 5 phút để phát biểu trước Quốc hội và nội dung tuyên thệ là giống nhau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên chờ bầu xong tất cả các chức danh mới làm lễ tuyên thệ mà cứ ai được bầu xong thì sẽ tuyên thệ luôn để có thể thực hiện nhiệm vụ mới ngay.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào cần trang nghiêm, nhưng đơn giản gọn gàng thôi và không nên nghiêm trọng hoá hoạt động tuyên thệ nhậm chức này.
Video đang HOT
Về vấn đề trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp, dự thảo nội quy quy định rõ việc Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu phải gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ bức xúc từ thực tế, là đại biểu của nhân dân, thay mặt cử tri khi đi họp mà hội trường không ít buổi vắng hoe.
Ông Giàu cũng bác bỏ lý do đã được nói đến nhiều lần là tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm ở Quốc hội lớn mà theo quy định, chỉ cần dành 1/3 thời gian làm việc cho công tác đại biểu. “Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm thì lại dự họp không thường xuyên” – ông Giàu nhận xét.
Chủ nhiệm UB Kinh tế đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này cũng như làm rõ hơn quy định điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử. Theo đó, các đại biểu Quốc hội không được điểm danh thay đồng nghiệp.
Ông Giàu cũng băn khoăn cho rằng chế tài chưa chặt chẽ vì vẫn có trường hợp đại biểu để quên thẻ điểm danh hoặc thẻ vẫn cắm trên bàn và khi bật lên, hệ thống cũng tự điểm danh, thậm chí có đại biểu nhờ người khác cắm thẻ điểm danh hộ mình.
Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt tinh thần, vắng mặt là phải xin từ trước, đồng ý mới được nghỉ, đặc biệt bố trí đi nước ngoài đúng kỳ họp là không được, có thể phân công người đi thay.
Giải trình thêm vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị quy định phiên họp toàn thể chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tham dự, nhằm góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, tăng cường kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tham dự đầy đủ kỳ họp của đại biểu, khắc phục tình trạng vắng số lượng lớn đại biểu trong nhiều phiên họp toàn thể.
Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, trong điều kiện Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nếu quy định như vậy sẽ có thể xảy ra trường hợp phải dừng phiên họp toàn thể do không đủ 2/3 số đại biểu tham dự, gây khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện đúng chương trình kỳ họp Quốc hội. Vì vậy, chốt lại, nội quy kỳ họp trong lần xây dựng này vẫn giữ quy định hiện hành, tức không quy định tỷ lệ đại biểu tham dự là một điều kiện tiến hành phiên họp toàn thể.
P.Thảo
Theo Dantri
"Quốc hội nghỉ sớm 2 tiếng không ảnh hưởng gì đến chất lượng!"
"Điều đó chứng tỏ chương trình tương đối tốt nên đại biểu không nêu ý kiến. Còn việc Quốc hội nghỉ sớm không ảnh hưởng đến chất lượng vì đại biểu thấy nội dung tốt rồi thì đồng ý", ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Chiều ngày 9/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã phân tích rõ những vấn đề liên quan đến việc buổi sáng cùng ngày Quốc hội nghỉ sớm khoảng 2 tiếng do không có đại biểu nào đăng ký phát biểu thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, đại biểu không cho ý kiến chứng tỏ chương trình đưa ra tương đối tốt (Ảnh Việt Hưng)
Phiên thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 diễn ra trong buổi sáng ngày 9/6 nghỉ sớm khoảng 2 tiếng so với dự kiến khiến nhiều người bất ngờ vì không một đại biểu nào đăng ký phát biểu. Xin ông cho biết lý do tại sao các đại biểu không nêu quan điểm trước diễn đàn Quốc hội?
Vấn đề này ngoài việc thảo luận tại tổ, các đại biểu còn được xin ý kiến trước đó rồi. Vì đã cân nhắc kỹ, lại không có ý kiến gì khác nên ra Quốc hội đại biểu không đăng ký phát biểu. Thực tế phải có gì mới mới phát biểu, nếu không sẽ làm mất thời gian của người khác.
Mà cũng có thể vì nội dung chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, đã được sắp xếp hợp lý nên đại biểu mới không có ý kiến. Quốc hội ở các nước cũng thế, họ chỉ thảo luận khoảng 30 - 40 phút. Nếu có chứng cứ thì đại biểu phát biểu, còn không có thì đại biểu không nói. Đó cũng là một văn hóa.
Thực tế mọi việc Quốc hội đang làm đều là hoạt động giám sát. Các nước không đưa ra chương trình giám sát riêng, người ta chỉ chia làm hai phần, trong đó một phần nghị trình phục vụ công việc của Chính phủ, một phần phục vụ công việc của đại biểu. Còn chúng ta hơi khác với chương trình các nước là đã làm một chương trình giám sát riêng.
Trước đó, khi cho ý kiến Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị quy định cụ thể số lần "nhả tơ" của các đại biểu chuyên trách trước diễn đàn. Vậy theo ông, vì không có ý kiến nên Quốc hội nghỉ sớm khoảng 2 tiếng chứng tỏ điều gì?
Điều đó chứng tỏ chương trình này tương đối tốt nên đại biểu không có ý kiến nữa. Nếu đã thấy chương trình ổn rồi thì không nên phát biểu chỉ để... phát biểu. Còn việc Quốc hội nghỉ sớm không ảnh hưởng đến chất lượng vì đại biểu thấy nội dung tốt rồi thì đồng ý.
Khi đại biểu đồng loạt ra về sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến, nhiều người nghĩ rằng Quốc hội Khóa XIII sắp hết, mọi việc gần như đã an bài nên nhiều người không muốn "nhả tơ" nữa, thưa ông?
Suy nghĩ Quốc hội khóa XIII sắp hết, đại biểu không chịu phát biểu là suy diễn. Trường hợp này, như tôi nói chương trình giám sát đại biểu thấy ổn thì không nhất thiết phải tranh luận.
Có ý kiến cho rằng, chi phí cho mỗi ngày họp Quốc hội lên đến cả tỷ đồng nên khi Quốc hội nghỉ sớm sẽ gây lãng phí ngân sách của Nhà nước?
Thứ nhất, tôi phải khẳng định không có số liệu nào nói họp Quốc hội mỗi ngày một tỷ đồng. Thứ hai, nếu thảo luận, tranh luận thì anh phải có cái để nói, nếu nói chỉ để hết thời gian thì không nên.
Một chương trình khi đại biểu đồng ý rồi thì còn phát biểu gì thêm nữa? Phải có vấn đề không đồng ý thì anh mới phát biểu. Đến Quốc hội các nước sẽ thấy, hầu như người ta chẳng nói gì. Đến phiên tranh luận họ mới nói, còn phiên như thế này không ai nói. Khi Chính phủ trình ra một dự án luật, ai đồng ý người ta bảo đồng ý, còn không đồng ý thì bảo không.
Còn nhiều thời gian như vậy, sao Quốc hội không linh hoạt đẩy các chương trình khác lên?
Phiên họp ở cấp xã thì có thể làm được như vậy, còn họp Quốc hội phải làm theo thủ tục.
Tiền lệ đã có buổi họp nào Quốc hội nghỉ sớm như vậy hay đây là trường hợp đầu tiên?
Đây không phải là trường hợp hy hữu mà từng xảy ra khi nội dung trình không có đại biểu nói. Thông thường những vấn đề nào không nóng, không có sự tranh cãi thì đại biểu ít ý kiến.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)
Theo Dantri
Vì sao sáng nay Quốc hội nghỉ sớm 2 tiếng? Phiên họp Quốc hội sáng nay 9/6 đã kết thúc sớm vào 9h15, sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến (11h30) do các đại biểu không đăng ký thảo luận... Sáng 9/6, theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Tuy nhiên, sau khi...