Nỗi niềm những bà mẹ đón con trẻ ngày đặc xá
Ào ra ôm chầm lấy người thân song cũng có tội phạm nhí hững hờ trước giọt lệ vui mừng của mẹ…là cảnh chúng tôi ghi được ở trại giam Ninh Khánh ngày đặc xá.
Đặc xá tha tù dịp 2/9 năm nay, trại giam Ninh Khánh có gần 400 phạm nhân đủ điều kiện có tên trong danh sách xét đề nghị, trong số ấy có một số khi phạm tội còn ở tuổi vị thành niên.
Cũng là phạm nhân mặc áo số song điểm khác biệt là những phạm nhân nhỏ tuổi này được giữ nguyên mái tóc, không phải cắt “đầu đinh” như “phạm lớn”. Nhìn chúng chí chóe nhau khi nhặt cỏ, quét lá,…, gương mặt hồng hào, vô tư lự, cứ ngỡ đấy là buổi lao động tập thể của học sinh trung học.
Gom tiền bạn mua thuốc nổ về làm pháo
Tiếp xúc với chúng tôi, Nguyễn Xuân Nam, sinh năm 1995, ở phân trại số 2, trại giam Ninh Khánh không giấu nổi niềm vui khi biết mình có tên trong danh sách đặc xá lần này.
Nam bảo lúc đầu không tin lắm vì cứ nghĩ đặc xá chỉ dành cho những người lớn tuổi, án dài, đâu nghĩ mình cũng có cơ hội. Đến khi biết chắc mình đủ tiêu chuẩn, Nam xin cán bộ cho báo tin về gia đình và kể từ hôm đó, lúc nào Nam cũng cười và hồi hộp.
Lễ khai giảng lớp học phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2013 tại trại giam số 5 Bộ Công an
“Cháu mừng lắm, báo tin thì mẹ òa lên khóc”, Nam kể, khẽ hất mớ tóc mái kiểu Hàn Quốc. Theo tâm sự của Nam thì sau khi ở đây về, cậu ta sẽ đi học tiếp để hoàn thiện chương trình phổ thông, nếu không được chấp nhận sẽ đi học nghề.
Nam sinh ra ở Tiền Hải, Thái Bình, là con út nên ít nhiều cũng được chiều chuộng. Còn nhớ cái tết ngày đang học lớp 10, nghĩ phải làm một điều gì đó cái tết thật “xôm”, Nam tính chuyện làm một dàn pháo với những quả pháo “khủng” để đón tết.
Muốn có pháo phải có thuốc nổ, thế là tích cóp tiền, xin bố mẹ và vay mượn thêm được hơn triệu đồng, Nam mua được 5kg thuốc pháo. Bạn bè biết ý định của Nam, người nhiều, kẻ ít gửi Nam mua hộ. Tổng cộng khi bị bắt, Nam đã mua tới 17kg thuốc nổ.
Hỏi Nam có biết tàng trữ thuốc nổ, pháo lậu là phạm pháp không, Nam gật đầu bảo nhà trường có nhắc nhở nhưng mấy đứa chơi thân với nhau ngồi tranh luận thì khăng khăng cho rằng bị bắt lần đầu chỉ bị phạt hành chính, lần sau mới phạt nặng nên Nam tặc lưỡi, thế là phạm tội.
“Hôm bị bắt cháu run lắm, chẳng biết nước mắt nhiều hay mồ hôi đổ ra nhiều nữa”, Nam kể. Bị tạm giam 24 tiếng lấy lời khai sau đó được tại ngoại thế nhưng với Nam 1 đêm nằm trong buồng giam ấy thật là kinh hoàng.
Video đang HOT
“Cháu sợ lắm vì thấy xung quanh toàn người lạ, ai cũng gườm gườm nhìn mình. Có anh hất hàm hỏi tội gì rồi buông 1 câu: “ngu”, người khác thì lắc đầu cười nhạt. Vừa sợ vừa lạ nên tối đó cháu không dám ngủ”, Nam nhớ lại.
Được tại ngoại chờ ngày hầu tòa rồi cả khi đã có án vẫn được tại ngoại, Nam quyết định đi trả án sớm vì “đằng nào cũng nghỉ học rồi, đi sớm về sớm”. Quyết định của Nam khiến cả nhà sững sờ nhưng đều nhất trí. Vậy là Nam về trại giam Ninh Khánh cải tạo bản án 18 tháng tù.
“Vào trong này được học đan cót, cháu nhớ trường lắm. Bạn cùng lớp hay viết thư vào kể chuyện ở nhà, ở trường làm cháu càng ân hận. Nếu không vì điên rồ với mấy quả pháo thì giờ này cháu đã tốt nghiệp rồi, biết đâu thi đỗ đại học như anh trai cũng nên”, Nam kể. Anh trai Nam đang học năm thứ 3 Đại học Công nghiệp, nghe tin em bị bắt vì buôn thuốc nổ, thương em đến nỗi gặp lần nào cũng mắng xối xả rồi khóc. Nam bảo không giận anh, lần này về sẽ xin vào học vào một lớp bổ túc nào đó hoặc trung tâm giáo dục, nếu không được chấp nhận sẽ đi học nghề điện tử.
Cuộc gặp giữa hai mẹ con Nguyễn Trọng Hoàng
Rồi Nam nhắc đến mẹ, đến anh trai và thật hồn nhiên, cậu ta bật khóc nhưng nhanh chóng toe toét cười. Nam bảo từ nửa tháng nay rồi, cậu ta đếm từng ngày chờ tin đặc xá.
Những giọt nước mắt
Trong khi Nam hào hứng kể về mình, thành thật về tội lỗi và khoe cả dự định sẽ nhảy cẫng lên ôm cổ bố thì Nguyễn Trọng Hoàng, sinh năm 1997, lại tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm. Thậm chí ngay cả mẹ Hoàng nước mắt lưng tròng, nói như van xin con trai đi với mình, cậu ta vẫn cứ tỉnh bơ, mãi mới nhấm nhẳng bảo mẹ có tiền thì cho hắn vài triệu đồng mua quà đãi bạn trước khi chia tay.
Phạm tội cướp giật khi vừa bước qua tuổi 15, tuy nhiên với bản án 15 tháng tù và sự chấp hành tốt nên Hoàng có tên trong danh sách xét đề nghị đặc xá dịp 2/9 năm nay. Đáng ra phải mừng vì được về nhà thì Hoàng lại lưỡng lự bởi nhà hắn, nói đúng hơn chỉ là nơi để hắn trú nắng, trú mưa chứ từ lâu đấy đâu còn là một ngôi nhà cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bố Hoàng, một con nghiện ma túy nặng, đi cơ sở giáo dục như đi chợ, từ ngày đi cà nhắc vì tai nạn giao thông tính khí trở nên côn đồ và hay trộm cắp hơn. Mỗi khi không chôm được thứ đồ gì của hàng xóm, lục ví vợ cũng chẳng ra tiền để tiêm chích, ông ta lại đem vợ con ra để hành hạ.
Quá sợ những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng nhưng trước những lời dọa giết của ông ta, mẹ Hoàng không dám ly hôn hay đưa con về sống với mình. Từ nhiều năm nay mẹ Hoàng lên Hà Nội làm giúp việc, hàng tháng gửi tiền công về cho mẹ chồng nhờ nuôi hộ 2 đứa con. Bà nội Hoàng thì già cả, chỉ biết khóc và than trời mỗi khi con trai nổi máu điên hành hạ các cháu.
Năm học lớp 7, Hoàng đã ý thức được hoàn cảnh của mình song nỗi mặc cảm đã khiến cậu ta không đủ can đảm đến trường. Hoàng bỏ học, đàn đúm với những thanh niên lớn tuổi đi trường giáo dưỡng, thậm chí đi tù về và đó cũng là con đường khiến hắn trở thành kẻ cướp giật khi chưa đầy 15 tuổi.
Bị kết án 15 tháng tù, Hoàng về trại giam Ninh Khánh cải tạo nhưng nơi lưu trú thường xuyên của cậu ta lại là bệnh xá. Thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, Hoàng bị viêm phổi mãn tính nên mỗi khi trở trời là bệnh cũ tái phát, mỗi đợt ốm nằm bệnh xá cả tháng trời.
Biết tin con được đặc xá nhưng đang ốm vì viêm phổi nên phải nằm bệnh xá, mẹ Hoàng mướt mải đón xe khách vào thăm con. Vừa nhìn thấy Hoàng lật khật đi ra, người đàn bà nhỏ thó đã òa lên khóc.
Chị chạy tối ôm chầm lấy con nhưng đáp lại, Hoàng gạt phắt tay mẹ ra, cáu kỉnh: “nằm nửa tháng rồi mới lên, có mang tiền cho con không”. Chị Nụ, mẹ Hoàng khẽ lắc đầu than vãn: “Mẹ làm gì có nhiều thế đâu con, có 3 triệu tiền công thì còn phải gửi về cho bà nuôi em nữa chứ”. Hoàng giật giọng: “Không có thì lên làm gì, từ tháng 5 giờ mới lên thăm mà sao không có tiền?”.
Người mẹ vẫn nhẹ nhàng: ” Hai tháng trước không có việc, vừa mới sang nhà này được 1 tháng, ai người ta cho tạm ứng mà có nhiều”. Mặc, Hoàng vẫn lạnh lùng, nhấm nhẳng. Cậu ta quay lưng lại không thèm nhìn, mặc cho người mẹ nước mắt bắt đầu lã chã.
“Hoàng ơi, con được về mẹ mừng lắm. Được tha hôm nào thì báo để mẹ đón nhé. Lên Hà Nội đi làm với mẹ, mẹ con mình thuê nhà ở được không. Con đi thì mẹ mới về đưa em lên được, mới cứu được đời nó. Con về nhà, bố như thế rồi mày lại sớm vào đây thôi”, chị Nụ mếu máo.
Hoàng nhấm nhẳng: “Con không đi dâu cả, con muốn về nhà, học nghề cắt tóc chỗ anh hàng xóm”. “Con muốn học nghề cắt tóc thì trên Hà Nội cũng có chỗ cho con học, người mẹ cố thuyết phục”. “Không đi, mẹ đừng thuyết phục con, con muốn về nhà học nghề, mẹ thích đi thì kệ mẹ. Có lo thì gửi tiền về cho con học nghề”, Hoàng trả lời cụt lủn.
Một năm sống trong tù song chỗ của Hoàng đến thường xuyên nhất là bệnh xá vì căn bệnh viêm phổi mãn tính. Lạnh cũng viêm phổi mà nóng cũng viêm phổi, mỗi đợt như thế, Hoàng nằm trạm xá đến nửa tháng và phải tiêm mới khỏi.
Những ngày không ốm, Hoàng cùng những phạm nhân nhỏ tuổi được giao nhiệm vụ quét dọn, nhặt cỏ quanh mấy dãy buồng giam. Công việc nhẹ nhàng và ít gò bó có lẽ khiến Hoàng chưa ý thức thế nào là mất tự do, là đi tù nên khi gặp mẹ chỉ yêu sách, đòi hỏi.
Trong suy nghĩ của Hoàng, có lẽ cậu ta nghĩ rằng việc mình vào trại là do hoàn cảnh gia đình nên mẹ Hoàng phải có trách nhiệm gửi tiền cho cậu ta chi tiêu. Thế nên ngay trước chúng tôi, Hoàng đưa ra đủ các loại yêu sách rồi lườm nguýt mẹ mặc cho chị Nụ hết lời thanh minh rằng mới tìm được việc làm.
Nhìn cảnh bà mẹ trẻ nước mắt lưng tròng, hết lời năn nỉ con ra tù về ở với mình trong khi cậu con trai nét mặt cứ thản nhiên, lạnh lùng trước sự đau khổ của người mẹ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Có ngàn lẻ lý do khiến người ta phạm tội thì cũng có chừng ấy hoàn cảnh xô đẩy trẻ vị thành niên phạm pháp. Tâm trạng buồn vui lẫn lộn khi biết được trở về sớm hơn đã định là điều dễ hiểu với những con người này song hai trạng thái của Nam và Hoàng hoàn toàn trái ngược nhau khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ.
Cũng lớn lên từ vùng quê nhưng Nam và Hoàng khác hẳn nhau cả về tính cách, thái độ và hành vi phạm tội. Phải chăng vì sớm thiếu sự chăm sóc của mẹ hay bởi những hành động côn đồ của người cha đã khiến Hoàng sớm trơ lỳ, vô cảm.
Dù thế nào thì chúng tôi vẫn cứ mong sao sau khi ở trại giam trở về, những đứa trẻ như Hoàng, như Nam sẽ nhận thức được thế nào là phạm tội để vươn lên làm người có ích dù phía trước còn lắm lắm chông gai.
Theo Lam Trinh
Hơn 15.000 phạm nhân đủ điều kiện đặc xá dịp 2/9
Theo trung tướng Cao Ngọc Oánh, năm nay, căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn về xét đặc xá sẽ có hơn 15.000 phạm nhân đủ điều kiện.
Ngày 18/8, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá đã đến kiểm tra công tác đặc xá năm 2013 tại Trại giam Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình. Sau khi kiểm tra tại các phân trại của trại giam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quá trình cải tạo và xem xét đặc xá, các trại giam, trại tạm giam phải làm rõ được chính sách nhân đạo, khoan hồng, nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với các phạm nhân. Công tác xem xét đặc xá phải được rà soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các phạm nhân ở Trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình.
Đánh giá cao nỗ lực của Trại giam Ninh Khánh, Phó Thủ tướng lưu ý cán bộ, nhân viên công tác tại đây cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo đảm sinh hoạt, vệ sinh trật tự cho phạm nhân; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trại giam, chăm lo đời sống tinh thần của các phạm nhân.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bác bỏ quan điểm sai trái về công tác đặc xá. Công tác tái hoà nhập cộng đồng phải được cả hệ thống chính trị và xã hội quan tâm thường xuyên. Các cấp, các ngành cần triển khai nghiêm túc Nghị định 80 của Chính phủ về tái hoà nhập cộng đồng. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, quan tâm đến đời sống của người được đặc xá, tha tù như cho vay vốn để sản xuất, giới thiệu việc làm cho người được đặc xá để họ không tái phạm.
Theo Đại tá Phạm Hữu Học, Giám thị Trại giam Ninh Khánh, hiện trại đang giam giữ và cải tạo hơn 4.300 phạm nhân, trong đó có gần 750 là nữ.
Về việc xem xét công tác đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước, đơn vị đã khẩn trương quán triệt, phổ biến chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đến các phạm nhân để phạm nhân tự liên hệ với bản thân, bình xét và bỏ phiếu kín. Mặt khác, đơn vị đã hướng dẫn cho các phạm nhân về nơi cư trú sau khi được đặc xá, làm chứng minh thư nhân dân và các thủ tục khác để tái hoà nhập cộng đồng.
Đến nay, Hội đồng xét đề nghị đặc xá đã tiến hành họp xét duyệt ban đầu cho 383 phạm nhân có đủ điều kiện. Sau đó, đơn vị đã niêm yết công khai danh sách số phạm nhân đủ điều kiện xét đặc xá để phạm nhân biết.
Trong khi đó, theo Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý trại giam và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8, Bộ Công an), năm nay, căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn về xét đặc xá, có hơn 15.000 phạm nhân đủ điều kiện để xem xét được hưởng đặc xá. Danh sách được trình Hội đồng Tư vấn đặc xá và Chủ tịch nước xem xét, quyết định nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Tổng cục 8 và các trại giam, trại tạm giam đã triển khai nghiêm túc, khẩn trương, đúng điều kiện tiêu chuẩn đối với các phạm nhân được đặc xá. Quá trình đặc xá bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, bảo đảm đúng các tiêu chuẩn, không để sót người đủ tiêu chuẩn và để "lọt" người không đủ điều kiện, không để dư luận xấu về quá trình đặc xá.
Theo Chinhphu.vn
Hạnh phúc ngày trở về của hàng trăm phạm nhân Những nụ cười rạng ngời, những cái ôm thắm thiết và cả những giọt nước mắt hạnh phúc tràn ngập trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), nơi có số phạm nhân được ân xá lớn nhất nước. Ngày 30/8, ngay từ sáng sớm, hàng trăm phạm nhân vẻ mặt đầy háo hức đã đứng chật sân trại giam Thủ...