Nỗi nhớ bóng đá Việt
Không như Thai-League hoãn tới tháng 9, V-League dự kiến sẽ trở lại vào trung tuần tháng 5 nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt và có sự cho phép của Chính phủ. Nhưng quả thật sau hơn một tháng tạm nghỉ, nỗi nhớ bóng đá Việt đã trở nên cồn cào.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, V-League, giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam, đã tạm thời bị hoãn lại kể từ thời điểm 15/3. Và không chỉ riêng V-League, tất cả các giải đấu khác của bóng đá nước nhà cũng phải dừng lại, như thế giới, hoạt động của bóng đá nội đã bị “đóng băng”.
Các CLB ngừng tập luyện, cầu thủ trở về nhà nghỉ ngơi bên người thân của mình, đồng thời tránh dịch, trừ trường hợp của số ngoại binh. Hệ quả kéo theo từ việc giải đấu bị hoãn lại không đơn thuần chỉ là ngừng tập luyện, nghỉ thi đấu mà chuyện giảm lương là không tránh khỏi.
Giờ đây, chuyện giảm lương tại V-League, thậm chí cả giải hạng Nhất, đã trở thành phong trào mà không còn là câu chuyện của một vài CLB như TP.HCM, Thanh Hóa, Nam Định hay Hải Phòng, Sài Gòn FC…Ngay đến cả VFF cũng áp dụng kế hoạch giảm lương nhân viên từ tháng 4.
Thế nên, nỗi nhớ bóng đá, thèm cảm giác sân cỏ, muốn hòa mình vào guồng quay sôi động của các trận đấu giờ đang là cảm giác chung của rất nhiều người.
Nhưng may mắn là hiện nay Chính phủ cùng Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã và đang kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá tốt. Ở các địa phương trên cả nước cũng được chia thành nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Cúp QG có thể sẽ là giải đấu chuyên nghiệp trở lại sớm nhất ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Vì thế, nếu không có gì thay đổi, kế hoạch tái khởi động các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam sẽ được triển khai từ ngày 15/5 với các trận đấu trong khuôn khổ Cúp quốc gia và đến ngày 20/5, đến lượt V-League thi đấu. Kế hoạch này sẽ được thông báo đến các CLB sau ngày 22/4, thời điểm lệnh giãn cách xã hội kết thúc.
Mặc dù mới chỉ là dự kiến và vẫn còn những ý kiến trái chiều từ phía các CLB chứ không phải tất cả đều đồng nhất nhưng chí ít, khi đã có thời điểm chắc chắn của việc trở lại của các giải bóng đá quốc nội thì nỗi nhớ bóng đá của người trong cuộc sẽ vơi bớt đi rất nhiều.
Từ đó, không chỉ được duy trì guồng quay tập luyện và thi đấu, các cầu thủ cũng có thể sẽ không còn phải đối mặt với nỗi lo giảm thu nhập, cắt từ 30 đến 40 rồi 50% lương tháng. Với CĐV, dù có thể vẫn sẽ không được đến sân vận động theo dõi trực tiếp các trận đấu vì lệnh đóng cửa sân sẽ được áp dụng, nhưng ít nhất, họ vẫn còn cầu nối là sóng truyền hình trực tiếp để thưởng thức các trận đấu, vậy thì cũng đáng mừng chứ.
Cũng là nỗi nhớ bóng đá nhưng tâm lý của Duy Mạnh hay Xuân Trường, 2 tuyển thủ quốc gia đang điều trị chấn thương tại Trung tâm PVF, cùng với Huy Hùng, Hà Minh Tuấn lại mang một hàm ý khác. Với họ, dù không thể thi đấu được ngay khi V-League trở lại trong tháng 5 tới đây như dự kiến, nỗi nhớ bóng đá còn có thể kéo dài lâu hơn các đồng nghiệp của mình nhưng tất cả đều xác định không được phép chủ quan, mạo hiểm hay nóng vội với chấn thương của mình.
Đã có quá nhiều bài học trong quá khứ từ các đàn anh, những người đồng nghiệp và chính bản thân mình nên Xuân Trường, Duy Mạnh hay cả Đình Trọng đều đã xác định được mục tiêu trước mắt của mình, đồng thời biết cần phải làm gì để đạt cho được mục tiêu ấy.
Quãng thời gian giải đấu tạm ngưng vì dịch bệnh Covid-19 với những cầu thủ này cũng có mặt tích cực là giúp họ có thêm thời gian, sự tập trung trong việc điều trị chấn thương, loại bỏ được tâm lý nôn nóng trong quá trình điều trị, hồi phục.
Nỗi nhớ bóng đá luôn tồn tại nhưng nó tăng hay giảm là tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta.
Lâm Chi
Duy Mạnh chấn thương: Tại sao các tuyển thủ nối đuôi dính 'dớp'?
Tuyển Việt Nam nhận cú sốc tổn thất Duy Mạnh sau trận Siêu Cúp QG, Hà Nội thắng TPHCM 2-1. Thầy Park vốn gặp khó, thêm đau đầu, khi các học trò giỏi nối nhau dính 'dớp'...
1. Đúng như lo ngại của nhiều người khi chứng kiến hình ảnh Duy Mạnh đổ gục xuống sân, chỉ sau 5 phút ở trận Siêu cúp QG, trung vệ CLB Hà Nội dính chấn thương rất nặng, phải nghỉ thi đấu 6-8 tháng.
Theo chẩn đoán và chụp chiếu... trung vệ của tuyển Việt Nam được xác định đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, một tin tức xấu vì ai cũng hiểu rằng Duy Mạnh 'toang' luôn năm 2020.
Duy Mạnh chính thức nói lời chia tay sân cỏ từ 6 tháng đến 1 năm
Kết quả chẩn đoán thật đáng rầu rĩ với cá nhân Duy Mạnh, CLB Hà Nội và tuyển Việt Nam khi để trung vệ xuất sắc nhất của mình có thể quay trở lại thi đấu phải mất từ 6 tháng đến 1 năm với lộ trình phục hồi phức tạp, cẩn trọng.
2. Rất rõ ràng, thông tin Duy Mạnh chấn thương nặng là điều mà HLV Park Hang Seo không muốn nghe nhất vào lúc này, khi tuyển Việt Nam sắp bước vào trận đấu quan trọng đối với Malaysia ở vòng loại World Cup 2022.
Nên nhớ đây là trận đấu có ảnh hưởng rất lớn đến tấm vé đi tiếp của tuyển Việt Nam, trong khi đó HLV Park Hang Seo phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ nhân sự cho đến công tác chuẩn bị.
và chấn thương của Duy Mạnh khiến danh sách các cầu thủ tốt nhất của ông Park kể từ trận CK U23 châu Á tại Thường Châu dính chấn thương nặng kéo dài
Ông Park và tuyển Việt Nam không có Đình Trọng, Trọng Hoàng vì thẻ phạt, trong khi đó V-League dời lịch vì cúm Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình tuyển quân của chiến lược gia người Hàn Quốc. Vì thế, Duy Mạnh báo tin buồn càng làm thuyền trưởng tuyển Việt Nam khó có thể nuốt trôi.
3. Ai sẽ thay thế Duy Mạnh cho trận đấu, cũng như chặng đường tới đây của tuyển Việt Nam chắc chắn là câu hỏi không dễ có lời đáp của HLV Park Hang Seo. Nhưng đó lại không phải vấn đề lớn nhất của chiến lược gia người Hàn Quốc vào lúc này.
Điều ông Park quan tâm và lo lắng nhất xem ra phải là câu hỏi: Liệu rằng còn ai dính chấn thương nặng nữa, sau Duy Mạnh rồi trước đó là Văn Đức, Văn Thanh, Đình Trọng, Xuân Mạnh, Xuân Trường?
HLV Park Hang Seo không chỉ đau đầu với cá nhân Duy Mạnh, mà còn lo cho những cầu thủ khác khi chặng đường tới của tuyển Việt Nam thực sự khó khăn
Câu hỏi này thực sự khó trả lời, dù trước đó chính chiến lược gia người Hàn Quốc từng đặt vấn đề, và bày tỏ sự lo lắng của mình khi phần đông các học trò ở tuyển Việt Nam đối mặt với tình trạng quá tải, cùng lúc hệ thống y tế ở cấp CLB chưa tốt.
Chấn thương vì quá tải, vì xui rủi... là một phần của bóng đá, nhưng chắc chắn mọi chuyện không đi quá xa với tuyển Việt Nam nếu có đội ngũ y tế tại CLB tốt hơn, khi 2 năm qua rất nhiều cái tên xuất sắc dính chấn thương nặng, và nói lời chia tay với sân cỏ trong một khoảng thời gian rất dài.
Nói như thế không có nghĩa đổ lỗi hết cho hệ thống y tế từ cấp CLB, bởi chấn thương cũng đến từ cả thể trạng từng cầu thủ, tranh chấp... nhưng nếu như được nâng cấp bằng một đội ngũ chuyên nghiệp hơn nữa, có lẽ rủi ro sẽ giảm thiểu đi rất nhiều.
Đây mới là bài toán khó giải nhất của thầy Park chứ không chỉ riêng chuyện Duy Mạnh chấn thương nặng khiến tuyển Việt Nam đối mặt với khủng hoảng ở hàng thủ cho trận đấu gặp Malaysia vào cuối tháng 3 này.
Video TPHCM 1-2 Hà Nội:
Theo Vietnamnet
Thầy Park sắp trở lại, tuyển Việt Nam chốt sân đấu Iraq HLV Park Hang Seo quyết định sớm trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho trận gặp Malaysia, vòng loại World Cup 2022. Đại dịch Corona đã khiến kế hoạch của bóng đá Việt Nam đảo lộn. Theo đó, toàn bộ các giải đấu diễn ra trong tháng 2 như dự kiến đều phải điều chỉnh lại. Chính điều này khiến HLV Park...