Nỗi oan ngàn năm và tấn bi kịch của “chiến thần” Lã Bố
Nếu như tìm đọc chính sử, người ta sẽ thấy rằng Lã Bố không phải là một kẻ thất phu và tiểu nhân đến như vậy…
Lã Bố tự là Phụng Tiên, là người đất Cửu Nguyên, quân Ngũ Nguyên.
Sau khi đọc xong “ Tam Quốc diễn nghĩa”, với nhiều người, ấn tượng sâu đậm nhất về “chiến thần” Lã Bố có lẽ là một kẻ hữu dũng vô mưu, trở mặt như trở bàn tay, chỉ biết đến lợi ích bản thân, không có nghĩa khí lại quỵ lụy nhan sắc, để đàn bà sai khiến… Nói chung, ngoài sức vóc thuộc loại “vô địch thiên hạ”, Lã Bố chẳng được mấy ai khen ngợi. Tuy nhiên, nếu như tìm đọc chính sử, người ta sẽ thấy rằng Lã Bố không phải là một kẻ thất phu và tiểu nhân đến như vậy…
Lã Bố tự là Phụng Tiên, là người đất Cửu Nguyên, quận Ngũ Nguyên. Sách “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ giới thiệu về Lã Bố là người “kiêu dũng, giỏi võ nổi tiếng đất Tính Châu (Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc)”.
Điều này có lẽ chẳng cần phải nói nhiều, bởi lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên người ta gọi Lã Bố là “chiến thần”. Tuy nhiên, đoạn mà tác giả “Tam Quốc Chí” viết ngay sau đó mới quan trọng: “Quan thích sử (Tính Châu) Đinh Nguyên phong cho Lã Bố là kỵ đô úy.
Khi đóng quân ở Hà Nội đã giao cho Bố chức chủ bạ, coi như một tay chân thân tín”. Đây chính là nội dung đã bị các nhà tiểu thuyết vô tình hoặc cố ý “bỏ quên”, đặc biệt là công việc “chủ bạ” mà Lã Bố được Đinh Nguyên giao phó.
Vào thời nhà Hán, chức chủ bạ là chức quan quản các việc lương thảo, công văn thư tín trong quân đội, là một chức quan văn thuần túy, công việc phải xử lý cũng rất vụn vặt. Hơn nữa, khi Lã Bố làm chức chủ bạ, được Đinh Nguyên coi như người thân tín, do vậy có thể thấy rằng, Lã Bố làm công việc của một chủ bạ không đến nỗi tệ.
Từ đó, có thể nói rằng, Lã Bố tuyết đối không phải là một kẻ ít học, hữu dũng vô mưu nhưng La Quán Trung đã mô tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Ngược lại, với vai trò của một chủ bạ, nếu nói theo cách hiện đại thì Lã Bố cũng là một “phần tử trí thức”, được ăn học đàng hoàng.
Sau khi Linh Đế băng hà, Đại tướng quân Hà Tiến cùng với Tư lệ hiệu úy Viên Thiệu bàn tính diệt trừ hoạn quan. Sau khi bàn tính, Hà Tiến cho triệu Đổng Trác mang quân vào kinh. Đinh Nguyên và Lã Bố cũng được lệnh “mang binh mã tới Lạc Dương, cùng với Hà Tiến giết bọn hoạn quan”.
Đinh Nguyên được phong làm chức “chấp kim ngô”. Chấp kim ngô là chức vị tương đương với chức tư lệnh cảnh vệ thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, kết quả sự việc thất bại, Hà Tiến bị hoạn quan giết chết, Lạc Dương đại loạn.
Lúc đó, Đổng Trác trên đường mang quân về Lạc Dương, nghe tin Hán Thiếu Đế và em là Lưu Hiệp đã trốn ra khỏi cung, đang ở Bắc Mang bèn mang quân tới đón rồi đưa về cung. Từ đó, Đổng Trác bắt đầu lộng quyền.
Sử chép, để củng cố quyền lực, Trác buộc phải tiêu diệt những kẻ có thế lực trong triều đình. Một trong số đó chính là Đinh Nguyên. Trác thấy Lã Bố được Đinh Nguyên tin cẩn, bèn mật lệnh cho Lã Bố giết Nguyên. Bố chém đầu Nguyên dâng cho Trác, Trác phong bố làm kỵ đô úy.
Trong sử sách chỉ chép đơn giản như vậy, tuy nhiên, tới “Tam Quốc diễn nghĩa” lại nói rằng, Lã Bố là con nuôi của Đinh Nguyên nhưng sau vì tham vàng bạc châu báu và ngựa xích thố nên mới theo Đổng Trác.
Kỳ thực, trong sử sách, chưa ai thấy nhắc tới việc Lã Bố là con nuôi của Đinh Nguyên hơn nữa cũng không có chuyện Trác dùng vàng bạc mua chuộc Lã Bố. Lúc bấy giờ Đổng Trác là tiền tướng quân, được phong hầu lại kiêm cả châu mục.
Luận về địa vị, Trác ở vị trí cao hơn hẳn so với chức châp kim ngô của Đinh Nguyên. Với địa vị ấy, nếu như Đổng Trác ra lệnh cho Lã Bố giết Đinh Nguyên thì Bố không có cách nào từ chối. Bởi lẽ, Bố không phải là người nhà của Đinh Nguyên mà là một quan lại nhà Hán.
Thêm nữa, lúc bấy giờ Đổng Trác vừa có công hộ giá, lại đang nắm sinh mạng của hoàng đế trong tay, một khi Đổng Trác nói rằng, giết Đinh Nguyên là chiếu chỉ của thánh thượng thì việc Lã Bố có muốn hay không không còn quan trọng nữa.
Ngoài ra còn một điểm rất quan trọng khác mà nhiều người thường bỏ quên, đó là vào thời kỳ vào kinh, Đổng Trác nổi tiếng là một “hiền thần”, hết lòng vì dân, vì nước.
Ngay khi vừa vào cung, Đổng Trác đã giới thiệu rất nhiều danh sĩ nổi tiếng trong thiên hạ giữ những chức vị cao trong triều đình còn bản thân thuộc hạ của mình, Trác đều chỉ phong cho chức vụ rất thấp. Một người biết chuộng hiền tài như vậy, đương nhiên, Lã Bố không khỏi không hy vọng sẽ được Trác trọng dụng mà thăng tiến.
Sau này, Vương Doãn và Tôn Thụy bày mưu để Lã Bố giết Đổng Trác là vì mâu thuẫn giữa Trác và Bố, tuy nhiên, mâu thuẫn đó không hề bắt nguồn từ Điêu Thuyền như những gì sách “Tam Quốc diễn nghĩa” đã mô tả.
Sử chép, “Trác gặp người khác thường không giữ lễ, sợ có người mưu hại mình, vì thế khi đi đâu đều sai Bố làm hộ vệ. Tuy nhiên, Trác tính nóng nảy lại hẹp hòi, nên không nghĩ trước sau. Có lần vì chuyện nhỏ mà cầm kích lao về phía Bố.
Bố nhanh nhẹn tránh được, sau đó tạ lỗi với Trác, Trác cũng cho qua. Từ đó, Bố âm thầm oán ận Trác. Trác thường xuyên sai Bố vào phủ canh giữ, Bố đã tư thông với một tì nữ trong phủ của Trác. Bố luôn sợ bị phát giác nên luôn lo lắng”.
Video đang HOT
Cũng vì Bố âm thầm oán hận Trác, lại thêm luôn trong tâm trạng lo sợ bị Trác phát hiện chuyện tư thông của mình nên Vương Doãn và Tôn Thụy mới lợi dụng Bố để giết Trác.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Lã Bố và Đổng Trác không giống với Bố và Đinh Nguyên trước kia. Sử chép: “Trác rất tin yêu Lã Bố, nhận làm con nuôi”. Vì thế, khi Vương Doãn nói chuyện giết Đổng Trác, Lã Bố đã nói: “Làm thế thì còn gì là cha con!”.
Vương Doãn nghe vậy đã nói với Lã Bố rằng: “Ngài vốn họ Lã chứ đâu phải họ Đổng, nào có quan hệ ruột thịt gì. Nay Đổng Trác chỉ lo cho ông ta, sao gọi là cha con được”. Nghe thế, Lã Bố bèn đồng ý. Đoạn mô tả trong sử sách này cho thấy, Lã Bố khi đó vẫn nhớ đến tình cha con giữa mình và Đổng Trác.
Tuy nhiên, khi đó, Đổng Trác đã trở thành một kẻ chuyên quyền, hung hãn, tàn bạo, một tên “quốc tặc” làm loạn thiên hạ, các chư hầu ở Quan Đông đều đã khởi binh thảo phạt Đổng Trác.
Có thể nói, lúc bấy giờ, việc giết Đổng Trác là việc ai cũng có thể làm. Vì vậy, nếu có gì đáng chê trách Lã Bố thì chính là Bố đã lấy việc công để trả thù riêng của mình.
Sự kiện diễn ra sau đó mới thể hiện hết tính cách của Lã Bố. Sau khi Đổng Trác chết, do Vương Doãn không tha cho thuộc hạ của Đổng Trác, vì thế, thuộc hạ của Trác là Lý Thôi, Phàn Trù, Lý Mông dẫn hơn 10 vạn binh mã vây thành Trường An.
Lúc bấy giờ, tại Lạc Dương, dưới sự hoạch định của Vương Doãn, Lã Bố được phong là Phấn uy đại tướng, tước là Ôn hầu, cung tham dự việc chính sự. Tuy nhiên, khi Lý Thôi, Quách Dĩ mang quân tới bao vây Trường An, Lã Bố tự mở cửa thành xông ra đơn thân độc mã đánh nhau với Quách Dĩ.
Với tư cách là một vị chủ soái, Lã Bố không nhất định phải đơn thương độc mã mở cửa thành ra đánh với Quách Dĩ. Hành động này cho thấy, Bố là kẻ không quan tâm nhiều tới đại cục, chỉ coi việc chém tướng đoạt cờ là quan trọng, giống với một hiệp khách giang hồ hơn là của một đại tướng quân.
Khi thành Lạc Dương bị phá, Lã Bố bỏ chạy. Bố yêu cầu Vương Doãn chạy theo mình nhưng Vương Doãn nhất định không đi.
Sau trốn khỏi thành Lạc Dương, đầu tiên Lã Bố tới đầu quân cho Viên Thuật. Tuy nhiên, Viên Thuật cự tuyệt không nhận Lã Bố. Bắt đầu từ đây, Lã Bố trải qua quãng thời gian bất đắc chí và không được may mắn.
Rời khỏi chỗ Viên Thuật, Lã Bố đi một mạch dài, qua sông Hoàng Hà tới quận Hà Nội thuộc Tính Châu, theo thái thú Hà Nội là Trương Dương – người vốn từng cùng ông phục vụ dưới trướng Đinh Nguyên.
Tuy nhiên, quân của Lý Thôi, Quách Dĩ đuổi quá gấp, Lã Bố lại phải rời Hà Nội đi về phía Nam, vượt sông tới chỗ Viên Thiệu. Tại đây, Lã Bố giúp Viên Thiệu đánh tướng Khăn Vàng là Trương Yên ở Thường Sơn. Yên có hơn vạn tinh binh, mấy nghìn quân kỵ.
Bố có con ngựa hay gọi là Xích Thố vì thế thường xuyên cưỡi ngựa mỗi ngày cùng vài chục thủ hạ xông thẳng vào trại địch ba bốn lần. Quân Trương Yên thua tan tác, bản thân Trương Yên nản lòng, cuối cùng nhận sự chiêu an của triều đình.
Lã Bố lập công, có ý coi khinh những thuộc hạ của Viên Thiệu, liên tiếp sai người giục Viên Thiệu thăng chức cho mình. Tuy nhiên, Thiệu có ý nghi kỵ Lã Bố, cứ ậm ờ không chịu phong chức. Thấy Viên Thiệu không đáp ứng, Bố bèn xin về Lạc Dương. Viên Thiệu ngoài mặt đồng ý, phong Lã Bố làm Tư lệ hiệu úy, nhưng sau lưng lại dặn các tướng thừa cơ giết ông.
Lã Bố đoán biết Viên Thiệu nghi ngờ mình, nên sắp đặt kế thoát thân. Ban đầu Lã Bố giả cách ngồi trong trướng gảy đàn tranh, nhưng sau đó đưa đàn cho người khác gảy tiếp để lừa thủ hạ của Viên Thiệu, còn mình thì bí mật nhân trời tối lẻn chạy trốn.
Một lúc sau thủ hạ của Viên Thiệu đi thám thính nghe tiếng đàn tắt tưởng Lã Bố đã ngủ bèn đi báo cho các tướng của Viên Thiệu. Các tướng ập đến mới biết bị lừa.
Viên Thiệu nghe tin báo không giết được Bố bèn sai người đuổi theo, nhưng những người đuổi theo đều không địch nổi Lã Bố, bị đánh phải quay trở về. Cùng đường, Lã Bố lại đành phải tìm đến chỗ Trương Dương. Trương Dương không nhắc lại việc trước đây Lã Bố ra đi không từ biệt, cho Bố quay trở lại.
Từ đây có thể thấy, nguyên nhân Lã Bố bỏ Viên Thiệu là do Thiệu đã có ý nghi kỵ Lã Bố từ trước. Hơn nữa, Lã Bố khinh thường những thuộc hạ của Thiệu là không xứng đáng ngang hàng với mình.
Kỳ thực, chuyện này không thể trách được Lã Bố, bởi lẽ, lúc bấy giờ, ngay cả chức xa kỵ tướng quân của Viên Thiệu cũng là tự phong chứ không phải là do triều đình sắc phong. Vì thế, những chức quan dưới trướng của Viên Thiệu đều do ông ta tự phong cho cả.
Những chức quan này đương nhiên không thể sánh ngang với chức phấn uy tướng quân, tước ôn hầu của Lã Bố do triều đình phong cho. Vì thế, Lã Bố có nói rằng, những thuộc hạ của Viên Thiệu không thể sánh ngang với mình cũng chẳng có gì sai cả.
Thêm vào đó, khi Lã Bố tham gia quân của Viên Thiệu đã lập nhiều công lớn. Chỉ riêng chuyện một mình một ngựa Xích Thố xông vào trại quân Trương Yên rồi đánh cho chúng tan tác cũng đủ thấy Lã Bố uy dũng thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà sử chép rằng, mọi người “đều sợ Bố”. Một vị tướng do triều đình phong, lại có công lớn đương nhiên có tư cách để cao ngạo một chút.
Lại nói chuyện Lã Bố sau khi trở lại với Trương Dương vẫn không được an toàn, bởi lẽ Lý Thôi, Quách Dĩ vẫn không chịu buông tha, còn ban lệnh treo thưởng truy nã Bố. Thuộc hạ của Trương Dương đều bị bọn Lý Thôi, Quách Dĩ mua chuộc, định hợp mưu bắt Lã Bố giao nộp.
Sau khi Lã Bố biết chuyện, đã nghĩ ra một nước cờ cực kỳ cao minh. Lã Bố biết Trương Dương là người nghĩa khí vì thế đã nhắm vào điểm yếu này của Trương. Chuyện kể rằng, Trương Dương là người khoan dung, quản thuộc hạ không nghiêm.
Ngay cả khi có người mưu phản, bị phát giác nhưng Trương Dương không xử tội mà chỉ khóc. Một hôm, Lã Bố nói với Dương rằng: “Nay Lã Bố này ở trong châu của ông. Ông giết tôi thì quân của ông sẽ yếu đi. Chi bằng bắt tôi giao cho bọn Quách, Dĩ sẽ được bổng lộc”.
Trương Dương vốn không có chủ ý này, tuy nhiên, Lã Bố nói không hề sai chút nào. Vì thế, Dương ngoài mặt thì hứa với bọn Quách, Dĩ sẽ bắt Lã Bố nhưng thực tế bên trong vẫn bảo vệ Lã Bố. Nhờ cách này, Lã Bố đã thoát được khỏi lệnh truy nã của triều đình, thoát khỏi thân phận của một tội phạm.
Từ đó, có thể thấy, Lã Bố rất biết cách nhìn nhận thế cục cũng như nắm bắt tính cách con người. Do đó, việc Lã Bố được giao cho chức chủ bạ đồng thời được Đinh Nguyên yêu thích cũng không phải là chuyện nói bừa.
Chẳng bao lâu sau, Duyễn Châu có nội loạn, lại cho Lã Bố một cơ hội để dựng lại sự nghiệp. Tuy nhiên, cuộc nội loạn này cũng bắt đầu từ Lã Bố. Trong thời gian Lã Bố trốn khỏi chỗ của Viên Thuật về với Trương Dương từng đi qua chỗ của Trương Mạc khi đó làm thái thú Trần Lưu.
Khi chia tay, hai người đã nắm tay thề sẽ tương trợ lẫn nhau. Viên Thiệu nghe tin rất giận dữ. Trần Lưu khi đó thuộc quyền cai trị của Tào Tháo, vì thế, Trương Mạc rất sợ Tào Tháo sẽ giúp Viên Thiệu đánh mình.
Tới năm Hưng Bình thứ nhất, tức năm 194, Tào Tháo do nghi ngờ châu mục Từ Châu là Đào Khiêm giết cha mình, bèn mang quân đánh Từ Châu. Không giết được Đào Khiêm, Tào Tháo sát hại rất nhiều người dân vô tội ở Từ Châu.
Trần Cung và Trương Siêu, em của Trương Mạc cùng nhau khuyên Mạc khởi binh làm phản, chống lại Tào Tháo. Cung khuyên Mạc rằng: “Nay thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi lên ở khắp nơi, thiên đế thì ở nơi xa không nên ngu trung.
Nay Lã Bố là kẻ tráng sĩ, thiện chiến, nếu như đón được người này về, cùng nhau cai quản Duyễn Châu thì có thể xưng hùng một phương”. Lý do mà Trần Cung khuyên Trương Mạc hợp tác với Lã Bố, chống lại Tào Tháo là vì Bố là người “tráng sĩ, thiện chiến”. Điều này một lần nữa chứng minh, Bố là một kẻ sức vóc, uy dũng hơn hẳn người thường.
Sau nhiều lần giao tranh với Tào Tháo, Lã Bố cuối cùng đã không địch lại được nhà quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc, đành phải bỏ chạy theo về với Lưu Bị. Một người cả đời phải vào vai một chính nhân quân tử như Lưu Bị đương nhiên không thích thú một kẻ giang hồ, theo chủ nghĩa cá nhân như Lã Bố.
Sách “Anh hùng ký” có chép rằng: Lưu Bị gặp Bố, rất vui mừng kính trọng, nói với Bố rằng: “Tôi và tướng quân là người cùng quê. Khi quân Quan đông khởi nghĩa, muốn giết Đổng Trác, tướng quân giết Trác theo về Quan Đông. Quân Quan đông lại lo lắng vì tướng quân, đều muốn giết ngài”.
Lã Bố nghe Lưu Bị nói vậy, mời vào trong trướng, ngồi lên giường vợ mình, ra lệnh cho vợ bái Lưu Bị, rồi rót rượu cho Lưu Bị và Lã Bố ăn uống. Trong tiệc rượu Bố gọi Bị là em. Lưu Bị thấy Bố lời nói và hành động không bình thường, bề ngoài thì vẫn vui cười nhưng trong lòng không vui.
Thực tế thì lúc bấy giờ, Lã Bố thực sự rất kính trọng Lưu Bị, hơn nữa, Lưu Bị với Bố cùng là người miền Bắc vì thế mới có chuyện mời Lưu Bị vào nhà sau, ngồi lên giường vợ mà lệnh cho vợ ra bái chào.
Hơn nữa, vào thời nhà Hán, quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân” vẫn chưa thực sự nặng nề như sau này vì thế, việc Lã Bố mời Lưu Bị vào nhà sau uống rượu cũng có thể là để thể hiện sự thân mật.
Vào thời điểm lúc bấy giờ, Lưu Bị 34 tuổi, Lã Bố hơn Lưu Bị 2 tuổi, do vậy Lã Bố gọi Lưu Bị là em cũng không có gì sai. Tuy nhiên, Lưu Bị lại không nghĩ như vậy. Bị cho rằng, Bố là kẻ tới hàng mình, do vậy gọi mình là “em”, lại cho vợ ra ngồi cùng uống rượu là việc không hợp lễ nghĩa vì thế mới nói rằng, “Lã Bố lời nói bất thường” mà không lấy làm vui.
Sau này, để chia rẽ Lã Bố và Lưu Bị, Tào Tháo nhân danh Hiến Đế phong chức cho Lưu Bị. Lưu Bị tiếp nhận. Lã Bố thấy Lưu Bị hợp tác với Tào Tháo, sợ hai bên liên kết đối phó với mình nên bắt đầu lo lắng. Về sau, Viên Thuật ở Dương Châu mang quân tấn công Từ Châu.
Lưu Bị mang quân ra chống cự ở Hoài Âm. Viên Thuật viết thư cho Lã Bố xúi Bố đánh úp Từ châu thì sẽ tạ ơn bằng 20 vạn hộc lương. Lã Bố nghe theo, nhân lúc hai tướng giữ Hạ Bì (thủ phủ Từ châu) là Trương Phi và Tào Báo bất hòa bèn mang quân đánh úp thành.
Tào Báo bị Trương Phi giết, thủ hạ là Hứa Đam và Chương Luống đến gặp Lã Bố, khuyên nhân lúc đêm tối đánh ngay thì ở trong thành sẽ làm nội ứng. Lã Bố bèn tiến quân, Hứa Đam mở cửa thành, Lã Bố chiếm được Hạ Bì.
Lưu Bị mang quân trở về định đánh chiếm lại Hạ Bì nhưng bị Lã Bố đánh bại, phải lui quân về Quảng Lăng. Trong lúc thất thế lại bị Viên Thuật đánh bại một trận nữa, phải chạy ra Hải Tây. Lúc bấy giờ, Lưu Bị rơi vào tình thế khốn quẫn không còn được nào để đi được nữa.
Trong tình thế ấy, Lã Bố vẫn không đuổi tận giết tuyệt Lưu Bị, ngược lại, chấp nhận cho Lưu Bị đầu hàng và cho về giữ Tiểu Bái theo yêu cầu của Lưu Bị. Sau này, Lã Bố tự xưng là châu mục Từ châu vẫn cho mời Lưu Bị xưng là thứ sử Dự Châu.
Từ cách ứng xử với Lưu Bị, đủ thấy, Lã Bố vẫn là một kẻ giữ đúng tính cách giang hồ trượng nghĩa của mình, không nhỏ nhen như Viên Thiệu, cũng không cạn nhân tình như Tào Tháo. Nhưng Lã Bố cũng chết cũng vì cái nghĩa khí giang hồ ấy.
Tháng 9 năm 198, Tào Tháo đích thân cùng Lưu Bị mang quân tới đánh Từ châu. Khi quân Tào kéo tới Hạ Bì, Lã Bố mang quân kỵ ra nghênh chiến. Tào Tháo bắt sống được viên mãnh tướng của Lã Bố là Thành Quảng, Lã Bố thua Bị mấy trận phải rút vào thành Hạ Bì cố thủ và sai người cầu cứu Viên Thuật và Trương Dương.
Tào Tháo bèn gửi thư dụ hàng ông. Lã Bố muốn hàng, nhưng Trần Cung cho rằng không nên, và hiến kế chia quân chống lại. Lã Bố ban đầu nghe theo, nhưng nghe lời vợ can không nên đi lại thay đổi ý định không đi nữa, chỉ sai Hứa Dĩ, Vương Khải đi cầu cứu viện binh của Viên Thuật lần nữa.
Quân Tào vây đánh 1 tháng không hạ được Hạ Bì, bắt đầu mệt mỏi. Tào Tháo muốn lui quân nhưng Tuân Úc và Quách Gia khuyên nên đánh gấp. Tào Tháo theo kế, sai quân khơi sông Nghi Thủy và sông Tứ Thủy đổ nước vào thành Hạ Bì.
Thành ngập nước, Lã Bố nguy khốn phải lui dần vào trong rồi rút lên cố thủ ở lầu Bạch Môn, thế cùng lực kiệt. Trong khi đó viện binh của Viên Thuật và Trương Dương vẫn không thấy đến.Trong bước đường cùng, Lã Bố đã mang vợ mình đến chỗ Quan Vũ để lấy lòng, hy vọng Quan Vũ nói giúp với Tào Tháo.
Quan Vũ mang vợ Lã Bố đến cho Tào Tháo, Tào ưng ý và giữ lại chỗ mình, nhưng vẫn vây đánh thành. Đúng lúc đó Trương Dương ở Hà Nội phát binh cứu Lã Bố. Nhưng Dương bị thủ hạ là Dương Xú giết chết để hàng Tào Tháo.
Trong lúc đó, một thủ hạ của Lã Bố là Hầu Thành bị trách phạt nên oán hận, bèn bắt trói Trần Cung và Cao Thuận mang nộp và mở cửa ra hàng Tào Tháo. Tào Tháo cùng Lưu Bị thúc quân vào.
Lã Bố trên lầu Bạch Môn bị dồn vào đường cùng, nói với các thủ hạ hãy chặt đầu mình nộp cho Tào Tháo lấy thưởng, nhưng các thủ hạ của ông không nỡ làm.
Quân Tào tiến lên lầu bắt trói được Lã Bố. Lã Bố muốn xin Tào Tháo cho mình đầu hàng, lại nhờ Lưu Bị nói giúp. Nhưng Lưu Bị khuyên Tào Tháo nên giết Bố vì Bố là người hay trở mặt, từng giết Đinh Nguyên và Đổng Trác. Tào Tháo nghe theo, bèn sai mang Lã Bố giết chết.
Rõ ràng, nếu như lúc trước, Lã Bố nhẫn tâm tận diệt Lưu Bị có lẽ sẽ không bị một lời của Lưu Bị mà mất đi tính mạng. Bi kịch của Lã Bố ấy là bi kịch của một kẻ sinh không hợp thời.
Theo xahoi
Sơn Âm công chúa: Đệ nhất dâm loạn Trung Quốc?
Lịch sử Trung Quốc không ít những người đàn bà đẹp bị mang án loạn luân.
Sơn Âm công chúa và Lưu Tử Nghiệp đều là những người thích hưởng lạc, ham mê nhục dục đến mức coi thường cả lễ giáo. (Ảnh minh họa)
Sơn Âm công chúa Lưu Sở Ngọc là con gái của Nam Tống Hiếu Vũ đế Lưu Tuấn và Văn Mục hoàng hậu Vương Hiến Nguyên. Nói đến Lưu Sở Ngọc là nhắc đến một dung mạo tuyệt trần, khó mỹ nữ nào sánh bằng, nhưng trên hết, nàng ta còn được lịch sử "ghi nhận" bởi sự hiếu dâm có một không hai của mình.
Loạn luân với em trai
Năm thứ 8 Đại Minh, tức năm 464, em trai của Sơn Âm công chúa là Lưu Tử Nghiệp đã chính thức được kế vị ngôi vua. Khi ấy Lưu Tử Nghiệp vừa tròn 16 tuổi, còn Sơn Âm công chúa đã đi lấy chồng từ lâu. Vừa lên ngôi, ông vua trẻ này đã nhanh chóng khiến cho cả triều đình và đất nước kinh khiếp vì bản chất dâm loạn và tàn bạo của mình. Mối tình với Sơn Âm công chúa chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự dâm loạn bất chấp đạo lý của Lưu Tử Nghiệp.
Sơn Âm công chúa và Lưu Tử Nghiệp đều là những người thích hưởng lạc, ham mê nhục dục đến mức coi thường cả lễ giáo. Chính Sơn Âm công chúa đã vào cung chủ động ăn nằm với em trai, và hai chị em suốt ngày quay cuồng trong niềm vui thân xác, mặc kệ mọi dèm pha của thị phi. Khi chồng của Sơn Âm công chúa biết chuyện đã vô cùng tức giận, tìm cách trừng trị người vợ lăng loàn và tên hoàng đế cậy quyền thế làm nhiều chuyện hèn hạ, nhưng rồi vị phò mã này đã bị Sơn Âm công chúa và Lưu Tử Nghiệp bày mưu giết hại thảm khốc.
Đòi tuyển 30 mỹ nam để thỏa mãn dục vọng
Sau một thời gian mặn nồng tình ái với Lưu Tử Nghiệp, Sơn Âm công chúa càng ngày càng trở nên hiếu dâm hơn nữa. Nàng ta tỏ ra đố kỵ với việc Lưu Tử Nghiệp luôn có hàng trăm mỹ nữ dập dìu bên cạnh, chỉ cần trỏ tay là có người đẹp phục vụ khoái lạc, và than vãn rằng như vậy là vô cùng bất công cho thân phận công chúa như mình. Chiều lòng người tình, Lưu Tử Nghiệp đã cho tuyển 30 mỹ nam trẻ trung, anh tú, sức khỏe cường tráng vào phủ công chúa để thỏa mãn nhục dục của nàng ta. Từ đó, nàng công chúa dâm loạn này suốt ngày hành lạc mua vui thỏa thích.
Lập mưu chiếm đoạt chú dượng
Khi đã chìm đắm, hả hê khoái lạc thân xác với 30 mỹ nam cường tráng, sôi nổi đang còn bừng bừng thanh xuân, Sơn Âm công chúa bỗng dưng thèm khát những cuộc ân ái đằm thắm với những người đàn ông già dặn kinh nghiệm, có nhiều từng trải trong chuyện chăn gối.
Dĩ nhiên, trước hết đó phải là một người đàn ông đẹp! Đại mỹ nam lọt vào mắt xanh của Sơn Âm công chúa là Trử Uyên, một người đàn ông vừa đẹp mã, vừa phong độ, lại đường hoàng chững chạc hơn người. Trử Uyên lúc ấy đang rất hạnh phúc cùng vợ là Nam Quận công chúa. Xét theo vai vế, Trử Uyên chính là chú dượng của Sơn Âm công chúa, vì Nam Quận công chúa là cô ruột của nàng ta. Trả lời cho tiếng gọi dâm dục đang sôi sục bên trong mình, Sơn Âm công chúa đề nghị Lưu Tử Nghiệp tạo cơ hội cho nàng ta được vui vẻ cùng chú dượng Trử Uyên vài ngày.
Biết Trử Uyên là người chính trực nên Lưu Tử Nghiệp dù rất chiều chuộng Sơn Âm công chúa cũng không dám ngang nhiên ép buộc ông, chỉ truyền cho Trữ Uyên đến phủ công chúa, rồi mặc chị gái tự bày kế sắp đặt sao cho được thỏa nguyện. Trử Uyên đến, Sơn Âm công chúa vô cùng sung sướng, cả ngày chải chuốt nhan sắc, là lượt xiêm y, dùng đủ mọi chiêu thức để dụ dỗ, quyến rũ, ve vãn ông. Thế nhưng, cả chục ngày trôi qua Trử Uyên vẫn trơ trơ như đá, không hề xiêu lòng chút nào trước nhan sắc tuyệt thế giai nhân của Sơn Âm công chúa. Nàng ta giận điên lên, đã trách mắng, chửi rủa người chú dượng đầy cuốn hút ấy bằng những lời lẽ vô cùng thậm tệ.
Sau khi Trữ Uyên thẳng thắn bày tỏ quan điểm thà tự sát chứ không loạn hành với cô cháu vợ, Sơn Âm công chúa đành uất hận và tiếc nuối để cho Trữ Uyên ra về. Vậy là âm mưu chiếm đoạt chú dượng bất thành.
Lịch sử Trung Quốc không thiếu những người đàn bà đẹp bị mang án loạn luân. Tuy nhiên, dâm loạn đến mức xem thường luân lý, lễ nghi một cách trắng trợn, ngang nhiên và trơ trẽn như Sơn Âm công chúa thì quả là hiếm có. Do vậy, nàng ta thật xứng đáng khi được xem là cô công chúa dâm loạn bậc nhất của Trung Quốc.
Theo xahoi
Trung Quốc sẽ bỏ ăn đũa? Một "cuộc chiến" đã chia rẽ hai thế giới Đông và Tây của Trái Đất trong hàng thế kỷ qua: Ăn đũa có ưu việt hơn dao - dĩa hay không? Nay thì câu trả lời có thể đã được quyết định, ít nhất là từ góc độ môi trường. Đũa dùng một lần gây lãng phí tài nguyên rừng của Trung Quốc....