Nỗi niềm của 2 hotgirl chuyển giới: Đổi 20 năm tuổi thọ, rất nhiều máu và nước mắt nhưng nếu có kiếp sau vẫn muốn là đàn bà
Họ chấp nhận mất 20 năm tuổi thọ, chịu đựng những cuộc phẫu thuật cắt xẻ, tạo hình đau chết đi sống lại, duy trì những mũi tiêm hormone suốt đời chỉ để cơ thể và tâm hồn trùng khít nhau, để được đi đến tận cùng hành trình làm đàn bà.
“Vậy thì em là ai? Trước đây, sau này là ai? Thế gian không một ai biết em sống cô đơn thế này”… Lời ca da diết của “Kiếp thứ hai” cứ xoáy mãi, lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi sau cuộc trò chuyện với Jessica và Vivian.
Họ – 2 người chuyển giới nữ, một người đào hoa, tình trường lận đận, có sự nghiệp riêng vẫn âm ỉ khát khao làm mẹ trong bất lực. Một người độc thân vui tính, từng lướt chân rong chơi qua những cuộc biểu diễn nhưng giờ chỉ muốn yên ả làm “cô bé thợ may”.
Nhưng họ có một điểm chung là đều chịu bao nỗi giày vò cả thể xác và tâm hồn để cãi lại 12 bà mụ, để sống đến tận cùng từng tế bào mình với trải nghiệm rung động nhất: Làm đàn bà.
Giấy sinh tử đã ký. Thuốc tê theo mũi tiêm ghim vô người, đầu óc bay bổng lâng lâng. Phần thân dưới trần trụi đang bị kéo ngược lên. Máu. Máu chảy tràn ướt hết lưng. Thịt da bị xẻ đi xẻ lại, lộn xuôi lộn dọc, khâu khâu vá vá. Hàng chục mũi ghim tạo hình bấm xuyên qua làn da mỏng, mũi ghim cuối bên trái đau đến cong cả người.
Đau! Đau quá!
Sau 3 tiếng phẫu thuật đầy đau đớn, những tiếng khóc hạnh phúc như lò xo bật tung khỏi cổ họng, không thể kìm giữ. Vậy là Jessica-trong-hình-hài-phụ-nữ đã được sinh ra…
Ngót 10 năm trôi qua, Jessica vẫn không thể quên được những cảm xúc dữ dội làm rung động hàng triệu tế bào của cô ngày hôm ấy – ngày phẫu thuật bộ phận sinh dục, cắt bỏ tàn dư của thân hình nam giới mà cô được trao từ khi sinh ra.
Nhưng chỉ ít giờ sau niềm sung sướng phát điên được làm đàn bà là những cơn đau nhức tận xương tủy. 4h sáng tỉnh dậy, quá đau đớn, Cà khóc lóc vật vã xin bác sĩ chích thuốc cho mình chết đi, vì dù chết khi đã là đàn bà cũng đủ mãn nguyện.
“Mình tập đi lại sau 10 ngày phẫu thuật. Mỗi cử động nhỏ xíu như hắt xì, ho, cười thành tiếng, thậm chí thở cũng đau đến mức khiến người ta phát điên. Suốt 10 ngày chỉ ăn đồ lỏng, hễ buồn vệ sinh là có y tá tiêm thuốc cho hết cơn, nước tiểu đi ra theo ống dẫn riêng. 14 ngày sau phẫu thuật mới được cắt chỉ, rút ghim, mà không hề có thuốc tê. Mỗi chiếc ghim bị giật ra, cảm thấy từng dây thần kinh của mình rung lên, co thắt lại vì đau”.
Nhưng đau đớn nhất chính là khâu tạo hình âm đạo giả. Cà nhớ như in sự hòa trộn của đau đớn, sợ hãi và cả mùi yếm khí xổ ra khi bác sĩ giật mạnh cục vải khỏi ống sinh dục. Nhưng đó chỉ là bước đầu, bởi để có được hình hài như phụ nữ, người chuyển giới như Cà còn phải chịu thêm 1 năm chăm sóc đặc biệt bằng cách nong sâu để đường mổ không co rút hoặc bị bít lại.
Phẫu thuật tạo âm đạo giả đã đau đớn kinh khủng, việc nong đường sinh dục còn đau đớn gấp ngàn lần. Nó giống như bạn đang có một vết thương chưa lành, đau đớn vò xé nhưng đành cắn răng mà làm nó đau thêm. Việc nong này không thể vội vã, mỗi ngày từng chút một theo kích cỡ đã được quy định, theo đúng giai đoạn mới có hiệu quả. Mà mỗi lần như vậy, là một lần chịu cực hình, “nhắc nhở” đến vết mổ để chối từ thân thể cũ.
Song song với đó còn là chăm sóc thân thể, là uống, tiêm hormone, là hồi hộp với những biến chứng… Nhưng với Cà, tất cả những thứ đó rất đáng giá, cả những trận đòn của ba mẹ, những giọt nước mắt rơi vì bị ma cũ ăn hiếp hồi đầu đi diễn, những áp lực khiến cô phải bỏ học ở năm thứ hai Đại học và rời bỏ cuộc sống công tử được cưng chiều để lao vào đời… Tất thảy đều đáng giá, vì sau cùng, Cà đã là đàn bà.
Video đang HOT
Hành trình cãi mụ của Vivian lại khác, dường như bình lặng hơn. Da nâu óng ả, chân dài miên man, bờ môi cong vểnh sexy và thách thức, Vi có dáng dấp của một cô gái cá tính từ cử chỉ cho đến cách nói năng. Hỏi Vi có phải học cách làm quen với cơ thể mới của mình, với việc trở thành phụ nữ hay không, cô nàng giãy nảy: “Em đâu cố gắng gì để được công nhận hay học hỏi gì đâu, em LÀ phụ nữ mà, trời đất ơi!”.
Thích để tóc dài, mặc đồ con gái, thích đi hát hò biểu diễn trong các đám cưới, Vi công khai việc sống với cuộc sống của một người con gái từ khi học lớp 9. Ba mẹ Vi, may thay, đón nhận việc đó cũng nhẹ nhàng, khi họ để cô tự do sống theo ý mình, miễn hạnh phúc là được. Họ thậm chí còn ngó lơ luôn tên thật đã đặt cho cậu con trai mà đổi thành “Vi ơi”, “con gái ơi”, kể từ khi Vivian quyết định sống như một phụ nữ.
Những năm tháng bươn chải ở Sài Gòn, từ bán vé số, bưng bê cafe, kết cườm đồ biểu diễn cho đoàn phim cho đến những cuộc dạo chơi với sân khấu, sự háo hức khi tiêm mũi hormone đầu tiên, lần đầu thấy “trái chàm” cưng cứng mọc lên ngực, phẫu thuật ngực rồi phẫu thuật vùng kín, từng mốc từng mốc thời gian Vi nhớ như in. 10 năm nhìn lại hành trình của mình, Vi thấy mọi xao động đều đã lắng lại, và cô bình thản bước vào cuộc sống của một phụ nữ trưởng thành.
Duy có niềm hân hoan khi được trở thành phụ-nữ-toàn-vẹn thì vẫn còn khấp khởi trong dáng vẻ sexy và giọng nói hí hửng của Vi mỗi khi nhìn ngắm mình. Ngày phẫu thuật xong toàn bộ, cúi nhìn cơ thể đàn bà lạ lẫm trước mắt mình, cô chỉ cười mãn nguyện, cười không thể khép miệng nổi, “đó là khi em biết ước mơ lớn nhất của mình đã xong rồi. Đó là ngày em được tái sinh”.
Những đau đớn cắt da xẻ thịt, với Vi giờ chỉ là chuyện nhỏ, vì hạnh phúc khi có cuộc đời mới đã xóa nhòa tất cả. Cuộc đời đầu tiên là bố mẹ ruột tạo ra, cuộc đời thứ hai là do mình chọn lựa, mà trong đó, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là cha mẹ. Cô vẫn đùa, đó là người đàn ông đầu tiên của đời mình, người đã tạo ra cô, một Vivian toàn vẹn đàn bà.
Những đau đớn trên hành trình phẫu thuật chuyển giới, thực ra chỉ là một phần dễ thấy những tâm tư chìm nổi mà người chuyển giới mang theo. Cái giá để đánh đổi lấy một hình hài mới, một thân phận mới không chỉ là tiền, là máu và nước mắt, mà có lúc là chính bằng mạng sống.
Khi chuyển giới, tức là họ chấp nhận rút ngắn tuổi thọ xuống khoảng 20 năm. Họ chấp nhận số phận vĩnh viễn không thể có con, phải uống/tiêm thuốc kích thích tố suốt đời nếu không muốn mình có thân hình nữ cũng không phải, nam lại càng không. Họ đã chơi đặt cược với số phận để “mua” vẻ mỹ miều hoàn hảo chỉ trụ được chừng 10 năm, sau đó thân hình, da dẻ mau chóng già nua hơn nhiều so với người bình thường.
Cà bảo, trên hành trình sống thật của người chuyển giới nữ, không ít người đã chết khi chưa kịp sống một ngày trọn vẹn là con gái, trên tay cô. Rồi những biến chứng, những cú sốc thì nhiều vô kể. Có người phẫu thuật âm đạo, khi về đến nhà, đi lên cầu thang không cẩn thận làm rách đường may, máu chảy như suối, may mà cấp cứu kịp.
Cũng có người tìm đến các cơ sở chui, phẫu thuật bơm ngực, bị ép tim; hoặc ham tiêm hormone nhiều cho đẹp, tự bơm silicon “hàng chợ” vào ngực, vào mông bị biến chứng, hoại tử. Có người tạo hình âm đạo xong, nong không đúng cách, đường sinh dục bít lại, chỉ còn có tác dụng trang trí.
Cà cũng thẳng thắn thừa nhận, đời sống tình dục của nhiều chị em chuyển giới cũng rất bất ổn do các bộ phận nhân tạo không thể có chức năng như của người thường. Nhiều người sau khi hoàn thiện bản thân thì đánh rơi luôn cảm xúc tình dục, bị lãnh cảm hoặc luôn có cảm giác mình là phụ nữ… tiền mãn kinh.
“Bao nhiêu đau đớn, bao nhiêu dị nghị, bao nhiêu sức khỏe, chỉ đổi lại để được sống, thậm chí được chết trong cơ thể đàn bà thôi đó. Mà có sống thì cũng không bao giờ bằng được đàn bà” – cô trầm tư.
Có nhiều phụ nữ ghen với người chuyển giới vì họ đẹp, họ được đàn ông săn đuổi. Nhưng có một sự thật là cô gái chuyển giới nào cũng tốn quá nhiều tiền, quá nhiều sức khỏe, quá nhiều định kiến, mà chắc chắn không thể giống phụ nữ hợp giới 100%.
Cà tâm sự, người chuyển giới nữ muốn đẹp là cả một hành trình đầy đau đớn, là hormone dùng hàng ngày, hàng tháng, không phải xài giữa chừng thì bỏ, vì có thể bị trổ mã đàn ông trở lại. Là sự tò mò về tình dục, gạ gẫm từ bên ngoài thì nhiều nhưng tình yêu thì quá đỗi chênh vênh…
Chẳng những vậy, họ còn phải cam phận sống trong vùng xám của pháp luật vì trên giấy tờ, cột thứ ba ghi chữ “khác” ngoài giới tính “nam” và “nữ” vẫn chưa được công nhận. Là hai chữ “bê đê” vẫn sẽ gắn với họ cả đời, dù cho nỗ lực đến đâu. Và day dứt hơn cả, đó là khát khao được làm mẹ mãi chơi vơi.
Cà trải lòng rằng, cô tự tin mình giỏi nấu ăn, biết vun vén, quán xuyến gia đình, giỏi thêu thùa may vá, có sự nghiệp riêng, kiếm ra tiền, tính cách lại dễ thương… Nhưng cô vẫn thua người phụ nữ thực thụ một điều cao cả nhất: Có con. Cà khao khát được làm mẹ để hoàn thiện bản ngã đàn bà của mình. “Tình yêu có thì tốt, không có chẳng sao, nhưng thèm con nít khủng khiếp. Mai này về già lấy ai hủ hỉ, chết ai lo, nhang ai đốt, nhiều nỗi lòng lắm…”.
Chẳng biết có cùng lý do đó không mà từ đó đến giờ, cũng có người này người khác ướm hỏi, tán tỉnh, nhưng Vivian khúc khích cười bảo, cô chỉ tìm hiểu vậy thôi chứ chưa từng có một mối tình sâu đậm nào, thậm chí thấy phiền toái vì bị đeo đuổi.
“Nhiều trai tìm đến phụ nữ chuyển giới vì tò mò, lợi dụng chứ không hẳn là yêu thương. Tình yêu trong giới này nó khó khăn và mong manh lắm. Rất ít người chuyển giới được yêu thương thật sự, rất rất khó luôn. Nếu ai đó yêu mình thật lòng, mình cũng đâu vì tình yêu đó mà đẻ con cho họ được”.
Cũng vì khó tìm vậy nên đôi khi họ giỡn hớt với nhau, bê đê hay dính nghiệp nuôi trai, lụy trai. Muốn có hạnh phúc thì phải bỏ tiền ra mua, muốn được thương yêu thì phải có kinh tế để lo cho người ta, gia đình người ta, thì mới không ai nói gì được mình. Có thể ai đó thấy lụy trai là khờ dại, nhưng trong thế giới của phụ nữ chuyển giới, có một loại hạnh phúc như thế thật.
Vivian tìm thấy hạnh phúc riêng trong việc tự yêu thương mình. Cô không để mình vơ vẩn nghĩ đến những nỗi buồn đau nhiều, mà hạnh phúc với cơ thể hiện tại, hạnh phúc với ý nghĩ mình có thể tự làm “nữ hoàng” mà không phải “công chúa” mong cầu tình yêu của “hoàng tử”. Không để mình có quá nhiều thời gian rong chơi, Vi tập trung vào công việc thôi. “Làm việc để tự chủ bản thân và báo hiếu ba mẹ nữa. Ba mẹ lớn tuổi rồi, nhà cửa cũng xập xệ, mình không lo thì ai lo”.
Yêu đương dẹp qua một bên. Một ngày của Vi trôi qua khá đơn giản. Với chiếc máy may, Vi sáng tạo ra thế giới quần áo xoay quanh mình. Trước đây Vi nhận may gia công cho một số cơ sở và xưởng may, còn hiện tại cô mới mở một thương hiệu của riêng mình.
Thi thoảng cô cũng nhận show biểu diễn, nhảy múa hát hò, hoặc làm mẫu ảnh, nhưng thù lao không đáng kể. Sức hút của ánh đèn sân khấu và sự tán thưởng của khán giả đã nhạt dần với Vi, và giờ cô thích gọi mình là cô bé thợ may hơn.
Vi bảo, cô giải phẫu vì muốn sống như một người con gái từ tâm hồn đến thể xác, để thỏa mãn sự bức bối, bực dọc vì hai mảnh của bản thân mình không trùng khít nhau, chứ không phải vì khát vọng được yêu hay phải kiếm bằng được một tấm chồng. Vi yêu bản thân mình và cố sống mỗi ngày như một nữ hoàng. Cô ghi phương châm đó lên gương soi mỗi ngày, dặn mình không được làm biếng, phải chăm chỉ, phải trân trọng cuộc đời thứ hai này.
Cô sexy theo cách của riêng mình, bình thường sống như bao nhiêu người phụ nữ khác. Hồi mới phẫu thuật, Vi cũng khoái mặc hở lắm, mặc đồ ren, xẻ trên xẻ dưới như muốn hét to với cả thế giới: “Ê mọi người, em là phụ nữ nè!”. Còn giờ, cô vẫn sexy, nhưng không làm lố, không khoe da thịt, vì “là con gái, ai mà làm vậy, kỳ lắm”. Ngoại trừ việc phải duy trì uống hormone, Vivian quên luôn việc mình là một người chuyển giới.
“Em không bao giờ hối hận vì đã phẫu thuật, chỉ hối hận sao mình không làm việc đó sớm hơn. Nếu được chọn lại, em vẫn muốn sống trọn vẹn cuộc sống của một phụ nữ, một cô-gái-không-bánh-bèo, như bây giờ vậy”, kiêu hãnh, cô nàng khẳng định.
Còn với Jessica, trải qua ngần ấy biến cố, bao nhiêu ván cược để đánh lừa số phận mà sống tiếp, cô chọn xoa dịu bản năng nữ tính của mình bằng việc trở thành “má Cà” của những đứa con nuôi; trở thành chỗ dựa, thành vòng tay bao dung ôm ấp nhiều người, đa phần là chuyển giới nữ.
Cà coi việc nhận nuôi, dạy nghề, chăm sóc “bầy con” như một cách trả lại những món quà, những săn đón, say mê mà những người đàn ông đến với cô hồi trẻ tặng cho. Cô nữ tính từ những chăm chút giản đơn như nấu ăn, dọn nhà, chăm “con” bệnh, rình “con” khi chúng đi chơi với trai khuya chưa về. Cô ép tụi nhỏ học hành, dạy nghề làm đồ biểu diễn, duy trì tiệm để lỡ mai có biến cố, tụi nhỏ vẫn còn nền tảng công việc để bám víu…
Và Cà hạnh phúc nhận ra, mình càng lúc càng giống mẹ mình quá. Sau 15 năm lưu lạc, nếu có điều gì khiến Cà xúc động nhất về cuộc sống đàn bà của mình, đó có lẽ là việc ba mẹ đã yêu thương, đón nhận cô như một người con gái. Và hơn thế, họ tự hào về cô.
Với Jessica và Vivian, có lẽ là với nhiều người chuyển giới nữ khác, những trăn trở, đau đớn, suy tư chẳng bao giờ vơi cạn – điều họ đã biết từ khi xác định bản dạng giới của mình. Và họ vẫn cố gắng làm điều tốt đẹp nhất để đáng với giá quá đắt mà mình đã trả. Để người đời, nếu không đồng cảm hoàn toàn, không mở lòng yêu thương hay công nhận cũng có thể để yên cho họ sống trong thế giới của mình, như một người đàn bà, mà không cần phải đợi đến kiếp sau.
Ảnh: Hòa Trần
Thiết kế: Tiêng Tiêng
Giận dỗi vợ, anh chồng mặc luôn váy để cãi nhau tay đôi, sự thật đằng sau khiến hội chị em bất ngờ!
Bị vợ cằn nhằn chuyện lười biếng, anh chồng có màn đáp trả cực chất!
Cách đây ít giờ, một chị vợ có tên là Hồng Nhung đã chia sẻ hình ảnh "mát mẻ" của chồng mình kèm lời chú thích hóm hỉnh: "Tôi: Lười à, lại bắt đầu hội chứng thích ăn đòn rồi đấy, mày có giỏi thì cãi lại tao đi. Chỉ có đàn bà mới cãi tay đôi với nhau thôi.
Chồng tôi: Ok".
Theo đó, bị vợ cằn nhằn chuyện lười biếng, anh chồng bực dọc đáp trả lại. Để đối phó với câu nói của chị Nhung, anh không ngần ngại... mặc luôn váy của vợ!
Hình ảnh nhanh chóng được hội chị em chia sẻ, ai cũng phì cười trước màn "cãi nhau tay đôi" của anh chồng này. Nhiều người còn cho rằng trong nhà có người lầy lội thế này thì thật vui cửa vui nhà.
Hình ảnh "mát mẻ" của anh chồng vui tính khiến hội chị em cười nghiêng ngả.
Chia sẻ về tấm hình của chồng, chị Nhung cho biết: " Chồng mình tên là Tuấn, vì chúng mình bằng tuổi (21 tuổi) nên cứ như cặp chim ri suốt ngày. Dạo này mình bầu bí, thời tiết nóng nực nên có hay cằn nhằn anh ấy.
Bức ảnh mình chụp lại là lúc anh ấy đang giận vợ nói nhiều. Mình mới trêu bảo mặc luôn váy vào rồi cãi nhau với mình, thế là anh ấy thực hành luôn. Cãi nhau mà tay vẫn đang rửa bát, dọn dẹp".
Vợ chồng nhà chị Nhung luôn được mọi người khen là có tướng phu thê!
Nói thêm về chồng mình, chị Nhung cho biết, thật ra chồng chị rất yêu thương, quan tâm chăm sóc vợ. Đây không phải là lần đầu tiên anh Tuấn mặc váy của bà xã.
"Quen biết nhau từ hồi cấp 1, lên cấp 2 chồng có yêu đơn phương rồi theo đuổi mình, nhưng lúc ý còn trẻ con nên mình không để ý lắm.
Học đại học xong, chúng mình vô tình gặp nhau và khi đó mới bén duyên. Yêu được gần 2 năm thì mới kết hôn.
Từ ngày mình mang bầu, việc trong nhà là chồng mình làm hết. Có hôm mình trêu chồng là sau sinh con, con có tận 2 người mẹ. Anh ấy cười phá lên rồi tự lục tủ lấy váy của mình mặc. Xong cứ để thế đi rửa bát dọn dẹp nhà, hoàn thành hết mọi thứ thì hớn hở: "Thế này chắc làm mẹ được rồi"" - Chị Nhung kể .
Hai anh chị bén duyên nhau từ lần chạm mặt ở 1 phòng gym.
Các cụ hay có câu chê trách: "Đàn ông mặc váy", ý chỉ về những người con trai nhưng lại mang tính cách đàn bà nhỏ nhen, ích kỷ. Nhưng anh Tuấn lại khác, anh thích mặc váy của vợ là để cho bà xã của mình vui. Chỉ cần chị Nhung cười anh chẳng ngại ngùng chuyện gì cả.
Khoảnh khắc hạnh phúc của anh Tuấn bên bà xã.
Chỉ còn ít ngày nữa là chị Nhung sinh em bé. Hai vợ chồng chị mong đợi ngày này từ rất lâu rồi!
Chị Nhung luôn lo lắng việc mình kết hôn sớm sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, con sinh ra sẽ vất vả. Nhưng thấy được sự cố gắng và quan tâm, yêu thương của anh Tuấn dành cho mình, Nhung tin chắc vợ chồng chị sẽ vượt qua tất cả và nuôi dạy con tốt nhất!
Phan Thành - Từ thiếu gia Sài Thành "đốt" 30 tỷ/tháng, chơi siêu xe trăm tỷ đến một doanh nhân chăm đi lễ chùa So với một thiếu gia Phan Thành chơi "ngông" của tuổi trẻ, ngoài 30, Phan Thành chậm lại và cũng tín hơn. Người ta thấy anh ít "thả thính" và than "ế" trên mạng xã hội. Nếu làm một lượt tìm kiếm trên Google với từ khóa "Phan Thành", kết quả trả về hầu hết là các bài báo về chuyện tình trường...